Cái chết của Minolta: khởi đầu thịnh vượng của Sony và di sản để đời cho các hãng máy ảnh trên thế giới
Minolta, “hắn” chưa từng là một kẻ khổng lồ như Nikon hay Canon, và luôn bị đánh giá đứng dưới cấp của hai tên quái vật này.
Hãy cho tôi thấy cánh tay của bạn nếu đang sở hữu một chiếc máy ảnh Sony nào. Nếu bạn là người dùng Sony, bạn đã từng biết đến thương hiệu Minolta chưa? Tôi đã từng hỏi một số người bạn với câu hỏi tương tự, và dù là dân chụp ảnh hay không, gần như 100% đều biết đến thương hiệu Sony, nhưng tiếc thay, không nhiều trong số đó nghe qua cái tên Minolta.
Vậy Minolta là gì? Bạn có bất ngờ không khi tôi nói rằng đây chính là linh hồn, là ADN của chiếc máy ảnh Sony mà bạn đang cầm ngày nay?
Minolta, “hắn” chưa từng là một kẻ khổng lồ như Nikon hay Canon, và luôn bị đánh giá đứng dưới cấp của hai tên quái vật này. Tuy nhiên, những công nghệ từ những năm 70, 80 hay 90 mà Minolta đem lại cho thế giới máy ảnh ngày nay phải nói là rất đồ sộ, không chỉ riêng Sony mà còn có sức ảnh hưởng đến nhiều sản phẩm DSLR hay Mirrorless hiện đại ngày nay.
Đến ngày nay, chúng ta không thể thấy thương hiệu này trên thị trường, nhưng không có nghĩa linh hồn của nó đã biến mất hoàn toàn. Có thể nói, sự ra đi của một công ty máy ảnh phim mang tên Minolta này đã trở thành bàn đạp để Sony vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp sản xuất máy ảnh ngày nay.
Minolta và thuở hàn vi của những chiếc máy phim
Bạn nghe đến cụm từ PASM chưa? Nếu chưa thì đây là viết tắt của Program, Aperture Priority, Shutter Priority và Manual, hay còn gọi là các tính năng chụp mà bạn đã thấy trên các máy ảnh hiện đại ngày nay. Thực ra, những thứ này đã có từ 40 năm trước và chính Minolta là hãng đã giới thiệu nó đến với thế giới nhiếp ảnh.
Và chiếc máy ảnh đại diện cho hãng này đưa đến những khái niệm PASM chính là Minolta XD-7 (hay còn có tên gọi khác là XD-11 tại thị trường Mỹ). Đây cũng là một trong những chiếc máy ảnh phim được đánh giá rất cao, mang đến những công nghệ vượt bậc tại thời điểm đó.
Một tính năng khác mà có lẽ không thể thiếu trong hầu hết các máy ảnh hiện đại ngày nay chính là Autofocus (tự động lấy nét), một lần nữa Minolta chính là cái tên mang đến công nghệ này cho chúng ta. Ơn Trời! Nếu không có công nghệ này, chắc có lẽ đến giờ chúng ta vẫn phải hì hục vặn lấy nét bằng tay trên ống kính mất rồi.
Mặc dù công nghệ lấy nét tự động đã từng có trước đó, nhưng nó chỉ được áp dụng trên những ống kính chuyên dụng và đắt tiền, thế nên độ phổ biến thật sự không cao. Trong khi đó, Minolta đã mang đến giải pháp ổn hơn với hệ thống autofocus được tích hợp sẵn bên trong thân máy ảnh Minolta 7000F và cũng từ đó dẫn đến việc ống kính ngày nay cũng trở nên nhẹ và ít cồng kềnh hơn.
Và đó vẫn chưa phải là công nghệ khác biệt duy nhất mà chiếc 7000F này mang lại. Chiếc máy ảnh này còn tích hợp khả năng tự động lên phim nhanh bằng hệ thống mô-tơ điện, phục vụ cật lực cho tính năng chụp liên tục, và đó chính là khởi nguồn của chế độ chụp continuous hay burst shot mà chúng ta thấy ngày nay.
Hơn nữa, một di sản mà Sony vẫn còn giữ đến bây giờ và có thể nói đây là một phần linh hồn của Minolta khi xưa, chính là hệ thống ngàm A, vốn được sử dụng trên các dòng máy Sony Alpha ngày nay.
Nếu đang sử dụng dòng máy Sony Alpha, bạn có thể dễ dàng lắp ống kính ngàm A của máy phim Minolta lên đấy.
Video đang HOT
Minolta và những ngày đầu của thế hệ kỹ thuật số
Trong giai đoạn chuyển mùa giữa nhiếp ảnh analog và digital, Minolta cũng không thờ ơ mà thay vào đó cho ra sản phẩm mới của mình để đáp ứng thị trường – chiếc Minolta RD-175. Chiếc máy ảnh DSLR với cảm biến 1.75 MP là sản phẩm kỹ thuật số đầu tiên của họ vào năm 1995. Không phải là máy ảnh kỹ thuật số DSLR đầu tiên trên thế giới, bởi công lao đó thuộc về Kodak, nhưng RD-175 lại là chiếc DSLR đầu tiên có dáng vẻ gọn gàng (vào thời đó) và quan trọng hơn cả, đó là giá thành vừa tầm hơn.
Chiếc máy ảnh DLSR đầu tiên có mức giá hợp túi tiền nhất trên thế giới.
Mặc dù chuyển sang thời kỳ digital, Minolta vẫn không ngừng sáng tạo và đổi mới. Bằng chứng là một trong những tính năng phổ biến của máy ảnh hiện đại ngày nay là hệ thống chống rung/ổn định hình ảnh trên sensor đã từng được Minolta đưa vào chiếc Dimage A1 vào năm 2003.
Thay vì tập trung thiết kế cho hệ thống chống rung vừa phức tạp lại vừa đắt tiền trên ống kính, Minolta lại dùng giải pháp chống rung trên sensor cho chiếc A1 của mình.
Vì là một trong các công ty cỡ nhỏ, Minolta cũng phải cố gắng rất nhiều và trải qua giai đoạn tài chính không ổn định. Đến năm 2003, để Minolta sáp nhập với công ty sản xuất phim và các thiết bị ngành ảnh Konica, trở thành Konica Minolta Ltd nhằm mong muốn tăng cường sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, sự chậm chân trong việc chiếm lấy thị phần máy ảnh phim chuyên nghiệp của Minolta đã báo hiệu cho những khó khăn mà họ gặp phải trên đường đi phía trước. Trong khi những chiếc máy ảnh digital của Minolta thời điểm đó chỉ nhắm đến thị trường tiêu dùng bình thường thì các ông lớn trong ngành này đã xác định phải đánh vào thị trường máy ảnh chuyên nghiệp thì mới làm nên chuyện.
Và Sony đã đến
Vào thời điểm này, Sony là một nhãn hiệu điện tử mang tầm thế giới, sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau từ thiết bị âm thanh cho đến TV. Sony đã nhìn thấy được kho tàng sáng chế và tài năng mà Konica Minolta đang sở hữu, thế nên năm 2006 đã chọn hợp tác với họ để thúc đẩy mảng kinh doanh này.
Sáu tháng sau, Konica đã quyết định rời mảng kinh doanh camera và bán lại cho Sony. Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước tiến tiếp theo của Sony, bởi ông lớn ngành hàng điện tử này đã từng để ý đến thị trường DSLR từ lâu và những công nghệ cùng ngàm A (Alpha) mà Minolta đang có trong tay quả thật là một kho báu vô giá.
Trong vòng 1 năm, Sony đã cho ra đời đứa con DSLR đầu tiên của mình và giới thiệu đến thị trường tiêu dùng – Alpha A100. Chiếc máy ảnh này có cảm biến 10.2 MP, ngoại hình thừa hưởng phần nhiều từ thiết kế của Minolta và tất nhiên cũng mang đến nhiều công nghệ của hãng này, chẳng hạn như hệ thống ổn định hình ảnh bên trong thân máy và kích hoạt chế độ lấy nét tự động mỗi khi nhìn vào ống ngắm viewfinder (Eye-start Autofocus).
Đứa con DSLR đầu tiên của Sony thừa hưởng rất nhiều công nghệ lẫn ngoại hình từ Minolta.
Với A100 làm bước đệm ban đầu, Sony nhanh chóng vạch ra những mục tiêu phát triển và ra mắt sản phẩm trong tương lai. Vào năm 2008, hãng điện tử này công bố chiếc máy ảnh Full Frame DSLR Alpha 900 với thông số pixel trên cảm biến khủng nhất từ trước đến nay – 24,6 MP.
Sự ra đời của Alpha 900 đã cho thấy ý đồ của Sony là rất lớn: sẵn sàng tiến sâu vào thị trường để “đấu” với các lão đại khác. Sử dụng công nghệ sẵn có của Minolta, cũng như tự phát minh thêm, Sony tiếp tục thực hiện những kế hoạch đầy hoài bão, cho ra đời hàng loạt sản phẩm DSLR lẫn máy ảnh compact và được thị trường đón nhận rất tốt.
Sau khi vững bước trên con đường DSLR, Sony nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của thị trường Mirrorless khi còn mới chớm nở và ra đời chiếc máy ảnh không gương lật Full Frame đầu tiên trên thế giới – Sony Alpha 7 (Sony A7). Mặc dù lúc này Sony đã không sử dụng ngàm Alpha của Minolta nữa mà thay thế bằng ngàm E, nhưng nếu đào sâu vào, bạn sẽ thấy được ADN của A7 thực chất được xây dựng từ những cái nền sáng tạo của Minolta.
Sony A7, chiếc máy ảnh không gương lật cảm biến Full Frame đầu tiên của Sony. Đây cũng là tiền đề để Sony phát triển hàng loạt phiên bản về sau và nhận được sự tin dùng của các chuyên gia lẫn người dùng phổ thông trên thế giới.
Minolta ra đi, với những fan trung thành thì đây là một điều đáng tiếc. Nhưng nếu nhìn ở hướng tích cực hơn, với những tài sản mà họ để lại cho Sony phát triển và tạo nên những thành phẩm đẳng cấp ngày nay thì quả thật đây là một điều vô cùng trân quý.
Nếu không có Minolta, chắc có lẽ mảng nhiếp ảnh của Sony không thể phát triển vượt bậc như ngày nay; và ngược lại, nếu không có Sony thì biết đâu những công nghệ mà Minolta gầy dựng xưa kia lại bị vùi lấp không có tương lai. Cũng như chúng ta sẽ không thể trải nghiệm những công nghệ tuyệt vời ấy được, nếu không có cả hai? Có lẽ vậy.
Theo GenK
Máy ảnh không gương lật (Mirrorless) là gì mà dạo gần đây nhiều hãng lại ào ào chuyển sang sản xuất?
Máy ảnh không gương lật (Mirrorless) được cho là loại máy ảnh của tương lai, sẽ thay thế các máy ảnh DSLR đã được giới chụp ảnh sử dụng trong 2 thập kỉ, nhưng chúng có gì đặc biệt?
EOS R, chiếc máy ảnh không gương lật Full-frame đầu tiên của Canon.
Trong suốt 2 thập kỉ qua, những chiếc máy DSLR (Digital Single-Lens Reflex) là đỉnh cao công nghệ của ngành nhiếp ảnh. Nhưng nó đang dần được thay thế bởi một sản phẩm mới 'trẻ tuổi' và nhiều tính năng hơn, đó chính là máy ảnh không gương lật (Mirrorless).
Nikon Z7, cũng là sản phẩm không gương lật có cảm biến Full-frame đầu tiên của hãng này xuất hiện trên thị trường.
Các máy DSLR truyền thống có một miếng gương, khi chưa chụp ảnh sẽ phản chiếu hình ảnh của ống kính lên một ống ngắm quang học. Ngay lúc bấm chụp, kính này sẽ lật lên, cho ánh sáng đi tới cảm biến để thành phần này thực hiện ghi lại hình ảnh. Nhưng như cái tên gợi ý, thì máy ảnh không gương lật không hề có phần kính lật, nên cảm biến hình ảnh và cơ chế xem trước (preview) khung hình trước khi chụp cũng phải được thiết kế lại hoàn toàn.
Cảm biến của các máy không gương lật sẽ luôn nhận được hình ảnh, sẽ sau đó 'truyền' tín hiệu hình ảnh này cho màn hình, hoặc kính ngắm điện tử (EVF). Kính ngắm điện tử bản chất cũng là một màn hình, nhưng được đặt trong phần 'gù' trên nắp máy giống với DSLR. Cũng vì loại bỏ được một thành phần chiếm nhiều diện tích, nên thông thường máy ảnh không gương lật sẽ nhỏ bé hơn DSLR có cùng cảm biến.
Đa phần các máy ảnh du lịch, và cả Smartphone thực chất cũng là máy ảnh không gương lật. Nhưng khi nói về loại máy ảnh này, mọi người thường chỉ các máy có khả năng thay thế ống kính, nhằm tay đổi tiêu cự và có chất lượng quang học cao hơn.
Máy ảnh không gương lật có nhiều điểm mạnh đã và đang được khai thác. Do kính ngắm điện tử là một thành phần...điện tử, nên người dùng hoàn toàn có thể đặt bất cứ thông tin nào vào, giúp cho việc chụp ảnh và xem thông tin trở nên dễ dàng hơn. Ta cũng có thể đặt chế độ "Live view", tức là xem trước được hình ảnh cuối cùng sẽ như thế nào. Hơn nữa, ta còn có thể quay video khi nhìn qua kính ngắm điện tử, tăng tính công thái học so với phải nhìn màn hình như DSLR.
Ưu điểm thứ 2 hiện còn đang được khai thác, đó là những gì cảm biến hình ảnh (sensor) có thể làm được. Với máy ảnh không gương lật, cảm biến hình ảnh hoạt động liên tục, gửi một lượng thông tin lớn về chip xử lí. Nhờ vào việc phân tích các thông tin này, mà các hãng có thể gia tăng chất lượng hình ảnh, tốc độ lấy nét và làm được nhiều tính năng đặc biệt hơn nữa trong tương lai.
Một ưu điểm nữa cũng đáng nói đó là khả năng chụp ảnh im lặng (Silent shooting). Các máy ảnh không gương lật có thể áp dụng màn trập điện tử, 'scan' hình ảnh một cách độc lập mà không cần sử dụng các thành phần vật lí nên hoàn toàn không tạo ra bất cứ tiếng động nào khi chụp một bức ảnh. Các máy DSLR trước đây cũng có chế độ 'im lặng', nhưng trên thực tế thì chỉ giảm được phần nào tiếng ồn mà thôi, không hết hoàn toàn được.
Nhưng không phải vì vậy mà loại máy này hoàn hảo. Do được thiết kế nhỏ gọn, nhưng lại hoạt động liên tục nên các máy không gương lật thường có thời lượng pin ngắn hơn so với DSLR truyền thống. Một máy ảnh Sony (thế hệ cũ) sử dụng viên pin FW50 chỉ có thể chụp được hơn 300 tấm, khá tệ so với con số trên 1000 tấm của máy DSLR. Nhưng tình trạng này đã được giải quyết phần nào với việc Sony cùng các hãng khác đang nghiên cứu các loại pin mới, với dung lượng lớn hơn và hoạt động hiệu quả hơn.
Một dẫn chứng cho việc máy ảnh không gương lật đang phát triển nhanh đó là tất cả các hãng máy ảnh lớn trên Thế giới đều đang ra mắt dòng sản phẩm này. Sony đã 'đi trước đón đầu' suốt 8 năm qua, và giờ đã có một hệ thống rất đầy đủ từ máy ảnh tầm thấp đến cao, và các ống kính đủ tiêu cự.
Canon, Nikon, Leica, Panasonic và Sigma mới đây cũng ra mắt, hoặc thông báo về việc phát triển những chiếc máy ảnh không gương lật sử dụng cảm biến Full-frame cho riêng mình, bắt đầu cho một 'cuộc chiến không gương lật' sẽ rất khốc liệt trong tương lai.
Ta cũng không thể không nói về Fujifilm, tuy không tham gia thị trường cảm biến Full-frame nhưng đã rất thành công với các máy ảnh nhỏ gọn sử dụng cảm biến APS-C (nhỏ hơn Full-frame) và Medium Format (lớn hơn Full-frame), và sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong những năm sắp tới.
Máy ảnh Leica SL.
Máy ảnh không gương lật thể hiện xu thế chung của Thế giới công nghệ, đó là sử dụng sức mạnh xử lí, sự thông minh của phần mềm để vượt qua các giới hạn về phần cứng, các thành phần vật lí.
Theo Tri Thuc Tre
Fujifilm giới thiệu máy ảnh Medium Format: GFX 50R Trong năm vừa qua, Mirrorless full-frame thực sự đã trở thành chọn lựa tương lai của thị trường máy ảnh với sự góp mặt của 2 ông lớn Nikon và Canon. Nhưng với Fuji, hãng đã chọn cho mình một lối đi rất riêng khi chọn phân khúc thị trường máy ảnh cảm biến APS-C và Medium Format mà bỏ qua cơn sốt...