Các trường học Hà Tĩnh gấp rút nghiên cứu, lựa chọn SGK chương trình giáo dục phổ thông mới
Hiện tại, 4/5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 đã về với các trường tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh. Để kịp tiến độ chốt việc lựa chọn bộ sách sẽ dạy, học vào cuối tháng 3/2020, các trường học đang gấp rút triển khai nghiên cứu SGK mới.
Cơ hội mở trong lựa chọn sách
Theo Thông tư 01/2020/TT-BDGĐT, ngày 30/1/2020 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông thì việc lựa chọn sách phải phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Đó là cơ hội mở cho các giáo viên, các trường trong việc nghiên cứu, lựa chọn sách. Bởi hơn ai hết họ là những người trực tiếp giảng dạy, nắm vững đặc điểm tâm sinh lý học trò, vì thế, việc lựa chọn phù hợp sẽ giúp các giáo viên chủ động trong đổi mới phương pháp.
Sách giáo khoa mới đã về với các trường tiểu học ở Hà Tĩnh
Cô Phạm Thị Khuyên – Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Ngay sau khi nhận được sách mới, từ 2 tuần nay, chúng tôi đã cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu. Tiếp cận ban đầu tôi thấy các bộ sách đều bắt mắt cả kênh hình lẫn kênh chữ, màu sắc cũng hài hòa, lượng kiến thức phù hợp và có nội dung đổi mới phương pháp dạy học.
So với SGK chương trình hiện hành, chương trình mới có sự kết hợp hài hòa 3 yếu tố: Kiến thức, phát triển năng lực và vận dụng vào thực tiễn. Hiện tại, các tổ chuyên môn của trường cũng đang tiến hành góp ý để sắp tới trình hội đồng nghiên cứu và thẩm định của trường”.
Việc nghiên cứu sách đang được giáo viên các trường gấp rút thực hiện
Không riêng ở thành phố Hà Tĩnh, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh cũng đang chạy đua với thời gian.
Cô Nguyễn Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Đức Kế (Can Lộc) cho biết: “Sách được chuyển về trùng dịp học sinh nghỉ tránh dịch Covid-19 nên giáo viên có nhiều thời gian hơn trong việc nghiên cứu. Riêng với trường chúng tôi, mỗi bộ sách đều được đưa ra thảo luận công khai. Cùng với đó, các giáo viên, tổ chuyên môn cũng có những ý kiến đánh giá cụ thể. Hiện, chúng tôi đã hoàn thành việc đánh giá, tuy nhiên để đưa ra quyết định lựa chọn cần phải có thời gian và tham khảo ý kiến của một số đơn vị có điều kiện, hoàn cảnh tương tự”.
Video đang HOT
Xúc tiến tổ chức hội thảo
Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu ban đầu, hầu hết các trường học, các giáo viên đánh giá cao bởi tính ưu việt của chương trình và độ phù hợp với tuổi. Thế nhưng, nhiều nhà quản lý giáo dục cũng bày tỏ băn khoăn trong công tác chỉ đạo chuyên môn. Bởi, SGK lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới có 32 tên sách thuộc 5 bộ được phê duyệt.
Đó là 24 tên sách thuộc 4 bộ SGK của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, gồm: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”; “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” đã được chuyển về cho các trường tiểu học ở Hà Tĩnh. Bộ “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tuy chưa có bản cứng, nhưng một số trường học cũng đã tiếp cận nghiên cứu qua đường link.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bậc tiểu học
Số lượng tên sách nhiều, trong khi quyền lựa chọn thuộc về các cơ sở giáo dục, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mỗi huyện, thị, thành sẽ có khả năng hình thành nhiều nhóm trong lựa chọn. Và cũng trên tinh thần Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT, các nhà trường có thể sử dụng 1 trong 5 bộ sách nói trên hoặc cũng có thể lựa chọn 1 bộ phù hợp được chọn lọc từ cả 5 bộ.
Một cán bộ quản lý giáo dục cho biết: “Vẫn biết nội dung, kiến thức của các bộ sách trong chương trình mới đều bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình Bộ GD&ĐT quy định, nhưng qua nghiên cứu tôi thấy, mỗi bộ sách có một phương pháp tiếp cận khác nhau. Vì thế, để có sự đồng nhất trong quá trình kiểm tra, đánh giá, giám sát, chỉ đạo… sẽ rất khó”.
Cơ sở vật chất trường lớp ở Hà Tĩnh cơ bản đáp ứng với chường trình giáo dục mới
Cùng quan điểm ấy, ông Trần Đình Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT Hương Khê cho biết: “Nếu một cấp học mà chọn nhiều đầu sách của nhiều bộ sách sẽ gây khó khăn trong vấn đề chỉ đạo chuyên môn. Tuy nhiên, việc lựa chọn vẫn là quyền chủ động của các trường”.
Việc các trường có sự lựa chọn bộ sách khác nhau, hoặc trong từng bộ sách sẽ lựa chọn đầu sách khác nhau không chỉ là điều mà các phòng giáo dục băn khoăn trong chỉ đạo chuyên môn mà đây cũng là yếu tố khó khăn trong công tác tập huấn giáo viên.
Theo thông tư, việc lựa chọn sách dựa trên ý kiến từ cấp trường, tuy nhiên ở góc độ định hướng, Sở GD&ĐT cũng đã có những động thái nhằm hướng dẫn các trường trong việc lựa chọn sách.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “Cùng với việc tổ chức hội nghị toàn ngành triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện tại, Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND tỉnh về quy chuẩn lựa chọn SGK phù hợp với từng địa bàn, đồng thời, xúc tiến việc tổ chức hội thảo về SGK mới”.
Theo baohatinh
Đảm bảo nguồn kinh phí để các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn SGK
Hiện nay, các trường học tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đang tích cực triển khai công tác lựa chọn sách giáo khoa để đảm bảo chọn được bộ sách phù hợp, kịp thời khi bắt đầu năm học 2020-2021.
Ảnh minh họa/internet
Hỗ trợ, tư vấn, giám sát việc chọn sách giáo khoa
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông có vai trò quyết định trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa. Vậy để lưạ chọn được sách giáo khoa phù hợp với tiêu chí quy định tại Điều 3 của thông tư này, bà Nguyễn Thị Phong Lan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), mỗi cơ sở giáo dục phổ thông cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Thông tư 01/2020/TT-BGDDT của Bộ GD&ĐT và những quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của UBND tỉnh cũng như các văn bản hướng dẫn có liên quan khác.
Đồng thời, thành lập hội đồng lựa chọn sách theo như hướng dẫn tại Điều 4,5,6 của thông tư. Hội đồng làm việc theo đúng nguyên tắc được quy định. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông phải theo đúng quy trình được Bộ GD&ĐT hướng dẫn.
Sau khi đã lựa chọn được danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông thì cần công bố công khai và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa với Phòng GD&ĐT.
"Cơ sở giáo dục phổ thông có trách nhiệm hướng dẫn giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý giáo dục, học sinh, cha mẹ học sinh về quyết định lựa chọn sách của mình" - bà Nguyễn Thị Phong Lan nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc triển khai lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn, đại diện phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy nhấn mạnh đến việc xây dựng văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo đúng nguyên tắc, quy trình, đảm bảo lộ trình và phù hợp với nhu cầu và điều kiện, phong tục tập quán của địa phương, đơn vị theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghiên cứu kĩ chương trình các môn học, danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giao dục phổ thông ban hành theo văn bản số 4507/QĐ-BGD&ĐT ngày 21/11/2019 của Bộ GD&ĐT. Yêu cầu các cơ sở giáo dục đăng ký mua đủ các bộ sách giáo khoa Bộ GD&ĐT đã phê duyệt để cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu từ đó tiếp cận các nội dung sách giáo khoa và biết được ý tưởng của tác giả khi thể hiện chương trình trong sách giáo khoa. Làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền đến phụ huynh yên tâm cho con em học bộ sách giáo khoa mà hội đồng lựa chọn.
Phòng GD&ĐT cũng sẽ thành lập các tổ tư vấn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục để các cơ sở giáo dục lựa chọn được sách giáo khoa đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực thực tế của địa phương. Tổng hợp báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục báo cáo UBND huyện và Sở GD&ĐT.
Các đơn vị cùng vào cuộc, không chỉ cơ sở giáo dục
Nhận định, Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã có những định hướng khá cụ thể trong việc thành lập Hội đồng, tổ chức và lựa chọn sách giáo khoa ở mỗi cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Minh Tường - Bí thư huyện ủy huyện Thanh Thủy cho biết:
UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT trong việc tham mưu chọn SGK đảm bảo phù hợp theo yêu cầu cầu của địa phương; đồng thời đề xuất kinh phí để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới một cách hiệu quả nhất, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ và thiết bị tối thiểu theo quy định. Trong đó phải đảm bảo yêu cầu về lựa chọn và tập huấn đội ngũ giáo viên một cách đầy đủ nhất.
Cùng với đó, thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện; xây dựng kế hoạch hoạt động, ban hành văn bản hướng dẫn các phòng, ngành, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện tham gia nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT để chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn lựa chọn sách giáo khoa phụ hợp.
"Triển khai công tác lựa chọn sách giáo khoa mới, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ngành, đơn vị liên quan thực hiện chức năng niệm vụ của mình. Theo đó, phòng GD&ĐT hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện lựa chọn sách giáo khoa quy định của Bộ GD&ĐT.
Phòng Kế hoạch- Tài chính: Cân đối nguồn ngân sách để đảm bảo nguồn kinh phí để các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện: Thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giúp nhân dân và phụ huynh hiểu đúng chủ trương của nhà nước về đổi mới giáo dục phổ thông, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, từ đó yên tâm cho con em học theo bộ sách giáo khoa đã được hội đồng của các cơ sở giáo dục lựa chọn" - ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ.
Hải Bình
Theo giaoducthoidai
"Chốt" phương án cuối cùng lựa chọn SGK mới: Chỉ được lựa chọn 1 đầu SGK cho mỗi môn học Người đứng đầu cơ sở GDPT (Hiệu trưởng) có quyền lựa chọn SGK sử dụng trong trường của mình, mỗi môn học, hoạt động giáo dục sẽ chỉ được lựa chọn 1 đầu SGK và đầu tháng 5, Hiệu trưởng sẽ phải công bố danh mục SGK được chọn sử dụng. Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK...