Cách ăn gan động vật tốt nhất cho sức khỏe
Gan là thực phẩm giàu vitamin A và các nguyên tố vi lượng, tuy nhiên cũng có nhiều người lo gan lợn chứa nhiều độc tố và có thể mang đến những nguy cơ cho người sử dụng. Vậy chế biến và sử dụng như thế nào để đảm bảo an toàn.
Ảnh minh họa: Internet
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, trong 100g gan lợn chứa 21,3g protein, 25mg sắt, 8700 mcg Vitamin A. Trong 100g gan gà có 6.960mcg vitamin A, gan bò có 5.000mcg…
Trong đó, protein là thành phần quan trọng cấu thành cơ thể người, các hoạt động sống nhất là sự phát triển tầm vóc của trẻ. Sự phát triển chức năng của các cơ quan đều lấy sự hợp thành và tích lũy protein trong tổ chức cơ thể.
Chất sắt là nguyên liệu tạo ra huyết sắc tố, có tác dụng chữa trị và phòng chống thiếu máu. Vitamin A có quan hệ mật thiết với thị lực bình thường của mắt, có liên quan đến sự hình thành của tế bào thượng bì bên ngoài và bên trong cơ thể.
Nếu thiếu vitamin A, có thể làm ảnh hưởng tới chức năng miễn dịch của cơ thể người, gây truyền nhiễm, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển xương của trẻ.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố giàu vitamin A và các nguyên tố vi lượng như sắt gan còn là nơi tập trung các chất cặn bã gây hại sức khoẻ. Gan có nhiệm vụ chuyển hoá và giải chất độc nên nếu chức năng gan kém, bị bệnh không thải được chất độc ra ngoài thì trong gan sẽ còn tồn dư nhiều mầm bệnh.
Các loại ký sinh trùng như sán lá gan cũng thường trú ngụ ở gan, mặt khác ở những con lợn, gà bị bệnh viêm gan thì gan sẽ chứa nhiều virut và độc tố gây bệnh.
Trong gan cũng như các loại phủ tạng động vật khác như tim, bầu dục… đều có chứa nhiều đạm, cholesterol cao do đó không tốt cho những người mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá, người bị tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường…
Video đang HOT
Trẻ em và phụ nữ đang nuôi con nhỏ, những người thiếu máu thiếu sắt có thể ăn được gan và một số loại phủ tạng như tim, bầu dục nhưng chỉ nên ăn 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần từ 50 – 70g đối với người lớn, còn trẻ em chỉ ăn từ 30 – 50g/bữa.
Khi mua gan, lưu ý chọn gan có màu đỏ sẫm tươi, không có những nốt sần trên bề mặt, ấn tay vào miếng gan thấy có đàn hồi tốt, miếng gan dẻo là gan có chất lượng tốt. Còn nếu trên bề mặt miếng gan có những nốt sần cục, màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi là gan nhiễm bệnh không nên mua.
Trước khi chế biến, nên cắt lát mỏng từng miếng gan rửa sạch bằng nước lạnh, bóp hết máu đọng, lấy miếng vải xô sạch thấm khô hết máu trong gan để loại bỏ chất độc trong máu của gan, chỉ còn giữ lại các tế bào gan giàu chất dinh dưỡng.
Không nên ăn gan còn tái mà phải lưu ý nấu, cho gan chín kỹ để diệt được các vi khuẩn gây bệnh và các ký sinh trùng.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Sán làm ổ ở 'cậu nhỏ'
Vừa qua, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã tiếp nhận một ca sán lá gan nhỏ làm ổ trong "cậu nhỏ" của bệnh nhân.
Ảnh minh họa: Internet
Vừa qua, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã tiếp nhận một ca sán lá gan nhỏ làm ổ trong "cậu nhỏ" của bệnh nhân. Đây là cách gây bệnh đáng sợ của sán lá gan nhỏ cùng với việc chúng gây xơ gan, ung thư gan.
Thật bất ngờ ổ sán trong da "cậu nhỏ"
Trong da "cậu nhỏ" của một bệnh nhân nam, 42 tuổi, ở Hà Nội có một ổ sán lá gan nhỏ. TS. Nguyễn Thu Hương - Phó Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết: Bệnh nhân nam phát hiện u nhỏ cộm cứng ở thành dương vật gần một tháng.
Chỉ hơi ngứa nhưng không đau. Khám dưới da cách bao quy đầu 0,5cm có một vật dài 2cm, nhỏ mỏng. Chẩn đoán theo dõi ký sinh trùng dưới da. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt khối u. Phẫu tích khối u thấy ở trung tâm có một ký sinh trùng dài khoảng 2cm dẹt, đường kính 1mm màu vàng trong, phần đầu cắm chặt vào vật hang.
Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương chẩn đoán hình thể ban đầu là con sán dẹt có hình lá, màu hồng nhạt, hơi khô cứng, kích thước 18mm x 1mm x 5mm. Mẫu vật đã được xác định chính xác là sán lá gan nhỏ Clonorsis sinensis.
Đây là loại sán gây bệnh trên người hay gặp tại các vùng người dân có thói quen ăn gỏi cá sống. Bình thường, sán gây tổn thương ở gan và có thể gây ung thư gan. Thực tế sau khi hỏi bệnh cặn kẽ, được biết bệnh nhân này cùng bạn hay đi nhậu có ăn món cá sống. Như vậy, có thể sán lá gan nhỏ đã vào cơ thể bệnh nhân qua đường tiêu hóa và chu du xuống làm tổ ở "cậu nhỏ".
Sán lá gan nhỏ gây bệnh như thế nào?
Loài sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis thường gặp ở Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á như Philippine, Singapore, Malaysia và Việt Nam. Sán lá gan nhỏ có hình lá, thân dẹt, màu đỏ nhạt. Sán dài 10-12mm, rộng 2-4mm, có hai mồm hút: mồm hút phía trước (thông với đường tiêu hoá) và mồm hút phía sau. Trên thân sán có cả bộ phận sinh dục đực và cái.
Sán lá gan nhỏ (sau đây gọi tắt là sán) ký sinh ở các ống mật nhỏ trong gan. Ở Việt Nam, những loài cá chép, cá rô, cá diếc, cá trôi, cá mè, cá chạch... đều có thể là vật chủ trung gian của sán lá gan nhỏ. Khi người ăn cá sống như món gỏi cá hoặc cá nấu chưa chín kỹ, ấu trùng sẽ theo thức ăn vào ruột. Khoảng 15 giờ sau di chuyển tới ống mật lên gan, sau 26 ngày sẽ phát triển thành sán trưởng thành và gây bệnh. Sán có thể sống 15-25 năm trong cơ thể người.
Sán gây tổn thương nặng nề ở gan: kích thích thường xuyên đối với gan, đồng thời chiếm thức ăn và gây độc. Do sán thường bám chặt vào ống mật, dùng mồm để hút thức ăn nên lâu dần gan sẽ bị xơ hóa lan toả, tổ chức gan bị tăng sinh và có thể dẫn tới hiện tượng xơ hoá gan, cổ trướng, thoái hoá mỡ ở gan. Độc tố do sán tiết ra có thể gây dị ứng, gây thiếu máu.
Biểu hiện bệnh
Bệnh thường gặp ở vùng nuôi cá bằng phân tươi và có tập quán ăn gỏi cá. Triệu chứng của bệnh sán lá gan nhỏ phụ thuộc vào nhiễm nhiều hay ít sán và phản ứng của cơ thể người bệnh. Nếu nhiễm ít, không có triệu chứng gì đặc biệt. Khi nhiễm trên 100 con sán trở lên thì bệnh biểu hiện qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn khởi phát: bệnh nhân chán ăn, ăn không tiêu, đau âm ỉ vùng gan, tiêu chảy hoặc táo bón thất thường. Toàn thân có thể phát ban, nổi mẩn.
Giai đoạn toàn phát: bệnh nhân đau vùng gan nhiều hơn, có biểu hiện thiếu máu, vàng da và cổ trướng xuất hiện ở giai đoạn muộn. Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể sốt thành từng cơn hoặc sốt kéo dài.
Xét nghiệm phân: có thể tìm thấy trứng sán. Trường hợp nhiễm ít, cần phải xét nghiệm dịch tá tràng. Các xét nghiệm miễn dịch; siêu âm có giá trị chẩn đoán. Xét nghiệm chức năng gan có giá trị trong việc đánh giá tổn thương. Siêu âm gan có thể phát hiện được sán lá gan và các tổn thương do sán gây ra.
Điều trị có khó không?
Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh sán lá gan nhỏ có thể được chữa khỏi. Bệnh nhân mắc sán lá gan cần phải được theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng. Thuốc có thể dùng là praziquantel liều 75mg/kg cân nặng.
Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh sán lá gan nhỏ rất nguy hiểm, có thể gây ung thư gan, xơ gan và làm "mất mặt" đấng nam nhi khi làm tổ ở "cậu nhỏ". Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được bằng biện pháp đơn giản và hiệu quả như sau: giữ vệ sinh ăn uống như không ăn gỏi cá hoặc ăn cá nấu chưa chín kỹ trong món lẩu. Không ăn cua, cá nấu chưa chín kỹ.
Không ăn mắm cua sống. Không ăn sống các loại rau trồng dưới nước như rau cần, rau muống, rau ngổ, sen, súng, rau răm, rau rút... Cần quản lý và xử lý phân hợp vệ sinh: không dùng phân tươi nuôi cá, bón ruộng. Ủ phân đúng quy định, không phóng uế bừa bãi.
Theo Sức khỏe & Đời sống
5 dấu hiệu ở móng tay báo bệnh nguy hiểm Bởi chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể của bạn đang mang bạo bệnh. Do đó cần hết sức thận trọng khi móng tay có 5 dấu hiệu sau: Ảnh minh họa: Internet 1. Những đốm trắng trên móng tay Rất nhiều người gặp phải trường hợp này. Khi nhìn thấy những đốm trắng, đa số nghĩ rằng không có...