Các thầy cô giáo ơi, đừng hạ thấp nhân phẩm của mình
Nhà giáo bị phụ huynh buộc phải quỳ xin lỗi phải chăng có thể gọi là một thảm họa giáo dục?
Xin các thày cô giáo đừng hạ thấp nhân phẩm của mình! (Ảnh minh họa: ninhthuan.edu.vn).
Trước việc một số nữ giáo viên phản ánh sau liên hoan nghệ thuật, họ phải đi đến nhà hàng tiếp đón quan khách, ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phát biểu với báo chí:
“Không có vấn đề gì, sợ nhất là đến phục vụ đại biểu ăn mà lại không được ăn”. [1]
Còn vị tư lệnh ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được báo chí tường thuật:
“Chuyện điều động các giáo viên mầm non đi tiếp khách ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã làm nóng diễn đàn Quốc hội.
Thực sự, đó có phải chỉ là “cũng là vì vui vẻ thôi”, như giải thích vắn tắt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ?”. [2]
Với ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh – như lời của chính ông – quan trọng nhất là “ăn”, không được “ăn” mới là điều “sợ nhất”.
Thế nên nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hoàn toàn có lý khi nói về đội ngũ cán bộ, công chức thời nay: “Ăn của dân không từ một cái gì”!
Còn ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau khi lỡ lời đã cải chính, đã xin lỗi nhưng hình như không ít cán bộ vẫn cho rằng chuyện nhà giáo nữ phải góp phần làm cho cuộc liên hoan của quan chức thêm “vui vẻ” không phải là chuyện to tát, nó cũng bình thường như bao chuyện vẫn xảy ra ở … huyện!
Gần đây, vì trách phạt học sinh, bắt các học sinh vi phạm nội quy quỳ gối trong giờ học, một cô giáo đã phải lên tiếng xin lỗi phụ huynh nhưng không được chấp nhận, buộc cô phải quỳ trước những ông (bà) phụ huynh trước sự chứng kiến của đồng nghiệp.
Nhà giáo bị phụ huynh buộc phải quỳ xin lỗi phải chăng có thể gọi là một thảm họa giáo dục?
Trong bài viết “Giáo dục mở với công tác đào tạo cán bộ” đăng trên Giaoduc.net.vn, tác giả đã trích dẫn giáo huấn của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục tháng 6/1957:
“Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn.
Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.
Sáu mươi năm trước, Hồ Chủ tịch đã rất sáng suốt khi chỉ rõ, giáo dục không phải chỉ là nhiệm vụ của nhà trường còn gia đình và xã hội vô can.
Để đào tạo nên một công dân tốt, gia đình phải phối hợp cùng nhà trường, không thể “khoán trắng” cho trường và đội ngũ nhà giáo, không thể có chuyện mọi thói hư tật xấu của con cái đều là lỗi của nhà trường, cụ thể là của đội ngũ nhà giáo.
Nếu cha mẹ học sinh không hiểu điều đó, nếu họ coi con cái là vàng ngọc, là của quý bất khả xâm phạm thì không một nền giáo dục nào có thể giúp con cái họ nên người.
Ngược lại, nếu nhà giáo chỉ biết truyền thụ kiến thức như những cái máy, không quan tâm gì đến nhân cách học trò, không có phương pháp buộc học trò phải chăm chỉ học thì họ nên rời bỏ ngành, tìm công việc khác nuôi sống bản thân.
Việc cô giáo bắt học sinh phạm lỗi quỳ trong trường không phải hành động phù hợp với quy định của ngành Giáo dục cũng như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Video đang HOT
Hành động này cần được phê bình uốn nắn để không xảy ra thêm nữa.
Từ kinh nghiệm hơn 40 năm giảng dạy, người viết không đồng tình với việc một số giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực vẫn được đứng trên bục giảng, bằng những việc làm thiếu chín chắn, thậm chí là vi phạm đạo đức nhà giáo, họ đã làm đục thêm chiếc “ao làng giáo dục” vốn đang bị cả xã hội chì chiết.
Việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi chỉ là giọt nước tràn ly cho thấy một nền giáo dục trì trệ, hoang tưởng về thành tích và tụt hậu về mọi mặt.
Đã đến lúc cần phải có một cuộc sàng lọc loại bỏ những người yếu kém để mỗi ngày trẻ con đến trường là một ngày vui, để cha mẹ yên tâm gửi gắm con em cho các thày cô mà không phải sử dụng điện thoại thông minh theo dõi con em mình đang làm gì.
Tuy nhiên không thể không nêu câu hỏi: “Phải chăng một bộ phận người Việt ngày nay xem con em mình cao hơn thày cô giáo, phải chăng với họ, nhà giáo chỉ được phép “nói” kiến thức trên lớp chứ không được “dạy” người”?
Thử hỏi có bậc phụ huynh nào không bao giờ trách phạt con cái, không bắt con “đứng dựa tường” hay thậm chí là dùng roi vọt với con.
Nếu có phụ huynh bắt con quỳ ở nhà riêng vì phạm lỗi, những người thực thi pháp luật đến nhà yêu cầu họ phải quỳ xin lỗi “pháp luật” thì họ sẽ phản ứng ra sao?
Xã hội bất bình về chuyện học sinh đánh hội đồng bạn học, học sinh bỏ học chơi game thâu đêm và quy trách nhiệm cho nhà trường, nhưng lại phản đối hình thức giáo dục nghiêm khắc mà nhà giáo áp dụng.
Vậy xin hỏi “xã hội”, nhà giáo lấy gì làm công cụ uốn nắn học trò ngoài việc “khuyên nhủ, yêu thương” vốn không có chút tác dụng nào với không ít trò hư mà gia đình cũng bất lực?
Liệu đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ban hành một thông tư quy định trong toàn ngành những hình thức kỷ luật mà giáo viên được phép áp dụng với học sinh hư, học sinh vi phạm?
Nêu câu hỏi này bởi nhà giáo cũng là con người, một số giáo viên có vấn đề cả về đạo đức, lối sống lẫn trình độ chuyên môn, bên cạnh đó cũng có người đôi lúc không làm chủ được bản thân, cũng có lúc nóng giận với học trò chỉ với động cơ mong trò ngoan, học giỏi.
Nếu thày cô giáo cứ giảng dạy trong tâm thế không được phép trách phạt học trò thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao?
Xin kể một trường hợp mà người viết từng chứng kiến.
Trong giờ lên lớp, hai sinh viên một nam một nữ ngồi gần cuối lớp không mang sách vở ghi bài, họ thản nhiên rỉ tai nói chuyện, vòng tay ôm eo nhau, nam sinh viên thỉnh thoảng giơ điện thoại di động chụp ảnh những gì thày giáo viết trên bảng, ánh đèn chớp lóe sáng khiến cả lớp bất bình.
Để không ảnh hưởng đến giờ giảng và việc tiếp thu của sinh viên, thày giáo buộc phải dừng giảng và mời hai sinh viên đó ra khỏi lớp, họ ngồi lỳ không chịu đứng lên.
Thày giáo nói với cả lớp hoặc là hai bạn đó rời phòng học hoặc là thày sẽ ra khỏi lớp và sẽ báo cáo với lãnh đạo nhà trường.
Lớp trưởng đã đứng lên xin lỗi thày và thay mặt cả lớp yêu cầu hai bạn đó ra khỏi giảng đường, trước áp lực tập thể họ lẳng lặng cầm tay nhau rời phòng học.
Trường hợp nêu trên là đối với sinh viên chính quy một đại học nổi tiếng, phải chăng họ chính là sản phẩm giáo dục từ phổ thông mà ở đó thày cô giáo bị tước bỏ quyền trách phạt học trò?
Đa số người Việt thán phục Singapore và Nhật Bản về quản lý đất nước, phát triển kinh tế nhưng ít ai biết rằng luật pháp Singapore cho phép dùng roi đánh người phạm lỗi.
Số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay trong năm 2012, Singapore đã tuyên án 2.203 trường hợp bị đòn roi, trong đó có 1.070 người nước ngoài vi phạm các quy định của quốc gia này. [3]
Cũng nên biết đã là quy định của nhà nước thì học trò trong trường cũng không thể không bị đánh đòn khi phạm lỗi.
Tại Nhật Bản, luật pháp không quy định đánh roi như Singapore nhưng truyền hình nước này năm 2013 đã phát bộ phim “Thày giáo mũ sắt” (Kamen Teacher).
Bộ phim nói về đội ngũ giáo viên được tuyển chọn đặc biệt cho nhiệm vụ giáo dục, cảm hóa học sinh hư trong trường học, các thày giáo này được phép dùng vũ lực với trò hư với điều kiện họ phải đội mũ sắt che mặt và giấu kín thân phận.
Kể ra như vậy để thấy có gì đó chưa ổn trong quan điểm lấy học sinh làm trung tâm trong nhà trường, phải chăng chính quan điểm ấy đã khiến cả bộ máy điều hành lẫn một bộ phận không nhỏ dân cư đều ngộ nhận?
Về phía điều hành, không coi trọng nhà giáo thể hiện ở việc tuyển chọn học viên các trường sư phạm suốt mấy chục năm đa phần thuộc diện “chuột chạy cùng sào”, về phía xã hội đã tạo nên một nhận thức sai lệch là phụ huynh có quyền lên mạng xã hội bêu xấu nhà trường, nhà giáo hoặc tồi tệ hơn là xông vào trường thị uy, đe dọa, đánh giáo viên (như tại Trường Tiểu học Đặng Cương, thành phố Hải Phòng).
Cần thiết phải nhắc khoản 4 điều 73 Luật Giáo dục 2005 quy định về “Quyền của nhà giáo”:
Nhà giáo có quyền “Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự”.
Một khi cả xã hội thống nhất quyền bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em, thống nhất kỷ luật hoặc phê phán các hành vi chưa chuẩn mực của nhà giáo thì không lý gì lại không chú ý đến quyền “Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự” của nhà giáo.
Việc buộc cô giáo phải quỳ xin lỗi chính là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo và là hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu chưa đến mức phải truy tố thì cũng nên có những hình thức xử lý thích đáng đối với nhóm phụ huynh thực hiện hành vi này nhằm tránh sự ngộ nhận lan tràn sau này.
Xin trích dẫn ý kiến của độc giả Lê Phương, cũng là phụ huynh học sinh:
“Việc con đi học không làm bài tập bị cô giáo phạt mà gia đình phản ứng gay gắt như vậy là không được.
Việc làm này như tiếp thêm sức mạnh cho con em mình tiếp tục vi phạm.
Không những thế sau này bất cứ thầy cô nào dạy lớp có các học sinh này chắc chắn họ sẽ dè chừng không dám nhắc nhở nhiều và cuối cùng người thiệt thòi sẽ là những học sinh này thôi.
Yêu thương con là một chuyện nhưng đừng bênh con quá mức”. [4]
Vẫn biết có nhiều thày cô luôn cảm thấy day dứt vì trò chưa ngoan, học kém nhưng đành bất lực;
Vẫn biết không ít giáo viên vì nghĩ tới nghề nuôi sống bản thân và gia đình mà phải cam chịu;
Song người đời chỉ biết chê nhiều hơn khen mà không tìm hiểu xem mỗi chúng ta sống trong một thời kỳ mà đạo đức xuống cấp, niềm tin bị giảm sút, không ít cán bộ thoái hóa, biến chất thì làm sao trong hàng triệu thày cô giáo lại không có một số chưa xứng đáng, làm sao cứ yêu cầu nhà giáo phải “nêu gương” trong khi người khác “ăn của họ không từ một thứ gì”?
Đọc trên các báo thấy vô số ý kiến phê phán hoặc thông cảm, song có một điều các vị phụ huynh nên nhớ:
Nếu hôm nay các vị có thể bắt buộc cô giáo dạy con mình phải quỳ gối thì có chắc con các vị sẽ không ghi nhớ sự kiện đó suốt đời, và liệu nó có hình thành một thói quen cho con các vị khi chúng lăn lộn với cuộc sống?
Lấy gì đảm bảo nếu con các vị theo thói cha (mẹ) mình bắt người khác phải quỳ gối mà không lãnh nhận hậu quả?
Người viết có đôi điều muốn tâm sự cũng các thày cô giáo trẻ, nếu hôm nay bạn sợ mất việc mà quỳ gối, liệu ngày mai bạn còn đủ nhiệt huyết để giảng bài?
Nếu bạn sợ đến mức phải tự hạ thấp nhân phẩm như vậy, bạn không làm nhà giáo được đâu.
Xin lỗi, nhận lỗi và nhận kỷ luật của cơ quan là đủ, không bao giờ nên quỳ gối nếu động cơ của bạn là trong sáng, nếu bạn không làm điều gì trái với lương tâm, đạo đức người thầy.
Không làm cô giáo, mất việc không phải là thảm họa, quỳ gối mới là thảm họa, thảm họa cho bạn, cho gia đình bạn, cho cả xã hội.
Theo Giaoduc.net
Muôn kiểu khởi nghiệp cùng học sinh học nghề
Không chỉ giỏi trong đào tạo nghề, thời gian gần đây nhiều trường cùng thầy cô giáo và học sinh trường nghề còn sáng tạo muôn cách để khởi nghiệp. Xem khởi nghiệp là một cách để rèn luyện kỹ năng nghề, giúp lao động thích nghi với thị trường lao động hậu học nghề.
Dự án nhà di động sử dụng năng lượng mặt trời của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu được khách hàng đánh giá cao. Ảnh: Minh Nguyệt
Phát huy tính tự chủ của học sinh
Nhằm gắn giữa học và hành, nhằm tạo điều kiện để học sinh trường nghề có điều kiện rèn luyện kỹ năng và tự chủ sau khi ra trường nhiều trường đã phát động phong trào khởi nghiệp. Có thể kể tới thành công trong phong phong trào khởi nghiệp tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu như một ví dụ điển hình.
"Từ trước đến nay, chúng ta chỉ dạy nghề, bây giờ mới đầu tư vào sáng tạo khởi nghiệp. Dù khó nhưng đây là vấn đề lớn, cần phải quyết tâm, quan trọng hơn là có kế hoạch khả thi. Muốn làm được cần làm thay đổi định hướng và mục tiêu học tập của học sinh, sinh viên".
TS Trương Anh Dũng -
Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Hiện tại trường này đang có một cửa hàng thực phẩm nằm trên đường Trương Công Định (TP.Vũng Tàu) với nhiều mặt hàng khá phong phú, đa dạng. Từ thực phẩm tươi sống, trái cây, rau, củ quả, gia vị... Cửa hàng này khá đông khách, do nhân viên bán hàng là những học sinh của trường quản lý.
Thầy Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Đoàn thanh niên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Xuất phát từ chiến dịch "giải cứu" chuối cho nông dân huyện Xuyên Mộc, thầy trò nhà trường đã nảy ra ý tưởng xây dựng một cửa hàng nông sản để góp phần hỗ trợ người nông dân, hình thành địa chỉ tin cậy để cung cấp những thực phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng".
Từ một ý tưởng nhân văn, Ban giám hiệu nhà trường đã đồng ý hỗ trợ mặt bằng và cấp vốn để cửa hàng hoạt động. Khai trương vào đầu tháng 10, đến nay, cửa hàng có khoảng 300 mặt hàng, trong đó, rau củ an toàn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP do nhiều công ty rau sạch cung cấp. Cửa hàng do 2 giáo viên và 2 học sinh thay phiên nhau quản lý, doanh thu hàng tháng khoảng 100 triệu đồng. Cùng với việc tạo thu nhập cho giảng viên, học sinh cửa hàng cũng là nơi để học rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.
Bạn Hồ Thị Hạnh, sinh viên nghề kế toán doanh nghiệp cho hay: "Ngoài thu nhập 3 triệu đồng/tháng, làm việc ở cửa hàng, tôi còn được thực hành một số kỹ năng của nghề kế toán, các kỹ năng mềm khác, phục vụ cho công việc sau này".
Đặc biệt, nhờ sự khuyến khích không mệt mỏi của nhà trường và sự cố gắng học sinh mà mới đây nhóm tác giả của trường đã thành công trong việc làm dự án nhà di động sử dụng năng lượng mặt trời của trường. Dự án này đã lọt vào vòng chung kết quốc thi Khởi nghiệp - Đổi mới sang tạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp học sinh nghề
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1665 phê duyệt đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nói về công tác triển khai, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Công tác công tác học sinh sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, theo đề án đến năm 2020 phải có 100% các trường cao đẳng và trung cấp có kế hoạch và tổ chức triển khai hỗ trợ học sinh khởi nghiệp. Ít nhất 90% học sinh, sinh viên của 1.977 trường cao đẳng và trung cấp và trung tâm giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp. 50% trường cao có ít nhất 2 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh được hỗ trợ đầu tư nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đến năm 2025 đặt mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp cho gần 1.000 trường cao đẳng và trung cấp. 70% có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư nguồn kinh phí.
kinh nghiệm triển khai Quyết định 1665, ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên cho biết: "Cùng với truyền thông, tuyên truyền thì lãnh đạo nhà trường phải thay đổi tư duy, chương trình đào tạo để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Về phía học sinh cũng phải thay đổi tư duy học để tự tạo việc làm, chứ không phải học xong để đi xin việc".
Theo Dân Việt
Đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sư phạm Yêu cầu học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 loại giỏi mới được xét tuyển vào các ngành sư phạm, điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm vốn được coi là còn nhiều hạn chế như hiện nay. Nhiều chuyên gia tuyển sinh đã đồng tình với việc Dự thảo Quy chế thi tuyển...