Các trường sư phạm địa phương: “Lúng túng” vì không biết sẽ đi đâu về đâu?
Đại diện nhiều trường Sư phạm bày tỏ băn khoăn, lúng túng trong định hướng phát triển, không biết đang đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục quốc dân và sẽ đi về đâu trong giai đoạn tới.
Các vấn đề về sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo sư phạm được thảo luận tập trung tại hội thảo khoa học quốc gia Các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới tại Đại học Sư phạm 2 (tỉnh Vĩnh Phúc) do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức ngày 27/8.
GS.TS Trần Hồng Quân (giữa), PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (trái), TS. Vũ Ngọc Hoàng (phải) chủ tọa phiên thảo luận.
Tại hội thảo, các đại biểu đều trực tiếp hoặc gián tiếp bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí có cả những ý kiến bức xúc, lo lắng đối với công tác đào tạo giáo viên hiện nay. Trong khi ngành Giáo dục chưa hoàn thiện
Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm… để trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt, thì nhiều địa phương đã “hăng hái, tích cực” sắp xếp lại các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Đảng về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (NQ-19). Điều này đang gây lo ngại cho nhiều cán bộ, giáo viên tâm huyết với nghề sư phạm.
Theo TS. Dương Đức Hùng (Trường ĐH Hải Phòng), hiện nay cả nước có 133 cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có 15 trường đại học sư phạm; 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm; 19 cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp sư phạm. Các cơ sở đào tạo phân bố dài trải ở tất cả vùng, miền, địa phương trong cả nước
Thực tế, vẫn còn 183.958 người ngoài biên chế trong các trường mầm non và phổ thông, theo cách hiểu thông thường là giáo viên thừa. Mặt khác vẫn còn khoảng 65.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp, tức là tổng số người cần việc chính thức khoảng 250.000 người, một con số gây nhức nhối cho những người làm công tác giáo dục.
Nếu mỗi năm ngành giáo dục bổ sung được 50.000 biên chế (một con số không dễ thực hiện trong bối cảnh tinh giảm biên chế) trong đó có 10.000 biên chế mới, 40.000 thay thế giáo viên về hưu thì cũng phải mất 5 năm nữa, trong điều kiện các trường dừng đào tạo sư phạm, chúng ta mới giải quyết xong số dôi dư này.
Nhưng các trường thì không thể dừng đào tạo. Vậy giải pháp nào cho vấn đề này?
TS. Dương Đức Hùng (Trường Đại học Hải Phòng).
TS Hùng cho rằng, cùng với việc cần tập trung vào bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên theo chương trình phổ thông mới, trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp lại là rất cần thiết. Vậy sắp xếp như thế nào để vừa đảm bảo yêu cầu trước mắt, vừa lâu dài.
Thứ nhất, đối với các trường Trung cấp Sư phạm cần chuyển đổi mô hình sang loại hình khác như Trung tâm học tập cộng đồng hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên… Nếu không chuyển đổi được thì nên giải thể.
Thứ hai, đối với các trường Cao đẳng Sư phạm trước mắt chỉ đào tạo giáo viên mầm non (theo Luật Giáo dục sửa đổi, trình độ chuẩn giáo viên từ bậc tiểu học trở lên tối thiểu là đại học), về lâu dài nên chuyển đổi mô hình sang loại hình trường khác hoặc làm vệ tinh cho các trường sư phạm trọng điểm.
Thứ ba, đối với các trường đại học địa phương cần tập trung vào đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời đảm nhận việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn.
Thứ tư, đối với các trường đại học Sư phạm lớn, trọng điểm cần tập trung vào đào tạo giáo viên trung học phổ thông và sau đại học; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên các trường đạị học địa phương và cốt cán giáo viên phổ thông; nghiên cứu khoa học sư phạm.
Như vậy, về lâu dài, trong hệ thống sẽ chỉ còn tồn tại các trường Sư phạm lớn, trọng điểm và các trường đại học địa phương có đào tạo giáo viên.
TS. Dương Đức Hùng – Trường Đại học Hải Phòng kiến nghị quan điểm về sắp xếp trường sư phạm.
TS. Dương Đức Hùng cũng phân tích vai trò và lợi thế của các trường sư phạm địa phương trong việc đào tạo giáo viên phục vụ phát triển giáo dục địa phương: phục vụ kinh tế – xã hội địa phương, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, vừa là lý do tồn tại, vừa là động lực để phát triển bền vững của các trường đại học địa phương.
Câu hỏi đặt ra là, có cần thiết phải tồn tại mô hình các trường đại học địa phương có đào tạo giáo viên? Trả lời câu hỏi này, ông Hùng nhận định: “rất cần thiết”.
“Trên nhiều diễn đàn, không ít ý kiến lo ngại về chất lượng đào tạo giáo viên các trường đại học địa phương. Sự thật chất lượng đào tạo giáo viên của nhiều trường đại học địa phương rất tốt. Chưa có công trình khoa học nào khẳng định chất lượng đào tạo của các trường đại học sư phạm lớn, trọng điểm cao hơn các trường đại học địa phương, nếu cùng chất lượng đầu vào.
Chất lượng đầu vào phụ thuộc 3 yếu tố: việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong lúc các yếu tố trên chưa thực sự hấp dẫn thì việc áp dụng mức điểm sàn xét tuyển riêng cho khối ngành đào tạo giáo viên như hiện nay là cần thiết.
Về lâu dài, nếu giải quyết được đồng bộ 3 yếu tố trên thì tôi tin chắc rằng, chất lượng đầu vào của sinh viên Sư phạm sẽ nằm trong top cao nhất của điểm trúng tuyển đại học. Việc giải quyết 3 yếu tố trên hoàn toàn khả thi, khi đó chúng ta không phải băn khoăn về chất lượng đầu vào cũng như đầu ra của sinh viên Sư phạm”, đại biểu này bày tỏ.
Sắp xếp lại mạng lưới trường Sư phạm: Cần có lộ trình
Trong khi đó, TS. Hồ Cảnh Hạnh (Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu ) cũng cho rằng, sự tồn tại của các trường Sư phạm địa phương là rất cần thiết nhưng cần có định hướng xuất phát từ chính sách và thực tiễn.
Ông Hạnh trình bày thực trạng quy mô đào tạo của các trường cao đẳng Sư phạm ngày càng giảm, do cắt giảm nhu cầu, chi tiêu, nguồn tuyển khó (do cơ chế tuyển sinh với lộ trình chưa phù hợp, khó khăn trong tìm kiếm việc làm); không được cơ quan quản lý giao thêm nhiệm vụ liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng; chưa giải quyết nhanh chóng, dứt điểm hoặc tháo gỡ những tồn tại của trường Sư phạm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, liên kết đào tạo,…).
TS. Hồ Cảnh Hạnh cho rằng, việc sắp xếp các cơ sở đào tạo giáo viên phải có lộ trình.
“Đa số các trường Sư phạm còn lúng túng trong định hướng phát triển, không biết đang đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục quốc dân và sẽ đi về đâu trong giai đoạn tới”, TS Hạnh bày tỏ trăn trở.
Đại diện này kiến nghị sắp xếp lại mạng lưới trường Sư phạm theo hướng có phân nhóm (các trường sư phạm địa phương nơi có trường ĐHSP hoặc trường đại học đào tạo giáo viên trình độ ĐH; các trường Sư phạm địa phương khác) để thành phân hiệu trường ĐH Sư phạm hoặc sáp nhập với Đại học hoặc phát triển thành trường Sư phạm với tên gọi (Trường Sư phạm địa danh).
Sắp xếp lại mạng lưới trường Sư phạm có lộ trình cụ thể tương ứng với các điều luật liên quan. Chẳng hạn, trong giai đoạn trước mắt có thể giao trường Sư phạm đào tạo chuyển tiếp cho các trường đại học Sư phạm. Trường ĐH Sư phạm tập trung đào tạo trình độ sau đại học là chủ yếu và đào tạo trình độ ĐH (một số ngành trường sư phạm địa phương không đào tạo được hoặc nhu cầu không lớn); trường Sư phạm địa phương đào tạo trình độ chuẩn; liên kết, phối hợp với trường ĐH Sư phạm đào tạo trình độ trên chuẩn.
Trường SP là hệ thống vừa đào tạo giáo viên vừa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; đồng thời nên là trung tâm học tập cộng đồng, có hệ thống trường chất lượng (mầm non, phổ thông) là các cơ sở thực hành, thực tập sư phạm trực thuộc và vệ tinh.
Trường Sư phạm là cơ sở đào tạo mang tính đặc thù nghề nghiệp cao, nên trường Sư phạm cần phải có cơ chế quản lý riêng, được ưu tiên trong đầu tư, chế độ đãi ngộ và tham gia xã hội hóa.
Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các trường Sư phạm để các trường thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và tận dụng các nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục.
Các đại biểu đến từ nhiều trường sư phạm cả nước tham dự hội thảo.
PGS.TS Bùi Văn Quân – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, cơ cấu mạng lưới và phương thức đào tạo giáo viên chắc chắn cần phải có sự thay đổi. Những thay đổi này là đòi hỏi tất yếu của yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, đồng thời cũng xuất phát từ những hạn chế của cơ cấu mạng lưới và phương thức đào tạo giáo viên trong giai đoạn lịch sử vừa qua. Tuy nhiên, tái cấu trúc hệ thống này cần được thực hiện như thế nào là điều cần được bàn thảo kỹ”.
Kiến nghị trước mắt và lâu dài
Kết luận hội thảo với nhiều ý kiến tâm huyết, sôi nổi, GS.TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổng kết và rút ra các kiến nghị từ hội thảo. Theo đó, hội thảo kiến nghị trước mắt (cho tới năm 2025): cơ bản giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay.
GS.TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam.
Thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm, các cơ sở sư phạm trung ương, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ sớm thành lập trường thực hành chất lượng cao trong các trường/khoa sư phạm.
Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ (không theo cơ chế thị trường). Xây dựng cơ chế “đặt hàng đào tạo giáo viên” từ các địa phương.
Sinh viên Sư phạm phải được ưu tiên vay tín dụng nhà nước và được xóa nợ tín dụng nếu chấp nhận làm việc trong ngành Sư phạm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các chuẩn của cơ sở sư phạm, chuẩn chương trình đào tạo giáo viên (nội dung cứng) và các chuẩn khác để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục.
GS.TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổng kết hội thảo.
Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên (như theo Luật Giáo dục sửa đổi 2019) phải gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo của các cơ sở sư phạm.
Về lâu dài (từ sau năm 2025), Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam kiến nghị, các cơ sở sư phạm từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học địa phương/ cao đẳng cộng đồng để có sự ổn định trong hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn. Chuyển nhiệm vụ khác cho các cơ sở sư phạm không đảm bảo chất lượng.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Trường sư phạm sẽ tập huấn chương trình mới cho giáo viên
Cách làm này sẽ thay thế mô hình bồi dưỡng giáo viên các cấp do vụ chuyên môn của Bộ GD&ĐT thực hiện.
Chất lượng đội ngũ giáo viên giữ vai trò quyết định trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh hoạ
Đây là lần đầu tiên trường sư phạm tham gia, chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác này. Sự thay đổi này và cơ chế kết hợp giữa trường sư phạm với Sở GDĐT, dưới sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, nhằm tạo ra sự thống nhất, bài bản trong đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Theo đó, Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên của từng địa phương do trường đại học sư phạm phụ trách phối hợp Sở GD&ĐT thống nhất xây dựng, báo cáo Bộ và triển khai thực hiện phù hợp. Bộ GD&ĐT sẽ thành lập ban điều hành, giám sát việc bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương để nắm bắt, giám sát thực tế công tác tổ chức thực hiện.
"Quan điểm của Bộ GD&ĐT là giao cho các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục trực tiếp tham gia bồi dưỡng dưới sự phối hợp, hỗ trợ của các Sở GD&ĐT, các nhà trường phổ thông và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết việc bồi dưỡng giáo viên trước đây chủ yếu theo cách truyền thụ kiến thức với một số nội dung có sẵn và giáo viên cũng muốn được mang cái có sẵn đó về giảng dạy cho học sinh. Kiểu cầm tay chỉ việc như thế rất dễ dàng cho giáo viên và người đi bồi dưỡng. Nhưng ở chương trình GDPT mới, nhận thức và cách thức bồi dưỡng đã thay đổi.
"Phải biến nhận thức và cách thức được bồi dưỡng trở thành tự bồi dưỡng", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. Theo đó, giáo viên phải chủ động, năng động tìm hiểu, nắm bắt nội dung, yêu cầu, mục tiêu cần đạt... của chương trình GDPT mới, chương trình các môn học. Chương trình mới được thiết kế theo hướng mở để giáo viên được chủ động, sáng tạo trong cách giảng dạy của mình.
Với các video trao đổi gốc, học liệu gốc về chương trình tổng thể, chương trình môn học, nguyên lý, mục tiêu, yêu cầu cần đạt... của chương trình giáo dục phổ thông mới, được đưa lên mạng, tất cả các giáo viên đều có thể tiếp cận để nghiên cứu, học tập.
Trước khi tham dự bồi dưỡng trực tiếp, các giáo viên đều phải nghiên cứu trước các tài liệu này để nắm được các vấn cơ bản của chương trình GDPT mới. Những học liệu trên sẽ tồn tại trên hệ thống online, giúp giáo viên đọc, học, nghiên cứu nhiều lần.
Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến cũng có diễn đàn để giáo viên khi thấy khúc mắc, khó khăn có thể trao đổi ngay với giảng viên chủ chốt, giáo viên cốt cán.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sẽ phải đảm bảo tiến độ về thời gian để đáp ứng lộ trình triển khai của chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học 2020-2021 tới sẽ áp dụng chương trình mới cho tất cả học sinh lớp 1, năm học 2021-2022 sẽ áp dụng cho lớp 2, lớp 6, năm học 2022-2023 cho lớp 3,7,10 và cuốn chiếu đến năm học 2024-2025 tất cả các cấp học, lớp học sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
MK
Theo baochinhphu
Bắt giáo viên tự bỏ tiền ra đóng phí học "thăng hạng" là đúng hay sai? Cơ quan quản lý, sử dụng viên chức phải có trách nhiệm để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp và không được thu tiền. Cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề...