Cách kỷ luật con bằng tình yêu thương
Thay vì quát tháo, ra lệnh cho con làm điều gì đó, bạn hãy nhẹ nhàng nói về hậu quả nếu con tiếp tục hành vi.
Tác giả Nancy Jergins chia sẻ trên iMom về cách kỷ luật con.
Yếu tố quan trọng nhất trong phương pháp kỷ luật con là gì? Tình yêu thương. Hôm qua, tôi gặp một bà mẹ của bốn cậu bé đều từ năm tuổi trở xuống và vô cùng ấn tượng bởi cách cô dạy cho con khái niệm về kỷ luật.
Nguyên tắc đầu tiên mà cô luôn tuân thủ là để mỗi cậu bé thoải mái với con người thật của chính mình. Vì chúng là con trai, cô cho phép chúng chạy quanh nhà, ném bóng vào người nhau và làm ồn. Khi có gì đó hơi quá đà, cô đưa chúng vào nếp bằng sự bình tĩnh, kiên nhẫn và tình yêu thương.
“Nathan, điều con vừa làm là lựa chọn tốt hay xấu?”, cô hỏi đứa lớn nhất.
“Lựa chọn xấu ạ”, cậu bé trả lời.
“Lựa chọn tốt hơn là gì nào?”, cô hỏi tiếp.
“Là không ném bóng vào mặt Samuel ạ”, cậu bé nói.
Cô lập tức khen con đã đưa ra lựa chọn đúng đắn, vẻ mặt tràn đầy tình yêu thương. Chứng kiến việc này khiến tôi muốn áp dụng phương pháp tương tự khi nuôi dạy con. Dưới đây là một số lưu ý về kỷ luật con với tình yêu thương.
La hét ít hơn
Video đang HOT
La hét và tình yêu thường không đi cùng nhau, trừ khi bạn hét to “Mẹ yêu con!”. Khi quát tháo trẻ, chúng ta có thể thu hút sự chú ý của chúng, nhưng cách diễn giải của chúng về những gì bố mẹ nói sẽ gắn với nỗi sợ hãi hay tức giận.
Quát tháo không phải cách để kỷ luật con hiệu quả. Ảnh: Parents Magazine
Do đó, những lúc cần kỷ luật con, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh. Nếu cảm thấy sắp mất bình tĩnh, bạn hãy ra khỏi phòng một lúc để tự cân bằng lại. Khi giữ được đầu óc sáng suốt, chúng ta có thể nói chuyện với trẻ nhẹ nhàng, lời nói dễ đi thẳng vào đôi tai cũng như trái tim của chúng hơn.
Giải thích nhiều hơn
Nếu muốn con tiếp nhận được bài học đằng sau việc kỷ luật, bạn hãy dành thời gian để giải thích. Ví dụ, các con tôi thường thích đẩy lưng vào ghế liên tục khi ăn tối, khiến ghế có thể mất thăng bằng và ngã. Thay vì quát, “Đừng dựa lưng nữa!”, tôi sẽ nói “Con cứ làm thế thì ghế sẽ ngã hoặc con sẽ ngã đấy”. Bằng cách nhắc nhở về hậu quả, tôi cho phép chúng tự điều chỉnh hành vi. Tôi không yêu cầu chúng phải làm gì, tôi đang chỉ rõ điều sẽ xảy ra nếu tiếp tục ngồi không ngay ngắn trên ghế.
Khi tức giận, chúng ta dễ thốt ra những lời không hay. Tuy nhiên, ở đâu có tình yêu thương, ở đó có sự tôn trọng. Dù bố mẹ có nhiều quyền đối với trẻ nhỏ, chúng ta vẫn cần đối xử với chúng bằng sự tôn trọng. Đôi khi, hành động của phụ huynh xuất phát từ tình yêu, nhưng không thể hiện được tình yêu. Điều đó sẽ không khiến trẻ muốn nghe lời.
Ôm con
Ngoài thời gian kỷ luật, những cái ôm, hôn má, vỗ nhẹ vào lưng là lời nhắn nhủ với con rằng bố mẹ dành rất nhiều tình yêu cho con. Sau khi nhắc nhở con một việc gì đó và con đã hiểu ra vấn đề, một cái ôm nhẹ sẽ khiến con cảm thấy dễ chịu hơn, không tạo cảm giác xa cách với bố mẹ.
Thùy Linh
Theo Vnexpress
Khám phá bí mật đằng sau việc trẻ em Nhật luôn cư xử ngoan ngoãn ở nơi công cộng
"Nhìn chúng tôi với người dân địa phương là nhận thấy sự khác biệt rõ ràng. Ba đứa bé nghịch ngợm nhà tôi cứ chí chóe cãi nhau mãi, đứa thì cởi áo, đứa thì cởi giày. Trong khi đó, trẻ em Nhật thì ngồi yên tĩnh ở ghế của mình - không đòi hỏi, không gây rối".
Diana Ser là nhà báo nổi tiếng người Singapore. Cô được công chúng yêu mến không chỉ vì cô là một diễn viên và dẫn chương trình tài năng mà còn bởi cô là một "hot mom", thường xuyên chia sẻ những bí quyết và mẹo vặt để nuôi con khỏe và thông minh. Cô từng chia sẻ về việc dạy con thành thạo hai ngôn ngữ từ nhỏ, kích thích tính sáng tạo ở con cũng như chia sẻ các công thức nấu ăn với các bà mẹ khác. Trong bài viết này, Diana sẽ tâm sự với độc giả về những bài học dạy con của cha mẹ Nhật mà cô cũng như những bậc phụ huynh khác có thể học hỏi.
"Hot mom" Diana Ser đã liên tục chứng kiến sự ngoan ngoãn, lịch sự của những đứa trẻ Nhật mà cô gặp.
Diana có ba đứa con, Jake 11 tuổi, Christy 9 tuổi và Jaymee 6 tuổi. Trong chuyến du lịch đến Nhật Bản vào năm ngoái, cô đã chứng kiến tận mắt cách những ông bố bà mẹ ở xứ sở hoa anh đào nuôi dạy nên những đứa trẻ cư xử lễ độ và có kỉ luật. Cô kể: " Khi tôi phải mỏi miệng vừa dọa nạt vừa dỗ dành con mình ăn thêm chút cơm thì cô bé khoảng 2 tuổi ngồi trên đùi bố bé ở bàn bên cạnh hoàn toàn ngược lại, bé ngoan ngoãn tự xúc ăn. Điều đó khiến tôi rất ghen tị". Từ việc này, cô quan sát thấy một khác biệt thú vị giữa con cô và những đứa trẻ người Nhật ở xung quanh. " Nhìn chúng tôi với người dân địa phương là nhận thấy sự khác biệt rõ ràng. Ba đứa bé nghịch ngợm nhà tôi cứ chí chóe cãi nhau mãi, đứa thì cởi áo, đứa thì cởi giày. Trong khi đó, trẻ em Nhật thì ngồi yên tĩnh ở ghế của mình - không đòi hỏi, không gây rối". Trong những ngày tiếp theo trong kì nghỉ tại Nhật, Diana tiếp tục chứng kiến sự ngoan ngoãn, lịch sự của những đứa trẻ Nhật mà cô gặp.
Tại sao trẻ em Nhật lại cư xử lễ độ ở nơi công cộng như vậy?
Câu hỏi này khiến Diana trăn trở rất nhiều. Lí do duy nhất mà cô thấy hợp lí đó là do cách dạy con của cha mẹ Nhật. Như Diana chia sẻ, những bài học dạy con cô học được từ các bậc cha mẹ Nhật khi cô đến thăm nước này tóm gọn đều liên quan đến đến một thứ, đó là sự điềm đạm.
Cha mẹ Nhật cũng như nhà trẻ, trường mẫu giáo Nhật bỏ rất nhiều công sức vào giai đoạn nuôi dưỡng và dạy dỗ các em nhỏ (Ảnh minh họa).
" Trong văn hóa Nhật Bản, một xã hội điềm đạm không chỉ là một câu khẩu hiệu. Sự điềm đạm, theo người Nhật, là điều thiết yếu với mỗi con người. Đơn giản nhất hãy nhìn vào định nghĩa phổ biến của từ "kỉ luật" (tiếng Nhật là shitsuke) trong một từ điển tiếng Nhật: "Dạy trẻ em nghệ thuật sống và cách ứng xử để tạo nên một người trưởng thành". Vậy nên, một người chưa phát triển hoàn thiện cho đến khi họ học được cách cư xử sao cho chuẩn mực".
Đây là lí do mà các bậc cha mẹ Nhật cũng như nhà trẻ, trường mẫu giáo bỏ rất nhiều công sức vào giai đoạn nuôi dưỡng và dạy dỗ các em nhỏ, bởi chính các em sẽ trở thành những thành viên lễ độ, tử tế của xã hội. Diana cho rằng trẻ em cư xử ngoan ngoãn như vậy là bởi vì một nhân tố quan trọng để trở thành con người lễ độ đó là tôn trọng không gian công cộng.
Trên thực tế, một người bạn Nhật của Diana tên Keiko cũng giải thích rõ hơn: " Khi mới dạy trẻ cách ứng xử, một trong những điểm được chỉ ra là dạy trẻ tôn trọng không gian công cộng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong cách ứng xử của những đứa trẻ Nhật". Một ví dụ mà cô đưa ra đó là nếu một đứa trẻ cần đứng trên ghế trên tàu điện ngầm, bố mẹ em sẽ cởi giày của em ra để tôn trọng người sẽ ngồi chiếc ghế sau đó. Tầm quan trọng của cư xử lịch sự cũng được dạy ở mẫu giáo. Trẻ em Nhật dù ở trường hay ở nhà đều được dạy điều đó và liên tục được nhắc nhở để hình thành phẩm chất này.
Khi mới dạy trẻ cách ứng xử, một trong những điểm được chỉ ra là dạy trẻ tôn trọng không gian công cộng (Ảnh minh họa).
Không chỉ các con, cha mẹ cũng được "dạy dỗ"
Diana nhớ lại trải nghiệm với một giáo viên người Nhật "huấn luyện não phải" tại Singapore khi con cô mới 10 tháng tuổi. Cô chia sẻ: " Mỗi khi bé quấy khóc, cô giáo sẽ khuyên cha/mẹ bế con đứng sang một bên và cố gắng dỗ bé. Nếu bé không nín, cô giáo sẽ bảo cha/mẹ đó ra khỏi lớp học và chỉ quay lại khi em bé không quấy khóc nữa. Làm như vậy để không ảnh hưởng đến cả lớp học". Với Diana, đây là một góc nhìn khác về việc dạy con. Đôi khi, cha mẹ cũng cần được "dạy dỗ".
Tổng kết những bài học dạy con mà Diana học được từ Nhật, có một điều rõ ràng đó là khi bạn dạy một đứa trẻ cách tôn trọng người khác ở mức độ xã hội, đứa trẻ sẽ tự động trở thành một người điềm đạm, tử tế, biết quan tâm đến người khác khi lớn lên. Và chúng ta đều biết xã hội cần rất nhiều những người như vậy.
Theo Helino
Ấm áp ngôi nhà chung của học sinh dân tộc thiểu số Hà Tĩnh Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh từ lâu đã là ngôi nhà đặc biệt của học sinh người dân tộc thiểu số Hà Tĩnh. Nơi đây quy tụ hàng trăm em học sinh đến từ hơn 10 dân tộc với nhiều hoàn cảnh khác nhau cùng học tập và lớn lên. Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú...