Các trường ĐH chạy đua tuyển giảng viên
Nhiều trường ĐH đang ra sức chạy đua để đạt được các điều kiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định mới của Bộ GD-ĐT. Không trường nào muốn bị cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh nên tìm mọi cách để đạt được các tiêu chí mới.
Với quy định mới về xác định chỉ tiêu dựa trên số sinh viên/giảng viên cơ hữu, nhiều trường ĐH, kể cả những trường ĐH công lập có thương hiệu lâu năm, vẫn phải chạy đua tìm nguồn tuyển giảng viên cơ hữu, lấp đầy vào tỉ lệ chuẩn số sinh viên/giảng viên theo quy định.
“Động lực” mới
Những thông báo tuyển giảng viên xuất hiện dày đặc trên website các trường ĐH và phương tiện thông tin đại chúng. Không còn chung chung là “tuyển giảng viên mới”, thông báo tuyển dụng phát đi từ các trường đều cẩn trọng ghi rõ “tuyển giảng viên cơ hữu”- người đứng lớp thường trực.
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, năm nay các trường phải tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh của mình dựa trên hai tiêu chí: đội ngũ giảng viên cơ hữu (25 sinh viên/giảng viên), diện tích sàn xây dựng thuộc sở hữu của trường (2m/sinh viên). Các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm phải đạt đồng thời cả hai tiêu chí này.
TS Trần Mạnh Dũng – trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng – cho hay tuyển giảng viên mới là hoạt động thường xuyên của nhà trường nhằm bù đắp số giảng viên về hưu và số giảng viên trẻ đang được đào tạo ở nước ngoài, nhưng mục tiêu tuyển giảng viên năm nay còn có “động lực” từ việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào việc quy đổi giảng viên. Trong 2-3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm học viện tuyển mới 30-40 giảng viên, nhưng những ngày cuối năm 2011 trường vẫn tiếp tục tuyển thêm đợt 2 với tổng chỉ tiêu tuyển của cả năm lên đến 70-80 giảng viên cơ hữu.
Theo TS Dũng, các năm trước trường vẫn tính chỉ tiêu dựa trên tỉ lệ sinh viên/giảng viên đúng quy định của bộ nhưng số giảng viên được tính cộng gộp cả giảng viên cơ hữu và… giảng viên thỉnh giảng. Theo quy định mới, chỉ tính tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu, các trường dù được tự xác định chỉ tiêu, nhưng có thể bị xử rất nặng nếu vi phạm nên không có cách nào khác là phải tuyển giảng viên. Được biết, hiện tại số giảng viên cơ hữu của Học viện Ngân hàng là 400, số thỉnh giảng 200 và chỉ tiêu dự định của trường cho mùa tuyển sinh 2012 không đổi: 2.300 chỉ tiêu ĐH.
Trao đổi với PV, hầu hết các trường ĐH đều cho rằng trường nào “tuyển sinh được”, quy mô đào tạo lớn, nếu muốn duy trì chỉ tiêu như mọi năm chắc chắn sẽ phải tuyển thêm đội ngũ giảng viên cơ hữu đáng kể.
Video đang HOT
Trường ĐH Thăng Long với tổng số sinh viên hiện có là 7.000, số giảng viên cơ hữu 186, số hợp đồng dài hạn 153 cũng đang gấp rút hoàn thành kế hoạch tuyển giảng viên của năm 2011. Theo tiết lộ của một lãnh đạo trường, kế hoạch trong năm của nhà trường là tuyển mới đến… 100 giảng viên. Chỉ trong tháng 12-2011 trường đã tuyển thêm được 17 giảng viên cho các khối ngành kinh tế, tiếng Anh, công tác xã hội. Đặc biệt, khóa sinh viên đầu tiên của chuyên ngành VN học đã bước vào năm cuối ĐH, nhưng trường vẫn đang trống giáo viên chuyên ngành này nên những ngày cuối cùng của năm 2011, trường vẫn mở cửa nhận hồ sơ tuyển.
Nhộn nhịp tuyển dụng
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, do nhà trường đã có sự chuẩn bị khi chưa có quy định này nên không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo quy định mới trường ĐH không được đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp, thời gian tới nhà trường sẽ tăng chỉ tiêu ĐH, CĐ để bù vào chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp bị giảm. “Sau quy định này chúng tôi sẽ nâng cấp đội ngũ giảng viên, thạc sĩ hóa giảng viên bằng cách mời các trường ĐH lớn về đào tạo thạc sĩ cho trường. Khi hợp đồng giảng viên nhà trường đặt yêu cầu sau ba năm phải có bằng thạc sĩ. Trước mắt, trường đang có kế hoạch tuyển 150 giảng viên mới, ưu tiên tuyển người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhưng hiện rất khó vì không có nguồn tuyển” – ông Hùng cho biết.
Tương tự, Th.S Ngô Thị Mỹ Lan, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho hay với tỉ lệ giảng viên cơ hữu của trường là 38,6 sinh viên/giảng viên nên trường đang có kế hoạch tuyển dụng thêm giảng viên để đạt tiêu chí mới. Th.S Nguyễn Thị Mai Bình, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cho biết: “Về tiêu chí giảng viên trường ổn. Nhưng để đảm bảo, nhà trường đang cần tuyển mới 30 giảng viên để bổ sung đội ngũ giảng viên các khoa, ưu tiên tuyển người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ”.
Theo Th.S Võ Văn Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn Lang, về tiêu chí cơ sở trường này đảm bảo được nhưng lại vướng ở điều kiện đội ngũ giảng viên cơ hữu. Nếu thực hiện đúng theo quy định này, chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2012 của trường chỉ hơn 1.500. Ông Tuấn chia sẻ: “Tổng quy mô đào tạo hiện nay của trường là 10.000 sinh viên, phải cần có 400 giảng viên quy đổi nhưng hiện số giảng viên quy đổi của trường chỉ đạt khoảng 320. Chắc chắn phải tuyển thêm giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên để đảm bảo chỉ tiêu 2.500 của năm trước. Như vậy trường cần phải tuyển thêm 80 giảng viên quy đổi”.
Trường ĐH Văn Hiến là một trong những trường có tỉ lệ giảng viên rất thấp nên bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh năm 2012. Trong ảnh: một giảng viên dạy môn tiếng Hàn tại trường này.
Xây tạm trường lớp để đối phó
Trong khi đó rất nhiều trường lại phải tìm cách xoay xở để đối phó với tiêu chí diện tích sàn xây dựng thuộc sở hữu nhà trường. Ở tiêu chí này, Trường ĐH Văn Hiến là con số 0. “Tính toàn bộ diện tích sàn trường đang thuê mướn để sử dụng cũng chỉ đạt khoảng 1m/sinh viên” – ông Trần Chút, hiệu phó Trường ĐH Văn Hiến, cho biết. Th.S Ngô Thị Mỹ Lan cũng cho rằng quy định mới của bộ khó cho các trường là diện tích sàn xây dựng thuộc sở hữu của nhà trường. Trường ĐH Hoa Sen đang xây dựng cơ sở mới tại Q.12 và Q.1 (TP.HCM), dự kiến hơn hai năm nữa mới xong. Trong thời gian chờ đợi xây dựng nhà trường cũng phải thuê cơ sở để đào tạo.
Th.S Nguyễn Thị Mai Bình cũng thừa nhận theo quy định mới khó khăn nhất hiện nay của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM là cơ sở vật chất. Ngoài cơ sở Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) khoảng 1.500 m thuộc sở hữu của trường, các cơ sở còn lại đều thuê, nhưng cũng không đạt được tiêu chí 2m/ sinh viên. Trước mắt nhà trường đề xuất bộ cho phép trong năm 2012 chấp nhận tính diện tích sàn xây dựng các cơ sở thuê. Việc xây dựng trường là vấn đề lâu dài, bản thân trường muốn làm ngay cũng không được vì vướng nhiều thứ, quỹ đất không có, xây dựng cũng phải có thời gian.
Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay trường đang tập trung dọn các xí nghiệp may để cải tạo làm trường lớp. Nhưng trước mắt trường cũng gặp một số khó khăn nhất định. Ông Hùng nói: “Chúng tôi nằm trong khó khăn chung của các trường là chưa được giao đất sạch. Tạm thời nhà trường sửa chữa lại các xí nghiệp may đáp ứng quy định mới của bộ. Nhà trường chi vài tỉ đồng xây dựng trường học tạm thời tại những cơ sở này và kể cả chấp nhận chịu phạt do xây dựng không đúng quy hoạch”.
Đừng chạy theo số lượng! Trao đổi với PV, GS.TSKH Bùi Văn Ga – thứ trưởng Bộ GD-ĐT – khẳng định việc bộ đưa ra quy định chặt chẽ về số sinh viên/giảng viên cơ hữu để xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, định hướng các trường quan tâm đến thương hiệu, uy tín hơn là chạy theo số lượng. “Việc tuyển mới thêm giảng viên để nâng cao đội ngũ là tín hiệu tích cực, nhưng kế hoạch tuyển ồ ạt chỉ để “ làm đẹp” chỉ tiêu, giữ vững số tuyển sinh có thể dẫn đến việc tuyển người chưa đạt chất lượng”, Thứ trưởng Ga nói.
Theo TTO
Nan giải bài toán tuyển giảng viên
Các trường ĐH rất khó giữ sinh viên giỏi ở lại làm giảng viên trong khi việc tuyển giảng viên "tay ngang" ngày càng khó.
Bước vào năm học mới, hàng loạt trường ĐH tại TPHCM chủ động tuyển giảng viên để bổ sung lực lượng. Tuy nhiên đến nay, việc tuyển giảng viên vẫn rất khó khăn và hầu như không trường nào tuyển đủ chỉ tiêu dự kiến.
Sinh viên giỏi thờ ơ
Giảng viên trúng tuyển một năm đầu không được đứng lớp mà chỉ làm nghiên cứu khoa học, dự giờ giảng, làm công tác sinh viên... nên theo đại diện các trường, rất dễ khiến giảng viên chán nản, bỏ cuộc. "Lương khởi điểm đã thấp mà còn buồn nữa thì khó mà giữ được họ"- ông Hoàng Mạnh Dũng nhấn mạnh.
Ông Hoàng Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Hành chính - Quản trị Trường ĐH Mở TPHCM, cho biết để bảo đảm lực lượng giảng viên cơ hữu chiếm 50%-60%, trường vừa tổ chức tuyển giảng viên bổ sung nhưng chỉ có khoảng 40 hồ sơ dự tuyển và tuyển được 25 giảng viên. Trường vận động những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc ở lại làm giảng viên nhưng hầu hết từ chối, chỉ có vài sinh viên loại khá nhưng cũng không mấy quyết tâm. Ông Dũng lý giải rằng trước đây quy chế đào tạo sau ĐH cho phép tuyển thẳng 5% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên học tiếp thạc sĩ thì còn có vài ba em chịu ở lại để học sau ĐH, nhưng quy chế hiện hành bắt buộc tất cả các đối tượng đều phải thi đầu vào lên thạc sĩ, do đó vài năm gần đây, hầu như không giữ được sinh viên giỏi.
Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học
Tại Trường ĐH Luật TPHCM, qua gần 3 tháng thông báo tuyển giảng viên các ngành luật, quản trị kinh doanh, chỉ thu được 72 hồ sơ dự tuyển. Ông Phan Lê Hoàng Toàn, Phó trưởng Phòng Tổ chức - hành chính của trường, cho biết hầu hết ứng viên là cử nhân, trong đó chỉ có 7 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết rất khó tuyển giảng viên, đặc biệt là khó thu hút sinh viên giỏi tiếp tục gắn bó với trường sau khi tốt nghiệp.
Làm giảng viên để chờ thời
Đại diện của nhiều trường khẳng định nguyên nhân lớn nhất khiến việc tuyển giảng viên khó khăn chính là do thu nhập của giảng viên thấp quá.
Ông Hoàng Mạnh Dũng cho biết một cử nhân vừa tốt nghiệp trúng tuyển làm giảng viên thì mức lương năm đầu tiên chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng trong khi nếu có bằng tốt nghiệp giỏi, làm việc tại các công ty thì được trả ít nhất là 5-6 triệu đồng/tháng. Hầu hết ứng viên tham gia tuyển giảng viên là nữ, là những người không quá đặt nặng vấn đề tài chính mà chủ yếu bằng lòng với cuộc sống yên ổn.
"Một số ứng viên là nam giới thi tuyển làm giảng viên với mục đích học lên thạc sĩ hoặc tìm kiếm học bổng đi học nước ngoài, đạt được mục đích này là họ "chuồn" chứ với mức lương như vậy sống thế nào được"- ông Dũng nói.
Trường ĐH Luật TPHCM vừa thực hiện khảo sát đối với sinh viên có nguyện vọng ở lại trường. Trong số đó, 70%-80% cho biết ý định ở lại trường là để nghiên cứu khoa học và học thêm chứ không đề cập việc làm giảng viên để kiếm sống.
Cần tự chủ
Theo đại diện các trường, để bảo đảm cuộc sống, giảng viên phải đi dạy thỉnh giảng rất nhiều, như vậy sẽ không còn thời gian nghiên cứu khoa học. Do vậy, để giữ chân giảng viên thì trước hết phải cải thiện đời sống cho họ. Các trường cần được giao quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển dụng giảng viên, tự chủ định mức học phí để chủ động nguồn tiền chi trả cho giảng viên. Nếu bộ cứ áp đặt cho các trường như hiện nay thì rất khó cải thiện đời sống giảng viên, rất khó thu hút sinh viên giỏi chọn con đường làm giảng viên.
Theo BDVN
Đằng sau hào quang học sinh giỏi quốc gia - Kỳ cuối: "Cứ mỗi đội tuyển có 8-10 học sinh, 63 tỉnh, thành có khoảng 600 học sinh/môn thi. Trong khi đó theo quy định sẽ có 300 học sinh/môn thi đoạt giải. Giải nhiều như thế nên các tỉnh mới chạy đua để có thành tích". Một giờ tập huấn của học sinh đội tuyển địa lý với giáo viên của Trường THPT chuyên...