Cách nhân viên Google sắp xếp thời gian làm việc
Bí quyết sắp xếp thời gian của nhân viên Google dựa vào thói quen của mỗi người, theo đó mỗi thời điểm phù hợp với công việc khác nhau.
Giám đốc marketing Jeremiah Dillionm của Google Apps for Work đã đưa ra thách thức nhỏ cho nhóm của ông trong quản lý thời gian. Sau khi thu được kết quả, ông gửi email chia sẻ cách loại bỏ những yếu tố bên ngoài cũng như tự tạo thêm thời gian để tăng năng suất làm việc.
Nội dung email cho rằng có 2 loại người phổ biến trong quản lý thời gian là người tạo lập (The maker) và người quản lý (The manager).
Một người quản lý thường cắt nhỏ thời gian thành các khoảng 30 phút, và cứ 30 phút một lần họ sẽ thay đổi những gì đang làm, cũng tương tự như cách chúng ta chơi ghép hình Tetris, chuyển các khối hình để phủ kín dần không gian.
Trong khi đó, người tạo lập sử dụng phương pháp “Make time” (tạo thời gian) để sắp xếp thời gian trong ngày theo kiểu xây dựng, dựa trên mức năng lượng từng ngày của họ.
Trước đó, họ cần phải suy nghĩ kỹ về kế hoạch của mình. Cách hiệu quả nhất để họ sử dụng thời gian là chia theo các mức 12 hoặc 24 tiếng. Ngay cả một cuộc gặp chừng 30 phút cũng sẽ gây ảnh hưởng tới lịch trình “Make time” của họ.
Do vậy, họ đặt ra cho mình một mục tiêu rõ ràng và tạo lịch trình càng cụ thể càng tốt, bao gồm cả thời gian và địa điểm công việc, và lý tưởng nhất là cả những việc sẽ làm.
Cụ thể, email khuyên rằng hãy làm những công việc không cần đặt yêu cầu quá cao vào thứ Hai bởi bạn thường mệt mỏi sau cuối tuần.
Video đang HOT
Không nên làm những việc phức tạp vào thứ Hai. Ảnh: Chatelaine.
Thứ Ba, thứ Tư là thời điểm năng lượng cao nhất, hãy giải quyết những vấn đề khó khăn.
Thứ Năm là thời gian cho các cuộc họp, và thống nhất công việc với đồng nghiệp.
Năng lượng của bạn sẽ thấp nhất vào thứ Sáu, chỉ làm những việc nhẹ nhàng và xây dựng quan hệ với mọi người xung quanh.
Hãy nhớ luôn hướng kế hoạch Make time của bạn vào buổi sáng, trước khi sự mỏi mệt xuất hiện vào buổi chiều vì đây là khoảng thời gian cho những công việc lặp lại, mang tính quy trình.
Ông cũng khuyên nhân viên không nên thay đổi kế hoạch đột ngột,và đây là một chìa khóa để thăng tiến.
Đại Việt
Theo Zing
Kỹ sư Google sống trong xe tải để tiết kiệm lương
Một kỹ sư phần mềm 23 tuổi của Google đang có cuộc sống... không giống ai nhằm tiết kiệm hơn 90% khoản lương hàng tháng.
Sống trong một chiếc xe tải ở bãi giữ xe của Google, Bradon - một kỹ sư phần mềm của Google đã tiết kiệm được tiền ăn ở lẫn đi lại, giúp bảo toàn khoảng 90% thu nhập hằng tháng.
Trả lời phỏng vấn Bussiness Insider, Bradon từ chối chụp ảnh chân dung và không tiết lộ đầy đủ họ tên. Ý tưởng sống trong xe tải đến với Bradon khi anh nhận ra mình phải trả quá nhiều tiền để thuê phòng ở San Francisco. Bradon từng thực tập ở Google trong năm ngoái và mất khoảng 65 USD mỗi đêm cho một căn phòng 4 người, hai giường ngủ. Trung bình mỗi tháng Bradon mất khoảng 2.000 USD chỉ để có chỗ ngủ ở thành phố công nghiệp này.
Bradon sống trong một chiếc xe tải của Ford đời 2006. Ảnh: Bradon.
Sau khi kết thúc kỳ thực tập và được nhận vào làm việc ở Google, Bradon đã bỏ ra khoảng 10.000 USD để mua một chiếc xe tải cũ cỡ nhỏ, đã chạy được khoảng 252.000 km. Bên trong chiếc xe tải là một không gian khá nhỏ, nhưng đủ để Bradon đặt một chiếc giường, một tủ quần áo và giá treo đồ và một lồng nuôi thú cưng.
Bằng cách này, Bradon chỉ phải bỏ ra hằng tháng 121 USD cho tiền bảo hiểm xe tải. Tiền điện thoại của Bradon được Google chi trả. Trên chiếc xe, kỹ sư 23 tuổi cũng không dùng đến điện. Bradon cho biết anh dùng hai cục pin sạc dự phòng để thắp sáng và sạc điện thoại vào ban đêm. Laptop và các thiết bị điện tử sẽ được sạc đầy tại văn phòng công ty. Bradon cũng ăn uống và tắm rửa ngay tại Google.
"Nội thất" bên trong chiếc xe tải. Ảnh: Bradon.
Kể từ khi sống trên xe tải, Bradon cho biết anh tiết kiệm được 90% lương sau thuế. Anh dùng số tiền này để thanh toán khoản nợ học phí thời sinh viên và đã trả gần hết. Số tiền dư dả cũng giúp Bradon có thể tận hưởng thức ăn ngon tại các nhà hàng tốt và các dịch vụ giải trí ở San Francisco.
Ngoài lợi ích về kinh tế, Bradon cũng là người có mặt sớm nhất ở công ty vì mỗi sáng anh chỉ tốn vài bước đi bộ từ nhà xe Google đến chỗ làm việc, thay vì chờ hàng giờ trên tàu điện hoặc chết chìm trong cảnh kẹt xe như các đồng nghiệp khác.
"Tôi trẻ, linh hoạt và không việc gì phải lo lắng về một việc vốn không ảnh hưởng đến ai", Bradon bày tỏ quan điểm về phong cách sống của mình.
Duy Tín
Theo Zing