Các trường ráo riết chuẩn bị thi THPT quốc gia
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 đang được địa phương cũng như các trường ĐH gấp rút triển khai, trong đó nhiều nơi cho học sinh thi thử.
Hà Nội là địa phương có số cụm thi lớn nhất cả nước với một cụm do Sở Giáo dục và Đào tạo TP và 5 cụm do các trường ĐH chủ trì. Số lượng thí sinh dự thi lên đến khoảng 63.000 em.
Thi thử để đánh giá thí sinh
Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng ốc cũng như phân bố cán bộ tham gia coi thi tại các hội đồng ở các cụm thi, Sở GD&ĐT Hà Nội còn tổ chức thi thử 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố từ ngày 20-22/4, giúp các em làm quen với kỳ thi THPT quốc gia.
Thí sinh ôn bài trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Đề thi thử do Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng dựa trên cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm 2016 và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đề được in sao cẩn thận, bảo đảm tính bảo mật. Bài thi được rọc phách, chấm chéo để bảo đảm tính khách quan nhưng không sử dụng kết quả thi thử để đánh giá điểm số năm học của thí sinh.
Tại Yên Bái, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho hay năm nay, tỉnh tổ chức 2 cụm thi. Cụm thi do Học viện Tài chính chủ trì phối hợp với CĐ Sư phạm Yên Bái dành cho các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với CĐ Công nghiệp Thực phẩm gồm 18 điểm thi dành cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các điểm thi của cụm tốt nghiệp sẽ là các điểm thi liên trường THPT rải trên nhiều huyện, thị xã, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự.
Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho các cụm thi, Sở GD&ĐT Yên Bái còn kiểm tra công tác ôn thi, chuẩn bị các điều kiện cho thi tốt nghiệp THPT quốc gia của các đơn vị. Tỉnh cũng tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12 theo đề chung, hoàn thành trước ngày 25/4.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Tuyên Quang, năm nay, toàn tỉnh có 7.187 thí sinh học khối 12 dự thi. Trong đó, 2.340 thí sinh dự thi cụm thi ĐH, 4.847 thí sinh dự thi cụm thi tốt nghiệp. Ngoài ra, còn có 449 thí sinh chưa tốt nghiệp năm 2015.
Video đang HOT
Tuyên Quang sẽ tổ chức 2 cụm thi. Một cụm dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do ĐH Tân Trào chủ trì, phối hợp với ĐH Nội vụ (Hà Nội) và Sở GD&ĐT.
Cụm thi tốt nghiệp dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với ĐH Thăng Long (Hà Nội).
Toàn tỉnh Tuyên Quang có 17 điểm thi dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT được đặt tại các trường THPT thuộc các huyện, thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia. Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã lên các phương án tổ chức thi cũng như sao in, vận chuyển đề thi và phiếu trả lời trắc nghiệm đến các điểm thi bảo đảm an toàn nhất.
Sẵn sàng cho kỳ thi lớn
GS Trịnh Minh Thụ, phó hiệu trưởng ĐH Thủy lợi – đơn vị được giao chủ trì cụm thi ĐH số 3 trên địa bàn Hà Nội, gồm thí sinh các quận – huyện Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Quốc Oai và Thanh Oai – cho hay công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã tương đối ổn định. Theo GS Thụ, do đã có kinh nghiệm chủ trì cụm thi năm trước nên công việc triển khai năm nay không khó khăn.
Với quy mô của cụm thi khoảng gần 15.000 thí sinh, dự kiến những điểm thi chủ yếu là các trường ĐH đóng tại khu vực 2 quận Thanh Xuân và Đống Đa.
Riêng lực lượng coi thi, ĐH Thủy lợi sử dụng chủ yếu cán bộ, giảng viên của trường và một số trường ĐH khác, có thể không có giáo viên phổ thông. Về khâu chấm thi, nhà trường cho biết sẽ phải hợp đồng giáo viên THPT chấm một số môn như ngữ văn, lịch sử, địa lý.
Trong khi đó, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cho biết ngoài việc phối hợp với Sở GD&ĐT TP chủ trì cụm thi 40, 3 trường ĐH thành viên của ĐH này là ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm và ĐH Ngoại ngữ được phân công chủ trì các cụm thi tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.
Để chuẩn bị tốt cho cụm thi 40 với số lượng thí sinh khoảng 12.000, ĐH Đà Nẵng đã đề nghị sở GD&ĐT TP chọn các điểm thi tại trung tâm Đà Nẵng gồm: trường THPT Trần Phú, THPT Phan Châu Trinh, THPT Nguyễn Hiền và THPT Thanh Khê.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cho hay theo yêu cầu của ĐH Đà Nẵng, sở sẵn sàng trưng dụng các điểm trường có quy mô lớn để làm địa điểm thi, thống nhất việc điều động giáo viên coi thi, chấm thi, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Theo Yến Anh/Người Lao Động
Các trường ĐH chủ trì cụm thi công bố kết quả thi
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga đã cho biết như vậy tại cuộc họp với lãnh đạo các trường ĐH chủ trì cụm thi từ Đà Nẵng trở vào chiều 21/3 tại TP HCM.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay giảm đi, có nơi giảm 20-30% so với năm trước.
Tuy nhiên, để tổ chức tốt kỳ thi, Bộ GD&ĐT chọn các trường ĐH chủ trì cụm thi là những trường có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thi, có lực lượng cán bộ dồi dào để thực hiện các khâu tổ chức.
"Địa bàn thực hiện nhiệm vụ được cân nhắc lựa chọn để sự di chuyển của cán bộ coi thi gần nhất. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã trao đổi sơ bộ với các trường trước khi quyết định giao nhiệm vụ" - ông Ga cho biết.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP HCM phát biểu tại cuộc họp chiều 21/3. Ảnh: Tuổi Trẻ.
70 cụm thi do trường ĐH chủ trì
Năm nay có 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì và 50 cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì. Có 14 tỉnh/thành phố chỉ có cụm thi do trường ĐH chủ trì. Số lượng thí sinh ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì ít hơn năm 2015 (do chỉ có số thí sinh của địa phương) và được tổ chức tại tỉnh lỵ.
Năm 2015 cụm thi do trường ĐH chủ trì tổ chức cho thí sinh có ít nhất tại hai tỉnh và đặt tại các trường ĐH chủ trì cụm thi, phần lớn cán bộ làm nhiệm vụ tại chỗ, không phải di chuyển xa, trừ trường hợp của ĐH Nông lâm TP HCM di chuyển lên làm nhiệm vụ tại Gia Lai.
Năm 2016, mỗi tỉnh đều có ít nhất một cụm thi ĐH do vậy nhiều trường ĐH phải di chuyển về các tỉnh để tổ chức thi, đặc biệt là các tỉnh ở miền núi phía Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ.
Các trường ĐH chủ trì cụm thi chịu trách nhiệm sao in đề thi (có thể liên hệ với các trường có kinh nghiệm để ký hợp đồng sao in); coi thi; chấm thi, chấm phúc khảo; công bố kết quả thi; in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh; bảo quản bài thi của thí sinh và các tài liệu liên quan của mội đồng thi; xử lý thắc mắc, khiếu nại của thí sinh.
Trước ngày 20/5, các sở GD&ĐT sẽ chuyển toàn bộ dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh tham dự cụm thi ĐH cho các trường ĐH chủ trì cụm thi.
Sử dụng phần mềm do bộ cung cấp để đánh số báo danh
Các trường ĐH chủ trì cụm thi sử dụng hệ thống phần mềm do bộ cung cấp để đánh số báo danh, xếp sắp phòng thi và hoàn thành giấy báo dự thi theo quy định trong phần mềm quản lý thi để các đơn vị đăng ký dự thi in giấy báo dự thi, ký tên, đóng dấu và trả cho thí sinh xong trước ngày 12/6.
"Các trường phải mở rộng băng thông đường truyền và nâng cấp hệ thống máy tính (nếu cần) phục vụ cho công tác công bố kết quả thi" - thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Để thực hiện được các nhiệm vụ được giao, trường ĐH chủ trì cụm thi phải phối hợp chặt chẽ với trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ phối hợp và sở GD&ĐT ở địa phương: chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ coi thi, chấm thi (các trường có thể chấm thi tại tỉnh hoặc tại trường), in sao đề thi (nếu tổ chức in sao); chuẩn bị lực lượng cán bộ coi thi, chấm thi.
Đối với công tác chấm thi: trường ĐH chủ trì có nhiệm vụ thành lập ban chấm thi, cử lãnh đạo trường làm lãnh đạo ban chấm thi, điều động các giảng viên đủ năng lực và kinh nghiệm làm trưởng môn chấm thi.
Lệ phí dự thi 35.000 đồng/môn thi/thí sinh
Về kinh phí tổ chức kỳ thi, các trường sử dụng từ hai nguồn: phí dự thi của thí sinh 35.000 đồng/môn thi/thí sinh (để lại bộ và sở 16.000 đồng/thí sinh) và kinh phí bổ sung của Chính phủ ở mức 25.000 đồng/môn thi/thí sinh.
Chi phí đi lại, ăn ở của cán bộ điều động làm nhiệm vụ tổ chức thi (nếu địa điểm chủ trì cụm thi không phải là địa phương trường có trụ sở chính) do ngân sách nhà nước cấp cho bộ chi trả. Mức chi cho công tác tổ chức thi thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT sau khi trao đổi, thống nhất với Bộ Tài chính.
Theo Trần Huỳnh/Tuổi Trẻ
Đề thi bám sát vấn đề thời sự có công bằng? "Đề thi không nên quá lợi dụng vấn đề thời sự, bởi mức độ tiếp cận thông tin của học sinh ở các địa phương chưa công bằng", thầy Nguyễn Hiệp chia sẻ. Gần đây, xu hướng đề thi mở không chỉ giới hạn trong các bộ môn khoa học xã hội, mà còn mở rộng với tiếng Anh, Lịch sử, Sinh học,...