Cách nào ngăn chặn giáo viên thuê người tập huấn hộ, đánh giá đúng chất lượng?
Một khi giáo viên còn chưa nắm sâu, nắm kỹ, còn lúng túng về chương trình mới thì mọi thứ trước mắt chắc chắn sẽ còn rất nhiều những khó khăn.
Khác với những lần tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên khi thay đổi chương trình, sách giáo khoa trước đây, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai tập huấn trực tuyến trong nhiều tháng qua.
Việc tập huấn trực tuyến trong năm học này được xem là phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covod-19 và cũng là cách để giáo viên có thể chủ động về thời gian tự học tập, bồi dưỡng của mình.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế triển khai các phần mềm, cách tổ chức tập huấn và cách tự tập huấn của giáo viên thì chúng tôi đang thấy có những bất cập, hạn chế, chất lượng tập huấn chưa được như mong muốn.
Việc tập huấn trực tuyến vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định (Ảnh minh họa: Nhật Duy)
Giáo viên mới tập huấn hết nội dung còn hiệu quả thì…
Đến nay, đa phần các địa phương đã triển khai cho giáo viên tập huấn đến module thứ 3 của chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng nó đang thể hiện những bất cập nhất định.
Thứ nhất: khi lãnh đạo các Sở, Phòng Giáo dục triển khai tập huấn các module trực tuyến thì giáo viên gần như không được hướng dẫn điều gì. Chỉ cái email của cấp trên và tin nhắn nội bộ của nhà trường yêu cầu là giáo viên tự tập huấn.
Vì thế, giáo viên phải tự xem cách hướng dẫn được cài đặt sẵn trên phần mềm và mày mò đăng ký các module để học tập.
Giáo viên cốt cán chỉ giới thiệu sơ qua lại nội dung module ở buổi tập huấn trực tiếp khi mà giáo viên đã hoàn thành việc tập huấn trực tuyến. Còn giáo viên tự học, tự làm bài tập trước theo phân công của giáo viên cốt cán của từng cụm, từng địa bàn.
Chính vì vậy, giáo viên nào biết về tin học thì những module đầu tiên dễ dàng tiếp cận, giáo viên nào yếu tin học thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc đăng ký học, kê khai thông tin cá nhân, tải các file bài tập lên phần mềm trực tuyến.
Thậm chí, một số giáo viên còn thuê người học, mượn người học thay cho mình.
Thứ hai: nội dung tập huấn có những phần chưa trọng tâm, quá dài và mỗi module được thiết kế thêm nhiều phần việc không thật sự cần thiết, đó là những bài khảo sát hoặc đánh giá, minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp.
Tài liệu mỗi nội dung trong module thì dài hàng chục, thậm chí lên đến gần cả trăm trang giấy A4 mà mỗi module thì lại có nhiều nội dung khác nhau nên rất khó để đọc sâu, đọc nghiên cứu…
Với cách thiết kế phần mềm trực tuyến như hiện nay, rất khó để giáo viên học tập chuyên sâu mà chỉ có thể xem qua video, lướt hết trang nội dung để được tích màu xanh (hoàn thành).
Thứ ba: thời điểm các địa phương triển khai tập huấn trực tuyến chưa được bố trí phù hợp, 2 module đầu tiên thì triển khai vào thời điểm cuối học kỳ I, modul 3 thì triển khai vào lúc gần kiểm tra học kỳ II nên giáo viên bị chi phối nhiều công việc cùng một lúc.
Video đang HOT
Nhiều khi giáo viên vừa phải chấm bài, vừa mở video hoặc tận dụng những giờ ra chơi thì mở điện thoại ra… “lướt” nội dung tập huấn cho hoàn thành tiến độ thời gian.
Thứ tư: thời gian tập huấn trực tiếp cho mỗi module quá ít, phần việc thì lại quá nhiều.
Một ngày tập huấn cho mỗi module thì nửa ngày giáo viên cốt cán giới thiệu sơ lược nội dung module, hướng dẫn làm bài tập nhóm. Nửa ngày còn lại các trường lên báo cáo bài tập nhóm của mình và đóng góp ý kiến cho nhau.
Bài tập nhóm thì cũng chỉ tập trung vào một vài người làm nhưng là sản phẩm chung cho cả 1 tổ chuyên môn. Vì thế, có giáo viên không tham gia làm bài tập nhưng điểm thì tính chung cho như nhau.
Nhưng, điểm số không quan trọng mà quan trọng là những giáo viên chưa tham gia làm bài tập- phần quan trọng nhất của mỗi module thì rất khó để nắm được những nội dung cơ bản của việc tập huấn.
Thứ năm: trong từng đơn vị vẫn có một bộ phận giáo viên chưa có sự chuẩn bị, tự học tập nghiêm túc. Một số thầy cô sẵn sàng bỏ ra một ít tiền để thuê người học thay mình hoặc mượn người khác làm thay công việc.
Chính vì những bất cập của việc triển khai, cách tự bồi dưỡng trực tuyến, tập huấn trực tiếp như hiện nay rất khó để tất cả giáo viên đi sâu vào nội dung tập huấn đang được Bộ triển khai.
Cần có những điều chỉnh việc tập huấn trong thời gian tới đây
Chúng tôi cho rằng việc tập huấn trực tuyến là rất cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay bởi nó giúp cho giáo viên chủ động việc học và có thể học đi, học lại khi cần thiết. Nhưng, bên cạnh những thầy cô học tập nghiêm túc thì vẫn có những người đang học hành đối phó.
Công tác kiểm tra việc tập huấn của giáo viên thì giao cho giáo viên cốt cán nhưng mới chỉ dừng lại ở tiến độ học tập chứ chưa đi sâu vào chất lượng.
Một khi giáo viên tập huấn mà chưa lĩnh hội hết được nội dung thì đương nhiên khi bắt tay vào công việc giảng dạy tới đây sẽ có một bộ số thầy cô giáo gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới đây thì bộ phận chuyên môn của các địa phương cần có kế hoạch dài hơi và thiết thực hơn.
Thứ nhất: cần khích lệ giáo viên tự học tập, bồi dưỡng những phần công việc đã được thiết kế trên phần mềm trực tuyến một cách trung thực, nghiêm túc. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ của các tổ, khối thì nội dung tập huấn phải được đem ra thảo luận, đóng góp, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn.
Muốn làm tốt việc này, các địa phương cần có kế hoạch bồi dưỡng, định hướng chuyên môn cho các tổ trưởng, khối trưởng để họ triển khai khi sinh hoạt chuyên môn.
Thứ hai: thay vì việc phân công cho một giáo viên cốt cán phụ trách môn học của cả huyện hoặc một cụm lớn thì nên phân công thêm các trưởng nhóm ở từng trường để họ có thể kiểm tra tiến độ, giám sát nội dung học tập của giáo viên trong trường của mình.
Một giáo viên cốt cán phụ trách trên dưới 100 người tập huấn như hiện nay đang thực sự quá tải và rất khó để giám sát về chất lượng bồi dưỡng.
Thứ ba: thời điểm nghỉ hè tới đây thì ngành giáo dục tăng cường thêm việc tập huấn trực tiếp nhằm giúp cho giáo viên các trường tương tác, học hỏi lẫn nhau. Các phần việc, các bài tập nên phân công cụ thể cho từng giáo viên sẽ hiệu quả hơn là phân công mỗi trường chuẩn bị 1 bài tập nhóm.
Việc phân công như hiện nay chỉ có một số thành viên tích cực làm việc, những giáo viên chưa tích cực thì tìm mọi lý do để thoái thác vì họ không làm cũng được hưởng thành quả chung của nhóm.
Thứ tư: công tác kiểm tra, giám sát cần cụ thể và sát sao hơn. Những bài tập tự luận nhỏ giống nhau từng câu chữ, từng dấy chấm, dấu phẩy phải được đặt ra câu hỏi về tính trung thực của người học.
Bên cạnh việc thay đổi cách tập huấn cho giáo viên thì việc quan trọng là các Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn cần sâu sát hơn, giáo viên được khích lệ, tạo động lực thì việc học tập sẽ tốt hơn.
Nếu vẫn tập huấn như hiện nay, chúng tôi tin rằng sẽ còn những giáo viên thuê người học, còn những giáo viên chỉ học cho hết nội dung chứ chưa đầu tư chuyên sâu cho chuyên môn của mình.
Thành hay bại của chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải có một chương trình tốt, sách giáo khoa tốt, nội dung tập huấn phù hợp và công tác tuyên truyền, khích lệ, động viên tốt.
Nhưng, quan trọng hơn cả là những thầy cô giáo phải chủ động lĩnh hội được nội dung của chương trình, thành thạo được những thay đổi về phương pháp, cách đánh giá phẩm chất, năng lực của học trò.
Một khi giáo viên còn chưa nắm sâu, nắm kỹ, còn lúng túng về chương trình mới thì mọi thứ trước mắt chắc chắn sẽ còn rất nhiều những khó khăn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Giáo viên cốt cán không có chế độ, giáo viên tập huấn hộ tranh thủ kiếm tiền
Để việc bồi dưỡng đi vào thực chất, mỗi nhà giáo cần xác định mục tiêu của việc tự học, tự bồi dưỡng.
Để chuẩn bị cho việc triển khai dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán phổ thông.
Điểm khác biệt của các đợt tập huấn lần này so với những lần tập huấn thay sách giáo khoa trước đây là kết hợp tập huấn trực tuyến và trực tiếp, chú trọng vào các kĩ năng thực hành cho người được tập huấn.
Hiện nay trong kế hoạch bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên mỗi cấp học có tất cả 9 modul bồi dưỡng thực hiện (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông).
Đến thời điểm này, các trường đại học sư phạm, học viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bồi dưỡng đã thực hiện bồi dưỡng xong modul 3 ( "Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực") cho giáo viên phổ thông cốt cán và đang triển khai bồi dưỡng cho giáo viên đại trà.
Là người được tham gia các đợt tập huấn giáo viên cốt cán, tôi cho rằng các trường đại học đã triển khai rất nghiêm túc và hiệu quả các nội dung tập huấn, giúp học viên có thể tự tin truyền đạt lại những nội dung cơ bản của từng modul trong việc hỗ trợ đồng nghiệp khi triển khai tập huấn đại trà.
Tuy nhiên khi về triển khai tại địa phương đã nảy sinh một số trở ngại trong việc hỗ trợ đồng nghiệp là giáo viên đại trà.
Trong kế hoạch bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên, mỗi cấp học có tất cả 9 modul bồi dưỡng thực hiện. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Trước khi tập huấn trực tiếp, giáo viên các trường phải trải qua quá trình tập huấn trực tuyến.
Nội dung chương trình tập huấn giữa các môn học trong cùng một cấp học (trung học cơ sở, trung học phổ thông) cơ bản là giống nhau, chỉ khác ở bài thu hoạch cuối khóa học.
Phần đông các thầy cô giáo tự vào tài khoản của mình để học nhưng vẫn có không ít giáo viên vì không thành thạo công nghệ thông tin (hoặc vì lý do nào đó) nên nhờ người khác học hộ.
Chính vì nguyên nhân này nên xuất hiện một dịch vụ mới trong ngành giáo dục đó là dịch vụ học hộ.
Tuy là một giáo viên tiểu học nhưng cứ mỗi đợt học modul cô N.T.T.L. (đề nghị không nêu tên) luôn bận rộn với công việc học hộ của mình.
Những người nhờ cô học hộ phần lớn là giáo viên lớn tuổi, giáo viên không thông thạo máy tính cấp tiểu học và một số giáo viên của cấp trung học cơ sở.
Ban đầu cô chỉ nhận làm giúp cho một số đồng nghiệp cùng trường, sau thấy nhu cầu của không ít giáo viên nên cô nhận học hộ mỗi modul của một giáo viên với số tiền là 200.000 đồng. Trung bình mỗi đợt học modul, cô nhận học hộ khoảng 20 người.
Cũng theo cô L. vì số lượng giáo viên đăng ký học hộ nhiều nên cô đã phải san sẻ và nhờ các đồng nghiệp khác hỗ trợ.
Về phần giáo viên phổ thông cốt cán, khi hỗ trợ đồng nghiệp và chấm bài họ rất vất vả nhưng không được hưởng các chế độ. Trung bình mỗi giáo viên cốt cán phải chấm khoảng 20 bài kế hoạch cuối khóa.
Họ phải đọc, hướng dẫn đồng nghiệp hoàn thành các nội dung của modul, đôi khi còn chịu sự chỉ trích, khó chịu của đồng nghiệp khi họ chấm các bài thu hoạch không đạt và chỉ ra những tồn tại của giáo viên trong bài thu hoạch.
Vì vậy để an toàn, nhiều giáo viên cốt cán thường chấm điểm cho các đồng nghiệp thật cao, qua loa để mọi người không có sự so đo, ý kiến.
Các modul bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2021 nhằm hỗ trợ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của mỗi giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Do đó để việc bồi dưỡng đi vào thực chất, mỗi nhà giáo cần xác định mục tiêu của việc tự học, tự bồi dưỡng.
Các đơn vị trường học cần nghiêm túc khi tổ chức tập huấn các modul, tránh làm qua loa, đại khái.
Về phần giáo viên cốt cán, chúng tôi kiến nghị chương trình ETEP ( Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ) nên có chế độ bồi dưỡng cho giáo viên khi chấm bài của đồng nghiệp.
Việc tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên trong thời gian qua là cơ sở quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà giáo khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Vì vậy nếu thực hiện không nghiêm túc sẽ là lực cản trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Giáo viên bận tập huấn chương trình mới, người dạy thay có được tính tăng giờ? Đề nghị các trường học tại thị xã La Gi nghiên cứu Công văn số 2674/SGDĐT-MN&TH để thanh toán chế độ đi tập huấn cho giáo viên theo đúng quy định. Cứ mỗi khi có công văn điều động giáo viên cốt cán đi tập huấn chương trình mới, người được cử đi cùng người ở nhà đều chẳng thấy vui vẻ gì....