Các teen lớp 12 sợ gì nhất trong kỳ thi THPT Quốc gia
Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa, kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2015 sẽ chính thức diễn ra. Đây là thời điểm các sĩ tử đang “vắt chân lên cổ” để ôn luyện những ngày cuối cùng trước khi cùng nhau “tranh tài”. Cùng xem những chàng trai, cô gái lứa tuổi “trâu vàng” lo sợ gì nhất trong kỳ thi sắp tới.
Văn – Toán vẫn là hai môn “sợ” nhất
Lo lắng cho kỳ thi cận kề, Nguyễn Bá Quang (lớp 12 Sinh THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) tỏ ra khá lo lắng về môn Ngữ văn. Theo Quang, do trọng tâm ôn thi các môn khối A, B từ những năm học trước, nên khi biết thay đổi hình thức thi Quang đã cố gắng học thêm môn Văn rất nhiều. Mặc dù vậy, Quang cho hay em chỉ có thể cố gắng viết đúng chứ hay thì không kịp để luyện.
Cùng trường hợp với Bá Quang nhưng theo khối C từ đầu, bạn Thu Hằng (THPT Ân Thi, Hưng Yên) lại bày tỏ lo lắng môn toán là “khó nhằn” nhất. Dù vậy, Thu Hằng luôn tạo cho mình tâm thế thoải mái, không đặt nặng áp lực ở môn thi này.
Video đang HOT
Thí sinh nghe thông báo quy chế thi.
Theo khảo sát của PV Lao Động, với những môn học như Văn, Toán tại một số trung tâm danh tiếng diễn ra rất nhộn nhịp. Ghi nhận các lớp luyện thi cấp tốc tại một trung tâm có tiếng trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy cả ngày có 3 ca học, sáng – chiều – tối. Sĩ số ở các lớp buổi sáng và buổi chiều thường ở khoảng mức 600 học sinh/lớp ôn Văn. Buổi tối thì số lượng học sinh giảm hơn một chút tầm khoảng từ 300-400 em.
Phương Anh (học sinh Trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội) cho biết: Trong 3 môn Toán, Văn, Anh thì em học được môn Toán và Anh. Môn Văn em thấy “đuối hơn” 2 môn kia một chút. Về đề văn ở phần nghị luận xã hội, em thích cách ra đề mở và có liên hệ tới xã hội nhiều hơn, như thế đề thi sẽ hay và cho học sinh có được sự sáng tạo.
Hiện nay, đề thi các môn đang dần có hướng tích hợp, đổi mới, tăng cường kiến thức tích lũy thực tế hơn là những kiến thức bó buộc trong sách giáo khoa. Nhiều phụ huynh và học sinh cảm thấy khá thú vị với cách ra đề này. Anh Nguyễn Thành Long (phụ huynh học sinh, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hướng đổi mới, đưa những vấn đề và sự liên hệ thực tế vào các môn thi là một điều rất tích cực, như vậy sẽ giúp học sinh có được tư duy tốt hơn, bớt thuộc lòng, máy móc.
Một học sinh khác (trường chuyên Sư Phạm Hà Nội) chia sẻ: “Trong những ngày cuối cùng, ngoài việc tổng hợp các kiến thức, ôn kỹ và phân tích các tác phẩm trong sách giáo khoa thì em cũng thường xuyên đọc báo, xem các chương trình tivi như thời sự, quà tặng cuộc sống… vừa là để giải trí, vừa là tích lũy kiến thức để liên hệ thực tế với xu hướng ra đề mở của Bộ hiện nay”.
Áp lực tâm lý
Mỗi thí sinh bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm nay đều tự nhủ rằng đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của chính mình. Vì thế, việc nảy sinh tâm lý không ổn định trước khi thi là điều dễ hiểu. Trong quá trình ôn thi, nhiều bạn thường dốc sức lực cho những ngày cuối cùng này. Điều này hoàn toàn không khoa học. Các teen sẽ dễ bị rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi dẫn đến chán nản, độ tự tin giảm sút, không thể phát huy được hết các kiến thức vốn có. Vì vậy, hãy bố trí thời gian khoa học cho sức khỏe và học tập.
Tâm lý trong phòng thi cũng vô cùng quan trọng đối với chất lượng làm bài thi của thí sinh. Vì vậy, cần chuẩn bị sẵn sàng để có tâm trạng thoải mái nhất trong phòng thi. Tú Anh (THPT Yên Hòa, Cầu Giấy) kể rằng: “Mỗi lần vào phòng thi hay làm bài kiểm tra em đều rất hồi hộp. Nhiều khi đã học thật chắc bài, vậy mà cầm bút là em lại quên hết”. Để khắc phục nhược điểm này, Tú Anh đã đi hỏi thêm rất nhiều thầy cô, anh chị đi trước.
Sinh viên tình nguyện sẽ hỗ trợ và tư vấn thêm cho các thí sinh đến dự thi.
Và Tú Anh nhận được lời khuyên nên đến trước khoảng 15 – 20 phút để ổn định tâm lý. Đây là giai đoạn căng thẳng và hồi hộp nhất. Hẳn bạn nào đã trải qua kỳ thi đều nhận thấy rằng, lúc làm thủ tục và chờ đề thi là thời gian dài nhất, mặc dù chưa đến 30 phút. Trong thời gian chờ đợi này, bạn có làm quen, bắt chuyện với các bạn xung quanh. Một vài câu hỏi xã giao sẽ khiến cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Trong trường hợp quá căng thẳng, nhân lúc chưa phát đề, hãy xin giám thị ra khỏi phòng thi vài phút, hít bầu không khí trong lành.
Muôn vàn những nỗi lo
Bá Quang (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) khá khó khăn trong việc tìm những thông tin chuẩn cho dạng bài nghị luận xã hội. Quang chia sẻ: “Em thường theo dõi các vấn đề thời sự qua báo chí để bổ sung thông tin cho các bài viết. Tuy nhiên, nhiều khi em bị rối loạn thông tin do thông tin nhiều chiều và nhiều quan điểm khiến em không biết theo quan điểm nào”.
Không băn khoăn về môn thi nhiều, nhưng Thu Hằng (THPT Ân Thi, Hưng Yên) vẫn còn lo lắng về việc ăn ở và đi lại khi phải di chuyển về thi tại Vũ Thư, Thái Bình. Trong trường hợp này Thu Hằng có thể liên lạc với trường thi hoặc sinh viên tình nguyện tại khu vực đó để có thể được hướng dẫn tốt nhất, giúp bạn có thể tự tin và tập trung cho kỳ thi.
Trang phục dự thi cũng là điều các bạn teen khá quan tâm. Trên các diễn đàn, các bạn đang bàn tán xôn xao về trang phục khi đi thi. Nhiều bạn băn khoăn rằng có thể mặc áo phông không cổ đi thi cho thoải mái không hay bắt buộc phải áo sơ mi. Một bạn có nick Facebook Thanh Thảo cho rằng: Không có quy định chuẩn về trang phục dự thi, tuy nhiên theo cá nhân mình thì chúng ta hãy mặc sao cho giống một học sinh đến trường, vừa đẹp, vừa lịch sự.
Kỳ thi đang đến gần mà còn quá nhiều những lo lắng, băn khoăn mà các thí sinh đang gặp phải. Các bạn hãy tìm cho mình những biện pháp hợp lý nhất để đảm bảo được tâm lý, sức khỏe và kiến thức tốt nhất để “vượt vũ môn” thành công!
Theo laodong.com.vn