Cách đánh vần lạ: Chủ tịch hội đồng thẩm định quốc gia về tiếng Việt lên tiếng
Theo PGS Bùi Mạnh Hùng, tài liệu Giáo dục Công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu.
Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng – Chủ tịch hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Giáo dục Công nghệ, điều phối viên chính ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, thành viên ban phát triển chương trình môn Tiếng Việt – Ngữ văn giải thích: Tiếng Việt 1 – Giáo dục Công nghệ không phải là một chương trình riêng mà chỉ là tài liệu dạy học do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên.
PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng – Chủ tịch hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Giáo dục Công nghệ.
Chương trình giáo dục chỉ quy định mục tiêu cần đến
Theo ông Bùi Mạnh Hùng, theo dõi đoạn clip có thể thấy cô giáo đang hướng dẫn dạy học đánh vần theo phương pháp của tài liệu Tiếng Việt lớp 1, Công nghệ Giáo dục.
Dấu hiệu nhận biết là sử dụng cụm từ “luật chính tả” (cách gọi được dùng nhiều trong tài liệu ), hướng dẫn đánh vần dựa trên cơ sở phân tích cấu trúc âm tiết tiếng Việt và sử dụng những thuật ngữ ngữ âm học như nguyên âm, âm đệm, âm cuối, ….; chú ý phân biệt rạch ròi âm và chữ, ví dụ phân biệt âm /k/ (cờ) và chữ “k” (ca), “q” (cu),…
Ông Hùng cho biết, phương pháp dạy học tiếng Việt nói chung và dạy học đánh vần nói riêng của tài liệu của Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục phần nào gây tranh cãi và còn có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tài liệu này đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu.
PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng cho hay, phương pháp dạy học đánh vần trong đoạn clip nói trên không thuộc nội dung được quy định trong chương trình Tiếng Việt – Ngữ văn mới (sắp được ban hành), cũng như chương trình Tiếng Việt năm 2000 (chương trình hiện hành).
Video đang HOT
Chương trình chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Cụ thể là sau một năm học, học sinh có khả năng đọc, viết, nói và nghe đến mức độ nào.
Ví dụ, chương trình Tiếng Việt – Ngữ văn mới quy định, học xong lớp 1, học sinh “Đọc đúng âm, vần, tiếng, từ, câu (có thể đọc chưa thật đúng một số tiếng có vần khó, ít dùng). Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn, tốc độ đọc: 40 – 60 tiếng một phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ; bước đầu biết đọc thầm.
Chương trình không bắt buộc học sinh phải được học theo phương pháp nào. Nói cách khác, chương trình giáo dục chỉ quy định mục tiêu cần đến, còn con đường đi đến mục tiêu, trên thực tế, khá đa dạng và sẽ được lựa chọn bởi tác giả sách giáo khoa và giáo viên.
Chính vì thế, sắp khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau.
“Chắc hẳn cuốn sách giáo khoa nào giúp học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình bằng phương pháp hiệu quả nhất sẽ được nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh ưu tiên lựa chọn”, ông Hùng nói.
Nhiều địa phương tự nguyện áp dụng
PGS Bùi Mạnh Hùng thông tin, hiện nay các trường tiểu học trên cả nước đều thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng GD&ĐT.
Do vậy, dù dạy theo sách giáo khoa Tiếng Việt 1 hiện hành hay tài liệu Tiếng Việt 1 – Giáo dục công nghệ cũng đều phải đạt được mục tiêu môn học đã được quy định trong Chương trình.
Dạy học theo tài liệu này là một trong những phương án dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng có nhiều học sinh dân tộc và đến nay đã có nhiều địa phương lựa chọn, tự nguyện áp dụng.
Phương pháp dạy học đánh vần theo tài liệu này đã khiến một số người cảm thấy băn khoăn và có phần lo ngại vì đã quen với phương pháp dạy học đánh vần truyền thống và đã hiểu lầm rằng cách dạy học này sẽ được Bộ GD&ĐT áp dụng trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Như Dân trí đưa tin trước đó, một clip được cho là cô giáo tiểu học dạy cách đánh vần Tiếng Việt “lạ” khiến dư luận hoang mang.
Nhiều phụ huynh lo lắng bởi cách phát âm này không giống truyền thống trước đây nên sẽ rất khó dạy cho con em.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Hiệu ứng đám đông
Mới đây, một clip được đưa lên YouTube với tiêu đề "Cô giáo hướng dẫn cách đánh vần tiếng Việt lạ và độc" được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Một số báo lập tức khai thác nội dung này, nhân thêm rất nhiều tranh luận, dù trên thực tế, đây là nội dung không mới.
Phản ứng tích cực của xã hội sẽ giúp giáo dục phát triển đúng hướng
Đúng theo chia sẻ của người đăng tải clip, cách đánh vần trên được giáo viên dạy theo sách "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại.
Nếu thực hiện tìm kiếm trên Google với từ khóa "Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục" có thể ngay lập tức ra hàng chục triệu kết quả. Với một người chưa hề từng được nghe đến mô hình này, chỉ bằng thao tác tìm kiếm đơn giản cũng có thể lấy được thông tin trên Internet, rằng GS Hồ Ngọc Đại là người đưa ra khái niệm "công nghệ giáo dục" và triển khai ở Việt Nam với mô hình thực nghiệm ra đời từ năm 1978 (Trường Thực nghiệm) tại Giảng Võ, Hà Nội. Đến năm 1985, Trường Thực nghiệm được phép mở rộng ra các tỉnh đăng ký triển khai. Năm 1986, bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ra đời, hiện nay được áp dụng đại trà với hơn 40 tỉnh, thành lựa chọn.
Năm học 2016 - 2017, cả nước có 48 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục theo Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT ngày 1/7/2016 của Bộ GD&ĐT. Dù còn những khó khăn, hạn chế, nhưng dạy và học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục được đánh giá đã làm thay đổi phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh và là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số. Hội đồng thẩm định quốc gia cũng đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này.
Năm 2016, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ trên báo chí: Sau gần 40 năm nhìn lại mô hình này, công nghệ giáo dục dựa trên 3 nguyên tắc: Ai cũng học được; học gì được nấy; học đâu chắc đó. Do vậy giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được.
Điều mà nhiều người "hoang mang", cho là "lạ" và là trọng tâm của tranh luận khi video nói trên được chia sẻ chính là cách đánh vần theo bộ sách Công nghệ giáo dục. Nguyên tắc đánh vần trong Công nghệ giáo dục là theo âm, không đánh vần theo chữ. Do đánh vần theo âm nên khi viết phải theo luật chính tả: Âm /cờ/ đứng trước âm /e/, /ê/, /i/ phải viết bằng chữ k (ca); âm /cờ/ đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u... Tất cả các nguyên tắc này cũng được các chuyên gia chia sẻ công khai và có thể dễ dàng tìm thấy chỉ bằng một click chuột.
Có thể khẳng định rằng, nội dung clip tạo làn sóng tranh luận trong những ngày cuối tuần vừa qua không hề "lạ" với nhiều người, đặc biệt những người lựa chọn cho con theo học chương trình Công nghệ giáo dục. Với những người chưa từng biết đến mô hình nói trên, quen với cách đánh vần theo mô hình đại trà, thiết nghĩ, chỉ cần ít phút tìm hiểu trên mạng cũng có thể tránh được hoang mang không cần thiết, nhất là thời điểm đầu năm học mới.
Hiện nay, vẫn rất nhiều người thường có phản ứng ít tích cực với cái mới, cái "phi truyền thống", trong đó có vấn đề giáo dục. Người ta thường chạy theo những cái mà đám đông cho là hay, là đúng, nhưng bản thân lại không thực sự suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc.
Một phụ huynh khi nói về những tranh luận xung quanh clip cô giáo hướng dẫn cách đánh vần theo công nghệ giáo dục đã thở dài rằng: "Ở nhiều nước, trước cái mới, phụ huynh thường chủ động tìm hiểu để về dạy con thì chúng ta hoặc phản ứng, hoặc trăm sự nhờ thầy cô". Muốn giáo dục tốt hơn lên, rất nhiều thứ cần thay đổi; thay đổi ngay từ việc nhỏ như nói không với việc đưa ra những nhận định khi bản thân chưa tìm hiểu kĩ và thói quen phản ứng tức thì, cảm tính, theo đám đông trước mỗi thông tin về giáo dục.
Tâm An
Theo giaoducthoidai.vn
Chuyên gia ngôn ngữ học chia sẻ về cách đánh vần "lạ" gây tranh cãi Hai ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách dạy con lớp 1 đánh vần đã thu hút sự quan tâm của dư luận, với nhiều tranh cãi. Đoạn clip do phụ huynh có con vào lớp 1 chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem cùng với...