Cách phạt con khác thường của bà mẹ Mỹ
Con bị đình chỉ học ba ngày, bà mẹ Mỹ lên Facebook kêu gọi mọi người thuê con phụ việc không lương, từ cắt cỏ đến rửa xe.
Khi Demetris Payne thấy một cuộc gọi nhỡ từ trường học của con trai 13 tuổi, cô biết có chuyện chẳng lành. Thở dài một cái, bà mẹ đơn thân ở Shreveport, Louisiana (Mỹ) gọi lại cho nhà trường và hay tin cậu bé Jadarien bị đình chỉ học ba ngày vì hỗn với giáo viên. Cô được yêu cầu tới đón con ngay lập tức, theo CBS News ngày 17/11.
“Ba ngày có vẻ nghiêm khắc quá. Sao không phạt ngay tại trường?”, Payne hỏi. Tuy nhiên, Jadarien từng gây rắc rối một lần trước đó nên bây giờ phải chịu hình phạt này.
Ngay khi về nhà, Payne tịch thu điện thoại và trò chơi điện tử của Jadarien, rồi để con lại với ông ngoại 70 tuổi đang sống cùng nhà.
“Lúc đi làm về, tôi thấy thằng bé đang ăn dâu tây và vui đùa với bố tôi. Tôi nghĩ không ổn, trông cứ như một kỳ nghỉ vậy”, Payne nói.
Cô quyết định tìm cách kỷ luật con. Giao dụng cụ cào cỏ, Payne yêu cầu con dọn sạch sân vườn. Khi Jadarien xong việc, Payne tuyên bố con sẽ phải làm vườn không công cho những người khác trong suốt thời gian bị đình chỉ.
“Thằng bé không tin. Có lẽ đôi khi tôi dịu dàng và nuông chiều nó quá”, Payne nhận xét.
Nhưng lần này bà mẹ bốn con rất nghiêm túc. Cô đăng một bức ảnh của Jadarien lên Facebook cá nhân với dòng giới thiệu “Dịch vụ làm vườn miễn phí”, giải thích con trai bị đình chỉ học và sẽ nhận cắt cỏ, lấy rác hoặc rửa ôtô cho những ai yêu cầu trong ba ngày tới. Trong vài giờ, cô nhận được đề nghị của vài cư dân.
Jadarien phải đi làm vườn không công trong ba ngày bị đình chỉ.
Cô bắt đầu lái xe đưa Jadarien từ nhà này đến nhà khác, đứng cạnh xe và nhìn con làm việc. Jadarien cắt cỏ, nhặt lá thông rụng đầy trong vườn mà không phàn nàn câu nào. Jadarien cuối cùng đã phục vụ cho ít nhất tám gia đình. Khi kết thúc công việc, Payne đưa con trai đến thư viện để đọc sách và hoàn thành bài tập về nhà.
Video đang HOT
“Tôi đã giải thích với thằng bé rằng những công việc này không phải để trừng phạt mà để dạy nó về kỷ luật. Không cần biết giáo viên đúng hay sai, con phải tôn trọng giáo viên, tôn trọng người lớn”, Payne chia sẻ.
Trở lại trường sau ba ngày, Jadarien được bạn bè và thầy cô cho biết đã nhìn thấy em trên Facebook. Jadarien chỉ cười. Mẹ em tin con trai không cảm thấy xấu hổ vì điều đó.
Payne cẩn thận trao đổi với giáo viên để lên kế hoạch theo dõi hành vi sau khi đình chỉ, tuy nhiên cô biết rằng Jadarien đã nhận được một bài học lớn.
Hàng trăm người chia sẻ bài viết trên Facebook của Payne, khen ngợi cô vì cách kỷ luật độc đáo và cho biết sẽ thử áp dụng. Payne hy vọng những đứa trẻ khác của mình, lần lượt 3, 8 và 17 tuổi, đã nhìn thấy trải nghiệm của Jadarien và tự uốn nắn hành vi.
“Những ông bố bà mẹ đơn thân đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy khuyến khích các con. Khi một cách dạy con nào đó không hiệu quả, hãy thử cách khác, tìm gốc rễ của vấn đề”, cô khuyên.
Theo VNE
Những năm tháng làm giảng viên của cựu tổng thống Obama
12 năm dạy trường Luật Đại học Chicago, Obama là giảng viên nổi bật, được nhiều sinh viên yêu mến.
Barack Obama thường được mô tả là người có sức thu hút. Ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên qua 12 năm làm giảng viên tại trường Luật Đại học Chicago, từ năm 1992 đến năm 2004.
Giảng viên có tiếng trong trường
Cựu tổng thống Mỹ dạy luật hiến pháp và lý thuyết chủng tộc. Ông không quá gần gũi với các giảng viên, sinh viên bởi phải phân bố thời gian cho giảng dạy và công việc tại Thượng viện Illinois. Dù vậy, sinh viên luôn đánh giá tốt và xếp hạng giảng viên Obama rất cao.
"Khi lịch làm việc cho phép, ông luôn dành thời gian tán gẫu với sinh viên. Nếu ông hỏi bạn câu gì đó, nó không phải là phép lịch sự, ông thực sự quan tâm đến câu trả lời", Jesse Ruiz, cựu sinh viên trường Luật, Đại học Chicago kể lại trên The Guardian.
Ruiz khi đó là chàng sinh viên luật 27 tuổi đang tìm kiếm công việc thực tập ở Chicago, được các giáo sư gợi ý nên trao đổi với giảng viên trẻ Barack Obama. Dù chưa dự lớp học nào của ông, anh đã nghe tiếng từ trước, bởi đó là giảng viên người Mỹ gốc Phi duy nhất trong trường.
Obama ở trường Luật Đại học Chicago năm 1999. Ảnh: University of Chicago Law School
Gõ cửa phòng ông Obama, giới thiệu bản thân và mục đích của mình, Ruiz được đề nghị cùng đi ăn trưa để nói chuyện kỹ hơn về việc thực tập. "Tôi đã rất hãnh diện khi ông bớt thời gian cho mình, rồi nhanh chóng nhận ra ông thực sự thích giúp đỡ người khác. Chúng tôi tìm thấy những điểm chung khi trò chuyện", Ruiz kể về sự gần gũi của giảng viên trẻ.
Một ngày nóng nực tháng 3/1994, Ruiz tham dự lớp học 15 người của ông Obama và được dạy dưới một gốc cây. Sự cởi mở đó khiến ông trở thành một trong những giảng viên nổi tiếng nhất tại trường đại học.
Là người có tư tưởng tiến bộ, Obama khiến nhiều sinh viên muốn đăng ký vào lớp của mình. Theo New York Times, ông Obama thích tổ chức lớp học theo phong cách của buổi hội thảo và không hề né tránh những chỉ trích, tranh luận trái chiều. Trong các tiết học, ông nêu ra những thất bại của chính sách tự do, những sửa đổi trong thời kỳ tái thiết trở nên vô nghĩa, các luật về quyền bầu cử...
Tự miêu tả những năm tháng giảng dạy của mình trong cuốn sách The Audacity of Hope (Hy vọng táo bạo), Obama viết: "Tôi thích lớp học ở trường Luật: bản chất tối giản của nó, hành động liều lĩnh khi đứng trước một căn phòng chỉ với mỗi bảng đen và phấn, các sinh viên trước mặt, người chăm chú lắng nghe, kẻ biểu lộ vẻ chán nản. Sự căng thẳng bị phá vỡ bởi câu hỏi đầu tiên của tôi: Vụ việc này thuộc vấn đề gì?. Những cánh tay ngập ngừng giơ lên, những người đầu tiên bắt đầu phản hồi và tôi phản biện họ về bất kỳ khía cạnh nào".
Không phô diễn bản thân trước sinh viên
Dan Johnson là sinh viên trường Luật, Đại học Chicago, những năm cuối cùng của thập niên 90 thế kỷ trước. Anh chia sẻ trên TakePart những ký ức về vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ ở độ tuổi 30, khi ông là một trong những giảng viên đáng nhớ thời sinh viên của mình.
Obama làm ba công việc một lúc, đều liên quan đến luật. Ảnh: AP
"Ông có hai con gái nhỏ, hai khoản nợ sinh viên lớn và ba công việc. Ông là luật sư cho một công ty luật về dân quyền, là Thượng nghị sĩ phải chạy xe 180 dặm đến Springfield để làm việc, và là một giảng viên trường luật. Ông đến trường vào 8h sáng các ngày thứ hai để dạy một lớp 90 phút, sau đó quay lại vào các buổi chiều thứ sáu lúc 16h để dạy một lớp 90 phút khác", Johnson kể.
Theo anh, các giáo sư luật đôi khi hành xử như người thông minh nhất trong phòng, phô diễn kiến thức và mong đợi sinh viên trầm trồ. Tuy nhiên, Obama không phải trường hợp đó. Ông hướng đến các ý kiến thảo luận, yêu cầu sinh viên chia sẻ quan điểm và bảo vệ chúng. Johnson nhận xét: "Mặc dù có lẽ ông chính là người thông minh nhất ở đó, ông không bao giờ tỏ ra như vậy".
Đây không phải lời khen hiếm hoi về sự khiêm tốn của Obama. Cựu sinh viên Marta Lowe, người tham gia lớp "Các vấn đề hiện tại trong Chủ nghĩa chủng tộc và Luật" của ông vào mùa xuân năm 1995 cũng từng nhận xét tương tự trên tờ Time: "Lớp trao đổi ý kiến rất nhiều. Không có chuyện giảng viên bắt sinh viên phải nghĩ theo hướng nào".
Sau khi tốt nghiệp trường Luật, Dan Johnson làm việc trong chiến dịch của Thượng nghị sĩ Obama trước khi ông được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 2004, tuy nhiên không có cơ hội nói chuyện với ông. Tại một lễ hội ở Nhà Trắng năm 2015, khi đến dự với vai trò khách mời, Johnson không ngờ ông Obama khi đó đã là tổng thống, vẫn còn nhớ cựu sinh viên của mình.
"Tôi ngạc nhiên khi ông không chỉ nhớ ra tôi mà còn rất vui mừng khi gặp lại. Điều này khiến tôi suy nghĩ về vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ với tư cách một nhà giáo dục xuất sắc", anh nói.
Dan Johnson gặp lại ông Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: White House
Giá trị vĩnh cửu của người thầy
Dan Johnson gọi ông Obama là "người thầy vĩ đại", người đã dạy anh giá trị của sự cần cù khi làm ba nghề cùng lúc với đam mê thật sự. Sau khi chạy đua vào Quốc hội năm 2000 và thua cuộc, ông trở lại cuộc đua thêm lần nữa. Bài học đừng bao giờ bỏ cuộc được ông truyền đạt bằng chính câu chuyện của mình.
Ông Obama đam mê thay đổi xã hội. Theo Johnson, ông đã dạy sinh viên rằng làm chính trị không phải là giành được nhiều quyền lực hơn, đánh bại được các đối thủ hoặc trở nên nổi tiếng hơn. Thước đo thành công sau cùng là liệu cuộc sống của người dân có cải thiện được hay không. Mục tiêu đó cần nhiều thời gian, năng lượng và nỗ lực để đạt được.
"Ông dạy tôi rằng tác động của một giáo viên vĩ đại cũng giống như tác động của một nhà lãnh đạo vĩ đại, sẽ kéo dài mãi mãi", Johnson khẳng định.
Theo VNE
Trường phải xin lỗi vì bữa ăn cho trẻ chỉ có bún chan nước xương Cho rằng việc phân chia khẩu phần bữa ăn chính và phụ là bất hợp lý, Phòng Giáo dục Con Cuông (Nghệ An) yêu cầu trường xin lỗi phụ huynh. Hôm nay, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Con Cuông (Nghệ An) đã làm việc với Ban giám hiệu trường Mầm non Thạch Ngàn để làm rõ nội dung phụ huynh...