Các trường bắt đầu lựa chọn sách giáo khoa cho chương trình mới
Việc thiếu thông tin, chậm công khai giá, chưa được tiếp cận với đầy đủ các bộ sách đang khiến giáo viên, các cơ sở giáo dục lo lắng
Bộ GD-ĐT đã chính thức giao việc chọn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai trong năm học 2020-2021 cho các trường quyết định. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin, chậm công khai giá, chưa được tiếp cận với đầy đủ các bộ sách đang khiến giáo viên, các cơ sở giáo dục lo lắng khó đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng trong việc chọn sách giáo khoa lớp 1 mới.
Sách giáo khoa Cánh Diều là bộ sách đầu tiên có đầy đủ 9 cuốn sách dành cho 8 môn học trong nhà trường.
Trong thời gian học sinh nghỉ học phòng tránh dịch bệnh Covid-19, nhiều trường đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu 32 cuốn sách trong 5 bộ sách giáo khoa mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Được trao quyền chọn sách, được lựa chọn những gì phù hợp với học sinh của trường nên không khí trong các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn ở các trường tiểu học của Hà Nội đều rất nghiêm túc, sôi nổi. Việc thảo luận để tìm ra những ưu điểm, nhược điểm của từng bộ sách được các trường coi là bước trong quan trọng đầu tiên trong quy trình chọn sách. Các giáo viên phải tìm hiểu hết 32 cuốn sách, tổ lựa chọn của trường có ít nhất 11 thành viên tham gia.
Bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Kiến Hưng, quận Hà Đông cho biết: “Ban Giám hiệu chúng tôi đã lựa chọn những đồng chí khối trưởng, các đồng chí đang dạy lớp 1 và những đồng chí dự kiến dạy lớp 1 để tham gia chọn sách. Chúng tôi chia ra từng tổ, nhóm để lựa chọn. Sách Nhà xuất bản Giáo dục 4 bộ, sách Cánh Diều 1 bộ. Sách Cánh Diều chúng tôi chia sẻ cho nhau trên đường link để tìm hiểu và tham khảo, còn 4 bộ sách kia chúng tôi phân chia nhau lên lịch cụ thể từng người nghiên cứu, sau đấy sẽ tổng hợp các ý kiến. Chúng tôi phát phiếu đánh giá theo tiêu chí từng bộ sách”.
Trao quyền chọn sách càng khiến các cán bộ, giáo viên có trách nhiệm hơn đối với việc dạy và học thời gian tới. Trao đổi với phóng viên VOV, hầu hết các giáo viên đều lo lắng vẫn thiếu các bản mẫu sách, thiếu sách giáo khoa cho công tác giảng dạy. Cô Đỗ Thị Hoàng Mai, giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: “Tính tới nay chúng tôi đã nhận được 4 bộ sách đầy đủ và 1 bộ sách chưa thực sự đầy đủ. 2 bộ sách là chúng tôi được nghiên cứu qua sách giáo khoa điện tử. Tôi nghĩ đấy cũng là việc khó khăn. Ngoài các đầu sách chính, chúng tôi chưa được nhận các đầu sách tham khảo đồng hành cùng với đầu sách chính. Chúng tôi phải soạn bài, thiết kế bài giảng để làm sao cho phù hợp với học sinh thì sách giáo viên là sách mà chúng tôi có thể bám sát vào đấy và tổ chức các hoạt động theo đúng định hướng của người viết sách”.
Ngoài thiếu bản mẫu sách, thiếu sách giáo viên thì quy định thời gian hoàn thành việc chọn sách giáo khoa chỉ hơn 1 tháng cũng gây khó khăn cho các trường. Sau khi chọn được sách giáo khoa, các trường sẽ phải tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn giáo viên sử dụng sách giáo khoa. Theo dự kiến ban đầu, việc bồi dưỡng cho giáo viên sẽ được sắp xếp phù hợp nhất vào thời gian nghỉ hè. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể bị ảnh hưởng bởi thực tế các mốc thời gian năm học 2019-2020 hiện đã được lùi lại do học sinh toàn quốc đã và tiếp tục phải nghỉ học do dịch bệnh Covid-19.
Video đang HOT
Ông Lê Tiến Thành, Hiệu trường trường Thực nghiệm Victory Hà Nội nêu ý kiến: “Có được bộ sách là điều quan trọng, nhưng không quan trọng bằng bồi dưỡng để dạy sách đó như thế nào. Thành bại hay không thì ở mặt trận thực tiễn kia, chứ còn nếu sách chỉ đạt được 30%. Tôi nghĩ 70% phải là giáo viên”.
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, trước ngày 15/2/2020, các nhà xuất bản phải cung cấp thông tin, công bố giá sách giáo khoa lớp 1 mới. Tuy nhiên, đến nay đã qua thời hạn nhưng vẫn chưa có bất cứ nhà xuất bản nào công bố. Việc thiếu thông tin, chậm công khai giá, chưa được tiếp cận với đầy đủ các bộ sách đang khiến giáo viên, các cơ sở giáo dục lo lắng khó đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng trong việc chọn sách giáo khoa lớp 1 mới./.
Theo VOV
Ban phụ huynh thì biết gì mà tham gia chọn sách giáo khoa?
Đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại thì không có con trực tiếp học sách thì làm sao có tinh thần trách nhiệm cao khi nghiên cứu và bỏ phiếu.
Việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn tại Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020.
Theo đó, nhà trường sẽ chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì các trường sẽ lựa chọn sách giáo khoa nhưng kể từ tháng 7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì quyền lựa chọn sách lại thuộc về các Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố).
Vì vậy, năm học 2020-2021 tới đây là các trường lựa chọn sách theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT.
Đại diện phụ huynh sẽ gặp khó khi tham gia chọn sách giáo khoa mới (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Theo Thông tư, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông (hiệu trưởng) thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa. Mỗi trường thành lập 1 hội đồng. Đối với trường có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm người đứng đầu, cấp phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.
Việc cử đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục vào hội đồng là hoàn toàn hợp lý nhưng thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh vào thành phần hội đồng chọn sách giáo khoa là điều khiến lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục thấy vô lý.
Liên quan đến câu chuyện chọn sách giáo khoa, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với một số hiệu trưởng và được biết các trường đang gặp khó khăn vì đến nay vẫn chưa được tiếp cận đủ 5 bộ sách để đọc.
Một hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) cho biết, đến cuối tháng 3, nhà trường phải báo cáo bộ sách lựa chọn nhưng hiện nhà trường chưa được tiếp cận đầy đủ các bản mẫu sách giáo khoa để mua rồi phát cho giáo viên và các thành viên có trong hội đồng trong khi giáo viên khối 1 thì đông nên việc luân chuyển rất lâu.
Còn đọc qua bản điện tử thì không khả thi vì số lượng sách nhiều mà thời gian nhìn trên máy tính quá lâu thì giáo viên khó tập trung.
"Giáo viên đọc sách giáo khoa mà có chi tiết phải nghiên cứu đi nghiên cứu lại, huống chi đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải ai cũng có đủ chuyên môn, thời gian để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn. Thẳng thắn mà nói, thành phần này trong Hội đồng chẳng khác gì "bù nhìn", vị này nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, hiệu trưởng một trường ở vùng sâu, vùng xa tâm sự: "Hiện tại, các trường chưa tuyển sinh nên không thể cử đại diện phụ huynh là cha mẹ học sinh lớp 1 sắp tới.
Còn đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại thì lại không có con trực tiếp học sách thì làm sao có tinh thần trách nhiệm cao khi nghiên cứu và bỏ phiếu.
Nhưng để thực hiện đúng theo Thông tư thì trường tôi sẽ đưa đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp 1 hiện tại vào Hội đồng chọn sách giáo khoa vì không còn sự lựa chọn nào khác".
Rõ ràng, qua trao đổi cho thấy, cơ sở giáo dục đang gặp rắc rối trong quá trình chọn lựa sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021. Trong khi đó, trước khi Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT được ban hành ngày 30/01/2020 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến trong thời gian 2 tháng.
Ngay sau khi có dự thảo, lắng nghe ý kiến chuyên gia, cơ sở giáo dục, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết góp ý cho nội dung này trong dự thảo và đã chỉ rõ những bất cập trong thành viên của Hội đồng chọn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, khi Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa được ban hành thì những bất cập mà các nhà trường chỉ ra vẫn chưa khắc phục được.
Thanh Sơn
Theo giaoduc.net
Lựa chọn sách giáo khoa phù hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa ban hành thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực từ ngày 15-3 tới. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương, các trường lựa chọn SGK chuẩn bị áp dụng chương trình mới vào dạy...