Các trường ĐH Y sẽ rút thời gian đào tạo xuống 4 năm
Thời gian đào tạo đại học hệ chính quy tại các trường ĐH Y sẽ thống nhất rút xuống còn 4 năm, kể cả đối với ngành y đa khoa và y học dự phòng (hiện đào tạo 6 năm).
Theo đó, sau khi hoàn thành 4 năm học tại trường, sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân Y khoa. Tiếp đó, những người muốn học tiếp sẽ phân thành 2 hướng: Hệ hành nghề khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý và Hệ nghiên cứu do Bộ GD&ĐT quản lý.
Những người không muốn học tiếp có thể trực tiếp tham gia thị trường lao động.
Đối với những người lựa chọn hướng hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải học thêm 2 năm để được cấp bằng Bác sỹ Y khoa. Tuy nhiên, những người được cấp bằng này vẫn chưa được hành nghề mà cần phải trải qua thêm một năm tiền hành nghề thực hành tại các bệnh viện.
Sau khi kết thúc một năm thực hành tại bệnh viện, những người này phải trải qua kỳ thi cấp quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi đa khoa. Những người được cấp chứng chỉ mới được bắt đầu hành nghề.
Đề xuất mô hình đào tào ngành y khoa mới. Nguồn: Bộ Y tế.
Để trở thành bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ y khoa sẽ phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm 2-3 năm chuyên khoa sau đó thi cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi chuyên khoa. Tiếp đó, để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu, phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm từ 2 năm trở lên và thi cấp chứng chỉ hành nghề một lần nữa.
Những người lựa chọn hướng nghiên cứu do Bộ GD&ĐT quản lý thì phân thành 2 giai đoạn: Thạc sĩ đào tạo 2 năm và Nghiên cứu sinh đào tạo 3-4 năm, lấy bằng tiến sĩ.
Tham chiếu đối với khung trình độ quốc gia, các cử nhân Y khoa tương đương với khung trình độ bậc 6. Các bác sĩ Y khoa tương đương khung trình độ bậc 7 còn các bác sĩ chuyên khoa tương đương khung trình độ bậc 8.
Thông tin về mô hình đào tạo mới của ngành Y được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực y tế diễn ra sáng nay, 23/9.
Nhiều bất cập trong đào tạo ngành y
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện tại, dự thảo Nghị định về tổ chức đào tạo thực hành y khoa đã hoàn tất và sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 10 tới đây.
Video đang HOT
Đại diện Bộ Y tế cho hay, đề xuất đổi mới đào tạo ngành y khoa xuất phát từ chính thực trạng đào tạo còn nhiều bất cập của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi xung quanh phương án đổi mới đào tạo ngành Y khoa sáng 23/9. Ảnh: Lê Văn/VietNamNet.
Đối với đào tạo đại học, hiện tại, số lượng cơ sở đào tạo ngành y phát triển nhanh. Nếu từ năm 2008 chỉ có 8 cơ sở thì tới nay đã có hơn 20 cơ sở.
Theo Bộ Y tế, số lượng cơ sở đào tạo thành lập nhiều trong thời gian ngắn trong khi tiêu chí thành lập và mở ngành rất đơn giản, không có bệnh viện thực hành, chuyên môn của giảng viên chưa đánh giá đúng mức.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang lẫn lộn giữa hai hệ thống năng lực: thực hành khám chữa bệnh và nghiên cứu hàn lâm. Đang cùng tồn tại song song 2 hệ thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ GD&ĐT quản lý hệ bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 do Bộ Y tế quản lý, song lại không có nhiều sự phân định, khác biệt rõ ràng giữa 2 chương trình.
“Các bác sĩ chuyên khoa một làm thêm luận văn tốt nghiệp sẽ trở thành thạc sĩ. Các tiến sĩ ít thực hành kỹ thuật song vẫn hành như như bác sĩ chuyên khoa”, đại diện Bộ Y tế cho hay.
Mặt khác, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng… chỉ cần yêu cầu thực hành nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp mà không trải qua một kỳ thi sát hạch nào cả. Hơn nữa, chứng chỉ này được cấp 1 lần và sử dụng vĩnh viễn.
Ngoài ra, lương của nhân viên y tế bằng cách ngành khác ở cùng trình độ đạo tạo dù thời gian đào tạo lâu hơn. Chẳng hạn, bác sĩ phải đào tạo 6 năm song sau khi ra trường, mức lương khởi điểm chỉ bằng với mức lương của các cử nhân tốt nghiệp ở những trường đào tạo 4 năm.
Còn nhiều vấn đề cần thảo luận
Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia nước ngoài chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo hệ thống y khoa ở các nước cũng như các góp ý của các chuyên gia trong nước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phương án đổi mới đào tạo ngành y khoa được xây dựng trong 2 năm có nhiều điểm chung với hệ thống đào tạo tiên tiến trên thế giới.
Góp ý về phương án đổi mới, Phó thủ tướng đặt câu hỏi: Sau khi học xong 2 năm bác sĩ Y khoa thì sẽ công nhận bậc 7 trong khung trình độ và sau đó mới đi thực tập tại bệnh viện một năm hay đợi sau khi thực tập một năm rồi mới công nhận bậc 7 trong khung trình độ?
“Sau khi các chuyên gia góp ý, tôi thiên về hướng thứ hai”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Ông Đam cho rằng theo phương án này, chất lượng sẽ được đảm bảo hơn. Những người thực tập sẽ được coi như sinh viên, được hỗ trợ vay vốn đi học và bệnh viện có thể chi trả một phần nếu như họ tham gia các công việc bệnh viện.
Một vấn đề khác, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vẫn đang tranh luận là cấp chứng chỉ một lần nay định kỳ, thi hay không và ai sẽ là người cấp.
“Nếu thi thêm chứng chỉ như vậy sẽ thêm một thủ tục hành chính, nhiều người sẽ không đồng thuận. Tuy nhiên, cũng có thực tế là nếu cấp một lần sẽ có trường hợp tinh thần sức khỏe kém đi nhưng vẫn hành nghề, không an toàn cho bệnh nhân”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh hiện nay, nhân lực ngành y tế không chỉ yếu về chất lượng mà còn thiếu về số lượng so với quốc tế. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo chất lượng cũng phải tăng cường số lượng các bác sĩ để địa phương nào cũng có bác sĩ giỏi.
Theo Phó thủ tướng, hiện nay, tỷ lệ bác sĩ trên một một vạn dân của Việt Nam chỉ là 7,8 trong khi thế giới là 20. Cộng cả ba đối tượng bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng thì tỷ lệ này cũng chỉ là 20 trên một vạn dân trong khi Hoa Kỳ là 50.
Cuối cùng, Phó thủ tướng cho rằng, phương án đổi mới đã khá sáng rõ, có điều cần bàn là thời gian chuyển tiếp là dài hay ngắn. “Tôi nghĩ rằng thời gian chuyển tiếp này sẽ ngắn nhất có thể”.
Theo Lê Văn / Vietnamnet
ĐH Kinh doanh Công nghệ tuyển sinh trái phép sinh viên Lào
Theo xác nhận của Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, từ năm 2015, trường đào tạo sinh viên Lào khi mới được cấp mở mã ngành, chưa được cấp phép đào tạo Y đa khoa.
Theo Infonet, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh gần 200 sinh viên Lào sang Việt Nam từ cuối năm 2015 học tiếng Việt. Họ được hứa hẹn sau khi có chứng chỉ tiếng Việt, sẽ được đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học tại trường.
Một sinh viên người Lào tên V.K (sinh năm 1996) cho biết sang Việt Nam từ tháng 11/2015 và học tiếng Việt một thời gian tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để lấy chứng chỉ. Hiện, sinh viên này học 4 môn đại cương phục vụ cho chuyên ngành.
"Tiền học phí của chúng mình là 25 triệu đồng/năm, ở ký túc xá hết 4 triệu đồng/năm. Tất cả chương trình học tại Việt Nam gần 6 năm. Phòng mình còn 2 bạn học ngành Y đa khoa, đã học xong chứng chỉ tiếng Việt nhưng các bạn ấy đã chuyển sang trường ở Thái Bình", V.K nói.
Hiện tại, những sinh viên này "bơ vơ" vì ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn chưa được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa.
Khoa Y của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tại cơ sở Bắc Ninh. Ảnh: Anh Tuấn.
Chiều 16/9, ông Vũ Văn Hóa - Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xác nhận hơn 100 học sinh Lào đăng ký học ngành Y khoa từ năm 2015, khi nhà trường đã được cấp mở mã ngành đào tạo nhưng đang chờ cấp phép đào tạo.
Những học sinh này đã học được hơn một năm và xong chương trình tiếng Việt. Tuy nhiên, do trường chưa được cấp phép đào tạo, nhiều em đã xin chuyển đi các trường khác có ngành y dược.
"Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện nếu các em có nhu cầu chuyển đi học ở trường khác. Với những trường hợp không được trường khác tiếp nhận, chúng tôi khuyên các em chờ đợi thêm một thời gian", ông Hóa chia sẻ.
Ông Hoá cũng thông tin hiện nay, nhà trường vẫn chờ quyết định cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa của Bộ GD&ĐT.
Chiều 16/9, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT, cho Zing.vn biết bộ này đang yêu cầu trường báo cáo giải trình việc tuyển sinh viên Lào học ngành Y đa khoa.
Trong khi đó, trả lời Infonet chiều nay, ông Dai Ratanaphaivanh, Bí thư thứ ba, Đại sứ quán Lào cho hay: "Sáng 14/9, lãnh đạo ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có buổi làm việc với đại sứ quán Lào liên quan sinh viên có nguyện vọng học ngành Y đa khoa tại trường".
Một số du học sinh vẫn phải ở lại học dự bị vì tiếng Việt kém. Vì trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa được cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa nên phía Đại sứ quán Lào sẽ hỗ trợ và giới thiệu những sinh viên này về một số trường như ĐH Y Dược Thái Bình hay Y Dược Sơn La.
Ông Dai Ratanaphaivanh cho biết thêm cuối tháng 8, Đại sứ quán Lào đã trực tiếp xuống cơ sở 2 của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tại Bắc Ninh để gặp sinh viên và nói rõ trường này chưa được phép đào tạo ngành Y đa khoa.
Hiện có 20 sinh viên Lào muốn học Y đa khoa tại ĐH Y Dược Sơn La, khoảng 80 sinh viên về ĐH Y Dược Thái Bình và một số về ĐH Y Dược Thái Nguyên.
Theo ông Dai Ratanaphaivanh, Đại sứ quán Lào sẽ gặp những lưu học sinh có nguyện vọng học Y đa khoa tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để xem xét nguyện vọng của các em.
Trước đó, trong mùa tuyển sinh 2016, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố thông tin tuyển sinh ngành Y đa khoa và Dược học cho sinh viên người Việt với điểm chuẩn là 18 (bao gồm cả đối tượng ưu tiên khu vực và đối tượng).
Ngày 16/8, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, khẳng định: ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa được phép tuyển sinh ngành Y đa khoa. Hiện tại, chưa có quyết định chính thức của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, vì vậy trường phải rút thông báo trúng tuyển ngành này.
Theo Zing
Cận cảnh phòng xác của Đại học Y Hà Nội Phòng xác phục vụ cho bộ môn giải phẫu của ĐH Y Hà Nội nằm trên phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khu vực phòng xác được bố trí ở tầng hai của tòa nhà. Hiện Viện Giải phẫu ĐH Y Hà Nội có 20 thi thể phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của sinh viên, giảng...