Cách thử thai, điều chế tình dược huyền bí thời Ai Cập cổ đại
Tình dược, bùa chú báo thù, thử thai bằng lúa mì… là những điều huyền bí không phải ai cũng biết về người Ai Cập cổ đại xưa.
Các nghiên cứu về Ai Cập cổ đại luôn là một trong những điều thú vị, hấp dẫn với nhiều nhà khoa học trên thế giới. Những câu chuyện về xác ướp, kim tự tháp hay phép thuật cổ đại… vẫn mang theo mình nhiều bí ẩn chưa được khám phá,
Cùng điểm lại một vài những sự kiện huyền bí về thế giới Ai Cập cổ đại xưa qua tổng hợp của trang Listverse dưới đây.
1. Phương pháp thử thai bằng lúa mì, lúa mạch
Trong cuốn sách y học “Berlin medical papyrus” của người Ai Cập cổ đại xưa có đề cập tới phương cách thử thai khá thú vị, đó là người phụ nữ ăn hỗn hợp gồm bia, hạt chà là trộn đều. Việc mang thai sẽ dựa trên phần trọng lượng mà cô ấy nôn ra. Điều này nhằm đo độ nhạy cảm của người phụ nữ mang thai với các mùi mạnh.
Một số tài liệu khác cũng đề cập rõ phương pháp thử thai của người phụ nữ với lúa mì, lúa mạch. Theo đó, muốn biết mình “có tin vui” hay không thì họ ngâm hạt lúa mì, lúa mạch trong nước tiểu của mình vài ngày.
Nếu hạt lúa mạch nảy mầm, người phụ nữ đó mang thai bé trai. Nếu lúa mì nảy mầm thì thai nhi là bé gái. Nếu không hạt lúa nào nảy mầm thì chứng tỏ người phụ nữ đó không mang thai.
Video đang HOT
Nghe có vẻ vô lý nhưng nghiên cứu của viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1963 đã chứng minh phương pháp này cho kết quả chính xác khá cao. Nước tiểu của người phụ nữ mang thai đã kích thích hạt lúa nảy mầm trong khi nước tiểu của đàn ông và phụ nữ không mang thai thì không làm được như vậy.
Người ta cho rằng, chính hormone estrogen tăng cao là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Tuy vậy, cũng có trường hợp người phụ nữ mang thai nhưng hạt trong túi không nảy mầm.
2. Tình dược
Người Ai Cập cổ đại rất yêu phép thuật, do đó mà không mấy ngạc nhiên khi họ áp dụng nó ngay cả trong tình yêu. Người Ai Cập xưa đã biết tạo ra những loại tình dược cho riêng mình và sử dụng chúng trong các trường hợp khác nhau: có loại dùng để “giữ chân” người yêu, hay nhằm mê hoặc người đối diện…
Một trong những cách chế tạo ra tình dược được lưu truyền trong nhiều cuốn sách đó là: trộn lẫn tóc của một người đàn ông đã chết với lúa mạch, táo gai, máu của một con ve đã đốt con chó mực, sau đó là máu và tinh dịch của chính người đàn ông đó. Và hỗn hợp này sẽ được pha vào cốc nước của người kia. Sau khi thưởng thức liều tình dược này, “ai kia” sẽ luôn yêu thương và ở bên mình mãi.
3. Bùa chú báo thù
Các học thuyết về Ai Cập cổ đại thường quan tâm đến sức mạnh của các loại bùa chú báo thù. Nổi tiếng nhất chính là các lời nguyền trong lăng mộ Pharaoh. Chúng được sáng tạo bởi các quan tư tế nhằm mục đích bảo vệ sự an nghỉ vĩnh hằng của các Pharaoh cũng như gìn giữ của cải được chôn theo cùng họ. Theo đó, nếu ai dám phá rối, họ sẽ phải trả giá.
Lạ thay, có khá nhiều lời bùa chú ấy được cho là linh nghiệm. Những cuộc tìm mộ, khảo cổ của giới khoa học tìm ra một lăng mộ Pharaoh mới luôn kèm theo các vụ mất tích, cái chết bí ẩn hay căn bệnh lạ…
Tuy vậy, có nhiều người không tin vào lời nguyền bùa chú này mà cho rằng, những người thám hiểm kim tự tháp đã nhiễm phải những loại vi khuẩn cực độc sinh ra từ thực phẩm và quần áo mà Pharaoh chôn theo.
4. Giấc mơ tiên tri
Ngày nay, chúng ta cho rằng, giấc mơ chỉ là một chuỗi những hình ảnh ngẫu nhiên, nhưng người Ai Cập cổ đại lại tin rằng, những gì họ mơ thấy vô cùng quan trọng và có một ý nghĩa rất lớn lao.
Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để nhờ thầy tu, hay mua những quyển sách – thứ mà có thể giúp họ giải mã được giấc mơ. Một số người thậm chí còn ngủ tại những ngôi đền để có thể ở gần hơn với các vị thần và có nhiều giấc mơ đẹp.
Người Ai Cập cổ đại thường không quá chú trọng vào bối cảnh của giấc mơ mà tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết nhỏ nhặt. Ví dụ như khi mơ thấy một con mèo lớn tức là mùa màng bội thu, hay mơ thấy một ngôi sao lùn, điều đó có nghĩa cuộc sống của người đó đã trôi qua một nửa.
5. Niềm tin về chuyện hồi sinh người chết
Như đã biết, “phép thuật” được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong xã hội Ai Cập xưa. Họ sử dụng chúng trong bất cứ việc gì, ngay cả khi hồi sinh người chết. Một số truyền thuyết xưa nói rằng, các thầy tu Ai Cập cổ đại có thể chia đôi nước trong hồ chỉ để tìm một món đồ làm rơi. Họ cũng có thể làm hồi sinh mọi thứ, kể cả con người, động vật.
Khái niệm về cái chết và cuộc sống mới là một nguyên lý cơ bản trong nền văn hóa tín ngưỡng của họ. Người Ai Cập tin rằng, cũng giống như Mặt trời mọc lại sau một đêm, cuộc sống con người cũng như vậy, do đó, họ luôn muốn chuẩn bị sẵn sàng, dành thứ tốt nhất cho cuộc sống mới sau cái chết.
6. Ma thuật kì diệu chữa lành bệnh
Nền văn hóa Ai Cập cổ đại còn nổi tiếng bởi khả năng chữa bệnh bằng ma thuật kì diệu của họ. Có một số sự thật về truyền thuyết này, nhưng phần lớn lịch sử đều bị nhầm lẫn. Gần đây các nhà nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng ma thuật trong các thủ thuật y tế không đóng vai trò quan trọng như nhiều người vẫn nghĩ.
Mặc dù có nhiều nghi lễ tập trung vào việc sử dụng ma thuật, nhưng điều đó không có nghĩa, người Ai Cập sử dụng nó. Theo một số tài liệu, người Ai Cập cổ đại xưa có một kiến thức sâu rộng và khả năng tìm thuốc chữa bệnh thực sự. Đôi khi, họ còn rất chuyên nghiệp trong thủ thuật phẫu thuật y khoa như tạo ra ngón chân giả thành công.
Theo Datviet