Các trường cố tình lờ công khai học phí
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2011 các trường đại học, nhất là các trường ngoài công lập, phải thực hiện công khai học phí trước thời điểm tuyển sinh trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ (Những điều cần biết) hoặc trên website để thí sinh biết rõ thông tin. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2012, các trường đã cố tình lờ luôn vấn đề công khai này nên thí sinh hoàn toàn mù tịt thông tin học phí.
Giấu thông tin học phí
Thông tư số 09/2009 (thực hiện “3 công khai”) của Bộ GD-ĐT về thực hiện quy chế công khai của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân quy định: các cơ sở giáo dục đại học phải công khai tài chính trước thời điểm tuyển sinh.
Trong đó, những thông tin quan trọng mà Bộ GD-ĐT chỉ rõ các trường phải công khai là: học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học; mức học phí dự kiến cho cả khóa học; chính sách miễn giảm học phí, học bổng và trợ cấp… Quy định này cũng yêu cầu “các trường phải công khai học phí trong cuốn Những điều cần biết trong kỳ tuyển sinh năm 2011″.
Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2012 việc thí sinh tìm thông tin về học phí của một trường trên website cũng như trong cuốn Những điều cần biết là rất khó khăn. Đáng quan tâm nhất là thông tin về học phí ở các trường ngoài công lập, bởi lẽ học phí ở nhóm trường này “nhảy múa” liên tục.
Vào mục thông tin tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT lẫn website của trường chúng tôi tìm mỏi mắt cũng không ra thông tin về học phí của trường này. Ngay cả trong cuốn Những điều cần biết do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới phát hành ngày 19-3, thông tin về trường này chỉ vỏn vẹn gồm tên ngành, mã ngành, khối thi và chỉ tiêu. Hàng loạt trường khác như ĐH Tây Đô, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Quốc tế Miền Đông… cũng không thực hiện việc công khai học phí.
Đáng nói nhất là những trường ngoài công lập, có mức học phí cao ngất ngưỡng như ĐH Tân Tạo, ĐH Hoa Sen, ĐH FPT… cũng giấu nhẹm thông tin học phí.
Tương tự, khối các trường công lập được thí điểm thực hiện tự chủ tài chính như ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Mở… có mức học phí cao hơn nhiều lần so với học phí các trường công lập nhưng thí sinh hoàn toàn không được biết thông tin này.
Những hệ lụy
Video đang HOT
Theo Bộ GD-ĐT, các trường phải thực hiện công khai học phí nhằm giúp người dân, thí sinh biết để lựa chọn trường thi, học. Nếu không công khai trong cuốn Những điều cần biết, các trường phải có trách nhiệm công khai trên website của trường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trên website của các trường, mục công khai học phí để người học tham khảo vẫn không có.
Học phí luôn là vấn đề “hóc búa” đối với nhiều sinh viên. Trong ảnh: SV ĐH Y Dược TPHCM tra cứu tài liệu học tập.
Đại diện một trường ĐH tại TPHCM cho biết: “Vấn đề học phí đúng là chuyện tế nhị nhưng không vì thế mà các trường bỏ qua công đoạn này trong mùa tuyển sinh. Nếu các trường công khai học phí, các khoản thu thí sinh sẽ yên tâm hơn để quyết định chọn thi hay đăng ký xét tuyển vào trường mình yêu thích”.
Thực tế cho thấy, việc minh bạch học phí và lệ phí không chỉ vì quyền lợi của thí sinh, giúp thí sinh tính toán chọn trường phụ hợp với điều kiện kinh tế gia đình mà còn giữ được hình ảnh, uy tín của các trường. Nếu cơ sở đào tạo nào thực hiện tốt công tác này người học sẽ yên tâm và thực hiện tốt sự thỏa thuận giữa quyền lợi và nghĩa vụ với nhà trường. Ngược lại, nếu trường nào thiếu minh bạch về vấn đề “đầu tiên” thì thường đối mặt với nhiều rắc rối sau này.
Minh chứng cho điều này là kết thúc mùa tuyển sinh 2011, nhiều thí sinh khi làm thủ tục nhập học tại một số trường công lập tự chủ tài chính đã nghẹn ngào xếp lại giấc mơ đại học chỉ vì học phí đến mười mấy triệu đồng mỗi năm. Nhiều sinh viên đậu vào các trường đại học ngoài công lập với mức học phí “khủng” đã phải nghỉ học giữa chừng vì chưa đầy 2 năm nhà trường đã tăng học phí đến 2 lần (mỗi lần tăng thêm 2 triệu đồng).
Đáng báo động hơn, cũng vì quá sốc với những lý do tăng học phí của nhà trường mà sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã kịch liệt phản ứng với lãnh đạo nhà trường…
Trao đổi về vấn đề công khai học phí, đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Đúng là trong cuốn Những điều cần biết và thông tin trên website nhiều trường còn bỏ sót và không thực hiện nghiêm việc công khai này. Do đó, với những trường chưa thực hiện việc công khai học phí, Bộ GD-ĐT sẽ có công văn nhắc nhở thực hiện nghiêm nhằm giúp thí sinh có đầy đủ thông tin khi chọn trường để thi”.
Theo SGGP
Nhiều trường ráo riết tăng chỉ tiêu
Việc đăng ký chỉ tiêu chủ yếu dựa vào bài toán thu chi của các trường và sở thích của thí sinh hơn là năng lực đào tạo, nhiệm vụ và định hướng phát triển của trường hay nhu cầu xã hội.
Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố thông tin về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012. Điều đáng nói là hầu hết các trường ĐH ngoài công lập và trường ĐH tự chủ tài chính đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều trường tăng 2-3 lần so với năm 2011.
Chỉ tiêu tăng chóng mặt
Những trường có chỉ tiêu tăng vọt so với năm 2011 gồm: ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (từ 2.450 lên 4.800 chỉ tiêu, tăng 2.350), ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM (từ 3.900 lên 5.600 chỉ tiêu, tăng 1.700; riêng hệ CĐ tăng 1.400), ĐH Tài chính - Marketing (từ 2.800 lên 4.000 chỉ tiêu, tăng 1.200; riêng hệ ĐH tăng 1.000), ĐH Hoa Sen (từ 2.060 lên 2.760 chỉ tiêu, tăng 700), ĐH Công nghiệp TPHCM (từ 8.500 lên 10.000 chỉ tiêu, tăng 1.500).
Các trường CĐ cũng tăng chỉ tiêu chóng mặt. Trong đó, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn từ 1.500 tăng lên đến 3.000 chỉ tiêu, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật miền Nam từ 750 lên 1.500 chỉ tiêu...
Điều đáng nói là nhiều trường chưa đáp ứng điều kiện thành lập và bị đình chỉ tuyển sinh một số ngành nhưng vẫn tiếp tục tăng chỉ tiêu. Trong đó, Trường ĐH Nguyễn Trãi, dù bị đình chỉ 2 ngành học nhưng vẫn tuyển 1.100 chỉ tiêu (tăng 800). Tương tự, Trường ĐH Lương Thế Vinh bị đình chỉ 4 ngành nhưng vẫn tuyển 1.000 chỉ tiêu hệ ĐH (chỉ giảm 100), Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng bị đình chỉ 2 ngành vẫn tuyển 1.200 chỉ tiêu (giảm 200)...
Có theo tiêu chí?
Theo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ và TCCN của Bộ GD-T, tỉ lệ sinh viên chính quy/giảng viên của các trường ĐH không được vượt quá 25, CĐ không vượt quá 30 (đối với các nhóm trường khác như y-dược: hệ ĐH 15, hệ CĐ 20; nghệ thuật, thể dục thể thao: hệ ĐH 10, CĐ 15). Về diện tích sàn xây dựng, đối với các ĐH, học viện, viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ, CĐ, bình quân một sinh viên không thấp hơn 2 m2.
Tuy nhiên, các trường có xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên những tiêu chí này một cách chính xác không? Theo kết luận của Bộ GD-ĐT về việc kiểm tra cam kết thành lập trường năm 2011, nhiều trường chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Trong đó, Trường ĐH Tài chính Marketing có 9.343 sinh viên nhưng chỉ có 184 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn (tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn là 50,8). Tỉ lệ ở Trường ĐH Hoa Sen là 38,6 (7.400 - 192), Trường ĐH Chu Văn An 33,5 (2.577 - 77), Trường ĐH Hòa Bình 46,5 (3.233 - 90)...
Nhiều trường chưa có diện tích sàn xây dựng, cơ sở hoàn toàn phải thuê mướn, như ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An... Nhiều trường diện tích sàn xây dựng chưa đạt so với quy định, như: ĐH Hoa Sen (0,8 m/sinh viên), ĐH Tài chính Marketing (1,07 m), ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (1,44 m), ĐH Lương Thế Vinh (1,77 m)...
Như vậy, trong thời điểm mà Bộ GD-ĐT kiểm tra (tháng 12/2011), nhiều trường ĐH vẫn chưa đạt các tiêu chí như quy định nhưng chỉ sau một thời gian ngắn vẫn tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ tại Sở GD-ĐT TPHCM
Kẽ hở tự đăng ký?
Một chuyên gia về giáo dục ĐH phân tích nguyên nhân nhiều trường tăng chỉ tiêu "khủng" có thể do các năm trước Bộ GD-ĐT xác định chỉ tiêu không đúng năng lực của các trường hoặc do các trường có sự phát triển vượt bậc về đội ngũ, cơ sở vật chất. Song, nếu các năm trước, Bộ GD-ĐT xác định không đúng chỉ tiêu so với năng lực đào tạo thì các trường đã khiếu nại. Lý do thứ 2 càng khó thực tế, bởi chỉ trong vài tháng thì làm sao các trường trên cùng địa bàn có thể đồng loạt phát triển đội ngũ "khủng" như vậy?
Cũng theo chuyên gia này, việc Bộ GD-ĐT quy định các trường tự đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh có thể đã tạo kẽ hở để tăng chỉ tiêu (?). Dường như việc đăng ký chủ yếu dựa vào bài toán thu chi của các trường, vào sở thích của thí sinh hơn là dựa trên năng lực đào tạo, nhiệm vụ và định hướng phát triển của trường cũng như nhu cầu xã hội. Dù đã có quy định về việc hậu kiểm nhưng khi xảy ra sai phạm thì trách nhiệm ở vài cá nhân không thể đánh đổi cho sự thiệt thòi của người học và những hiệu ứng xấu với xã hội.
Theo NLĐ
Bộ GD-ĐT công bố toàn cảnh đổi mới tuyển sinh năm 2012 Chiều qua 24/2, Bộ GD-ĐT chính thức công bố những sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh hệ chính quy năm 2012. Theo đó, hàng loạt đổi mới đều thuận lợi cho thí sinh và các trường. Thí sinh cần theo dõi kỹ những thông tin đổi mới tuyển sinh năm 2012. Cụ thể, những điểm mới của tuyển sinh năm 2012...