Các thuyền viên tàu Hoa Sen kêu cứu
Thiếu lương thực, nước ngọt, nhiên liệu và bị cô lập với bên ngoài… Đó là hoàn cảnh khốn khó của các thuyền viên trên tàu Hoa Sen (thuộc công ty Vinashinlines) đang neo đậu tại Trung Quốc kêu cứu về Việt Nam để mong nhận được sự hỗ trợ.
Phản ánh tới Dân trí, các thuyền viên tàu Hoa Sen cho biết họ đã làm việc tại Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) được 14 tháng, có những người là 18 tháng, nhưng mới chỉ được nhận duy nhất 1 tháng lương.
“Công ty không gửi tiền ăn cho tàu, anh em phải húp cháo và ăn mì tôm hàng tuần liền, một số anh em thuyền viên nhờ người nhà gửi tiền sang cho vay để ăn tạm. Thiếu nhiên liệu (máy phát điện chỉ chạy theo giờ để nấu cơm), thiếu nước ngọt, thiếu tiền ăn, thiếu sự quan tâm từ công ty, điều kiện thời tiết thì khắc nghiệt (mùa hè thì rất nóng và mùa đông nhiệt độ xuống âm độ), đặc biệt do tàu neo đậu rất xa bờ nên chúng tôi luôn bị cô lập với thế giới bên ngoài…” – các thuyền viên nói về hoàn cảnh sống hiện tại.
Do tàu neo đậu ở xa nên các thuyền viên như bị cô lập với bên ngoài
Cũng phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên các thuyền viên trên tàu Hoa Sen gửi lời kêu cứu về Việt Nam. Lí do kêu cứu nhiều lần được các thuyền viên nhấn mạnh vì suốt thời gian hơn 1 năm qua phải sống và làm việc trong điều kiện hết sức tồi tệ, nhưng công ty lại thiếu trách nhiệm và không quan tâm tới anh em thuyền viên đang ở nơi xa xứ.
Video đang HOT
“24 Tết năm 2011 chúng tôi nhận công tác lên tàu đi Trung Quốc, nhưng trong lúc khó khăn nhất, lúc chúng tôi cần công ty nhất thì Phó Tổng Giám đốc công ty gửi mail sang cho tàu hồi tháng 9/2012 với nội dung biết anh em gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty không có nguồn thu nào nên không thể giúp được anh em. Chúc anh em tai qua nạn khỏi. Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn đề nghị công ty thay người nhưng hầu như không nhận được hồi âm, hoăc chỉ là những lời hứa suông. Một số lãnh đạo công ty trả lời anh em cố gắng ở lại tàu khi nào bán được và về thì sẽ trả đủ lương.” – các thuyền viên cho hay.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quế Dương – Tổng Giám đốc Vinashinelines thừa nhận vì chưa có nguồn nên việc nợ lương của anh em thuyền viên là có thật, nhưng về hoàn cảnh hiện tại của anh em thuyền viên thì theo ông Dương mọi việc không đến mức quá bi đát.
“Chúng tôi vừa chuyển tiền ăn và phí sinh hoạt cho một số tàu đang neo đậu ở nước ngoài hồi đầu tuần này, trong đó có tàu Hoa Sen. Nếu anh em chưa nhận được tiền thì chúng tôi sẽ kiểm tra lại” – ông Dương khẳng định.
Cũng theo ông Dương, các tàu của Vinashinlines neo đậu ở nước ngoài được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, vì thế hàng tháng chúng tôi vẫn gửi tiền cho anh em thuyền viên.
Các thuyền viên tàu Hoa Sen cho biết đời sống hiện tại vô cùng khó khăn
Được biết, Vinashinlines đã trình các phương án bán tàu Hoa Sen nhưng chưa được duyệt. Lãnh đạo công ty này cho hay khi tàu được bán thì những vấn đề liên quan cũng sẽ được giải quyết.
Trước đó, ngoài tàu Hoa Sen, Dân trí cũng nhận được phản ánh của thuyền viên trên một số tàu của Vinashinlines như: Diamond Way – đang mắc kẹt ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, New Phoenix đang neo đậu ở Đại Liên (Trung Quốc)…
Theo Dantri
Tàu bị giữ, thuyền viên kêu cứu
Bị nợ lương đến 6 - 12 tháng lương, 20 thuyền viên tàu New Horizon thuộc Công ty TNHH MTV vận tải Vinashin (Vinashinlines) lạiđang bị giữ lại, phải nằm ở cảng Karachi (Pakistan) từ đầu tháng 11.2012 tới nay.
Thủy thủ tàu New Horizon ảnh do thủy thủ đoàn cung cấp
Trong đơn thư kêu cứu gửi về nước, các thủy thủ cho biết, tàu New Horizon xuất phát từ Quảng Ninh từ 10.7.2012 đi Donghae (Hàn Quốc) - Vladivostock (Nga) - Akita (Nhật Bản) - Manila (Philippines) đến Karachi (Pakistan) ngày 9.11.2012 và nằm tại cảng này từ đó đến nay. Trong thời gian bị giữ tàu, toàn bộ thuyền viên rất hoang mang vì hết đồ ăn, nhiên liệu để sinh hoạt, nhiều thuyền viên bị ốm mà không có thuốc để điều trị. Tàu cũng đã nhiều lần gửi mail về kêu cứu nhưng không được công ty trả lời. Theo thủy thủ đoàn, hiện tàu đã bị cảng vụ trục xuất ra khỏi cảng, neo tại khu neo, bị cô lập hoàn toàn với trên bờ. Thậm chí, nguồn sống duy nhất là đi vét gạo rơi vãi trên cầu cảng để tồn tại nhưng đến nay không được nữa. Các thuyền viên cũng đã hết nhiên liệu để chạy máy sinh hoạt và nấu ăn từ lâu, phải dùng gỗ trên tàu để nấu ăn nhưng lượng gỗ này cũng sắp hết.
Trao đổi với Thanh Niên, theo ông Nguyễn Quế Dương, Tổng giám đốc Vinashinlines, công ty này đã làm thủ tục chuyển tiền hỗ trợ của công đoàn đến các thuyền viên, nhưng vấn đề lương khó giải quyết, do tài chính của doanh nghiệp này đang rất khó khăn. Ông Dương cũng cho biết, tàu New Horizon bị giữ lại do Vinashinlines chưa trả nợ được cho các đối tác cũng như tranh chấp liên quan đến hàng hóa.
"Việc giải phóng tàu khá khó khăn do hiện tại công ty không có đủ năng lực tài chính. Phương án khác là bán tại chỗ theo phương án tàu phá dỡ, vì tàu New Horizon nằm trong danh sách chủ trương được bán, và hiện tại cũng không khai thác được nữa, nhưng cũng chưa bán được", ông Dương cho hay. Hiện tại, Vinashinlines còn 6 con tàu đang bị giữ lại rải rác tại nhiều cảng nước ngoài, nhưng do khó khăn tài chính nên chưa giải phóng được tàu nào. Khó khăn nhất là tàu New Phoenix đang bị giữ lại tại cảng Đại Liên (Trung Quốc), khi nhiệt độ tại đây dưới âm 15 độ, trong khi tàu lại không được cung cấp nhiên liệu đầy đủ, nên đời sống thuyền viên rất khó khăn.
Ngoài tàu New Horizon, các thuyền viên tàu Nam Long 03 thuộc Công ty TNHH vận tải biển Yên Cư (Quảng Ninh) đang phải neo lại tại cảng Tuban (Indonesia) từ 23.10.2012 đến nay, cũng đã gửi đơn kêu cứu về nước. Các thuyền viên cũng đã gửi đơn cho Đại sứ quán, Cục Hàng hải VN nhờ can thiệp, yêu cầu công ty trả lương. Trong khi đó, theo ông Đỗ Bá Dương, Giám đốc Công ty Yên Cư, do chậm vào lấy hàng nên tàu bị khách hàng hủy hợp đồng, phải neo lại tại cảng để chờ chuyến hàng mới. "Công ty đang nợ lương thuyền viên 4 tháng, khoảng 1,5 tỉ đồng. Chúng tôi đã chuyển tiền ăn cho các thuyền viên, việc đưa tàu về cũng đã có phương án và công văn gửi cho các thủy thủ, chậm nhất đến 5.1.2013 nếu không ký được đơn hàng mới sẽ cho tàu chạy không về nước", ông Dương cho hay.
Theo TNO
Tàu 'hoang' của Vinalines bị bỏ mặc suốt 8 tháng Nhiều lần gửi văn bản xin cấp trên cho cơ chế tài chính di dời tàu New Sun tới vị trí an toàn nhưng Cảng vụ Hải Phòng vẫn chưa được chấp thuận, trong khi chủ tàu tiếp tục "bỏ mặc". Theo các báo cáo của Cảng vụ Hải Phòng, tàu New Sun, thuộc quyền quản lý của Công ty Vận tải viễn...