Các trường ngoài công lập ở Nghệ An ‘khát’ thí sinh
Tuyển sinh là một trong những yếu tố sống còn của các nhà trường, đặc biệt là ở các trường ngoài công lập hoặc các trung tâm GDNN -TX, trung tâm GDTX. Tuy vậy, trong thời điểm hiện nay, việc tuyển đủ chỉ tiêu là một điều hết sức khó khăn.
Nhiều trường tư chịu cảnh “sống mòn”
Thời điểm này, học sinh toàn tỉnh đang trong quá trình làm hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10. Vậy nhưng với Trường THPT Nguyễn Huệ ( thành phố Vinh), việc học sinh đăng ký trường nào, nguyện vọng gì không tác động nhiều đến nhà trường bởi nhiều năm nay trường chỉ cần có học sinh lớp 9 đăng ký là trúng tuyển.
Mặc dù cơ chế tuyển sinh đã “mở” với tất cả các đối tượng học sinh nhưng liên tục từ năm 2014 đến nay trường không tuyển đủ học sinh dù chỉ tiêu của trường mỗi năm chỉ một lớp (45 học sinh).
Một tiết ôn tập môn Tiếng Anh của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Đô Lương). Ảnh: Đức Anh
“Trường chúng tôi có đủ 3 khối 10, 11, 12 nhưng mỗi khối chỉ có một lớp và mỗi lớp chỉ có 20 em (đạt 50% chỉ tiêu). Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu cho nhà trường là một lớp nhưng với đà này thì việc tuyển sinh vẫn còn khó khăn”.
Thầy giáo Trần Hoàng Hà – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ
Do không có học sinh đăng ký vào trường nên nhiều năm nay, đời sống của 20 cán bộ, giáo viên trong toàn trường gặp muôn vàn khó khăn. Bản thân các giáo viên đứng lớp vì học sinh quá ít nên không được nhận lương theo tháng mà chỉ nhận lương theo tiết với số tiền khoảng 50.000 – 60.000 đồng/tiết (đã trừ bảo hiểm).
Lãnh đạo nhà trường cũng thừa nhận: “Liên tục nhiều năm nay chúng tôi phải bù lỗ bởi học sinh quá ít và học phí thì gần 10 năm nay không điều chỉnh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn không nỡ đóng cửa trường học vì thương giáo viên, trong đó có nhiều người đã gắn bó gần 20 năm. Còn việc tăng học phí thì khó khả thi vì thực tế hiện nay học phí thấp cũng đã khó thu hút học sinh theo học…”.
Việc phân luồng học sinh THCS và một phần không nhỏ học sinh chuyển sang học nghề càng khiến cho các trường ngoài công lập khó khăn trong tuyển sinh. Ảnh: Mỹ Hà
Video đang HOT
Trước đây, vào thời kỳ ổn định, trên địa bàn thành phố Vinh có đến 5 trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, hiện tại ngoài Trường phổ thông Hermann Gmeiner và Trường THPT Nguyễn Trường Tộ còn khá thuận lợi trong tuyển sinh, số còn lại đều hoạt động èo uột, sống mòn. Riêng Trường THPT Lê Quý Đôn thì gần như đã “xóa sổ”, không còn hoạt động. Thực tế này dường như đã được báo trước bởi trong những năm gần đây nguồn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập ngày càng giảm. Trong khi đó, cơ chế tuyển sinh cho các trường ngoài công lập lại “mở” nên học sinh thường có xu hướng chọn những trường có quy mô, có số lượng học sinh đông hoặc những trường có đầu vào tương đối ổn định.
Khó khăn cũng đang đè nặng lên các Trung tâm GDNN – GDTX hoặc các trung tâm GDTX, dù các đơn vị này đang hoạt động dưới sự hỗ trợ của nhà nước. Thống kê mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong số 20 trung tâm GDTX, trung tâm GDNN – GDTX đang đóng tại 20 huyện, thành, thị của tỉnh có khá nhiều trung tâm số học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, như ở Trung GDNN – GDTX của huyện Tương Dương hiện chỉ có 3 lớp ở ba khối với số lượng học sinh chỉ có 30 em. Hay với Trung tâm GDNN – GDTX huyện Quỳ Châu cũng chỉ có 3 lớp với 33 em, riêng lớp 12 chỉ có 1 lớp với 5 em. Số học sinh ở các huyện như Con Cuông, Quế Phong cũng chỉ khiêm tốn khi chưa có đủ 100 học sinh.
“Học sinh là xương sống hoạt động của các trung tâm và nếu không có học sinh thì không thành trường. Tuy nhiên, cũng như nhiều huyện miền núi khác, công tác tuyển sinh vào các trung tâm hệ GDTX còn nhiều khó khăn bởi hiện nay ngoài cạnh tranh với các trường công lập, trung tâm còn phải cạnh tranh với các trường nghề và mong muốn của đơn vị là được liên kết với nhiều trường nghề để việc tuyển sinh được dễ dàng”.
Ông Lê Văn Hoa – Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX Kỳ Sơn
Chật vật tìm giải pháp
Do hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp vốn, tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi nên nhiều năm nay, các trường THPT ngoài công lập chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí để trả lương cho giáo viên. Chính vì thế, trong bối cảnh khó tuyển sinh như hiện nay, để duy trì hoạt động cho các trường ngoài công lập là điều hết sức khó khăn. Điều này cũng buộc các nhà trường phải tự vận động để đưa ra nhiều giải pháp nhằm thu hút học sinh về với trường.
Tại Trường THPT Mai Hắc Đế (Nam Đàn), năm ngoái trường có 180 chỉ tiêu nhưng trên thực tế chỉ tuyển sinh được 160 em. Năm nay, chỉ tiêu của trường không đổi nhưng việc tuyển sinh sẽ khó khăn hơn bởi trên toàn huyện số lượng học sinh lớp 9 giảm nhưng các trường công lập lại tăng thêm chỉ tiêu lớp và mỗi lớp được duyệt tăng thêm 1 em.
Giáo viên các trường ngoài công lập đi tuyển sinh tại huyện Yên Thành. Ảnh: Mỹ Hà
Trước bối cảnh nguồn tuyển sinh đang giảm, mùa tuyển sinh năm nay nhà trường quyết định sẽ trao 30 suất học bổng thay vì 10 suất học bổng như những năm trước để khuyến khích những học sinh có điểm học bạ cao (để xét tuyển) hoặc những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường.
“So với các trường công lập thì việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập khó khăn hơn rất nhiều lần. Chính vì thế ngoài chính sách ưu tiên, nhà trường sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và đẩy mạnh liên doanh liên kết với các đơn vị để đào tạo tiếng cho học sinh đi nước ngoài. Như hiện tại, chúng tôi đã lắp đặt máy điều hòa toàn bộ các phòng học để học sinh học tập thuận lợi”.
Cô giáo Hà Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường THPT Mai Hắc Đế
Trong số các trường ngoài công lập, Trường THPT Ngô Trí Hòa (Diễn Châu) là trường có số lượng học sinh khá đông với hơn 700 học sinh và 17 lớp. Tuy nhiên, con số này so với thời kỳ cao điểm 40 lớp thì còn khá khiêm tốn. Hiện trên địa bàn huyện Diễn Châu có đến 4 trường ngoài công lập và 1 trung tâm GDTX nên để duy trì kết quả tuyển sinh này nhà trường buộc phải làm tốt công tác tuyển sinh như trường phải bảo đảm chất lượng và nề nếp học tập, tăng cường giám sát học sinh ở trường và ở nhà.
Giờ học của học sinh Trường THPT Ngô Trí Hòa. Ảnh: Đức Anh
“Hiện tất cả các lớp học của trường đều lắp camera để giám sát học sinh. Khi học sinh nghỉ học không phép thì giáo viên chủ nhiệm phải gọi trực tiếp cho phụ huynh để nắm bắt tình hình. Ngoài ra chúng tôi cũng phải làm tốt công tác hướng nghiệp, liên kết với các đơn vị có uy tín để tư vấn cho học sinh đi du học”.
Thầy giáo Lê Văn Cúc – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Trí Hòa
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đơn vị ngoài công lập, Sở Giáo dục & Đào tạo cũng đã có một số giải pháp như: Đối với các trường ngoài công lập, Sở sẽ chỉ đạo sát sao hơn việc phân luồng và giảm chỉ tiêu phân luồng ở các trường THCS để tạo nguồn cho các trường tuyển sinh.
Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, sở cho các trường được tuyển sinh học sinh mới lớp 9, không cần thi tuyển vào lớp 10. Với các trung tâm GDNN – GDTX, từ năm học này Sở sẽ linh hoạt trong việc duyệt tuyển sinh để các trường “đón đầu” mở rộng đối tượng học sinh đang học các trường nghề theo diện liên kết, khuyến khích các trường vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề…
Với những nỗ lực này, hy vọng trong những năm tới việc tuyển sinh của các đơn vị này sẽ khả quan hơn, đặc biệt khi dự báo trong những năm tới nguồn tuyển sinh sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.
Phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS: Rẽ hướng trường nghề
Những năm gần đây, học sinh phân luồng sau THCS của Nghệ An có xu hướng tăng. Đây là kết quả quá trình chuyển biến nhận thức của học sinh và phụ huynh. Nhưng thực tế sau phân luồng vẫn còn một số bất cập...
Học sinh học nghề tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Nghệ An.
Thay đổi nhận thức
Nguyễn Việt Trung, học sinh duy nhất lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Đô Lương, Nghệ An) không thi lên THPT. Nói về lý do chọn học nghề, Trung cho biết: Lực học của em ở mức trung bình, khó giành suất học tại trường THPT công lập. Được thầy cô định hướng, em quyết định chọn học nghềtại trường trung cấp trong huyện. "Tại đó, em vừa học nghề, vừa được học tiếp chương trình THPT, sau khi tốt nghiệp có thể đi làm luôn. Em thấy phù hợp với năng lực và hoàn cảnh gia đình, bố mẹ em cũng ủng hộ", Trung nói.
Thầy Trần Hoàng Thượng - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết: Hầu hết học sinh, phụ huynh có nguyện vọng cho con học hết THPT. Tuy nhiên, Trường THPT Đô Lương 1 và 3 có tỷ lệ chọi cao, học sinh trúng tuyển chỉ từ 70 - 80%. Vì vậy, nhà trường định hướng cho học sinh nếu không vào được trường công lập, có thể học tiếp lên THPT ở trường ngoài công lập hoặc Trung tâm GDTX, học nghề bởi huyện Đô Lương, Nghi Lộc cũng có nhiều khu công nghiệp, xí nghiệp hằng năm đều tuyển lao động. Trước đó, năm học 2018 - 2019, trường có 140 học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 nhưng chỉ có 100 em trúng tuyển trường THPT công lập. Số còn lại có 25 em theo học lớp 10 tại trung tâm GDTX và có 15 học sinh học nghề.
Trường THCS Vĩnh Thành có chất lượng dạy học nằm trong tốp đầu của huyện Yên Thành (Nghệ An). Tuy nhiên, bên cạnh chú trọng dạy học, nhà trường tăng cường công tác phân luồng, hướng nghiệp do đặc thù học sinh ở vùng thuần nông, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Theo thầy Trần Vĩnh Tường - Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thành, điều cần thay đổi chính là nhận thức về hướng nghiệp cho học sinh sau lớp 9. Học nghề không có nghĩa là các em không có cơ hội phấn đấu. Đây là con đường giúp các em có thể phát triển bản thân ở lĩnh vực nghề nghiệp và sớm đi làm có thu nhập. Bên cạnh đó, xu hướng xuất khẩu lao động trên địa phương ngày càng tăng, trước khi ra nước ngoài lao động, các em nên học và có chuyên môn về một nghề nghiệp nhất định.
Ngoài ra, nhà trường còn quan tâm đến đối tượng học sinh năng khiếu. "Một HS của trường có năng khiếu bóng chuyền, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chúng tôi định hướng cho em theo học tại trường thể thao tỉnh. Còn em khác từng đạt giải cao môn Cầu lông, học lực khá nên thầy cô hướng em thi vào trường THPT công lập và có thể phát triển thêm năng khiếu tại đó", ông Tường nói.
Chủ trương phân luồng hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau THCS và THPT được Nghệ An đẩy mạnh và có kết quả rõ rét. Những năm gần đây, Nghệ An có khoảng 20 - 25% học sinh sau THCS phân luồng vào các Trung tâm GDTX hoặc các trường ngoài công lập, học nghề. Tỷ lệ này ở các huyện miền núi thường cao hơn. Trường THCS Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) năm học này có hơn 100 học sinh lớp 9, nhưng qua khảo sát có đến 50% không đăng ký tuyển sinh vào lớp 10.
Thầy Trần Đức Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lượng Minh cho biết: Học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc học hết THCS là nỗ lực lớn đối với các em. Nắm bắt tâm lý đó, nhà trường định hướng các em học nghề tại trường trong tỉnh. Vì tại đó, không chỉ được hỗ trợ chính sách miễn học phí, học viên được giới thiệu việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Tránh "chín ép"
Vi Văn Ngọc (SN 2003), học sinh Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tây Nam Nghệ An (đóng tại huyện Đô Lương), sau khi học xong lớp 9 tại Trường THCS Dũng Hợp (huyện Tân Kỳ) chọn học nghề. "Bố mẹ ở nhà làm nông nghiệp, em học lực bình thường nên chọn học nghề để sớm đi làm phụ giúp gia đình. Hiện em đang học năm cuối nghề hàn, vừa rồi đi thực tập tại Hải Phòng em đã có lương rồi", nam sinh phấn khởi nói.
Học nghề sớm đem lại thuận lợi trong việc nâng cao kỹ năng tay nghề, có việc làm, thu nhập. Nhưng thực tế triển khai tại Nghệ An cũng cho thấy một số bất cập. Đơn cử, học sinh lớp 9, sau hai năm học nghề sẽ có bằng trung cấp và đủ điều kiện lao động. Tuy nhiên, lúc này các em mới 17 tuổi nếu xét theo độ tuổi lao động lại chưa phù hợp. Ông Trần Đình Trung - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Nghệ An chia sẻ: "Do học sinh tốt nghiệp khi chưa đủ 18 tuổi nên nhiều khu công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài từ chối tuyển dụng. Chúng tôi cũng đã kiến nghị vấn đề này nhiều lần tại hội nghị nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ...".
Trong khi đó, ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) thông tin: Chưa năm nào số lượng học sinh lớp 9 đăng ký vào lớp 10 của huyện đạt chỉ tiêu. Nhiều em không vào THPT cũng không đi học nghề. Qua tìm hiểu, học sinh ở các huyện miền núi không thích học nghề bởi tâm lý, tập quán sống dựa vào tự nhiên, thích đi làm kiếm tiền ngay. "Điều này rất đáng lo bởi lúc này sức khỏe, tâm lý các em chưa phát triển toàn diện. Trong khi đó, lao động phổ thông lương thấp và khó có khả năng phát triển nếu không học nghề bài bản. Vì vậy, công tác tuyên truyền phải triển khai sớm để định hướng các em học nghề, để đi làm nuôi sống bản thân, gia đình từ nghề của mình", ông Phan Văn Thiết thông tin.
Một bất cập khác, một số trường THCS vì chỉ tiêu phân luồng và xếp hạng thành tích nên đã hướng học sinh học lực trung bình, yếu vào phân luồng, học nghề. Điều đó, vừa tạo cho trò sự mặc cảm vừa gây áp lực khi học nghề. Điển hình như TP Vinh, các trường vùng ven, ngoại thành khó khăn lại có kết quả tuyển sinh vào lớp 10 cao hơn trường trung tâm. Nhiều giáo viên lý giải do học sinh yếu được vận động không tham gia dự thi. Những thí sinh còn lại đều có học lực khá giỏi nên điểm tuyển sinh của các trường này cao. Điều này trái với mục tiêu phân luồng cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các em.
Chủ trương phân luồng sau THCS là đúng đắn, nhằm hướng học sinh có lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện bản thân. Với những em có nhu cầu học nghề, sẽ được đào tạo sớm, đáp ứng được yêu cầu lao động ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, việc phân luồng phải thực chất, thận trọng, trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng chính đáng của học sinh, phụ huynh. Nếu phát hiện trường nào không cho học sinh lớp 9 thi tuyển vào cấp THPT để phân luồng, ngành sẽ kỷ luật hiệu trưởng để đưa phân luồng về thực chất, đúng như mục tiêu đã đề ra. - Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An
Thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Thí sinh đắn đo vì chỉ được chọn 1 tổ hợp Một trong những điểm thay đổi đáng chú ý của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là thí sinh chỉ được chọn một bài thi tổ hợp (hoặc tổ hợp Khoa học tự nhiên, hoặc Khoa học xã hội). Điểm mới này khiến thí sinh phải cân nhắc kĩ để lựa chọn bài thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm...