Cách tự học từ vựng tiếng Anh
Học sinh tiểu học ôn luyện vốn từ vựng tiếng Anh hàng ngày bằng cách đặt mục tiêu cụ thể, rèn kỹ năng nghe, đọc, viết để nắm vững kiến thức.
Cô Nguyễn Thị Mai Hương ( Hương Omega), giáo viên môn tiếng Anh, Hệ thống Giáo dục Học Mãi chia sẻ cách giúp học sinh tự học từ vựng tiếng Anh tại nhà.
Đặt mục tiêu học từ vựng mỗi ngày
Vốn từ vựng là nền tảng để học sinh nắm vững ngữ pháp, biết cách chia thành phần câu. Đa phần học sinh học từ vựng theo kiểu học vẹt, đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng dễ quên, nguyên nhân là do các em đang học từ vựng theo cảm tính, chưa hiểu hết ý nghĩa của từ.
Theo cô Hương Omega, học sinh nên đặt mục tiêu học từ vựng cụ thể, như mỗi ngày học 5 – 10 từ mới, các em luyện viết ra giấy nháp kết luyện phát âm (có thể nghe giáo viên đọc rồi đọc theo). Phương pháp này giúp học sinh dễ ghi nhớ từ vựng ở cả phương diện nghe và đọc.
Cô Hương Omega, Giáo viên môn tiếng Anh, Hệ thống Giáo dục Học Mãi chia sẻ cách tự học từ vựng tiếng Anh hiệu quả.
Học trên nhiều phương diện
Những ngày tạm nghỉ tránh dịch, học sinh nên tận dụng cơ hội thử học tập trên nhiều phương diện, hình thức khác nhau. Thay vì chỉ học trên lớp như trước, các em có thể học trực tuyến trên tivi, máy tính; tự học trong sách giáo khoa với sự hướng dẫn của cha mẹ; tổ chức học nhóm tại nhà cùng một, hai người bạn bè thân thiết, học tập qua các trò chơi vận động, bài hát. Sư đa dạng về hình thức học giúp học sinh thấy hứng thú, rèn luyện tư duy và sáng tạo trong học tập.
Để ghi nhớ nhanh từ vựng tiếng Anh, các em nên tận dụng tất cả tài liệu có thể tiếp cận như: Youtube, website học tiếng Anh, thầy cô, ba mẹ, anh chị… Học tiếng anh qua các phương tiện trực tuyến sẽ giúp học sinh chủ động tìm kiếm tài liệu mình muốn, đồng thời rèn được kỹ năng nghe, đọc từ vựng tiếng Anh ở các video bài giảng của giáo viên.
Ngoài ra, các em cần chuẩn bị những cuốn từ điển tiếng Anh và sổ ghi chép để tra cứu từ vựng bất cứ lúc nào kết hợp với luyện viết hàng ngày để ghi nhớ mặt chữ.
Video đang HOT
Trong sinh hoạt hàng ngày, học sinh có thể rèn luyện vốn từ vựng bằng cách đọc tên các đồ vật trong gia đình bằng tiếng Anh, học từ vựng qua bài hát, trò chơi, câu chuyện với người thân trong gia đình. Khi có sự tương tác, các em sẽ thấy hứng khởi và kích thích tinh thần học tập.
Anh Bùi Minh Hùng có con học lớp ba trường Tiểu học Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Khi còn học ở trường, con hay khoe được cô giáo dạy hát, múa bằng các bài hát tiếng Anh. Vì vậy trong thời gian nghỉ học ở nhà, vợ chồng tôi thường xuyên tương tác với con bằng cách kể chuyện, chơi trò chơi để rèn vốn từ vựng tiếng Anh cho con”.
Rèn kỹ năng nghe, đọc, viết
Tiếng Anh là môn học mang tính hướng ngoại, rèn luyện cho học sinh sự năng động, nhanh nhẹn trong học tập và cuộc sống. Thời gian này, các em cần chú trọng rèn luyện các kỹ năng tổng hợp: nghe – đọc – viết khi học tiếng Anh ở nhà, tập phản xạ nhanh khi nghe các bản tin trên radio, phương tiện trực tuyến và luyện phát âm theo.
Theo cô Hương Omega, kỹ năng nghe, đọc, viết đều quan trọng, học sinh cần kết hợp hài hòa cả ba kỹ năng để dễ học từ vựng mới.
- Kỹ năng nghe: Đọc bài trước khi nghe, gạch chân các từ quan trọng, khi nghe thì tập trung tìm từ khóa quan trọng trước, sau đó mới nghe lại hoàn chỉnh cả bài. Các em nên rèn luyện kỹ năng nghe qua video về phim ảnh, bài hát có nội dung hấp dẫn để tăng hiệu quả học tập.
Ví dụ: Câu chuyện về một đối tượng nào đó
Đầu tiên tìm các từ khóa chính trong chuyện: tên nhân vật, miêu tả về ngoại hình, tính cách, vấn đề mà nhân vật đang gặp phải… Khi có từ khóa, học sinh có thể hiểu được nội dung ở mức độ cơ bản.
Tiếp theo nghe lại cả bài thật kỹ để hiểu từng chi tiết nhỏ trong chuyện, cách chia động từ, thành phần ngữ pháp trong câu. Đây là bước quan trọng để nâng cao vốn từ vựng.
- Kỹ năng đọc: Đối với các bài mới, trước tiên nên đọc nhanh để hiểu tổng quan bài viết, đừng lo lắng nếu gặp từ mới. Học sinh đọc kỹ câu hỏi, gạch chân từ khoá, đọc lại bài để tìm vị trí tập trung các từ khoá (chú ý từ đồng nghĩa). Sau khi khoanh đáp án hoặc viết câu trả lời, các em cần đọc lại bài một lần nữa để chắc chắn mình chọn đúng thông tin hoặc viết lại đúng.
- Kỹ năng viết: Các em chú ý động từ, trạng từ, chủ ngữ, vị ngữ để chia thì đúng câu, nắm vững mẫu câu đã học, vận dụng linh hoạt từng tình huống. Khi đã nắm chắc ngữ pháp, học sinh dễ dàng rèn luyện kỹ năng viết.
Giáo viên Hương Omega
Bảy lầm tưởng về nói tiếng Anh
Bạn thường được khuyên phải thạo ngữ pháp mới có thể nói trôi chảy tiếng Anh, hay học giao tiếp ở nước ngoài mới tốt. Thực tế đó là suy nghĩ sai lầm.
1. Những người nói trôi chảy không mắc sai lầm
Nhiều người lầm tưởng nói tiếng Anh trôi chảy đồng nghĩa với việc không bao giờ mắc sai lầm về phát âm hay ngữ pháp. Sự thật là rất ít người, ngay cả người bản ngữ có thể nói tiếng Anh hoàn hảo không sai bất kỳ lỗi ngữ pháp nào và 99% người không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ khi nói tiếng Anh sẽ bị pha trộn ngữ điệu của ngôn ngữ gốc hoặc mắc sai lầm.
Những người giỏi ngôn ngữ sẽ học giao tiếp trước hoặc học song song giao tiếp và ngữ pháp nên việc mắc lỗi là không thể tránh khỏi. Vì vậy, người học tiếng Anh không nên đặt nặng vấn đề phải nói thật hoàn hảo và hãy chấp nhận việc mắc sai lầm, từ ngữ pháp đến phát âm. Khi đã phát hiện sai lầm, đừng quên sửa chữa chúng để hoàn thiện khả năng của bản thân.
2. Nói trôi chảy sau khi thành thạo ngữ pháp
Một suy nghĩ phổ biến khác là nói tiếng Anh trôi chảy đòi hỏi phải rất thuần thục sử dụng ngữ pháp. Những người nói tiếng Anh lưu loát thường học nói ngay từ đầu, khi chưa vững về ngữ pháp. Nhưng mỗi bài học ngữ pháp thu về đều được họ sử dụng để rèn luyện giao tiếp. Chẳng hạn khi mới học thì hiện tại đơn với những mẫu câu cơ bản như hỏi đáp về tên tuổi, họ đã áp dụng ngay những kiến thức này vào việc luyện nói.
Việc học lý thuyết và thực hành nên song hành, nếu không bạn sẽ quên mất kiến thức trước đó. Bạn nên luyện nghe nói từ khi mới học tiếng Anh, đừng chờ đến khi thành thạo ngữ pháp. Bạn có thể luyện nói với những tình huống giao tiếp hàng ngày và nên luyện tập mỗi ngày để tạo thành thói quen.
Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng biết nhiều từ mới sẽ thành thạo nói tiếng Anh nên nhồi nhét mỗi ngày 15-20 từ mới. Tuy nhiên, việc biết nhiều từ mới nhưng không thường xuyên luyện nói, đặt câu giao tiếp thì kỹ năng nói vẫn dậm chân tại chỗ. Việc học 15-20 từ một ngày là quá nhiều, sẽ không đảm bảo bạn ghi nhớ hoặc thực sự hiểu cách dùng chúng. Bạn chỉ nên học 3-5 từ mới mỗi ngày nhưng học cách đặt câu trong ngữ cảnh cụ thể, từ đồng nghĩa, trái nghĩa.
Đồ họa: English Mate.
3. Phải học giao tiếp ở nước ngoài
Rất nhiều người cho rằng phải đắm mình trong văn hóa và những người bản xứ, trình độ tiếng Anh mới có thể cải thiện. Kế hoạch du học, du lịch sẽ đem lại trải nghiệm tuyệt vời về ngôn ngữ nhưng không phải liều thuốc kỳ diệu để biến bạn từ kém thành giỏi tiếng Anh. Ngoài tác động của môi trường, điều quan trọng và tiên quyết nhất là sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cá nhân.
Bạn có thể giỏi tiếng Anh nếu hình thành thói quen học ngoại ngữ mỗi ngày, tiếp cận tiếng Anh mỗi ngày thông qua nhiều phương pháp như đọc sách, báo, xem TV, phim ảnh, chương trình truyền hình hoặc trò chuyện với người nước ngoài thông qua ứng dụng học ngôn ngữ. Với kế hoạch này, bạn sẽ biến tiếng Anh thành một phần cuộc sống và không cảm thấy áp lực vì đang phải học ngoại ngữ.
4. Phải có chứng chỉ ngôn ngữ để chứng minh năng lực
Các chứng chỉ ngôn ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC sẽ rất có ích nếu bạn cần sử dụng cho mục đích học tập, công việc nhưng không lột tả hết trình độ tiếng Anh của mỗi người. Bạn phải làm chủ khả năng của bản thân, biết ưu điểm, nhược điểm trong các kỹ năng ngoại ngữ để tiếp tục trau dồi. Đừng quá chú trọng việc ôn tập lấy chứng chỉ mà quên mất rằng học tiếng Anh là để giao tiếp chứ không phải vì mục đích thi cử.
5. Nói thành thạo trong thời gian ngắn
Trên phương tiện truyền thông, mỗi ngày có không ít chủ đề như "Thành thạo tiếng Anh trong một tháng", "Nói tiếng Anh như người bản địa trong 30 ngày". Thực tế những người học tiếng Anh không thể nói lưu loát, trôi chảy chỉ trong thời gian ngắn như vậy vì kỹ năng nói đòi hỏi sự luyện tập và củng cố kiến thức liên quan. Bạn có thể nói lưu loát ở một vài chủ đề do có kế hoạch ôn luyện nhưng rất khó có thể thành thạo như người bản xứ.
6. Nghe, nói không quan trọng bằng đọc, viết
Tại hầu hết lớp học ngoại ngữ, giáo viên tập trung nhiều hơn vào kỹ năng đọc, viết và vì điểm số nên học sinh chỉ quan tâm đến hai kỹ năng này thay vì nghe, nói. Từ đó, nhiều người có thể đọc tiếng Anh trôi chảy nhưng không thể nói dù nửa chữ tiếng Anh. Điều này có nghĩa là bạn vẫn chưa thông thạo ngoại ngữ. Vì vậy, với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, bạn không nên thiên vị kỹ năng nào mà cần ôn luyện, trau dồi tất cả.
7. Dùng tiếng Anh Anh hoặc Anh Mỹ mới có nghĩa là thành thạo
Nhiều người cho rằng việc phát âm giọng Anh Anh hoặc Anh Mỹ mới thể hiện sự thành thạo nhưng điều này không chính xác. Điều quan trọng của việc học ngoại ngữ là phát âm chính xác, nói dễ nghe, dễ hiểu và có thể giao tiếp tự nhiên. Khi bạn nói pha ngữ điệu của tiếng mẹ đẻ nhưng người bản xứ vẫn hiểu ý của bạn thì có nghĩa là bạn đã thành công.
Tú Anh
Theo Real Life English, English Mate/VNE
Giải pháp giúp học sinh cuối cấp ôn tập hiệu quả khi nghỉ tránh dịch Việc nghỉ học dài ngày để tránh dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch học tập của học sinh, đặc biệt với những học sinh cuối cấp. Ảnh minh họa Câu chuyện không thể đến trường mùa dịch Covid-19, các học sinh sẽ học tập ôn luyện ra sao? Đó không chỉ là trăn trở của các bậc phụ huynh mà...