Các trường ĐH, CĐ khối y dược lúng túng khi đào tạo tín chỉ
Mặc dù được thành lập Hội đồng từ năm 2013 nhưng đến chiều 24/12/2015, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ đào tạo khối ngành sức khỏe mới tổ chức hội nghị lần đầu tiên.
“Các trường y dược cần ngồi lại với nhau”
Ông Phạm Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, năm 2013, Sở GDĐT đã có văn bản thành lập Hội đồng hiệu trưởng các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trên địa bàn thành phố với mục đích tư vấn cho lãnh đạo thành phố về các vấn đề liên quan đến sức khỏe như đào tạo nhân lực y tế; phối hợp hoạt động giữa các trường để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; tạo sự giao lưu, liên kết giữa các trường để hỗ trợ đào tạo và quản lý.
Video đang HOT
Tuy nhiên, do nhiều lý do, đến nay UBND TPHCM vẫn chưa ra quyết định chính thức thành lập Hội đồng và Hội đồng cũng chưa họp được một hội nghị nào có đầy đủ các trường thành viên.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch lâm thời của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đào tạo khối ngành sức khỏe cho biết, vì lúc đầu chưa hình thành bộ máy nên hoạt động của Hội đồng cũng hạn chế, cũng mới chỉ dừng ở trao đổi, vận động các trường tham gia, đề xuất quy chế hoạt động…
Vì thế, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, các trường cần phải ngồi lại với nhau để bàn về các vấn đề trọng tâm như các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; các kinh nghiệm trong tuyển sinh, đánh giá tốt nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo theo năng lực phù hợp với việc đánh giá kiến thức kỹ năng của lao động Việt Nam khi gia nhập cộng đồng chung ASEAN; các kinh nghiệm chuyển đổi chương trình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ; chia sẻ các nguồn lực, tài nguyên, khuyến khích phối hợp làm việc nhóm giữa các trường…
Khó khăn với đào tạo tín chỉ và nâng cao chất lượng
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung khẳng định, Bộ GDĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, đối với các trường y dược, việc chuyển đổi này vô cùng khó khăn vì liên quan rất nhiều đến thực hành. ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mới chỉ thực hiện được đào tạo tín chỉ ở ngành Điều dưỡng chứ chưa áp dụng được cho các chuyên ngành khác.
Theo GS.TS Đặng Vạn Phước, Chủ nhiệm Khoa Y ĐH Quốc gia TPHCM, ngành y là một ngành đào tạo đặc biệt, đào tạo kiến thức các chuyên ngành phải theo trình tự lớp lang, trong khi đào tạo theo tín chỉ là sinh viên có thể chọn môn không cần theo trình tự, vì thế, để “cắt” các bộ môn như ngoại khoa, nội khoa… thành tín chỉ là cực kỳ khó. Tuy nhiên, các trường cũng đang cố gắng tìm hiểu, học hỏi để thực hiện chuyển đổi và ĐH Y dược TPHCM đang là đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi này.
GS.TS Đặng Vạn Phước cũng đề xuất đến phương án trong tương lai phải có sự liên thông giữa các trường và đào tạo tích hợp để bác sỹ phải được đào tạo đa ngành, đảm bảo vừa có kiến thức y khoa và kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ, kiến thức xã hội tốt.
Nhiều cơ sở y tế trang bị máy móc hiện đại, cấu hình cao nhưng không biết sử dụng hết chức năng. GS.TS Đặng Vạn Phước nhận định: “Ngành y tế hiện nay rất thiếu nhân lực có tư duy khoa học của các ngành nghề. Xét cho cùng, ngành y vẫn là ngành dạy học nghề, sinh viên phải trực tiếp thực hành, tiếp xúc với người bệnh chứ không có bác sĩ nào chỉ có học trên sách vở mà giỏi được”.
BS chuyên khoa II Trương Đức Thành, Hiệu trưởng CĐ Y dược Hồng Đức cho biết, đối với khối ngành y dược, thực hành là hết sức quan trọng, nếu sinh viên không đi thực hành tại các xí nghiệp, bệnh viện thì không thể tốt được. Tay nghề của sinh viên khi ra trường rất quan trọng bởi đó là thước đo đánh giá chất lượng của người thầy cũng như uy tín nhà trường.
Vì thế, Hội đồng cần xem xét đến việc làm thế nào để nâng cao chất lượng sinh viên y dược khi ra trường cũng như tạo điều kiện cho các trường trong vấn đề thực tập.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung lưu ý, trong tương lai, Bộ GDĐT và Bộ Y tế đang xem xét phương án sẽ có đề thi quốc gia về tốt nghiệp ĐH, CĐ hoặc thi chứng chỉ hành nghề. Vì thế các trường cần ngồi lại để xem xét phương pháp đánh giá tốt nghiệp như thế nào là hợp lý, nâng cao chất lượng đào tạo để các trường có một mặt bằng chất lượng ngang bằng nhau.
Bên cạnh đó, trước thực trạng có quá nhiều cơ sở đào tạo về khối ngành sức khỏe nên Sở GDĐT, Sở Y tế cũng như các trường cần phối hợp để tiến hành khảo sát nhu cầu và yêu cầu của xã hội về nhân lực y tế xem nguồn nhân lực đào tạo đó có đủ không, có dư thừa không, có phù hợp nhu cầu hay không. Từ đó đề xuất các giải pháp khả thi để tránh việc đào tạo dư thừa hoặc mất cân đối trong ngành nghề đào tạo.
Ngoài ra, Hội đồng cũng cần xem xét và có ý kiến với Bộ GDĐT khi xây dựng Khung trình độ quốc gia thì các chức danh bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II nằm ở vị trí nào trong 8 bậc được phân chia…
Theo infonet