Cái kết bi thảm của đại tá tình báo Nga phản bội
Cựu đại tá tình báo Nga Alexander Poteyev, kẻ đã bán đứng mạng lưới điệp viên Nga ở Mỹ rồi bỏ trốn sang Mỹ và bị tòa án Nga kết án vắng mặt đến 25 năm vì tội phản quốc, có thể đã chết ở Mỹ.
Hãng Interfax đưa tin: “Theo một số nguồn tin, Poteyev đã chết tại Mỹ. Hiện thông tin này đang được kiểm tra”. Nguyên nhân và hoàn cảnh của cái chết cũng chưa được xác định. Một nguồn tin khác cũng khẳng định là đã nhận được thông tin này từ nước ngoài, nhưng không loại trừ rằng “đó có thể chỉ là thông tin giả nhằm làm cho người Nga quên đi những kẻ phản bội”.
Alexander Poteyev thời trẻ (người có vòng tròn)
Cái tên Poteeva – cựu Phó chủ nhiệm Cục C (phụ trách mạng điệp viên Nga ở Mỹ) thuộc Cơ quan tình báo hải ngoại bí mật của Nga – đã được các phương tiện truyền thông nhắc tới vào mùa hè năm 2010 sau khi một vụ bê bối gián điệp tại Mỹ bị vỡ lở. 15 điệp viên người Nga ở Hoa Kỳ (trong đó có một anh hùng của nước Nga, Mikhail Vasenkov, người đã sống tại Mỹ dưới tên Juan Lazaro) được đưa về nước để đổi lấy bốn người Nga làm gián điệp cho Mỹ ở Nga. Tình báo Nga phải chịu một tổn thất nặng nề: FBI (Cục điều tra Liên bang Mỹ) đã phát hiện nhóm điệp viên nằm vùng có nhiệm vụ khai thác sâu các thông tin về chính sách đối ngoại của Mỹ và sự nhận thức của người Mỹ về chính sách đối ngoại của Nga.
Cuộc điều tra của cơ quan tình báo Mỹ cho thấy các sĩ quan tình báo Nga hành động giống hệt như trong các bộ phim điệp viên: họ tráo vali cho nhau tại các nhà ga, sử dụng mực biến mất màu và thể hiện bản thân như những công dân bình thường một cách hoàn hảo.
10 trong số 15 điệp viên Nga bị Poteyev bán đứng cho Mỹ
Video đang HOT
Toàn bộ mạng lưới điệp viên này đã bị Alexander Poteyev bán đứng cho Mỹ. Cơ quan phản gián nội bộ Nga đã mắc phải một sai lầm lớn là không phát hiện ra những biểu hiện không bình thường của viên đại tá này, cơ quan này đã không để ý gì đến việc ngay trước khi Poteyev trở mặt, con trai ông ta đã vội vã rời Nga để đi sang Hoa Kỳ, nơi mà vợ và con gái của Poteyev đang sinh sống trong một thời gian dài.
Các nhà lãnh đạo Nga đã thừa nhận thất bại của vụ cài cắm các điệp viên là công dân Nga trên đất Mỹ. Tổng thống Vladimir Putin (lúc đó là thủ tướng) đã nhanh chóng gặp gỡ với nhóm điệp viên Nga bị trục xuất về nước, cùng hát với họ bài hát “Tổ quốc bắt đầu từ đâu” (một bài hát về lòng yêu nước, được sáng tác từ thời Xô Viết) và hứa rằng họ sẽ được đảm bảo giải quyết tốt về công việc và cuộc sống về sau. Nhân vật đáng chú ý nhất của nhóm, nữ điệp viên tóc đỏ Anna Kushenko, trong cuộc hôn nhân với người nước ngoài đã lấy quốc tịch Anh và họ Chapman, về sau đã trở thành cố vấn của chủ tịch ngân hàng Fundservice, làm người mẫu cho tạp chí đàn ông Maxim và là thành viên hội đồng Cận vệ trẻ của đảng Nước Nga thống nhất. Bây giờ Anna Kushenko là người dẫn chương trình truyền hình.
Cựu điệp viên Nana Chapman (Kushenko)
Mạng điệp viên mà Poteev bán đứng gồm 11-12 người, theo giấy tờ tùy thân (ở Mỹ) là công dân Peru hoặc công dân Mỹ gốc Nga. Mười người trong số họ đã bị bắt giữ tại Mỹ vào ngày năm 2010, sau khi Chapman cảm thấy sự thất bại đến gần nên đã đến đầu thú ở Sở cảnh sát New York. Thành viên thứ mười một, Christopher Metsos, đã bị bắt tại Síp, nhưng sau đó được tại ngoại và đã biến mất. Một người Nga khác, nhân viên của Microsoft, Alex Karetnikov cũng là điệp viên nằm vùng, đã bị trục xuất không lý do khỏi Hoa Kỳ trong tháng 7/2010. 10 điệp viên của Nga đã được Mỹ trao đổi hồi tháng 7/2010 để lấy ba cựu nhân viên của Tổng cục an ninh Liên bang Nga (FSB) và nhà khoa học Igor Sutyagin, cả 4 người này đang thi hành án tù ở Nga vì tội làm gián điệp cho Mỹ.
Khi làm chứng trước tòa, Anna Chapman cho biết rằng việc cô hoạt động tình báo tại Mỹ chỉ có Poteev và một hai người khác biết. Vì vậy, cô đoán chắc việc cô bị lộ là do chính sếp cũ của mình.
Chapman cho biết, trong tháng 4-2010 đã bắt đầu xảy ra một số trục trặc trong liên lạc, nhưng theo phân tích của cô thì không phải do có sự can thiệp của cơ quan phản gián Mỹ. Thế rồi có một người xưng tên Roman đến gặp cô, nói đúng mật khẩu, yêu cầu cô chuyển hộ chiếu (giả) cho nhân vật X. Cảm nhận được điều gì đó bất ổn, Chapman đã gọi điện cho cha mình và cho người phụ trách của mình trung tâm tình báo. Trung tâm phủ nhận thông tin về liên lạc viên mới, và điều đó đã buộc cô phải đầu hàng cảnh sát.
Đối với Poteev, một năm sau vụ bê bối gián điệp, trong tháng 6 năm 2011, Tòa án quân sự Moscow đã kết án ông ta về tội phản quốc và đào ngũ, với mức án 25 năm tù và tước mọi danh hiệu, Huân chương Cờ Đỏ và các kỷ niệm chương. Do tại thời điểm đó Poteyev đã ở ngoài lãnh thổ Nga, trường hợp của ông ta đã được xử vắng mặt và phương thức xử kín, với 3 thẩm phán. Các hồ sơ tài liệu được chuyển đến tòa dưới tiêu đề “Tuyệt mật”.
Việc Poteyev trốn khỏi nước Nga đã cho phép các nhà điều tra truy tố đại tá không chỉ theo điều 275 của Bộ luật hình sự (tội phản quốc), mà còn theo điều 338 (tội đào ngũ).
Poteyev đã bị kết án về cả hai tội trên.
“Với hành động cố ý gây thiệt hại cho an ninh quốc gia của Nga và trốn tránh nghĩa vụ quân nhân”, Poteyev “đã chuyển giao cho Mỹ những thông tin thuộc về bí mật nhà nước, gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động tình báo của Nga”, theo phán quyết của tòa. Tòa cũng xác định, Poteyev đã trao cho CIA những thông tin về nguồn tài chính của các điệp viên Nga ở Mỹ và các kênh liên lạc của họ. Và viên đại tá này đã gặp gỡ với các điệp viên CIA cả ở Moscow lẫn ở nước ngoài. “Poteyev đã thực hiện việc đào ngũ theo một lộ trình khôn khéo: đầu tiên là đi đến Belarus bằng hộ chiếu thông thường, sau đó với sự giúp đỡ của tình báo Mỹ, ông ta đã sử dụng hộ chiếu giả để đi đến Đức và sau đó đến Hoa Kỳ, nơi ẩn náu đến tận ngày nay” – trích bản án của tòa.
Trong thời gian điều tra vụ án Poteyev, đại sứ quán Mỹ từ chối thông báo cho phía Nga các thông tin về nơi ở của cựu đại tá tình báo Nga. Và lần này, giới ngoại giao Mỹ cũng im hơi lặng tiếng trước thông tin nói rằng Poteyev đã chết trên đất Mỹ.
Dù Poteyev đã chết hay còn sống thì trường hợp của ông ta cũng là tấm gương tày liếp cho những kẻ có ý đồ phản bội tổ quốc.
Cơ quan tình báo hải ngoại của Nga từ chối bình luận về cái chết của Poteyev. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói rằng việc bình luận về cái chết của kẻ phản bội không thuộc trách nhiệm của điện Kremlin. Vladimir Putin trước đó đã dự đoán về số phận của Poteyev như sau: “Kẻ phản bội luôn luôn phải chịu một cái kết tồi tệ. Như một quy luật, chúng sẽ chết hoặc vì rượu, hoặc vì ma túy, dưới chân hàng rào ven đường”.
Theo Petrotimes
Nga cứu mạng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vụ đảo chính
Tình báo Nga đã thông tin cho ông Erdogan về vụ đảo chính vài tiếng trước khi xe tăng xuất hiện ở Istanbul và Ankara tối 15.7.
Cảnh sát vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đứng trên chiếc xe tăng phe đảo chính bỏ lại tại cầu Bosphorus, Istanbul hôm 16.7. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Iran Fars News, tình báo Nga đã nghe lén được các cuộc trao đổi thông tin về vụ đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Nga sau đó chuyển thông tin đến Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ (MIT).
Tình báo Nga cũng đã thu thập được thông tin phe đảo chính sẽ cho trực thăng tới bắt cóc ông Erdogan tại thành phố nghỉ mát Marmaris, thuộc vùng Riviera, phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết thay đổi trong chính sách của ông Erdogan khiến "một số nước" kích động quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đảo chính, nhưng ngược lại, sự thay đổi này cũng cứu ông Erdogan. Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã nồng ấm hơn sau khi ông Erdogan xin lỗi người Nga về vụ quân đội Ankara bắn rơi Su-24 của Moscow tháng 11.2015.
Hôm 19.7, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ra thông báo cho biết họ nhận được "một số cảnh báo" về cuộc đảo chính từ MIT.
Cuộc đảo chính bất thành của một số sĩ quan, binh lính Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15.7 bị dập tắt sau một ngày, làm gần 300 người thiệt mạng, 1.000 người bị thương. Chính quyền Ankara cáo buộc người gây ra binh biến là giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, cựu đồng minh của ông Erodgan, đang sống lưu vong ở Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng sau cuộc đảo chính bất thành. Ankara cũng khởi động chiến dịch bắt giữ chưa từng có đối với 50.000 người bị nghi có liên quan đến đảo chính, trong đó có các nhân viên quân sự, giáo viên, thẩm phán, và các công chức khác.
Theo Văn Việt (Vnexpress)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được tình báo Nga báo trước về đảo chính Tình báo Nga đã thông tin cho ông Erdogan về vụ đảo chính vài tiếng trước khi xe tăng xuất hiện ở Istanbul và Ankara tối 15/7. Cảnh sát vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đứng trên chiếc xe tăng phe đảo chính bỏ lại tại cầu Bosphorus, Istanbul hôm 16/7. Ảnh: Reuters. Theo hãng tin Iran Fars News, tình báo Nga đã "chặn"...