Các trường đại học chạy đua tuyển sinh sớm
Dù còn lâu nữa mới bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2020 nhưng thời điểm này, hàng chục trường ĐH lớn ở khu vực phía Nam đã công bố phương án tuyển sinh.
Ảnh minh họa
Mới đây, ĐHQG TP HCM đã công bố kế hoạch tuyển sinh. Đáng chú ý là chỉ tiêu dành cho thí sinh đậu vào trường này theo phương án thi năng lực tăng lên. Thậm chí trường này còn tổ chức nhiều kỳ thi năng lực để chọn lựa thí sinh. Dự kiến, sẽ có tới 50% số chỉ tiêu năm học 2020-2021 của trường này (gồm nhiều trường thành viên khác nhau) được xét tuyển qua kỳ thi năng lực. So với khoảng 3-4 năm trước, việc các thí sinh có điểm thi THPT quốc gia cao đã không còn là ưu tiên được xét tuyển vào ĐH nữa. Đặc biệt hơn nữa, có tới vài chục trường ĐH khác ở khu vực phía Nam gồm TP HCM hay các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng kết quả bài thi năng lực của ĐHQG TP HCM để làm phương án xét tuyển. Nghĩa là, các thí sinh không cần điểm thi THPT cao nhưng nếu có điểm thi năng lực cao thì vẫn dễ dàng vào được nhiều trường ĐH. Nhưng không chỉ có ĐHQG TP HCM mà nhiều trường khác như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… cũng cho biết sẽ sử dụng các kỳ thi năng lực cho trường tự tổ chức để chọn lựa thí sinh.
Ngoài việc đẩy mạnh việc tuyển sinh bằng phương án sử dụng điểm thi năng lực, theo công bố của nhiều trường thì năm học 2020-2021 các phương án tuyển sinh khác như sử dụng học bạ, tổ hợp hỗn hợp các điểm thi, điểm học bạ… cũng được sử dụng nhiều.
Có thể nói, việc các trường nghiêng về lựa chọn riêng, tự sử dụng các kỳ thi cũng như phương thức riêng mình để lựa chọn thí sinh đang là xu thế mới. Đây là một ưu điểm nhưng cũng tồn tại một số nhược điểm, nhất là chất lượng và tính công bằng, không tiêu cực trong việc thi và chấm bài thi năng lực.
Theo kế hoạch, kỳ thi THPT quốc gia 2020 là kỳ thi “2 trong 1″ khi kết quả các môn thi của nó được các trường ĐH sử dụng làm số liệu xét tuyển ĐH, CĐ. Các Sở GDĐT địa phương sử dụng xét tuyển tốt nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó vấn nạn tiêu cực và nội dung đề thi không phân loại được các lớp (trung bình, khá, giỏi…) thí sinh khiến cho kết quả điểm thi THPT đã không còn nhiều giá trị. Tất nhiên, các thí sinh vẫn buộc phải ôn thi để có kết quả tốt trong kỳ thi THPT này nhưng đây không phải là lựa chọn duy nhất. Dù không có điểm cao ở kỳ thi THPT này nhưng các em có điểm cao trong kỳ thi năng lực do các trường ĐH đưa ra thì vẫn dễ dàng đậu vào trường ĐH mình mong muốn.
Một chuyên gia giáo dục cho biết, sau gần chục năm tổ chức, kỳ thi THPT Quốc gia đã bộc lộ khá nhiều hạn chế. Nhiều trường ĐH không tin tưởng vào kết quả điểm thi khi có nhiều khâu có thể xảy ra tiêu cực. Nó dẫn tới tình trạng thí sinh điểm cao nhưng năng lực thực sự lại thấp. Vì thế, để đảm bảo chất lượng đầu vào (là thương hiệu của riêng trường), nhiều trường ĐH đã tự tổ chức các kỳ thi nhằm tìm kiếm các thí sinh phù hợp. Một số trường chưa đủ năng lực tổ chức kỳ thi đã sử dụng kết quả thi năng lực của trường khác, thay vì kết quả là điểm thi THPT…
Video đang HOT
Đoàn Xá
Theo daidoanket
Thi đánh giá năng lực có thật hiệu quả?
Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần nhắc nhở các trường ĐH không thể dựa mãi vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên, các trường tổ chức thi riêng có thực sự đạt được mục đích?
Các trường ĐH phải làm gì để thoát tình trạng hụt hẫng khi không thể dựa vào điểm thi THPT quốc gia? Luật Giáo dục ĐH (trước đây và cả trong Luật Sửa đổi, bổ sung 2018) đã quy định khá rõ: Trường ĐH có quyền quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Trong đó, luật cũng quy định: Phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Như vậy, xem ra tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) là lối thoát khả thi nhất hiện nay.
Tỉ lệ tuyển được thấp
Trong lộ trình tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi ĐGNL đã nở rộ lên trong kỳ tuyển sinh 2019 với số lượt thí sinh tham gia dự thi và xét tuyển khoảng 70.000, đứng thứ ba sau hai phương thức xét tuyển phổ biến nhất là dựa trên kết quả thi THPT quốc gia với gần 650.000 thí sinh và dựa trên học bạ THPT với khoảng 260.000 lượt thí sinh.
Thực chất của ĐGNL hiện nay là kỳ thi riêng của các trường ĐH phục vụ cho việc xét tuyển của chính trường đó hoặc cho cả một số trường khác chấp nhận dùng chung kết quả để xét tuyển. Ngoài những trường đã tổ chức kỳ thi ĐGNL từ nhiều năm trước đây như Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Hoa Sen, ĐHQG TP HCM và Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM), năm 2019 đã xuất hiện thêm các kỳ thi ĐGNL của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Công nghệ TP HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Yersin.
Việc tổ chức kỳ thi ĐGNL ở các trường thường được tổ chức làm nhiều đợt, có thể trước hoặc sau kỳ thi THPT quốc gia đã tạo thuận lợi cho nhiều thí sinh có thể tham gia dù chưa tốt nghiệp (khi trúng tuyển và làm thủ tục nhập học phải nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT). Thậm chí, vào giữa tháng 9-2019 khi mà nhiều trường ĐH đã khai giảng năm học mới thì Trường ĐH Yersin vẫn tổ chức thêm kỳ thi ĐGNL để tiếp tục xét tuyển thí sinh.
Hầu hết bài thi của kỳ thi ĐGNL đều theo hình thức trắc nghiệm, thậm chí có bài thi chỉ làm trong 60 phút nên kết quả được công bố rất nhanh sau khi thi, thuận tiện cho việc xét tuyển của trường.
Dù vậy, ngoại trừ kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM, gần như tất cả các kỳ thi ĐGNL của các trường khác chỉ thu hút được số lượng thí sinh tham gia không nhiều, dù thi nhiều đợt nhưng số thí sinh tham gia kỳ thi ĐGNL của một số trường cũng chỉ vài trăm và tỉ lệ nhập học theo phương thức kết quả ĐGNL rất thấp.
Thí sinh thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP HCM . Ảnh: TẤN THẠNH
Tương lai ra sao?
Kỳ thi ĐGNL năm 2019 của ĐHQG TP HCM được đánh giá là thành công nhất với tổng số thí sinh đăng ký cả hai đợt lên đến hơn 50.000. Kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM được 33 trường sử dụng để xét tuyển (9 đơn vị trong ĐHQG TP HCM và 24 trường ngoài ĐHQG TP HCM).
Kỳ thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội được tổ chức tại 7 tỉnh, thành phố trong 2 năm 2015 và 2016 với khoảng 70.000 thí sinh tham gia mỗi năm và có 5 trường ngoài ĐHQG Hà Nội sử dụng chung kết quả để xét tuyển. Thế nhưng, năm 2017, ĐHQG Hà Nội đột ngột dừng tổ chức kỳ thi riêng này với lý do khá mơ hồ là đổi mới trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản gần với định hướng, triết lý của đổi mới tuyển sinh ở bài thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng tổ chức được 1 lần thi ĐGNL vào kỳ tuyển sinh 2017 nhưng không tiếp tục tổ chức thi ĐGNL ở những năm tiếp theo.
Dù có thời gian chuẩn bị khá dài trước đó nhưng kỳ thi ĐGNL năm 2015 của Trường ĐH Luật TP HCM bị hủy bỏ vào phút chót và chỉ thực hiện từ năm 2016. Nhưng sau 4 năm thực hiện, tại Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh 2019 và thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi, lãnh đạo Trường ĐH Luật TP HCM cho biết sẽ xem xét lại đề án tự chủ tuyển sinh của trường vì làm vậy là tự trói chân mình, quy trình tuyển sinh qua nhiều công đoạn như hiện nay là quá phức tạp với thí sinh.
Muốn trúng tuyển Trường ĐH Luật TP HCM bắt buộc phải tham gia kỳ kiểm tra năng lực của trường nhưng trước đó vẫn phải xét từ kết quả học bạ, sau đó xét tiếp đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trong kỳ tuyển sinh 2019, Trường ĐH Luật TP HCM có hơn 11.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhưng chỉ có 3.800 thí sinh vượt qua sơ tuyển về học bạ và điểm thi THPT quốc gia, chỉ có hơn 2.800 thí sinh đến dự kỳ thi ĐGNL được tổ chức duy nhất tại TP HCM để xét tuyển cho 1.600 chỉ tiêu.
Nhiều chuyên gia nhận định kỳ thi ĐGNL ở một số trường vẫn mang nặng ý nghĩa tạo thêm nguồn tuyển sinh hơn là để tuyển thí sinh giỏi và đôi khi để "lách luật" quy định điểm ngưỡng xét tuyển cho các ngành đặc thù (y, dược và sư phạm).
Như vậy, dù mô hình và cách thức tổ chức thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM năm 2019 có thể nhân rộng hơn trong kỳ tuyển sinh năm 2020 sắp tới, song rõ ràng việc tổ chức kỳ thi ĐGNL làm cơ sở chủ yếu để xét tuyển vào các trường ĐH có thể còn là vấn đề của nhiều năm nữa.
Chủ yếu để thăm dò
Thống kê cho thấy thí sinh tham gia kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM phần lớn là học sinh các trường THPT chuyên và các trường THPT có kết quả thi THPT quốc gia cao ở những năm trước, do vậy kết quả điểm thi ĐGNL nhìn chung cũng khá cao. Tuy nhiên, cũng ghi nhận được trong đợt thi ĐGNL thứ hai được tổ chức sau kỳ thi THPT quốc gia và trước khi các trường ĐH xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia có đến 50% thí sinh của đợt thi thứ 2 đã tham gia đợt thi thứ nhất. Điều này cho thấy kỳ thi vẫn còn mang tính chất "thăm dò", thí sinh tìm thêm cơ hội bên cạnh phương thức xét tuyển vẫn được chọn lựa chủ yếu là xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia.
TS Nguyễn Đức Nghĩa
Theo nguoilaodong
Nhiều trường đại học tuyển sinh bổ sung khối ngành sức khỏe ĐH Điều dưỡng Nam Định, ĐH Nguyễn Tất Thành và nhiều trường khác thông báo tuyển sinh bổ sung các ngành thuộc khối sức khỏe. ĐH Điều dưỡng Nam Định dự kiến tuyển sinh bổ sung 174 chỉ tiêu cho ngành Điều dưỡng, 47 chỉ tiêu ngành Hộ sinh, 14 chỉ tiêu ngành Dinh dưỡng và 18 chỉ tiêu ngành Y tế Công...