Cách làm bánh chuối hấp dẻo ngọt với nước cốt dừa thơm béo
Nếu bạn đã chán ngấy với những món ăn đơn thuần từ chuối, hãy trổ tài với công thức làm bánh chuối hấp đơn giản dưới đây nhé.
Bánh chuối hấp – một món ăn thơm ngon bổ dưỡng nhưng cách làm lại cực kỳ đơn giản. Những miếng chuối được bao phủ một lớp bột năng dẻo trong, dùng chung với nước cốt dừa béo ngậy, thơm thơm vị mè trắng hay bùi bùi vị đậu phộng, bánh chuối hấp sẽ làm cho người ăn phải tấm tắc khen ngợi.
Cách làm bánh chuối hấp (Nguồn: Internet)
Giới thiệu món bánh chuối hấp
Bánh chuối hấp là món ăn đặc sản của miền Tây, hấp dẫn được rất nhiều thực khách trong và ngoài nước. Nếu ai đã từng đến đây thì chắc chắn sẽ không thể quên được mùi vị quyến rũ cùng hương thơm đặc trưng của món ăn này.
Bánh chuối hấp dẻo được phủ một lớp cốt dừa béo ngậy. Nhờ chút vị mặn của nước cốt dừa nên dù đây là một món ăn ngọt nhưng lại không khiến người ăn bị ngán. Hương vị thơm ngon tuyệt hảo của món ăn này là sự kết hợp tinh tế giữa lớp bột bánh dẻo, chuối chín mềm ngọt, chan nước cốt dừa béo ngậy, rắc thêm chút đậu phộng rang nghiền nhuyễn và hạt vừng thơm thơm đầy hấp dẫn.
Với những nguyên liệu đơn giản có sẵn trong nhà, bạn hoàn toàn có thể tự tay làm cho mình món ăn này. Cùng xem những bước làm bánh chuối hấp đơn giản dưới đây và ứng dụng ngay nhé!
Nguyên liệu làm bánh chuối hấp ngon
Để làm được món bánh chuối hấp ngon mang hương vị đặc trưng thì bạn cần phải chuẩn bị những nguyên liệu sau:
Chuối sứ chín: 1kg.Bột năng: 265grBột gạo: 65grRượu trắng: 100mlĐường trắng: 200grMuối: 1 muỗng cafeNước: 150mlDừa khô: 1 quả
Các nguyên liệu làm bánh chuối hấp (Nguồn: Internet)
Cách làm bánh chuối hấp ngon
Bước 1: Sơ chế
Đầu tiên, bạn lột bỏ vỏ chuối rồi rửa qua với nước muối loãng, để cho ráo rồi cắt thành từng lát tròn, dài và mỏng chừng 0.3 đến 0.5mm. Nếu muốn dĩa bánh của chúng ta trông đẹp mắt hơn các bạn cắt khoanh chuối sao cho độ dày mỏng đều nhau là đẹp nhất.Sau đó, bạn cho chuối, đường, muối, rượu đã chuẩn bị sẵn vào tô rồi trộn đều lên, để từ 1-3 tiếng cho đường tan hết.
Cắt chuối thành từng lát tròn, dài và mỏng (Nguồn: Internet)
Video đang HOT
Bước 2: Hấp bánh
Bạn chắt phần nước đường trong tô chuối ra, hòa thêm 150ml nước lọc vào tô, dùng muỗng khuấy đều cho tan.Sau đó, bạn đổ hỗn hợp bột năng và bột gạo vào tô chuối và trộn đều.
Trộn chuối với hỗn hợp bột (Nguồn: Internet)
Tiếp theo, bạn lót giấy nến vào khuôn, phết 1 lớp dầu mỏng lên giấy nến và đổ chuối vào dày khoảng 3-5cm. Để tránh nước rơi vào bánh khi hấp chúng ta sử dụng khăn mỏng bọc lên. Đặt nồi nước lên bếp đun sôi rồi cho chuối vào hấp cách thuỷ. Nếu bạn muốn món bánh chuối có màu vàng thì hấp từ 60 – 90 phút, còn nếu muốn món bánh chuối có màu đỏ thì bạn phải hấp bánh khoảng 3 tiếng tới khi bánh chuyển màu đỏ là được.Thỉnh thoảng bạn nhớ mở nắp nồi để kiểm tra lượng nước bên trong, tránh để cạn nước, bánh sẽ bị cháy.
Đổ chuối vào khuôn dày khoảng 4-5cm (Nguồn: Internet)
Bước 3: Làm nước cốt dừa
Bạn lấy phần cùi của quả dừa và bào thành các sợi nhỏ.Sau đó, bạn cho dừa đã nạo vào trong chậu nước ấm và trộn, bóp mạnh tay, vắt lấy nước cốt. Cho nước cốt vào nồi, để lên bếp bật lửa vừa. Khuấy đều cho đến khi nước cốt dừa sôi thì cho thêm một ít muối và bột năng vào khuấy cho đến khi nước cốt sánh đặc lại thì tắt bếp.
Lọc nước cốt dừa (Nguồn: Internet)
Bước 4: Thưởng thức bánh
Để bánh chuối nguội lại rồi dùng dao cắt ra thành từng miếng nhỏ. Sau đó rắc lên mặt bánh một ít đậu phộng rang nghiền nhuyễn cùng vừng rang và rưới thêm chút nước cốt dừa. Bây giờ thì bạn đã có thể thưởng thức món bánh chuối thơm ngon hấp dẫn này rồi.
Mẹo làm bánh chuối hấp ngon hơn
Để món bánh chuối hấp của bạn thơm ngon và tròn vị thì bạn cần lưu ý một số mẹo nhỏ sau đây:
Bạn chỉ nên làm một chiếc bánh chuối với độ dày từ 3-5cm. Vì với độ dày này, bánh chuối sẽ chín đều khi hấp, không bị cợn bột sống khi thưởng thức. Hơn nữa, một chiếc bánh chuối có độ dày đạt chuẩn sẽ vừa miệng khi ăn.
Món bánh chuối hấp của bạn có ngon hay không phần lớn phụ thuộc vào những trái chuối bạn chọn. Bạn nên chọn chuối vừa chín tới để khi hấp chuối sẽ có mùi thơm hấp dẫn hơn. Bạn nên mua những quả có lớp vỏ ngoài căng bóng, đẹp mắt, vỏ mỏng, không dập hay xuất hiện đốm nâu vì có thể bị hỏng. Quả chuối nên chín vừa tới là tốt nhất. Nếu chúng ta chọn chuối quá xanh hoặc quá chín, khi hấp lên sẽ khó đảm bảo được độ ngon và ngọt của món ăn.
Với độ mềm dẻo hấp dẫn, vị chuối ngọt ngọt, nước cốt dừa béo ngậy và mè rang bùi bùi, bánh chuối hấp đã làm hài lòng rất nhiều thực khách. Hy vọng qua những chia sẻ ở trên bạn có thể tự tay làm cho gia đình mình món ăn này rồi nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo VOH
Khám phá 5 đặc sản Miền Tây nếu bỏ qua là một thiệt thòi lớn
Mảnh đất miền Tây Nam Bộ luôn thu hút du khách với những địa danh du lịch nổi tiếng, con người hiền hòa, hiếu khách. Bên cạnh đó, đặc sản Miền Tây cũng là một món quà mà nhiều du khách luôn nhớ nhung mảnh đất này.
Đặc sản Miền Tây sông nước không thể bỏ qua món Lẩu mắm Cần Thơ
Khi đi du lịch Cần Thơ, một tỉnh thuộc miền Tây mà bỏ qua món lẩu mắm quả là một thiếu sót lớn trong chuyến hành trình du lịch của bạn, đây là một món ăn nổi tiếng khi nói tới miền Tây.
Sức hấp dẫn của món lẩu mắm chính là nguyên liệu chế biến đều là những loại thực phẩm từ ruộng đồng, ao hồ, sông ngòi là chủ yếu như tôm, cá rô đồng, mực, heo, bò,... Cùng với đó món lẩu mắm của người miền Tây thường sẽ ăn cùng với một số loại rau đặc trưng của người Nam Bộ như: rau muống nước, rau cải trời, cọng súng, bông điên điển, chuối chát, khế chua, rau đắng,....và một nguyên liệu không thể thiếu là ngọn rau dừa.
Đặc sản Miền Tây sông nước không thể bỏ qua món Lẩu mắm Cần Thơ. Ảnh: Chudu24h.com.
Phần nước lẩu thường được làm từ mắm cá sặc và mắm cá linh ninh thật kỹ, sau đó bỏ xác lấy nước. Sau đó, cho xương heo vào ninh cùng để ngọt nước hơn giúp tăng thêm vị hấp dẫn cho nước dùng khi ăn. Món lẩu mắm ăn cũng tương tự như các món lẩu khác sẽ ăn kèm với bún tươi hoặc hủ tiếu, đảm bảo du khách thưởng thức một lần nhưng vị ngon không bao giờ quên được.
Gợi ý một số địa chỉ ăn lẩu mắm ngon tại Cần Thơ:
- Quán lẩu mắm cô Dạ Lý: Đường 3/2 Cần Thơ
- Quán lẩu mắm tại số 89 đường 3/2, quận Ninh Kiều, Cần Thơ
Giá bán từ 100.000 - 220.000 VNĐ/nồi lẩu.
Đuông Dừa - Đặc sản Miền Tây gây hứng thú cho du khách đến trải nghiệm
Khi nói tới Miền Tây và đặc biệt là Bến Tre ngoài những vườn dừa tươi thơm ngon thì đuông dừa cũng là một đặc sản nổi tiếng không thể không nhắc đến. Đuông dừa là một loại côn trùng thuộc họ Nhộng, sinh sống và phát triển bên trong cây dừa.
Đuông Dừa - Đặc sản Miền Tây gây hứng thú cho du khách đến trải nghiệm. Ảnh: Goreise.com.
Điểm thú vị của loại đặc sản này thu hút du khách chính là ăn chúng khi còn sống cùng với nước mắm. Chắc hẳn, lần đầu thưởng thức món ăn này cũng tạo sự sợ hãi cho bất kỳ ai bởi cảm giác những con đuông dừa béo ngậy còn sống và cử động trong miệng không phải ai cũng đủ cản đảm ăn. Tuy nhiên, khi ăn quen bạn sẽ cảm nhận được vị tươi, thơm và béo ngậy của chúng là một trải nghiệm thú vị mà bạn có thể làm khi du lịch Bến Tre.
Nếu bạn không dám thử món đặc sản Miền Tây này có thể thưởng thức món đuông dừa lăn bột, đuông dừa chiên giòn khá dễ ăn và thơm ngon. Tuy là một đặc sản kinh dị, nhưng giá của nó khá là cao, mỗi một con đuông dừa sẽ được bán với mức giá 25.000 VNĐ/con, nếu một đĩa đuông dừa sau khi chế biến phải có giá lên tới vài trăm ngàn thậm chí là vài triệu đồng.
Hầu như các các nhà hàng, quán ăn và các vựa dừa tại Bến Tre đều có món đặc sản này. Ngoài ra, mọi người khi đến với các tỉnh thành khác ở Miền tây như: Đồng Tháp, Sóc Trăng,.... Cũng là những địa điểm có đặc sản đuông dừa và có thể mua để thưởng thức một cách dễ dàng.
Mắm Châu Đốc - Đặc sản Miền Tây nổi tiếng mà ai cũng yêu thích
Khi đi du lịch Miền Tây đừng quên ghé qua Châu Đốc để thưởng thức những món mắm đặc sản nơi đây. Người dân Châu Đốc đã có hơn 150 năm làm mắm, không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn được nhiều người nước ngoài yêu thích nhờ vào hương vị thơm ngon rất riêng biệt. Mắm Châu Đốc có rất nhiều loại khác nhau như: mắm cá linh, mắm cá trèn, mắm cá sặc, mắm cá lóc,... trong đó mắm thái là loại đặc sản nối tiếng nhất ở đây.
Mắm Châu Đốc - Đặc sản Miền Tây nổi tiếng mà ai cũng yêu thích. Ảnh: Hoiantrip.org.
Những loại mắm này, du khách có thể mua về ăn sống, nấu lẩu mắm, bún mắm hay mắm kho,... đều rất ngon. Bởi vì các loại mắm tại đây đều được làm từ những con cá tươi và ngon nhất, quy trình chế biến khéo léo từ công đoạn phơi, canh nắng, ướp mắm,... đều tỉ mỉ nên khi ăn không hề có vị tanh mà rất thơm ngon.
Hiện nay mức giá các loại mắm Châu Đốc khá hợp lý, chỉ dao động trong khoảng 60.000 - 100.000 VND/hũ mắm. Mọi người có thể mua được những loại mắm ngon nhất ở Chợ Châu Đốc, với rất nhiều loại mắm, cá khô cùng nhiều đặc sản khác.
Nem Lai Vung - Đặc sản ngon trứ danh vùng đất Đồng Tháp
Đồng Tháp không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng hoa sen bạt ngàn, bên cạnh đó vùng đất miền Tây này còn được nhiều du khách biết đến với nhiều đặc sản thơm ngon trong đó có Nem Lai Vung. Món nem này có hương vị thơm ngon đặc trưng mà không vùng đất nào có.
Nem Lai Vung được làm từ nguyên liệu thịt lợn xay nhuyễn, cùng với bì lợn, tỏi ớt và lá vông cực kỳ đặc biệt. Được gói bên ngoài là lớp lá chuối và ủ lên men trong khoảng 3 ngày là có thể thưởng thức được.
Nem Lai Vung - Đặc sản ngon trứ danh vùng đất Đồng Tháp. Ảnh: Bazan Travel.
Hương vị của Nem Lai Vung khá ngon, với hương vị cay cay của tỏi ớt kết hợp cùng với vị ngọt của thịt lợn và lá vông khiến ai thưởng thức đều tấm tắc khen ngon. Với mức giá chỉ 25.000 - 30.000 VNĐ/10 cái nem, du khách hoàn toàn có thể mua thưởng thức tận nơi, hoặc mua về làm quà cho gia đình bạn bè là gợi ý hay ho khi du lịch miền Tây. Bạn có thể mua nem ở làng nghề nem Lai Vung, Đồng Tháp.
Bánh Pía - Biểu tượng đặc trưng của vùng đất Sóc Trăng
Khi nói tới những đặc sản Miền Tây thơm ngon, đặc biệt không thể bỏ qua cái tên bánh Pía, đây là một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Sóc Trăng. Loại bánh này có hương vị đặc trưng làm từ sầu riêng là nhân bên trong, kết hợp với đó là hương vị thơm nhẹ của khoai môn hoặc đậu xanh cùng lòng đỏ trứng gà. Với sự kết hợp hòa quyện giữa các nguyên liệu, cùng bàn tay khéo léo của người dân Sóc Trắng đã tạo nên một hương vị bánh Pía thơm ngon nổi tiếng gần xa.
Bánh Pía - Biểu tượng đặc trưng của vùng đất Sóc Trăng. Ảnh: Tamanfood.vn.
Điểm đặc biệt của loại bánh Pía Sóc Trăng là không quá béo hoặc quá ngọt, thay vào đó bạn sẽ cảm thấy yêu thích món ăn này và muốn ăn hoài không thấy ngán. Tuy chiếc bánh khá nhỏ nhưng lại chứa đựng một mùi thơm ngất ngây của sầu riêng, mang đậm vị của vùng đất Miền Tây.
Giá bánh Pía Sóc Trăng cũng không quá đắt, chỉ khoảng 40.000 - 50.000 VNĐ/280gr du khách có thể mua về làm quà rất thích hợp. Một số địa chỉ bán bánh Pía tại Sóc Trăng uy tín mà bạn có thể tham khảo:
- Bánh Pía Tân Huê Viên: 11/16 Nguyễn Du, Phường 9, Sóc Trăng.
- Bánh pía Tân Hưng Lợi: 122 Lý Thường Kiệt, Tp. Sóc Trăng.
- Bánh pía An Thành: 86, Hùng Vương, Phường 6, Sóc Trăng.
- Đại lý bánh pía Tân Huê Viên: 92 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 1, Sóc Trăng.
Mỗi vùng đất ở Miền Tây đều có những đặc sản của riêng mình. Vì vậy, dù bạn đi đến bất kỳ tỉnh thành nào ở Miền Tây đều thưởng thức được những khung cảnh đẹp, sự hiếu khách của con người nơi đây và đặc biệt là những đặc sản thơm ngon, đặc biệt làm nên tên tuổi của miền Tây sông nước.
Theo Thể Thao Việt Nam
Mê mẩn với đặc sản miền Tây mùa nước nổi hấp dẫn du khách Lẩu cá linh bông điên điển, bông súng mắm kho, chuột đồng nướng lu... là những đặc sản miền Tây mùa nước nổi hấp dẫn mọi du khách đều nên thử. Lẩu cá linh bông điên điển: Cá linh và bông điên điển là sự kết hợp kinh điển trong số những đặc sản miền Tây mùa nước nổi. Cá linh đầu mùa...