Các trường đại học trong hệ thống đại học quốc gia, đại học vùng chưa có sự liên kết
Các trường đại học trong đại học quốc gia, đại học vùng đang hoạt động độc lập, chưa có sự liên kết, thậm chí “dẫm chân nhau”.
Từ đây có thể thấy, đại học quốc gia, đại học vùng là kết nối cơ học của các trường đại học chứ không phải là sự phối hợp, liên kết để phân bổ nguồn lực.
Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã cuộc trao đổi với báo giới bên lề Hội thảo giáo dục 2019 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”, tổ chức tại Hà Nội.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Vừa qua, trong phát biểu về sự phát triển của trường Đại học Y Dược TPHCM nhân lễ khai giảng ở trường này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị nhà trường sớm có đề án đổi tên thành Đại học Khoa học Sức khỏe TPHCM, đứng ở góc độ của một nhà quản lí giáo dục, quan điểm của ông về việc này như thế nào, thưa ông?
Hiện xu thế của các trường đại học mang tính chất xuyên ngành, đa lĩnh vực. Năm vừa qua, tại các trường đại học đã xuất hiện nhiều ngành lai, như kinh tế với kỹ thuật, ngành y với ngành kỹ thuật hay công nghệ thông tin với những ngành khác.
Trong suốt thời gian dài, các trường đại học ở Việt Nam theo mô hình các trường đại học của Liên Xô cũ, tức là đào tạo tổ chức đơn ngành, như: Địa học Mỏ địa chất, Đại học Y… Tuy nhiên, mô hình này không thể tồn tại trong xu thế hội nhập. Cách đây khoảng 10 năm, Liên Xô cũ, Trung Quốc cũng đã cải cách mô hình trường đại học đơn ngành theo kiểu sáp nhập nhiều trường đại học với nhau. Ví dụ: Trường Đại học Cơ khí Matxcơva chuyên đào tạo về ô tô thì sáp nhập với 5 trường đại học khác nhau, trong đó có các trường đào tạo ngành kinh tế, kỹ thuật. Hiện xu thế của thời đại là tận dụng nguồn lực lẫn nhau nên nhiều trường phải phối với nhau để cùng đào tạo, do vậy các trường ở Việt Nam cũng không thể bỏ qua xu thế đó.
Tuy nhiên, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại đặt vấn đề hoàn toàn khác, tức là khuyến khích một đại học đơn ngành mở ra nhiều trường đại học nhỏ bên trong. Như vậy, sẽ hao tổn nguồn lực, bởi cần sự phối hợp giữa các trường đại học với nhau để thành đại học, chứ không phải mỗi trường đại học lại phát triển hình thành một đại học lớn. Hiện nay, một đại học như vậy sẽ giống như tháp ngà rào xung quanh, không có sự phối hợp với những trường khác. Như vậy là các trường tự chói mình.
Hiện hệ thống giáo dục Việt Nam có mô hình đại học như: Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng…, những đại học này đã đáp ứng được xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới, thưa ông?
Video đang HOT
Hiện các trường trong hệ thống đại học quốc gia, đại học vùng ở Việt Nam đang hoạt động độc lập với nhau, chưa có sự liên kết, thậm chí còn “dẫm chân nhau”.
Như cùng trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM nhưng cả trường Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên đều đào tạo ngành Công nghệ thông tin. Từ đây có thể thấy, trong cùng một đại học nhưng các trường phải cạnh tranh để có có sinh viên, không nhưng thế các ngành đào tạo cũng “dẫm chân” nhau. Ngoài ra, các môn học đại cương như Chính trị, tiếng Anh… các trường trong hệ thống Đại học Quốc gia TP HCM vẫn dạy riêng. Như vậy, đại học quốc gia, đại học vùng là kết nối cơ học của các trường đại học chứ không phải là sự phối hợp, liên kết để phân bổ nguồn lực.
Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt ra vai trò của cơ quan quản lí trong việc sáp nhập các trường đại học thành đại học. Nếu các cơ quan quản lí không tốt sẽ trở thành sự lắp ghép cơ học giữa trường với nhau mà không mang lại lợi ích cho người học và xã hội.
Năm 1998 có nhiều trường đại học rút ra khỏi đại học quốc gia vì chưa nhìn thấy lợi ích khi sáp nhập vào đại học quốc gia. Do đó, khi tiến hành sáp nhập các trường đại học, chúng ta phải làm rõ lợi ích của các trường khi từ một trường đại học nhỏ thành đại học lớn. Bởi nếu các trường tiếp tục đào tạo đại học đơn ngành thì khi sinh viên tốt nghiệp sẽ không phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, nền kinh tế của đất nước. Ví dụ, ngành kỹ thuật ở các nước có đến 40% kiến thức về quản trị kinh tế, nếu các trường đại học đào tạo chuyên về kỹ thuật, không có kiến thức về quản trị kinh tế, công nghệ thông tin, lập trình khi sinh viên ra trường sẽ không đáp ứng được yêu cầu của xã hội nên cần sự phối hợp giữa các trường đại học với nhau.
Hơn nữa, hiện học phí của các trường ngày càng tăng, nhiều gia đình coi việc học đại học của con là sự đầu tư nên phải chọn những trường có mức học phí rẻ, có chất lượng. Do vậy, chúng ta tiếp tục bó gọn các trường đại học, không hợp tác với bên ngoài thì chi phí sẽ tăng lên, khiến cho học phí cũng tăng theo và cuối cùng không tuyển sinh được. Trong xu thế hiện nay, bắt buộc các trường phải hợp tác với nhau để tồn tại.
Như vậy, vai trò của các cơ quan quản lí trong việc các trường đại học sáp nhập thành đại học đa ngành sẽ như thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ các cơ quan quản lí phải ép các trường sáp nhập thành đại học đa ngành. Bài học cụ thể ở nước Nga, khi trường Đại học Cơ khí Matxcova sáp nhập với 5 trường khác thì họ đã cử một ông thống đốc vùng viễn đông về làm hiệu trưởng. Theo đó, hiệu trưởng trường này sẽ ghép các khoa chung của các trường lại với nhau, đào tạo khoa học cơ bản chung cho tất cả các trường.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hòa
Theo baohaiquan
Xung quanh việc đổi tên Trường Đại học Y Dược TP. HCM
Dư luận đang bàn luận sôi nổi về chuyện đổi tên Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Chung quy có hai câu hỏi: Có cần thiết thay tên Trường đó hay không và thay bằng tên gì? Bài viết của PGS. TS. Phan Văn Khôi sẽ góp phần trả lời hai câu hỏi trên.
Biển hiệu ghi "ĐẠI HỌC..." là không chuẩn mực
Chuyển đổi tên là cần thiết
Hiện nay, có nhiều TRƯỜNG ĐẠI HỌC tự gọi mình là ĐẠI HỌC. Trường Đại học Y Dược TP. HCM là một trong số đó. Ví dụ, ta thấy biển hiệu của trường là Đại học, và ở các cổng khác của trường cũng ghi như thế. Điều đó khiến nhiều người không phân biệt được sự khác nhau giữa Trường Đại học và Đại học, không biết rằng biển hiệu ghi như thế là sai, dẫn đến hiểu nhầm rằng Bộ Y tế giữ nguyên từ ĐẠI HỌC, chỉ đổi Y DƯỢC thành SỨC KHỎE.
Các tên gọi "Trường Đại học" và "Đại học" đã được định nghĩa trong Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13, năm 2012. Theo Luật này và các sửa đổi Luật sau đó, tên gọi Đại học ghi trên biển hiệu của Trường Đại học Y Dược TP. HCM hiện nay là không chuẩn mực. Bởi thực chất nó chỉ là Trường Đại học, chịu sự chỉ đạo của Bộ. Cấp dưới của Trường chỉ là các Khoa.
Trong khi đó, Đại học là một tổ chức giáo dục lớn ngang một Bộ: có con dấu hình quốc huy; Ban Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng của Đại học do Thủ tướng bổ nhiệm; trực tiếp làm việc với các Bộ và Tỉnh hay Thành phố; báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, không phải thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo như các Trường Đại học; được Nhà nước tập trung đầu tư và nhiều ưu thế khác nữa; cấp dưới của Đại học là các Trường Đại học, các Viện, Học viện thành viên. Mô hình tổ chức của nó tương tự như hai Đại học quốc gia và hai Viện Hàn lâm hiện có của nước ta.
Vì vậy, chuyển từ Trường Đại học thành Đại học không phải là việc đổi tên đơn thuần, mà là sự nâng cấp tổ chức, với mô hình, quy mô, vị thế cao hơn hẳn.
Với vị thế lớn trong nước và đặc biệt với quốc tế như thế, cơ sở vật chất, phương tiện nghiên cứu, giảng dạy và phòng thí nghiệm sẽ ngày càng tốt hơn, chủ động thu hút được nhiều giảng viên giỏi, kể cả các nhà khoa học danh tiếng nước ngoài, do đó chất lượng đào tạo và nghiên cứu sẽ cao hơn. Nhiều trường muốn như vậy cũng chưa được, ngay cả Trường Đại học Y Hà Nội uy tín lẫy lừng cũng chưa đến lượt.
Dự kiến nâng cấp Trường này thành Đại học đã có từ lâu. Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (mang tên này vào năm 1976) là một trường trọng điểm, có truyền thống và đủ điều kiện, nên từ năm 1990, Ban lãnh đạo Trường ĐH Y Dược TP. HCM đã bàn bạc và thống nhất với Bộ Y tế (thời Bộ trưởng, GS.Phạm Song) về việc xây dựng VIỆN ĐẠI HỌC SỨC KHỎE. Ngoài ra, trong công bố sứ mệnh và tầm nhìn của Trường, từ những năm trước, đã có kế hoạch phát triển thành ĐẠI HỌC KHOA HỌC SỨC KHỎE. Như vậy từ "Sức khỏe" cũng đã xuất hiện từ trước.
Khi thành Đại học, trong Đại học này, tất nhiên, vẫn có các Trường Đại học Y và Dược, trở lại gần giống như tên gọi tiền thân của nó năm 1961, để không làm mất đi thương hiệu, và nhiều trường, viện, bệnh viện, vv. khác nữa.
Với những lí do trên, việc nâng cấp Trường Đại học Y Dược TP. HCM thành một Đại học là một đòi hỏi của sự phát triển và hội nhập.
Dùng tên gọi nào là thích hợp?
Khi thành Đại học, tên tiếng Anh, theo thông lệ nhiều nước trên thế giới, có thể sẽ là "Vietnam National University of Health Scienses Ho Chi Minh City"; còn trong tên tiếng Việt, nếu chuyển "Health" thành "Sức khỏe" thì nghe không thuận tai đối với nhiều người. Và đây chính là lí do khiến dư luận phản đối.
Vậy thì còn có thể chuyển "Health" thành "Y tế" như hiện đang dùng trong tên gọi của Bộ Y tế - Ministry of Health và của Tổ chức Y tế thế giới - World Health Organization (WHO).
Cuối cùng tên tiếng Việt có thể tham khảo là"Đại học Y tế quốc gia TP Hồ Chí Minh".
Tùy theo quy hoạch của Nhà nước, nếu chỉ là một đại học vùng, tên gọi của nó sẽ là "University of Health Scienses Ho Chi Minh City" và "Đại học Y tế TP Hồ Chí Minh".
PHAN VĂN KHÔI
Theo baogiaothong
Chất lượng giáo dục đại học không đến từ cái tên! Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung 2018 có hiệu lực từ 1-7-2019 đã định nghĩa và giải thích rất chi tiết cho các vấn đề đang tranh cãi như đại học, trường đại học, học viện, đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, thậm chí cả khái niệm trường trong trường đại học. Chất lượng giáo dục không đến...