Các trường tổ chức tuyển sinh riêng: Được và chưa được
Trong kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2019, nhiều trường đã tổ chức thi riêng (đánh giá năng lực) để xét tuyển; tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ 10% đến 100% dành cho thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi này. Quyền tự chủ trong tuyển sinh đã được quy định bởi các văn bản hiện hành và các trường hoàn toàn có quyền thực hiện.
Song, vấn đề đáng quan tâm: thi riêng liệu có phải là phương án tuyển sinh tối ưu, hay là cách các trường tìm “lối thoát” để dễ tuyển sinh hơn?
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 31-3
Chạy đua tổ chức thi riêng
Có thể nói, từ khi Bộ GD-ĐT chấp thuận cho các trường ĐH xét tuyển bằng học bạ THPT đến nay thì việc các trường tổ chức thi riêng để tuyển sinh đang trở nên rất “hot”.
Từ 2014-2015, ĐH Quốc gia Hà Nội thu hút sự quan tâm lớn của thí sinh khi tiên phong áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển chọn thí sinh. Tuy nhiên đến năm 2016, ĐH này tuyên bố dừng kỳ thi riêng, một phần do đã có kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1″, phần khác do lượng thí sinh đăng ký không như mong đợi. Tiếp đó, năm 2016 là Trường ĐH Luật TPHCM, năm 2017 là Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), năm 2018 là ĐH Quốc gia TPHCM chính thức triển khai kỳ thi đánh giá năng lực.
Năm nay, khi Quy chế tuyển sinh ĐH 2019 quy định 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe có điểm sàn và xét tuyển học bạ THPT phải đạt học lực khá, giỏi… thì hàng loạt trường ĐH tư thục (phía Nam) chính thức công bố tổ chức thi riêng. Cụ thể như Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (đều dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển); Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết sẽ tổ chức 3 đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2019; Trường ĐH Hoa Sen cũng mới bổ sung phương thức tuyển sinh bằng thi đánh giá năng lực do trường tổ chức với 10% chỉ tiêu. Trong số các tiêu chí xét tuyển có tiêu chí thí sinh phải đạt từ 6,0 điểm trở lên (thang điểm 10) trong kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.
Dù phương thức tổ chức kỳ thi riêng rất thuận lợi cho việc tuyển sinh của trường, song dường như đến nay vẫn chưa có khảo sát, thống kê và so kết quả đầu vào – quá trình học tập – kết quả đầu ra so với các phương án tuyển sinh trước đây. Xét về tính quy mô và hiệu ứng thì kỳ thi riêng của ĐH Quốc gia TPHCM là lớn nhất hiện nay. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết nhà trường tổ chức kỳ thi riêng là do muốn có sự chủ động và ổn định trong khâu tuyển sinh. Đồng thời, ĐH Quốc gia là ĐH đa ngành, có những ngành rất đặc thù, nên cần có một kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển chọn người học cho phù hợp.
Video đang HOT
Nhìn kỳ thi riêng theo hướng tích cực
Việc các trường ĐH tư thục chạy đôn chạy đáo để tổ chức thi đánh giá năng lực trong năm nay (sau khi quy chế ban hành) có phải là để dễ tuyển sinh cho những ngành đang “hot” như khối ngành sức khỏe?
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa chia sẻ: Để tổ chức được kỳ thi riêng vào năm 2018, ĐH Quốc gia TPHCM đã có sự chuẩn bị hơn cả chục năm. Nào là đi học hỏi kinh nghiệm, đội ngũ ra đề thi, đề thi phải test đi test lại nếu đủ độ tin cậy mới được chọn. Ngay cả khi thi, những câu hỏi nào có vấn đề thì loại bỏ và bổ sung, điều chỉnh ngay. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả, ưu điểm của kỳ thi này thì cần phải có thời gian và kết quả học tập của sinh viên. Ngay cả kỳ thi SAT của Hoa Kỳ cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định là phương án tốt nhất.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TPHCM cho rằng: Nếu nói vượt chỉ tiêu, lách chỗ này chỗ kia, thì trường công hay trường tư đều có, không bằng hình thức này thì cũng bằng hình thức khác. Ngay cả tuyển sinh “3 chung” vẫn có hàng loạt trường công tuyển dưới điểm sàn. Tuy nhiên, dư luận có quyền đánh giá, nghi ngờ vì hiện nay Bộ GD-ĐT không kiểm soát được việc tuyển vượt chỉ tiêu, nhất là ở những ngành “hot”. Rất nhiều trường tư thục hiện nay, nếu Bộ GD-ĐT “rờ” đến ngành Dược, Điều dưỡng, Răng Hàm Mặt, Y đa khoa thì sẽ biết ngay mức độ tuyển vượt rất “khủng”. Ở nhiều trường, ngành Dược “gánh” gần 1/2 chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Vấn đề là Bộ GD-ĐT buông lỏng hậu kiểm, hoặc có hậu kiểm nhưng rồi cũng cho qua. Do đó, hãy nhìn kỳ thi đánh giá năng lực theo hướng tích cực
Rõ ràng kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay, nhất là kỳ thi của ĐH Quốc gia TPHCM, đã thật sự đáp ứng được các tiêu chí loại bỏ tiêu cực, thi cử nặng nề, nên thu hút được đông đảo thí sinh tham gia. Đây là điều không chỉ các trường mà cả xã hội đều mong muốn từ kỳ thi đánh giá năng lực. Vấn đề còn lại là làm thế nào để kỳ thi này có quy mô lớn hơn, quy mô toàn quốc thì trường nào cũng sẽ áp dụng.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, nhìn một cách xa hơn: Về lâu về dài, Bộ GD-ĐT nên có trung tâm khảo thí ngoài cơ quan hành chính của bộ để sản xuất đề thi (xây dựng ngân hàng đề thi quốc gia) cho các sở đào tạo lựa chọn. Điều này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn và tiết kiệm chi phí cho các trường trong khâu thi tuyển. Trường nào muốn tổ chức thi thì cứ việc lấy đề, trả phí rồi tổ chức thi.
THANH HÙNG
Theo SGGP
Tuyển sinh ĐH năm 2019: Trọng số điểm thi THPT quốc gia đang giảm dần?
Qua công bố phương án tuyển sinh của nhiều trường, thấy rằng căn cứ điểm thi THPT quốc gia không chiếm trọng số quan trọng như trước nữa, nghĩa là thay vì xét hoàn toàn dựa vào điểm thi, các trường có những yêu cầu khác như: Học bạ, vòng phỏng vấn riêng, khảo sát năng lực, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, các giải quốc tế và khu vực... Đây là những biện pháp để sàng lọc đầu vào toàn diện và khách quan hơn.
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia cơ bản sẽ giữ ổn định đến năm 2020. Mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và kết quả thi là cơ sở quan trọng các trường ĐH có thể lựa chọn để tuyển sinh. Năm 2019 này, Bộ cho biết đề thi sẽ theo hướng chủ yếu để xét tốt nghiệp THPT. Điều này được cho là phù hợp, khi lâu nay, để đảm bảo hai mục đích: Xét tốt nghiệp và phân loại thí sinh, chọn học sinh khá giỏi đỗ các trường ĐH, Bộ GD&ĐT khá vất vả trong khâu ra đề.
Chưa kể, theo Luật Giáo dục ĐH, các trường tự chủ phương án tuyển sinh, Bộ không làm thay các trường như những năm trước nữa. Vì thế, phương án tuyển sinh của các trường ĐH cũng chủ động hơn, dù vẫn tin tưởng vào kỳ thi THPT quốc gia, coi đó là một căn cứ xét tuyển, nhưng không còn lệ thuộc hoàn toàn vào kết quả ấy. Kết quả thi THPT quốc gia chỉ là một căn cứ trong rất nhiều phương án tuyển sinh đa dạng mà các trường ĐH, CĐ đưa ra trong năm 2019 tới.
Năm 2019 các trường đã giảm sự lệ thuộc vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh ĐH. (Ảnh: P.T)
Năm 2019, ĐH Quốc gia TP HCM tiếp tục sử dụng các phương thức tuyển sinh đã thực hiện trước đó, gồm tuyển thẳng và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH này; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia; sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tự tổ chức.
Ngoài ra, năm nay ĐH Quốc gia TP HCM dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển trực tiếp thí sinh từ các chứng chỉ quốc tế dành cho các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các chứng chỉ được xét như kết quả thi tú tài quốc tế và một số kết quả tuyển sinh chung của thế giới.
ĐH Quốc gia TP HCM sẽ được tổ chức 2 đợt: đợt 1 trước kỳ thi THPT quốc gia, ngày 31-3-2019 và đợt 2 sau kỳ thi THPT quốc gia, ngày 7-7-2019. Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức lấy kết quả kỳ thi này dao động trong khoảng từ 25-40% tổng chỉ tiêu. Như thế nghĩa là trọng số căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia của trường đã giảm đáng kể.
Năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục sử dụng phương án dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH chính quy, đồng thời mở rộng phương thức xét tuyển thẳng. Năm 2018, ĐH tuyển sinh theo các phương thức như xét tuyển thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐH Quốc gia Hà Nội quy định;
Xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng đạt từ 70/140 điểm trở lên và chưa nhập học vào bất kỳ đơn vị đào tạo nào của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge (Cambridge International Examinations A-Level, UK); Xét tuyển thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên mới đủ điều kiện đăng ký để xét tuyển.
Như vậy, kết quả thi THPT quốc gia không còn là cánh cửa duy nhất để thí sinh bước vào ĐH. Đa phần các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ đều công bố phương án tuyển sinh từ khá sớm. Để học sinh cả nước có thể biết và chọn phương án tuyển sinh cho phù hợp. Nếu chỉ căn cứ vào kỳ thi THPT quốc gia, các trường sẽ thiếu nguồn tuyển.
Ngay cả các hình thức xét tuyển trong từng trường cũng đa dạng hơn, các trường có những căn cứ đánh giá khác ngoài điểm thi THPT quốc gia. Ví dụ điểm thi THPT quốc gia kết hợp xét học bạ 3 năm THPT, hoặc xét điểm các môn thành phần trong quá trình học.
Hoặc điểm thi THPT quốc gia đủ ngưỡng yêu cầu, nhưng thí sinh cần trải qua một vòng phỏng vấn nữa như Học viện Báo chí và tuyên truyền yêu cầu đối với các bộ môn báo hình, phát thanh hay phỏng vấn thí sinh cho các khoa có lớp đào tạo chất lượng cao.
Kiểu xét tuyển sinh linh hoạt này có những thuận lợi: Giảm bớt sự phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia, các trường chủ động nguồn tuyển và toàn diện hơn để sàng lọc đầu vào. Nhưng cũng dễ dẫn đến những hạn chế như: Một trường có quá nhiều phương thức tuyển sinh, khiến thí sinh rối: Thi riêng, căn cứ thi THPT quốc gia, kết hợp kết quả thi và học bạ, kết hợp đánh giá năng lực và học bạ, xét tuyển căn cứ vào giải thưởng và học bạ...
Vì thế, yêu cầu đặt ra với các trường khi giảm dần sự phụ thuộc vào điểm thi THPT quốc gia đó là: Chủ động phương án tuyển sinh nhưng cơ bản ổn định và không gây xáo trộn quá mức, không làm rối thí sinh bằng nhiều phương thức tuyển.
Nam Dương
Theo phapluatxahoi
Tuyển sinh ĐH dần "thoát ly" kết quả thi THPT Cùng với việc tự chủ, các trường ĐH bắt đầu đưa ra phương án tuyển sinh theo hướng dần "thoát ly" khỏi sự phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT. Theo tuyên bố của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia cơ bản sẽ giữ ổn định đến năm 2020. Mục đích chính của kỳ thi là xét...