Các trường học ở Hà Tĩnh chủ động kế hoạch “dạy bù” sau lũ
Đến thời điểm hiện tại, các trường học vùng lũ ở Hà Tĩnh đang gấp rút triển khai kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh, đáp ứng khung thời gian chương trình đề ra.
Trường THCS Nguyễn Hoành Từ đã trở lại nền nếp học tập như trước.
Sáng nay, 5/11 Trường THCS Nguyễn Hoành Từ, xã Tân Lâm Hương huyện Thạch Hà (một trong những nơi ngập sâu nhất ở huyện Thạch Hà) đã ổn định việc dạy học.
Đây là buổi học thứ 3 của gần 570 học sinh của trường sau 10 ngày nghỉ học trong 2 đợt lũ. Không khí trong từng lớp học vẫn nghiêm túc như mọi ngày, tất cả học sinh đều chăm chú lắng nghe từng lời cô giáo giảng.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Long – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hoành Từ cho biết: “Nước ngập sâu và lâu nhưng hầu hết học sinh vẫn vẹn nguyên sách vở, bởi với nhiều phụ huynh, lúa ướt, xe máy có thể ngâm nước, nhưng sách vở của con, xe đi học của con phải được bảo vệ cẩn thận. Hiện, chúng tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn một cách nhanh nhất để sớm ổn định nền nếp học tập cho các em”.
Được biết, qua 2 đợt lũ, học sinh phải nghỉ học 10 ngày (10 buổi học), để đảm bảo chương trình, Trường THCS Nguyễn Hoành Từ đã có kế hoạch dạy bù cho học sinh bằng việc bù giờ ở một số tiết 5 và mỗi tuần tăng thêm 3 buổi chiều. Hiện, Ban giám hiệu nhà trường đang cân đối số tiết để xây dựng thời khóa biểu hợp lý.
Cô Nguyễn Thị Hoa – Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A Trường Tiểu học Văn Yên cẩn thận sửa từng nét chữ cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học Văn Yên (TP Hà Tĩnh) ngay trong những buổi học đầu tiên sau đợt lũ lần thứ 2, trường đã đón nhận tin vui khi được ngân hàng HD bank chia sẻ khó khăn bằng việc trao tặng 40 bộ bàn ghế. Cô Nguyễn Thị Cẩm Tú – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đến thời điểm hiện tại bàn ghế học sinh đã đủ, tình trạng mượn phòng chức năng để học đã chấm dứt, chúng tôi đã có thể thực hiện kế hoạch dạy bù cho các em”.
Là trường nghỉ học lâu nhất ở Thành phố Hà Tĩnh, qua 2 đợt mưa lũ, học sinh Trường Tiểu học Văn Yên phải nghỉ học hơn 1 tuần.
“Để đảm bảo chương trình cho học sinh, trường đã có kế hoạch dạy tăng buổi chiều, theo đó sẽ có 10 buổi/1 tuần (theo quy định học sinh tiểu học thực hiện học 9 buổi/1 tuần) và nền nếp này sẽ được duy trì trong 3 tuần liên tiếp. Các buổi chiều, chúng tôi cũng sẽ lồng ghép các chủ đề tổ chức việc học cho các em vừa đảm bảo không cắt giảm chương trình, vừa chất lượng”, cô Nguyễn Thị Cẩm Tú cho biết thêm.
Video đang HOT
Đáng nói, cùng với nhà trường, giáo viên cũng đã nỗ lực để bù đắp kỹ năng, kiến thức cho những học sinh có học lực yếu hơn các bạn khác. Cô Nguyễn Thị Hoa – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học Văn Yên cho hay: “Sau thời gian nghỉ học, trở lại trường nhiều em cũng đã quên một số chữ đã học. Vì thế, tranh thủ mỗi giờ ra chơi, tôi lại kèm cặp thêm cho các cháu”.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên)
Tại Trường Tiểu học Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, mưa lũ đã khiến học sinh gián đoạn việc học hơn 1 tuần. Nhưng bù lại, việc dạy học của các trường trên địa bàn Cẩm Xuyên đã đi trước chương trình 1 tuần so với khung kế hoạch, thời gian. Thế nên, các trường vùng ngập lụt không phải đối mặt nhiều với áp lực “đuổi theo” chương trình.
Thầy Trương Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Vịnh cho biết: “Việc dạy và học của chúng tôi đã trở lại bình thường. Ngoài bố trí thời gian để ôn tập thêm cho các em, chúng tôi không phải dạy bù bởi so với nhiều địa phương. Chúng tôi vẫn đảm bảo chương trình theo khung thời gian, kế hoạch năm học. Kế hoạch củng cố, ôn tập thêm cho các em, đặc biệt là học sinh có học lực trung bình, yếu, kém sẽ được trường bố trí vào thời gian dôi dư ở cuối kỳ”.
Học sinh Trường Tiểu học Cẩm Vịnh ( Cẩm Xuyên) chăm chú với những bài học
Được biết, mục tiêu đề ra cho những trường học bị ảnh hưởng lũ lụt đó là việc ôn tập và dạy bù phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, không quá tải đối với học sinh, giáo viên về nội dung kiến thức, thời lượng chương trình và thời gian học.
Với sự chỉ đạo của ngành chuyên môn trong việc trao quyền tự chủ cho các trường, ngoài việc ổn định nền nếp, ban giám hiệu các trường đã và đang thực hiện rà soát lại chương trình, chất lượng học sinh ở đơn vị mình để lập kế hoạch dạy bù phù hợp với từng khối lớp.
Nhiều trường học ở Hà Tĩnh thiếu cơ sở vật chất sau lũ
Lũ chồng lũ trong những ngày qua khiến hàng trăm trường học ở Hà Tĩnh bị ảnh hưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hư hỏng.
Sau mưa lũ, bàn học của nhiều lớp ở Trường Tiểu học Văn Yên (TP Hà Tĩnh) chỉ còn trơ khung sắt...
Nằm ở vùng trũng của TP Hà Tĩnh, Trường Tiểu học Văn Yên là một trong những điểm ngập sâu nhất trong 2 trận lũ vừa qua. Nước vào lớp học hơn 1m, nhiều hạng mục cơ sở vật chất bị hư hỏng, trong đó có bàn ghế của học sinh.
Việc khắc phục cần thời gian và nguồn kinh phí lớn.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Tú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Toàn trường có 16 phòng bị ngập, trong đó có 8 phòng học khiến 144 bộ bàn ghế học sinh hư hỏng hoàn toàn.
Ngoài ra hầu hết bàn ghế, 3 giá sách ở phòng thư viện, tủ đựng hồ sơ của phòng hiệu trưởng, phòng kế toán, đồ dùng nhà ăn hư hỏng; hơn 1.300 đầu sách ở thư viện bị ướt, không thể sử dụng...".
Không có bàn ghế ngồi, học sinh Trường Tiểu học Văn Yên phải học tạm tại các phòng chức năng (Trong ảnh: học sinh học tạm tại phòng mỹ thuật).
Do bàn ghế học sinh làm bằng gỗ ép, khi ngấm nước thì bị vỡ, bốc mùi khó chịu, thế nên để đảm bảo vệ sinh, trường đã phải thuê người bốc dỡ ra bãi rác, một số phòng học chỉ còn lại ngổn ngang những khung sắt nằm chỏng chơ.
Chung tay với nhà trường, UBND phường Văn Yên đã chia sẻ một phần nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để thay lại mặt bàn, ghế. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn còn 5 lớp chưa có bàn ghế để ngồi, học sinh phải học tạm ở các phòng chức năng.
Bàn ghế hư hỏng chất đống ở góc cầu thang Trường THCS Đại Thành
Tại vùng rốn lũ Cẩm Xuyên, Trường THCS Đại Thành (nơi học tập của hơn 700 học sinh 3 xã Cẩm Thành, Cẩm Duệ, Cẩm Thạch) nước lũ lên nhanh nên không di dời kịp một số cơ sở vật chất, vì thế hơn 200 bộ bàn ghế cùng nhiều trang thiết bị khác bị hư hỏng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Trước mắt, học sinh Trường THCS Đại Thành phải ngồi dồn để khắc phục tình trạng thiếu bàn ghế
Thầy Hà Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường THCS Đại Thành cho biết: "Điều chúng tôi cần nhất bây giờ là bàn ghế cho học sinh. Vừa qua, trường đã đón nhận sự quan tâm của một số đoàn cứu trợ, trong đó có 2 đoàn hỗ trợ mua 50 bộ bàn ghế mới và thay một số mặt bàn ghế. Tuy nhiên số bàn ghế bị hư hỏng quá lớn, chưa thể khắc phục được trong một thời gian ngắn nên giải pháp trước mắt là học sinh tạm thời ngồi dồn, xen nhau".
Bàn học làm bằng gỗ ép ngấm nước bị mủn (ảnh chụp tại Trường Tiểu học Tượng Sơn)....
Tại Trường Tiểu học Tượng Sơn (Thạch Hà), nước lũ vào phòng học khoảng 1,2m, ngâm trong 3 ngày khiến 80 bộ bàn ghế học sinh, cùng nhiều bàn ghế ở văn phòng, phòng thư viện... hư hỏng hoàn toàn; hơn 50m tường rào bị đổ, thiệt hại lên tới hơn 600 triệu đồng.
Chỉ cần khẽ chạm vào là bị bong tróc, vỡ ra từng miếng
Thầy Trần Duy Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hầu hết phụ huynh đều ở trong vùng bị ngập lụt nên suộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Chắc chắn năm nay việc huy động các khoản thu để tu sửa rất khó. Vì thế để ổn định việc dạy học, nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức, cá nhân...".
Một lớp học ở Trường Tiểu học Tượng Sơn bị sụt lún nền
Mưa lũ đi qua, nhiều trường học trên địa bàn vùng lũ Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất. Đến nay, tình trạng thiếu sách vở đã cơ bản được khắc phục, nhưng việc thiếu hàng ngàn bộ bàn ghế, thiếu trang thiếu bị, đồ dùng dạy học thì không thể bù đắp trong ngày một ngày hai. Việc dạy học ở các trường vùng lũ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đợt lũ lụt lần thứ 2 (28 - 31/10) toàn tỉnh có 137 trường bị ngập, trong đó có 76 trường ngập sâu, chủ yếu ở các huyện: Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, Cẩm Xuyên. Đến thời điểm hiện tại, một số trường học nước vẫn chưa rút hết, thiệt hại chưa thể thống kê nhưng do bàn ghế, đồ dùng dạy học bị ngâm trong nước, trước mắt các trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy học.
Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Cao Ngọc Châu
Các tỉnh miền Trung thiếu sách vở, thiết bị dạy học trầm trọng sau lũ Bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến ngành giáo dục các tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nề. Hàng chục giáo viên, học sinh thiệt mạng. Thiết bị dạy học, sách vở bị cuốn trôi, hư hỏng. Theo báo cáo của Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 29/10, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 20.000 học sinh bị ảnh hưởng...