Cách ly xã hội là “thời cơ vàng” để dạy trẻ nấu ăn
Việc các trường học, nhà trẻ đóng cửa, các hoạt động thể thao tạm ngừng do cách ly xã hội vì dịch Covid-19 được xem là cơ hội vàng để phụ huynh dạy trẻ kỹ năng nấu ăn.
Theo Psychology Today (một tạp chí tâm lý học của Hoa Kỳ), trẻ thường xuyên ăn tối cùng gia đình mang lại nhiều lợi ích tích cực như trẻ sẽ ăn nhiều trái cây và rau quả, ăn ít thực phẩm không lành mạnh hơn… Ngoài ra, theo nghiên cứu của Trung tâm quốc gia về “Cai nghiện và Lạm dụng chất kích thích”, việc ăn tối cùng gia đình cũng giúp trẻ ít khả năng bị thừa cân hay bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội khác như hút thuốc và ma túy hơn.
Vì vậy, việc các trường học, nhà trẻ đóng cửa, các hoạt động thể thao tạm ngừng do cách ly xã hội vì dịch được xem là cơ hội vàng để phụ huynh dạy trẻ kỹ năng nấu ăn. Cha mẹ nấu ăn cùng con trẻ không những giúp trẻ tìm hiểu nguồn gốc của các loại thực phẩm mà còn có thể dạy trẻ về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, giúp trẻ biết thêm nhiều loại thực phẩm mới và bớt kén ăn hơn.
Cho trẻ ăn uống lành mạnh
Mặc dù trẻ em ở các độ tuổi khác nhau cần hàm lượng chất dinh dưỡng cụ thể khác nhau để phát triển nhưng ăn uống lành mạnh là điều cần đảm bảo với trẻ ở bất kì lứa tuổi nào. Các bữa ăn nên cân đối các thực phẩm giàu protein, rau, trái cây, ngũ cốc và chất béo một cách phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh trẻ phải ở nhà suốt vì dịch Covid -19 thì việc cho trẻ ăn ba bữa ăn cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng quả là một thử thách không hề dễ dàng.
Khi quá căng thẳng hoặc mệt mỏi để nấu ăn, bạn thường hay cho trẻ ăn các thức ăn nhanh, dễ đặt hàng như pizza, mì Ý, phô mai hay gà rán. Điều đó hoàn toàn ổn nếu bạn biết cách làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng cho bữa ăn. Ví dụ, bổ sung trái cây hoặc rau củ thái lát cho bữa ăn, bổ sung xà lách, dưa chuột, hành tây và cà chua cho món mì Ý; hay ăn kèm gà rán với các loại rau củ tươi non như xà lách, bắp cải tím, bông cải.
Nếu bữa ăn gia đình không cân bằng như bạn mong muốn, hãy chuẩn bị thêm các loại đồ ăn nhẹ giàu dinh dưỡng, như sinh tố, trái cây, nước ép và các loại ngũ cốc. Hãy chú ý duy trì thời gian giữa các bữa ăn chính với nhau và giữa bữa chính với bữa nhẹ, điều này giúp làm giảm thói quen ăn vặt ở trẻ.
Ảnh minh họa
Dạy trẻ cách nấu ăn
Có thể tạo hứng thú cho trẻ với việc nấu ăn khi còn nhỏ sẽ giúp chúng duy trì kỹ năng này khi trưởng thành. Điều quan trọng hơn hết là cha mẹ cần phân công trẻ làm các công việc phù hợp với độ tuổi và khả năng, trong khi vẫn giám sát được trẻ. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo các gợi ý sau:
Với trẻ mẫu giáo (ba đến năm tuổi), có thể cho trẻ làm các việc như giúp rửa trái cây và rau quả, nhào và khuấy bột hay cho bột vào khuôn bánh.
Trẻ lớn hơn có thể giao các nhiệm vụ như vắt chanh, cho số lượng nguyên liệu vào cốc và thìa, đánh trứng, bóc vỏ trứng, nghiền khoai lang hoặc cắt thức ăn mềm bằng dao nhựa.
Đối với trẻ từ 8 đến 10 tuổi, kỹ năng nấu ăn phù hợp bao gồm lên kế hoạch cho bữa ăn gia đình, tự lên danh sách nguyên liệu cho món ăn hoặc dựa theo một công thức đơn giản. Những món được gợi ý là sinh tố, sữa chua, rau trộn hay nước chấm.
Từ 10 đến 12 tuổi, khi có thể tuân thủ các quy tắc an toàn trong bếp, nhiều trẻ đã có thể chuẩn bị các công thức nấu ăn phức tạp hơn bao gồm ớt, thịt gà, thịt viên, mì ống, nước sốt cà chua, trứng, bánh quy và bánh cupcake.
Khi trẻ tham gia vào các hoạt động nấu ăn, cần nên có sự kiên nhẫn chỉ dạy của các bậc phụ huynh. Cho nên, đó là lí do vì sao thời gian rãnh rỗi lúc này thật sự hữu ích.
Kim Ngọc (dịch)
Dạy con kỹ năng mới trong thời gian nghỉ phòng dịch
Thấy con gái 6 tuổi ao ước đi "xe 2 bánh" thay vì "4 bánh", anh Dương Toản, 48 tuổi ở Vĩnh Phúc cho con tập xe đạp trong thời gian nghỉ phòng Covid-19.
Từ sau Tết Nguyên đán, con được nghỉ phòng Covid-19, vợ chồng anh Toản cho con gái 6 tuổi học ở thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) về quê Việt Trì (Phú Thọ) để có không gian rộng hơn và gặp gỡ nhiều bạn đồng trang lứa.
Tháng 2, khi tình hình Covid-19 chưa phức tạp đến mức phải cách ly xã hội, anh hoặc vợ lại cùng con đi bộ quanh làng như một cách tập thể dục. Nhưng đi bộ mãi cô bé cũng chán, anh Toản nghĩ dạy con môn mới. Hồi cuối học kỳ I, cô giáo yêu cầu phụ huynh mua dây để các con tập nhảy nhưng chưa tập được mấy thì học sinh nghỉ Tết. Vợ chồng anh Toản nghĩ dạy con nhảy dây đầu tiên.
"Những buổi đầu, con bé liên tục kêu khó, rồi giận khi bố mẹ nhảy được nhiều còn mình thì không. Tôi kiên trì hướng dẫn, con nhảy chỉ được 2-3 cái vẫn động viên. Dần dà, cháu nhảy được 10 cái rồi 20 cái liên tiếp", anh Toản kể. Từ khi biết nhảy dây, sáng và chiều tối nào cô bé cũng nhảy.
Con gái anh Toản đã nhảy dây thành thạo. Video: Nhân vật cung cấp
Thấy con nghỉ học quá rảnh, bố mẹ không làm công sở nên nhiều thời gian, anh Toản nghĩ đến việc cho con tập xe đạp bởi con gái luôn nhìn anh chị lớn với ánh mắt ngưỡng mộ khi đi được "xe 2 bánh" trong khi mình chỉ đi "xe 4 bánh".
Từ chiếc xe đạp nhỏ mua cho con năm 4 tuổi, anh Toản tháo hai bánh phụ để tập cho con đi. Sau ba ngày làm quen, ngã thâm cả đầu gối, con gái anh Toản đã đạp được một lượt sân dài khoảng 15 m. Một tuần sau, anh Toản cho con đi quanh làng. Con đi phía trước, bố đi phía sau. Có lần lên dốc bị ngã, cô bé kêu đau nhưng không khóc, đứng dậy dắt xe lên khỏi dốc rồi đi tiếp.
"Gia đình rất vui và bất ngờ vì dù ngã thâm tím hai chân, con không bỏ cuộc. Giờ con có thể đạp xe xuống nhà bà nội, bà ngoại chơi", anh Toản chia sẻ. Từ 1/4, cả nước thực hiện cách ly, gia đình anh Toản không thể cùng nhau đạp xe hay đi bộ quanh làng nhưng vẫn đi quanh sân và nhảy dây hàng ngày để nâng cao sức khỏe.
Anh cũng mua thêm truyện con thích để khuyến khích con đọc, mua một bộ màu để con vẽ. "Suốt hai tháng nghỉ, con vẽ rất nhiều tranh như cả gia đình tập thể dục, đeo khẩu trang, học sinh rửa tay. Nét vẽ còn nguệch ngoạc nhưng con đã có ý tưởng và vẽ ra được", anh Toản nói. Ông bố chỉ được học hết lớp 7 hạnh phúc vì đã cùng con có những ngày nghỉ bổ ích.
Anh Toản dạy con tập xe đạp hồi tháng 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Minh Hà, 37 tuổi, sống tại Hà Đông, Hà Nội cũng muốn dạy con thêm kỹ năng để đợt nghỉ học dài không trôi qua lãng phí. Chị Hà cùng chồng và hai con, bé trai lớp 7, bé gái lớp 3, sống trong một chung cư rộng hơn 60 m2.
Trong thời gian dịch bệnh, chị không được nghỉ vì làm việc tại phòng kế toán của một công ty xây dựng. Chồng chị là kỹ sư khai khoáng cũng vắng nhà thường xuyên. Không thể gửi con về quê Quảng Bình hay nhờ bà ngoại ra Hà Nội, chị Hà quyết định để hai con tự trông nhau. "Khi tôi nói sẽ dạy con nấu ăn, bé trai rất hào hứng vì khi ăn những món tôi nấu, con hay tò mò hỏi làm thế nào. Tôi nghĩ đây là cơ hội giúp con trưởng thành và biết san sẻ việc nhà với mẹ", chị Hà kể.
Để đảm bảo an toàn cho con, việc đầu tiên chị Hà làm là bỏ bếp gas đang dùng, đầu tư một bộ bếp từ mới. Từ đầu tháng 2, chị dẫn con trai theo mình mỗi khi đi chợ, dạy cho con biết một số loại thực phẩm thông dụng như thịt lợn, thịt bò, rau muống, rau ngót cùng vài loại củ.
Bài tập đầu tiên của bé trai là tráng trứng và luộc rau muống. Bữa cơm hôm đó trứng mặn còn rau thì dính cát, chị Hà phải nấu lại. Những buổi thực hành sau đó, lần thì con đánh vỡ bát, lần khác bị bỏng nhẹ do chạm nồi. Chị Hà tiếp tục động viên, hỏi ý kiến con có muốn học nữa hay không, bé trai vẫn gật đầu.
Sau khoảng 5 ngày thực hành, con trai chị đã có thể cắm cơm, làm các món trứng cùng rau luộc. Được hơn hai tuần, cậu bé 14 tuổi bắt đầu học nấu canh thịt băm rau ngót và xương nấu bí xanh.
Khi bé trai nấu ăn tạm ổn, chị Hà dạy con rửa bát, quét nhà và nhận biết một số sự cố thường gặp trong nhà như rò rỉ nước. Chị còn gọi thợ hàn thêm khung và tấm chắn ở cửa sổ, ban công để giữ an toàn cho các con khi ở nhà. "Để các con ở nhà mà không có người lớn tôi cũng lo lắng. Nhưng vì không có người trông, trường lớp cũng đóng cửa, tôi nghĩ trang bị những kỹ năng cần thiết và dặn các con ở nhà là điều tốt nhất trong lúc này", người mẹ giãi bày.
Khi con trai chưa thành thạo việc, chị Hà vẫn tranh thủ hơn một tiếng nghỉ trưa để chạy về nhà cách chỗ làm 5 km để nấu cơm cho hai con, ăn vội rồi lại tất tả đến chỗ làm. Nhưng từ ngày con có thể nấu các món đơn giản, biết trông em thì chị có thời gian nghỉ trưa tại công ty, không còn vất vả như trước.
Năm học 2019-2020, học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2029-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm và chậm nửa tháng so với lần điều chỉnh đầu tiên.
Hiện tất cả tỉnh, thành cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới, hoặc nghỉ hết 1-2 tuần đầu tháng 4 vì diễn biến phức tạp của Covid-19.
Thanh Hằng - Dương Tâm
Dạy trẻ 11 kỹ năng trong thời gian nghỉ học Trẻ có thể học sơ cứu, quản lý tiền bạc, sử dụng bình chữa cháy để rèn luyện khả năng tự lập và xua tan cảm giác nhàm chán khi phải nghỉ học thời gian dài. 1. Sơ cứu Bạn hãy bắt đầu bằng việc chỉ cho con vị trí đặt hộp thuốc của gia đình, những dụng cụ y tế hoặc thuốc...