Cai nghiện bằng thiền, yoga
Cơ sở xã hội Nhị Xuân ( huyện Hóc Môn, TPHCM) đang quản lý, chăm sóc 1.800 học viên là người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định và 350 học viên đến cai nghiện tự nguyện.
Trong thời gian qua, cơ sở đã xây dựng mô hình cai nghiện thân thiện, bằng cách tiên phong ứng dụng thiền, yoga, âm nhạc…
Xoa dịu những tổn thương
Ở Cơ sở xã hội Nhị Xuân, học viên Ng.Ng.Th.T. (ngụ TPHCM) khởi đầu ngày mới từ lúc 5 giờ 45 với việc gấp xếp nội vụ, tập yoga. Buổi tối, chị cùng các bạn ngồi thiền trong phòng và nghe âm nhạc du dương, nghe những câu chuyện đẹp của cuộc sống trước khi ngủ, khép lại một ngày.
Chị kể: “Ấn tượng nhất là lớp tập yoga và những thời điểm được ngồi thiền. Phương pháp này giúp tôi kiềm chế bản thân tốt hơn, suy nghĩ và hành động dần trở nên tích cực, sức khỏe cũng được cải thiện sau một thời gian bị ma túy tàn phá”.
Cũng như Th.T., học viên N.T.B.T. đánh giá, từ khi tập yoga và thực hành thiền, bản thân dần có những thay đổi tích cực như giảm sự nóng nảy, tức giận vô cớ, suy nghĩ lạc quan hơn, sống hòa đồng với mọi người.
Đối với chị Đ.H.P.Ng. (ngụ huyện Hóc Môn), những hạnh phúc đang có sẽ không chạm tới được nếu như chị không bước ra cổng Cơ sở xã hội Nhị Xuân với tâm thế của một con người mới. Chồng chị là anh T.M.Nh., cũng từng điều trị tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân và đã mạnh mẽ bước qua quá khứ. Nhận được sự tin tưởng của người thân, đồng nghiệp, anh T.M.Nh. đã có công việc ổn định ở công trình xây dựng.
Video đang HOT
Hai mảnh đời từng bị thương tổn vì “hàng đá”, giờ đây cùng vun đắp gia đình nhỏ với đứa con vừa chào đời. Sau những phút giây bận bịu chăm con thơ, P.Ng. dành thời gian tập yoga và thiền, thói quen tốt được duy trì sau khi chị từ cơ sở trở về cộng đồng.
Các học viên chia sẻ, rất thích cảm giác được thư giãn, ngồi thiền trong thời gian cai nghiện. Những dông bão, những lầm lỡ, những tổn thương trước đây… được xoa dịu rất nhiều và bản thân thấy an vui hơn. “Đó là sự trải nghiệm đáng nhớ, giúp chúng tôi quên đi những tháng ngày tăm tối trong cơn say ma túy để có những bước đi mới vững chãi hơn trong cuộc sống sau này”, Th.T. tâm sự.
Học viên tăng, vi phạm nội quy giảm
Ông Ngô Quốc Việt, Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Nhị Xuân, thông tin, cơ sở đang nỗ lực tạo dựng diện mạo, môi trường điều trị thân thiện. “Nhị Xuân đã và đang xây dựng môi trường điều trị giàu tình thương yêu, chia sẻ với việc áp dụng các phương pháp tư vấn tâm lý, trị liệu chữa lành như thiền, yoga mà các nước trên thế giới đã áp dụng thành công”, ông Ngô Quốc Việt cho biết.
Bác sĩ Trần Hữu Nghĩa, công tác tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân, cho hay, 95% học viên tại cơ sở là người từng sử dụng ma túy tổng hợp. Lạm dụng “hàng đá”, nhiều học viên bị loạn thần, hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác… Vì thế, cơ sở đã kết hợp với Bệnh viện Tâm thần TPHCM để điều trị cho các học viên.
Theo ông Ngô Quốc Việt, cùng với can thiệp về y tế thì các phương pháp tham vấn, tư vấn giúp học viên nhận thức rõ hơn về tác hại của ma túy cũng được áp dụng. Đặc biệt, các phương pháp trị liệu bằng âm nhạc, thiền, yoga giúp các học viên trở nên hiền lành và lễ phép hơn. Tỷ lệ rối loạn sau cắt cơn đã giảm, học viên hồi phục tốt hơn. Số vụ học viên nóng nảy, bức xúc, va chạm với các học viên khác cũng giảm hẳn.
“Số lượng học viên vào cơ sở liên tục tăng qua các năm nhưng tỷ lệ các vụ va chạm giữa các học viên giảm mạnh, khoảng 20%”, ông Ngô Quốc Việt cho hay.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, TPHCM chú trọng đổi mới công tác cai nghiện, xây dựng mô hình cai nghiện thân thiện. Các cơ sở hướng đến cung cấp dịch vụ thân thiện để người nghiện ma túy cảm thấy thật sự thoải mái, an tâm điều trị, từng bước thay đổi nhận thức và hành vi. Phương pháp hỗ trợ điều trị từ thiền và yoga mà Cơ sở xã hội Nhị Xuân áp dụng là cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm hay để Sở LĐTB-XH TPHCM xem xét, nghiên cứu.
* Bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC: Thiền có nhiều lợi ích
Cho đến nay, các nhà y học chính thống và bảo thủ nhất cũng đã phải công nhận thiền là một phương pháp trị liệu khoa học và hiệu quả trên một số bệnh lý cũng như cải thiện hành vi và lối sống, đem lại những hiệu quả tích cực cho sức khỏe của cá nhân và cộng đồng.
Chìa khóa căn bản là dõi theo hơi thở. Ở đây không phải là biết thở, biết cách thở mà là nhận thức được (recognize), ý thức rõ (realize), cảm nhận được (perceive) sự thở, hơi thở đang đi vào và đang đi ra. Đó là điều cốt lõi. Và từ một việc có vẻ rất giản đơn là quan sát hơi thở, có thể làm chuyển biến tâm trạng, chuyển hóa cảm xúc và cả hành vi.
Khi hành thiền, người thực hành có thể giảm hơn 40% nhu cầu oxy và giảm 50% nhịp thở. Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy nhẹ nhàng sảng khoái, giảm căng thẳng (stress). Một nghiên cứu trên học sinh cấp 2 có thực tập thiền cho thấy kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung, có thói quen làm việc và cải thiện các hành vi xung đột, hung hãn, tăng lòng tự tin, khả năng hợp tác với người khác. Thiền cũng giúp làm giảm cân, giảm béo phì, giảm nghiện thuốc lá, rượu và các chất ma túy nói chung. Hiệu quả của thiền đã được chứng minh trong nhiều lĩnh vực đời sống và không phải vô cớ mà ở nhiều nước trên thế giới (như Mỹ, Australia, Ấn Độ…), thiền đã được ứng dụng cho điều trị bệnh tâm thần, người nghiện ma túy, trẻ em có đời sống căng thẳng…
Tại Việt Nam, nếu các cơ sở cai nghiện ma túy, các trại giam ứng dụng phương pháp trị liệu khoa học là hành thiền đối với tù nhân, học viên thì tôi tin việc chữa trị, phục hồi thân tâm sẽ có chuyển biến, hiệu quả.
* Bác sĩ NGUYỄN HỮU KHÁNH DUY, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa: Cơ sở khoa học và pháp lý đã có
Hiệu quả của thiền và cả yoga đã được công nhận về mặt y học trên khắp thế giới, vì những lợi ích trong việc điều trị cai nghiện ma túy, cai nghiện rượu và các bệnh về sức khỏe tâm thần.
Tại Việt Nam, từ năm 1999, Thông tư liên tịch 31/1999/TTLT/BLĐTBXH-BYT hướng dẫn quy trình cai nghiện, phục hồi sức khỏe, nhân cách cho người nghiện ma túy, đã ghi rõ “có thể dùng các phương pháp trị liệu tâm lý khác như tâm năng dưỡng sinh “thiền” trong trị liệu tập thể”. Quan điểm này tiếp tục được kế thừa trong Thông tư liên tịch 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các trung tâm, cơ sở.
Như vậy, cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý đã có, vấn đề là việc triển khai thực hiện trong thực tế, ứng dụng ra sao để thiền, yoga mang lại lợi ích cho học viên cai nghiện. Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa đã áp dụng tâm năng dưỡng sinh, và Cơ sở xã hội Nhị Xuân đã bắt đầu cho học viên thực hành thiền, yoga và đạt kết quả bước đầu.
Đây là sự bổ trợ giúp học viên có sự cân bằng, giảm căng thẳng, từng bước thấu hiểu và kiểm soát bản thân tốt hơn, qua đó thuận lợi hơn trong việc vượt qua cơn nghiện. Thực hành yoga, thiền mang lại nhiều lợi ích, rất nên áp dụng ở các cơ sở cai nghiện.
Để triển khai một cách bài bản, ngành LĐTB-XH cần phối hợp với ngành y tế triển khai nghiên cứu cụ thể về lợi ích của thiền, yoga đối với cai nghiện ma túy. Các cơ sở cai nghiện nên kết nối, phối hợp với các tổ chức, các nhóm tình nguyện để hướng dẫn học viên thực hành thiền, yoga một cách phù hợp, hiệu quả. Đây cũng là giải pháp tích cực trong nỗ lực chuyển hướng sang mô hình cai nghiện thân thiện, góp phần chăm sóc toàn diện hơn khi phục hồi hành vi, nhân cách đối với người cai nghiện ma túy.
Điện Biên thí điểm phát thuốc Methadone cho người nghiện thuốc phiện
Sáng nay (5/4), Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Điện Biên và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức chương trình "Khởi động cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện".
Chương trình nhằm quảng bá tới cộng đồng và đặc biệt là người nghiện các chất dạng thuốc phiện một lựa chọn mới trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
Ngoài Điện Biên, chương trình "Khởi động cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện" cũng đồng loạt tổ chức khởi động và bắt đầu cấp thuốc cho người bệnh mang về tại 2 tỉnh, thành phố khác là Lai Châu và Hải Phòng.
Trong tháng đầu tiên các bệnh nhân sẽ được cấp một liều thuốc mang về nhà, một liều uống ngay tại cơ sở điều trị.
Mục tiêu của chương trình nhằm giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị Methadone mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt. Từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị Methadone.
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết. việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về rất có ý nghĩa trong tình hình dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh và hoạt động của cơ sở y tế nhất là khi người bệnh bị cách ly hay cơ sở điều trị Methadone bị phong tỏa do dịch bệnh.
Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Tính đến nay cả nước có hơn 52.000 người bệnh đang được điều trị Methadone ở hơn 330 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố. Độ bao phủ của chương trình đã đạt tới 28% tổng số người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tỷ lệ tuân thủ điều trị sau 6 tháng đạt tới 83%, được đánh giá xếp loại tốt (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 80%).
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, điều trị Methadone vẫn còn một số hạn chế như người bệnh phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, dẫn đến tình trạng người bệnh bỏ điều trị khá cao, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, do phải đi lại quá xa. Các nghiên cứu và báo cáo của các tỉnh cho thấy người bệnh ở xa cơ sở điều trị Methadone từ 5 km trở lên bỏ điều trị cao gấp 3 lần so với các người bệnh ở gần. Do vậy chủ trương cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về điều trị là việc làm cần thiết phải triển khai thí điểm để không những đảm bảo sự an toàn về sức khỏe cho người bệnh mà còn là cộng đồng.
Việc cấp thuốc về nhà được coi như một phần thưởng cho những bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt. Nếu họ tuân thủ điều trị tốt vượt qua được các vòng kiểm tra, xét nghiệm, giám sát của cán bộ y tế và cộng đồng thì họ được mang về nhà để thuận lợi cho việc điều trị. Nếu họ có các vi phạm về cách sử dụng thuốc, về cách bảo quản thuốc thì tùy vào mức độ sẽ bị không cho mang thuốc về nhà hoặc giảm số liều mang về nhà. Như vậy trọng tâm việc quản lý ở đây là trách nhiệm của bệnh nhân và gia đình.
Riêng tại tỉnh Điện Biên, qua rà soát hiện có hơn 9.000 người nghiện nằm trong danh sách quản lý. Tỉnh sẽ triển khai chương trình "Khởi động cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện" tại 9 cơ sở điều trị và cấp phát Methadone. Trong tháng đầu tiên, các bệnh nhân sẽ được cấp một liều thuốc mang về nhà, một liều uống ngay tại cơ sở điều trị. Trong năm nay, tỉnh Điện Biên dự kiến sẽ có hơn 300 bệnh nhân sẽ được cấp thuốc mang về nhà./.
Mẹ nửa đêm thức dậy đi vệ sinh, tạt qua phòng con trai liền thấy cảnh tượng đáng sợ, hôm sau tức tốc đưa con đi khám tâm thần Chị A. không mấy vui trước sự chăm chỉ bất thường của con. Thay vào đó, chị lo nhiều hơn. Vào một tháng trước, chị A. (giấu tên) ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc dậy đi vệ sinh buổi đêm và tạt qua phòng con trai. Điều khiến bà mẹ này bất ngờ là đã 2h sáng nhưng con chị vẫn chưa ngủ....