Cách dạy con không cần quát mắng
Nhằm tránh cho con gặp các vấn đề về thể chất và tinh thần vì hứng chịu quát mắng, bố mẹ có thể áp dụng bốn cách, theo gợi ý của VerywellFamily.
Ảnh minh họa
Thiết lập các quy tắc rõ ràng
Bố mẹ sẽ ít phải quát mắng nếu như đã thiết lập quy tắc gia đình rõ ràng về đạo đức, cách ứng xử… cho con. Hãy in một văn bản quy tắc và dán lên những nơi nổi bật trong nhà như tủ lạnh, bàn ăn. Mỗi khi con mắc lỗi, bố mẹ không cần cằn nhằn, nói nhiều mà cứ theo quy tắc đã đề ra để xử phạt.
Đừng quát mắng, hay chì chiết con vì những điều đó chỉ khiến chúng ức chế và không sửa đổi hành vi xấu. Và nhiều trường hợp, bố mẹ càng quát mắng, con lại càng bất chấp.
Cảnh báo trước hậu quả của việc phạm lỗi
Bố mẹ hãy cảnh báo trước những hậu quả cũng như hình phạt con sẽ phải nhận nếu mắc lỗi. Các hình phạt như lấy đi đặc quyền (không được xem tivi, không được đọc truyện tranh…) hay ngồi im suy nghĩ lại hành động của bản thân sẽ khiến con bạn học hỏi được nhiều điều.
Chẳng hạn con lười biếng không chịu làm bài tập, bố mẹ chẳng cần quát mắng, la hét hay thậm chí roi vọt. Thay vào đó, hãy cảnh cáo: “Nếu con không làm bài thì tối nay không được xem tivi nữa”. Sau đó, con bạn sẽ xem xét và chọn làm bài tập vì không muốn mất đặc quyền xem tivi.
Video đang HOT
Tất nhiên, bố mẹ hãy xem xét chọn lựa hậu quả thích hợp nhất. Ví dụ con thích ăn kem thì cảnh báo chúng sẽ không được ăn kem nữa nếu không làm bài. Hãy chọn đặc quyền bị lấy dựa trên sở thích của con để chúng biết sợ mà sửa đổi.
Khen thưởng nếu con làm tốt
Bên cạnh các hình phạt, bố mẹ cũng cần đưa ra lời khen, phần quà nếu con cư xử tốt và tuân thủ quy tắc. “Bố mẹ rất vui vì con đã làm việc nhà và đánh giá cao điều này”, một lời khen sẽ giúp con cảm thấy vui vẻ, tự hào về bản thân và có thêm động lực cư xử đúng đắn.
Bạn hãy dành thời gian mỗi ngày để động viên trẻ nỗ lực cư xử tốt và có thể tạo ra hệ thống khen thưởng con. Chẳng hạn mỗi lần con làm tốt việc gì đó thì sẽ được một sao thưởng, khi đủ năm sao thì sẽ được tặng một món quà.
Quát mắng chưa chắc đã khiến con sửa đổi hành vi nhưng khen thưởng thì luôn giúp ích nhanh chóng.
Xem xét lại những lý do quát mắng con
Nếu bố mẹ hay quát mắng con, hãy xem xét vì sao mình làm thế. Nhiều khi con chỉ phạm lỗi nhỏ nhưng bố mẹ cũng quát mắng chỉ bởi bản thân đang gặp stress và muốn giải tỏa cảm xúc. Trường hợp này, bố mẹ cần học cách kiềm chế cơn nóng giận và chờ đến khi bình tĩnh mới đưa ra biện pháp kỷ luật con. Một số biện pháp có thể giúp ích như hít thở sâu 3-5 lần, nghỉ ngơi, nghe nhạc, tập thể dục…
Nếu bố mẹ quát mắng vì con phớt lờ lời nói của mình, hãy thử các biện pháp khác để thu hút sự chú ý của con, như: loại bỏ những vật phiền nhiễu khiến con mất tập trung, yêu cầu con lặp lại lời của bố mẹ hay đưa ra các cảnh báo…
Thanh Hương
Theo VerywellFamily/VNE
Ông bố viết tâm thư gửi con gái năm học mới: "Kiến thức như người yêu cũ, cần nhớ thì nhớ, cần quên thì cứ quên"
"Về nguyên tắc bộ não của chúng ta khi muốn tiếp thu cái gì mới hơn, thì phải bấm "delete", tạm thời xóa sạch bộ nhớ để có thêm dung lượng cho cái mới. Đừng có như nhiều người, có những chuyện cần nhớ thì lại quên, cần quên vẫn cứ nhớ. Khổ lắm".
Chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới 2019-2020 chính thức bắt đầu và cha mẹ nào cũng có chung tâm trạng hạnh phúc xen lẫn háo hức trước hành trình con sắp trải qua. Một ông bố ở Hà Nội còn viết hẳn tâm thư gửi con gái năm nay lên lớp 3.
Với những câu chữ hài hước, dí dỏm dành cho con gái, ông bố này cũng ngầm thể hiện phương pháp dạy con của mình. Đặc biệt có đoạn "Kiến thức như người yêu cũ, cần nhớ thì nhớ, cần quên thì cứ quên. Đừng có như nhiều người, có những chuyện cần nhớ thì lại quên, cần quên vẫn cứ nhớ. Khổ lắm", khiến ai cũng phải bật cười.
Nguyên văn tâm thư bố gửi con:
"Hôm nay là ngày đầu tiên con gái trở lại trường học sau 2 tháng nghỉ hè dài... đằng đẵng. Nó đằng đẵng với bà ngoại là chính, khi sáng trưa chiều tối, ngày 3 bữa phục vụ cơm nước tận nơi, thay vì trước đây bà chỉ lo hộ buổi tối là chính.
Nó đằng đẵng với cả... nó, cô gái 8 tuổi nhưng chưa một tối nào chịu ngủ mà không có bố bên cạnh. Khi nào nó cũng lý luận với mẹ: "Bố là của con, đã sinh ra con thì bố là của con vì con là... con của bố".
Lời dặn dò của bố tới con gái trước thềm năm học mới.
2 tháng trời chỉ ở nhà, hầu như không đụng đến sách vở giấy bút, không Toán, không tiếng Việt, duy chỉ có môn tiếng Anh vẫn cố tuần 2 buổi bố cho đi "bập bẹ" với cô giáo nước ngoài. Không biết tính toán thì sau này có máy tính nó làm hộ. Không sành câu giỏi chữ để lên "phây" chém gió như bố cũng chả sao.
Nhưng không giỏi tiếng Anh là không được con ạ, vì kiểu gì sau này cũng nhiều cơ hội đi du lịch, đi công tác ở nước ngoài, không biết tiếng Anh là... lạc mất bố không trở về được Việt Nam đâu con ạ. Như bố này, nhiều lần được mời đi nước ngoài nhưng mà đều sĩ diện từ chối, nhưng nguyên nhân chính là không biết tiếng. Nhục lắm.
2 tháng trôi qua với con gái đã trở nên dài đằng đẵng, vì hơn ai hết con thấy sự thiếu vắng của bạn bè là như thế nào. Không học một ngày chẳng chết ai. Không bạn bè nhiều khi nó cô đơn lắm lắm. Nhất là khi thiếu hẳn những lời khen của chúng nó: "Thùy Minh xinh ơi", "Thùy Minh học giỏi ơi", con nhỉ?
Nhưng mà không sao con ạ, về nguyên tắc bộ não của chúng ta khi muốn tiếp thu cái gì mới hơn, thì phải bấm "delete", tạm thời xóa sạch bộ nhớ để có thêm dung lượng cho cái mới. Kiến thức như người yêu cũ, cần nhớ thì nhớ, cần quên thì cứ quên. Đừng có như nhiều người, có những chuyện cần nhớ thì lại quên, cần quên vẫn cứ nhớ. Khổ lắm.
Chuẩn bị vào năm học mới rồi, bố vẫn luôn mong con gái đến trường với nụ cười luôn tươi trên môi. Trên tay con vẫn sẽ luôn là chữ V, để nhắc bố một điều, nhớ cho con đi học... vẽ. Yêu con".
Chủ nhân của bức tâm thư này là nhà báo Thế Nam, quê ở Thừa Thiên Huế, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Cách đây 2 năm, anh cũng viết một bức tâm thư gửi con gái vào lớp 1 "Học ít thôi, chơi là chính" gây sốt cộng đồng mạng.
Theo chia sẻ của anh Nam, quan điểm của vợ chồng anh là cứ để cho con phát triển bình thường: "Bé nhà mình được cái rất ngoan, có ý thức tự giác. Mình chỉ bảo con là con hãy học lúc nào con thấy thích".
Anh Nam cho biết, con gái anh, Thùy Minh, khá mạnh dạn, tự tin và hòa đồng với các bạn ở lớp.
"Thùy Minh học tốt môn Toán và Ngoại ngữ, có năng khiếu về vẽ, còn tiếng Việt thì bình thường, có vẻ không thích. Tuy nhiên, vợ chồng mình không tạo áp lực cho con mà khuyến khích con học những gì cảm thấy hứng thú", ông bố hài hước này bày tỏ.
Theo afamily
Cha mẹ nào cũng nên học hỏi "4 điều cấm và 4 điều cần" khi dạy con của danh sĩ Kỷ Hiểu Lam - con không thành tài cũng thành nhân Có lẽ, con cái không nhất thiết phải thành thiên tài, chỉ cần chúng nên người và có ích cho xã hội đã là thành công lớn của người làm cha mẹ. Dù có bận rộn cũng không lơ là giáo dục con cái Kỉ Hiểu Lam là một trọng thần của nhà Thanh, vì chuyện triều chính bận rộn mà thường xuyên...