Cách làm sữa chua tại nhà vừa dễ vừa ngon, không bị tách nước
Cách làm sữa chua tại nhà với các bước đơn giản, sữa thơm, ngậy với vị chua dịu nhẹ, không bị tách nước, để lâu không sợ đông đá, ai cũng thích mê.
Sữa chua là một trong những món ăn vặt ngon, tốt cho sức khỏe. Sữa thơm mềm, vị chua ngọt dịu nhẹ, thanh mát, bạn có thể ngay hoặc kết hợp cùng với hoa quả, yến mạch, granola thậm chí là pha chế thành đồ uống đều được. Cách làm sữa chua không khó, bạn hoàn toàn có thể làm theo phương pháp truyền thống hoặc dùng máy làm sữa chua chuyên dụng đều được.
* Tên món ăn: Sữa chua/yaourt/yogurt
* Số lượng: 7 hũ
* Dụng cụ cần có: Xoong, hũ thủy tinh, bát, thìa, đũa, máy làm sữa chua/lò nướng, thùng xốp có nắp đậy
* Thời gian chuẩn bị: 15 phút
* Thời gian làm sữa chua: 15 phút
* Thời gian ủ sữa chua: 6 – 8 tiếng
* Hàm lượng calo: 320 – 360 calo/chiếc
1. Nguyên liệu chính.
Sữa tươi: 1 lít
Sữa đặc: 200g
2. Men làm sữa chua.
Sữa chua đóng hộp: 1 hộp
Có thể dùng bột men làm sữa chua bán sẵn
II.Cách làm sữa chua tại nhà chi tiết
1. Pha sữa.
Chuẩn bị 1 bát tô lớn rồi lần lượt cho 1 lít sữa tươi cùng phần sữa đặc vào. Dùng thìa khuấy thật đều cho sữa tan vào nhau tạo thành hỗn hợp thơm, ngọt.
Cho bát sữa vừa pha vào trong lò vi sóng, chọn chế độ hâm nóng rồi để khoảng 5 – 12 phút cho tới khi sữa ấm. Bạn cũng có thể đổ sữa vào nồi sạch rồi đun tới khi sữa âm ấm chừng 40 độ C thì tắt bếp.
2. Pha hỗn hợp để làm sữa chua.
Để sữa chua lên men tốt nhất thì cần dùng bột men làm sữa chua hoặc 1 hộp sữa chua thông thường.
Bạn cho sữa chua vào bát sữa đã đun ấm trước đó. Dùng thìa khuấy thật đều để các nguyên liệu tan ra.
Video đang HOT
3. Lọc sữa chua.
Trút hỗn hợp sữa tươi sữa chua vừa tạo qua rây lọc. Bước này sẽ giúp sữa chua của bạn mướt mịn, đẹp mắt hơn sau khi ủ.
Lọc 1 – 2 lần tùy theo sở thích và mong muốn của bạn.
4. Vệ sinh lọ đựng.
Lọ làm sữa chua tốt nhất là dùng chất liệu thủy tinh. Bạn rửa sạch lọ, chần qua nước nóng sau đó đem phơi thật khô dưới ánh nắng mặt trời.
Trước khi sử dụng, nên dùng khăn sạch để lau thêm 1 lần nữa. Trường hợp sử dụng lọ không đảm bảo vệ sinh sẽ khiến cho sữa chua dễ bị nhớt, hỏng, không được thơm ngon.
5. Rót sữa chua vào lọ.
Rót phần sữa chua đã lọc vào các lọ thủy tinh.
Đóng nắp thật chặt để tránh các loại vi khuẩn có hại xâm nhập vào.
6. Ủ sữa chua.
Ở bước này, tùy vào cách làm sữa chua bằng máy hay kiểu truyền thống mà phương pháp ủ sẽ khác nhau.
* Dùng máy làm sữa chua
Xếp từng lọ sữa chua vào trong máy rồi cài đặt giờ ủ từ 7 – 9 tiếng. Lưu ý, sữa chua ủ càng lâu thì kết cấu sẽ càng mịn và thơm. Ngoài ra, đây cũng là thời gian lý tưởng để sữa chua sản sinh ra các vi khuẩn có lợi.
* Ủ sữa chua bằng nước ấm
Nếu áp dụng cách làm sữa chua truyền thống thì đây sẽ là phương pháp ủ sữa hiệu quả. Để duy trì nhiệt độ lý tưởng cho sữa chua lên men bạn hãy chuẩn bị 1 chiếc thùng có nắp đậy.
Xếp lọ sữa chua vào thùng sau đó thêm nước có nhiệt độ chừng 50 độ C sau đó đậy nắp thùng lại. Lưu ý, mực nước chỉ nên bằng chiều cao của lọ đựng sữa chua.
Nên kiểm tra nước thường xuyên, nếu thấy nước nguội thì bạn cho thêm nước nóng để duy trì nền nhiệt phù hợp. Hãy thực hiện các thao tác thật nhẹ nhàng để tránh sữa chua bị long chân.
* Dùng lò nướng ủ sữa chua
Một phương pháp ủ sữa chua khác khá hiệu quả là dùng lò nướng. Trước tiên, bạn hãy bật lò nướng ở mức nhiệt 100 độ C trong vòng 5 phút. Sau đó, bạn tắt lò nướng rồi đặt các lọ sữa chua vào.
Đóng cửa lò nướng thật kín rồi ủ từ 6 – 8 tiếng. Cứ 3 tiếng bạn lại bật lò nướng khoảng 3 phút rồi tắt đi. Nhiệt độ trong lò sẽ giúp sữa chua lên men hiệu quả hơn.
7. Hoàn thành.
Sữa chua ủ xong, bạn lấy ra rồi bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh. Áp dụng cách làm sữa chua này, thành phẩm sẽ có mùi thơm đặc trưng, khi ăn cảm nhận được độ ngậy, chua ngọt dịu nhẹ, thanh mát. Đặc biệt, kết cấu sữa chua đông chặt, mướt mịn, không bị tách nước.
Bạn có thể ăn trực tiếp hoặc thêm trái cây, granola để thưởng thức.
III. Những lưu ý cần “nằm lòng” để làm sữa chua tại nhà ngon
1. Có thể dùng bất cứ loại sữa nào.
Bạn có thể dùng bất cứ loại sữa nào để làm sữa chua. Ví dụ như sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi nguyên kem, sữa bột hay sữa bột tách béo đều được.
Nếu dùng sữa tiệt trùng, bạn chỉ nên đun tới khi sữa âm ấm là được. Với sữa bột thì nên pha với nước lọc rồi mới đem đi đun.
Lưu ý, không nên đun sữa quá nóng vì nhiệt độ cao sẽ làm bất hoạt vi khuẩn. Còn nhiệt độ quá thấp sẽ ngăn cản quá trình sản sinh các lợi khuẩn.
2. Thêm “sữa chua cái”.
Với phần “sữa chua cái” bạn có thể chọn sữa chua đóng hộp bán sẵn tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị.
Hãy chắc chắn rằng, đó là sữa chua nguyên chất, không chứa các chất phụ gia.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng bột men làm sữa chua. Loại này rất tiện dụng, tỷ lệ thành công cao.
3. Đảm bảo nhiệt độ ủ sữa chua.
Hãy đảm bảo nhiệt độ trong môi trường ủ sữa chua luôn ở mức lý tưởng. Nếu nhiệt độ quá cao sẽ khiến sữa chua dễ bị vón cục, nguy cơ tách nước cao. Trường hợp để nhiệt độ quá thấp thì thời gian lên men của sữa chua sẽ kéo dài và dễ bị vi khuẩn gây hại xâm nhập.
Kinh nghiệm cho thấy, nhiệt độ lý tưởng nhất để ủ sữa chua là từ 30 – 40 độ C. Ở ngưỡng nhiệt này, quá trình lên men sẽ diễn ra thuận lợi, sữa chua mềm mịn và thơm ngậy.
Bạn có thể dùng máy ủ sữa chua, bình giữ nhiệt, hộp xốp kín hoặc thậm chí là dùng chăn để tạo môi trường lý tưởng cho sữa chua lên men.
4. Bảo quản đúng cách.
Sữa chua sau khi làm xong phải được bảo quản ngay trong ngăn mát của tủ lạnh. Ở điều kiện này, sữa chua sẽ để được trong thời gian từ 3 – 5 ngày.
Nếu muốn bảo quản sữa chua lâu hơn, hãy cất chúng trong ngăn đá tủ lạnh. Thời gian bảo quản sẽ kéo dài tối đa 20 ngày.
Trường hợp không có tủ lạnh, bạn hoàn toàn có thể cho sữa chua vào thùng xốp rồi thêm đá lạnh. Cách này sẽ giữ được sữa chua ngon trong thời gian tối đa là 2 ngày.
Chú ý, không để sữa chua ở nhiệt độ phòng quá lâu vì như thế dễ khiến sữa bị biến chất, không ngon, thơm như ban đầu.
5. Sữa chua bị tách nước phải làm sao?.
Trong quá trình làm sữa chua, không ít người gặp phải tình trạng sữa chua bị tách nước. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do nhiệt độ ủ sữa quá cao hoặc nguyên liệu, dụng cụ có vấn đề. Để khắc phục tình trạng trên bạn cần:
Đảm bảo môi trường ủ sữa chua luôn ở ngưỡng 40 độ C. Thời gian ủ từ 6 – 8 tiếng. Nên dùng máy làm sữa chua chuyên dụng để thành phẩm đạt yêu cầu.
Các dụng cụ làm sữa chua phải được tiệt trùng và lau thật khô. Trong quá trình trộn nguyên liệu tuyệt đối không được khuấy quá mạnh tay.
Mong rằng, với cách làm sữa chua đơn giản mà Bếp Eva đã chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn làm thành công món ăn vặt này để chiêu đãi cả nhà. Tham khảo thêm các công thức làm sữa chua khác được chia sẻ mỗi ngày tại đây nhé.
Cách làm sữa chua không đường ngon mịn tại nhà
Sữa chua không đường không chỉ thơm ngon mà còn bổ dưỡng, có thể sử dụng để kết hợp trong chế độ ăn kiêng.
Bạn hãy học ngay cách làm sữa chua không đường ngon, dẻo mịn tại nhà cho cả nhà thưởng thức.
1. Nguyên liệu làm sữa chua không đường
Sữa tươi không đường: 1,6 lít
Sữa chua không đường: 160g
15 - 18 cái hũ đựng sữa chua loại 100ml
2. Cách làm sữa chua không đường
Bước 1: Nấu sữa tươi
Đun ấm sữa không đường (Ảnh: bachhoaxanh.com)
Đầu tiên, bạn vệ sinh sạch sẽ hũ sữa chua trước bằng cách trụng dụng cụ vào nước sôi và đun trong 3 - 5 phút nhằm hạn chế các vi khuẩn còn sót trong lọ hũ tránh làm sữa chua bị nhớt. Sau đó, để hũ sữa chua cho ráo nước.
Tiếp đó, cho 1,6 lít sữa tươi không đường vào nồi, rồi đặt nồi lên bếp và đun với lửa vừa trong khoảng 5 phút. Khi sữa bốc hơi nóng, tại thành nồi có sủi các bọt nhỏ li ti thì bạn tắt bếp và để sữa nguội.
Bước 2: Làm hỗn hợp sữa chua
Sau khi sữa chua nguội về khoảng 40 - 45 độ C, bạn cho vào 2 hũ sữa chua không đường vào nồi, khuấy đều sữa chua theo 1 chiều đến khi sữa chua tan hết.
Nếu bạn mua sữa chua để lạnh thì cần lấy sữa chua ra để ở nhiệt độ thường khoảng 30 phút trước khi tiến hành làm sữa chua.
Bước 3: Ủ sữa chua
Sau khi khuấy men cái xong, bạn múc sữa chua từ từ vào các hũ nhỏ. Tiếp đó, hớt bỏ phần bọt nhỏ trên mặt sữa chua đi rồi đậy kín nắp lại.
Tiếp theo, bạn xếp các hũ sữa chua vào thùng xốp, rồi đổ vào thùng nước nóng ấm khoảng 50 - 60 độ C, đậy nắp thùng và ủ sữa chua trong vòng 6-8 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, để sữa chua trong tủ lạnh cỡ 3 - 4 tiếng là có thể ăn được.
Sữa chua không đường ngon mịn, bổ dưỡng (Ảnh: dienmayxanh.com)
3. Một số lưu ý khi làm và bảo quản sữa chua không đường
Để làm được một mẻ sữa chua ngon, tỉ lệ thành công cao thì trước hết cần chọn những con men cái tốt. Men cái được nhắc ở đây là men Lactic trong sữa chua. Tốt nhất bạn nên chọn những hộp sữa chua có hạn sử dụng gần ngày sản xuất nhất.
Ngoài ra, để men hoạt động tốt, trước khi làm sữa chua bạn cần để men về nhiệt độ phòng. Không cho men cái vào sữa nếu nhiệt độ sữa trên 50 độ C. Nhiệt nóng quá sẽ làm men sữa chua bị "sốc" làm yếu men và chết men. Điều này khiến cho sữa chua bạn bị tách 2 phần nước và chất béo rõ ràng.
Sữa tươi sử dụng có hàm lượng protein càng cao thì sẽ cho ra thành phẩm càng đặc và ngon hơn. Bạn có thể thay sữa tươi bằng sữa tươi nguyên kem.
Tốt hơn hết là bạn dùng hũ thủy tinh để đựng sữa chua để an toàn cho sức khỏe, vì dùng hũ nhựa thì kém chất lượng và chất độc trong nhựa dễ thấm vào sữa chua khi để lâu gây hại cho sức khỏe.
Để bảo quản, bạn cho sữa chua vào ngăn đá tủ lạnh cho sữa chua đông lại, dùng được trong vòng 5 - 7 ngày. Nếu thích ăn sữa chua mát mịn thì cho vào ngăn mát, với mức nhiệt từ 2 - 8 độ C, dùng trong 3 - 5 ngày.
Cách làm sữa chua không đường như trên đơn giản phải không? Chúc các bạn thành công!
Cách làm sữa chua đơn giản tại nhà Nếu thường xuyên ăn sữa chua, bạn Không cần phải mua ở siêu thị mà có thể học cách làm sữa chua đơn giản tại nhà. Sữa chua là thức uống được chị em phụ nữ yêu thích không chỉ bởi mùi vị thơm ngon, hấp dẫn mà còn bởi công dụng tuyệt vời của nó với sức khỏe và làm đẹp. Trong...