Các trung tâm ngoại ngữ phải có cam kết và tiêu chí về chuẩn đầu ra cho học viên
Hiện nay các trung tâm đào tạo ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đang hoạt động khá sôi nổi với hơn 80.000 học viên đang theo học. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn, nhất là trong việc phối hợp với các nhà trường.
Chiều 1/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo ngoại ngữ năm học 2019 – 2020. Hội nghị cũng đã tập trung bàn đến nhiều vấn đề đang vướng mắc trong quá trình hoạt động dạy ngoại ngữ ở các trung tâm tiếng Anh hiện nay.
Nhiều băn khoăn khi triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường
Chủ trương tăng cường tiếng Anh đã được triển khai tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong vài năm trở lại đây. Riêng trong năm học này, chương trình được triển khai khá rộng rãi tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Vinh, huyện Đô Lương và một số địa phương khác với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh ở các nhà trường.
Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu và giám đốc, phó giám đốc các trung tâm ngoại ngữ và lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo ở 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà
Liên quan đến chương trình tiếng Anh tăng cường, hiện nay các trường học trên địa bàn đều liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để tổ chức dạy học ngoài giờ chính khóa. Về phía các trung tâm cũng cần có cam kết đầu ra theo chuẩn chất lượng đào tạo.
Về vấn đề này, tại hội nghị, một số đại biểu còn băn khoăn về quá trình triển khai như: chưa rõ về nội dung chương trình tăng cường, việc triển khai học phí giữa các trung tâm còn chưa thống nhất. Đại diện một trung tâm Anh ngữ ở huyện Đô Lương thì lo ngại khi “qua kiểm tra đầu vào chất lượng tiếng Anh của học sinh tại 7, trường THCS trên địa bàn huyện còn nhiều chênh lệch. Vì thế, việc cam kết cùng một chuẩn đầu ra gặp nhiều khó khăn”.
Qua ý kiến thảo luận của các trung tâm Anh ngữ, ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Việc triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường tại các nhà trường được thực hiện trên cơ sở ký kết giữa nhà trường và trung tâm ngoại ngữ. Trong đó, các chương trình dạy học phải căn cứ vào những chương trình đã được phê duyệt và phải có cam kết đầu ra theo các mức của khung năng lực ngoại ngữ quốc tế.
Video đang HOT
Một tiết học tiếng Anh tăng cường trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà.
Để chương trình triển khai hiệu quả, quá trình ký kết phải có sự thỏa thuận rõ ràng giữa phụ huynh và nhà trường nhằm nâng cao trách nhiệm của hai bên trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các trung tâm cũng phải có trách nhiệm với mục tiêu lớn nhất là đem đến chất lượng cho học sinh.
Về kinh phí cho chương trình tiếng Anh tăng cường hiện nay nhiều ý kiến cho rằng mức thu cũ không còn phù hợp. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang khảo sát, lấy ý kiến của các trung tâm để trên cơ sở đó xây dựng mức thu học phí hợp lý trình UBND tỉnh và có sự thống nhất trong toàn tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý với các trung tâm ngoại ngữ
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 142 trung tâm ngoại ngữ, phân bố ở 19 huyện, thành, thị và tập trung nhiều nhất ở thành phố Vinh (65 đơn vị). Trong đó, có 23 trung tâm có giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy.
Đại diện Trung tâm Anh ngữ ở huyện Đô Lương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà.
Trong những năm qua, hoạt động của các trung tâm thực hiện khá nghiêm túc, đúng quy định và cơ bản đáp ứng được nhu cầu về người học. Tính từ tháng 1/1/2019 đến nay đã tổ chức được hơn 7.000 lớp với gần 82.000 học viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động ở các trung tâm ngoại ngữ vẫn còn một số khó khăn, bất cập như một số trung tâm việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa mang tính chiến lược lâu dài. Một số đơn vị chưa nghiêm trong việc thực hiện chương trình của giáo viên, sinh hoạt chuyên môn ít hoặc sử dụng giáo viên không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, đặc biệt là giáo viên người nước ngoài. Việc thanh, kiểm tra chưa thật sự kịp thời dẫn đến một số đơn vị tổ chức hoạt động trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa đánh giá cao về hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trong thời gian qua.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động ở các trung tâm ngoại ngữ, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trung tâm phải công khai hoạt động trên website của Sở Giáo dục và Đào tạo và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các cơ sở giáo dục lựa chọn, giám sát.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa tặng Giấy khen cho các đơn vị làm tốt công tác dạy và học ngoại ngữ. Ảnh: Mỹ Hà
Sở cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để tăng cường quản lý Nhà nước một cách toàn diện đối với các trung tâm ngoại ngữ, đặc biệt là chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Sở cũng yêu cầu các trung tâm cần tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ năng lực chuyên môn, tổ chức các hội thảo để đổi mới, sáng tạo việc dạy và học và xem đây là động lực để phát triển hiệu quả, phát huy thương hiệu và uy tín của các trung tâm.
Dịp này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã tặng Giấy khen cho 10 trung tâm có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ trên địa bàn.
Cân nhắc khi lựa chọn trung tâm tiếng Anh cho trẻ
Cho trẻ tiếp cận với ngoại ngữ từ sớm là hướng đi đúng và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay của các gia đình.
Tuy nhiên, tiếp cận như thế nào, mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn ra sao, lựa chọn trung tâm như thế nào để trẻ đạt được kết quả tốt nhất cho mỗi lứa tuổi và cả tương lai lâu dài thì không hẳn ai cũng biết. Vì vậy, xung quanh chuyện cho trẻ học ngoại ngữ có lắm nỗi bi hài với cả phụ huynh lẫn học sinh. Thậm chí, nắm được nỗi khát khao của các gia đình, nhiều trung tâm ngoại ngữ còn sẵn sàng giở trò bịp bợm.
Tiết học tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ Vietlink (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) (ảnh minh họa).
Mong muốn và hy vọng con em mình giỏi ngoại ngữ để giúp ích cho cuộc sống tương lai có lẽ là tâm lý chung của hầu hết các bậc phụ huynh. Vì vậy, dù kinh tế khá giả hay eo hẹp, các gia đình cũng tìm mọi cách cho con em mình theo học ngoại ngữ tại các trung tâm uy tín, bất kể mức học phí có cao đến đâu. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện trên địa bàn tỉnh có 120 trung tâm ngoại ngữ, tin học được cấp phép hoạt động, trong đó có 5 trung tâm ngoại ngữ - tin học và 115 trung tâm ngoại ngữ (4 trung tâm dạy tiếng Nhật, 3 trung tâm dạy tiếng Trung Quốc, 1 trung tâm dạy tiếng Hàn, 8 trung tâm dạy nhiều ngoại ngữ và 99 trung tâm dạy tiếng Anh). Và, để cạnh tranh, các trung tâm đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi học phí; thuê giáo viên người bản xứ đứng lớp; đẩy mạnh quảng cáo về chương trình học ưu việt, hấp dẫn... Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy của các trung tâm có bảo đảm đúng như quảng cáo hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Đặc biệt, để có thể biết được trình độ của giáo viên tại các trung tâm như thế nào, có đạt chuẩn hay không là điều không hề dễ đối với các bậc phụ huynh. Tất cả chỉ căn cứ vào những gì trung tâm giới thiệu, quảng cáo...
Trung tâm Ngoại ngữ Vietlink có địa chỉ tại số 03, đường Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) được cấp phép hoạt động từ tháng 2-2017. Ngay sau khi được cấp phép hoạt động trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh, các lớp học được mở từ thứ 2 đến chủ nhật hàng tuần. Trong đó, các ngày thứ trong tuần, lớp học được tổ chức vào thời gian từ 17h30 đến 21h30 (2 ca), riêng thứ 7 và chủ nhật học cả ngày. Theo chị Nguyễn Thu Hương, cố vấn chuyên môn Trung tâm Ngoại ngữ Vietlink, hiện trung tâm đang có 500 học viên theo học, phần lớn các học viên học với thời gian 1 năm/1 khóa học, thời lượng 8 buổi/tháng. Kinh phí cho toàn khóa học từ 8 đến 10 triệu đồng, tùy thuộc vào giáo viên người nước ngoài giảng dạy 50 đến 100% số buổi học. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh mở các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tại chỗ nếu có các cơ quan, đơn vị có nhu cầu...
Có thể thấy, mặc dù số tiền cho một khóa học không hề nhỏ, nhưng với tâm lý mong muốn con mình sớm được tiếp cận môn tiếng Anh, hỗ trợ môn học này cho con trong nhà trường nên nhiều phụ huynh vẫn cho con theo học tại các trung tâm mà không hề biết chất lượng, kiến thức của con thu nhận được có chuẩn hay không?. Đề cập vấn đề này, đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Văn Hoa cho biết: Sự ra đời và đi vào hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ cho người học, đặc biệt là đối tượng học sinh phổ thông. Qua đó, giúp cho các em phát triển tốt năng lực bản thân, tự tin năng động trong giao tiếp, sáng tạo trong hoạt động và học tập. Tiềm năng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay là rất lớn, vì vậy, việc hình thành và phát triển các trung tâm ngoại ngữ là cần thiết. Hiện, những trung tâm được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động tương đối tốt, tuy nhiên, không thể buông lỏng quản lý hoạt động của các trung tâm này, bởi ngoài những mặt tích cực, các trung tâm cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần phải chấn chỉnh để nâng cao chất lượng giảng dạy. Và, để quản lý tốt, sự nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ mà cần sự quan tâm vào cuộc của các ngành, các cấp chính quyền.
Để tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm, đơn vị trên, thời gian qua Sở GD&ĐT đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các đơn vị hoạt động trái quy định, như: Tổ chức hoạt động giáo dục khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng; thực hiện liên kết đào tạo, bồi dưỡng với các cơ sở giáo dục công lập không đúng quy định... Trong năm 2018 và 2019, qua công tác thanh, kiểm tra Sở GD&ĐT đã quyết định đình chỉ hoạt động 3 tổ chức, cá nhân tự ý thành lập và dạy ngoại ngữ trái quy định, gồm: Công ty GD&ĐT Tân Sinh (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), Trung tâm Ngoại ngữ APPLE (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa), Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa); lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với Trung tâm Anh ngữ Unike (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) với các vi phạm treo biển hiệu không đúng quy định, sử dụng giáo viên người nước ngoài trái quy định...
Mặc dù Sở GD&ĐT đã tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ nhưng đến nay vẫn chưa có một "thước đo" chuẩn nào trong việc đánh giá chất lượng của các trung tâm. Thiết nghĩ, để tạo lập một môi trường dạy và học ngoại ngữ thực sự hiệu quả, thiết thực ở các trung tâm, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh, kiểm tra; thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các trung tâm trong việc chấp hành các quy định về tổ chức, hoạt động chuyên môn. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh hãy cân nhắc khi lựa chọn các trung tâm ngoại ngữ có uy tín để giúp con học tập mang lại hiệu quả thiết thực!
Bài và ảnh: Phan Nga
Theo baothanhhoa
Những nữ thủ khoa giàu nghị lực Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi niềm riêng khó nói hết thành lời. Nhưng bằng nghị lực, quyết tâm và đam mê học tập, những nữ thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 đã luôn nỗ lực vượt khó để vươn lên trong cuộc sống. Thủ...