Các nước phân luồng giáo dục như thế nào?
Phân luồng giáo dục là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận ngay sau khi Bộ GD&ĐT trình Chính phủ cơ cấu giáo dục quốc dân mới.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tham khảo cách làm của thế giới, trong đó gồm 11 nước có kết quả cao hơn Việt Nam trong bảng tổng sắp về giáo dục khoa học và toán học toàn cầu, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, công bố tháng 5/2015, được chọn làm mẫu xem xét.
Kết quả thu được cho thấy, trong số 11 nước, có 2 nước (Singapore và Hà Lan) tiến hành phân luồng sau tiểu học; 8 nước tiến hành phân luồng sau THCS. Hồng Kông (Trung Quốc) tiến hành phân luồng sau THPT.
Thời điểm bắt đầu phân luồng tại Hồng Kông (Trung Quốc) và một số nước trên thế giới:
Nguồn: Tổng hợp từ Website của Trung tâm quốc gia về giáo dục và kinh tế (NCEE), Mỹ.
Trong đó, chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn trường hợp của Singapore – đại diện các nước phân luồng sau tiểu học và Hàn Quốc – đại diện các nước phân luồng sau THCS. Trường hợp Hồng Kông – phân luồng sau THPT quá đặc biệt – xin phân tích ở dịp khác.
Singapore bắt đầu phân luồng sau tiểu học, tương đương độ tuổi trung bình 12 của học sinh. Có 5 luồng chính là THCS thông thường, THCS cấp tốc (rút ngắn so với THCS thông thường 1 năm), THCS kỹ thuật thông thường, trường kỹ thuật, đào tạo nghề và liên cấp: học tại THCS và trường dự bị.
Trừ luồng liên cấp có thể thi thẳng lấy chứng chỉ A level (tạm gọi tương đương bằng tốt nghiệp cấp 3 hoặc THPT trên thế giới), 4 luồng còn lại, nếu muốn học tiếp đại học, đều phải học tiếp một bậc học khá đặc biệt là “Sau trung học và dưới đại học”, bao gồm các loại hình trường: đào tạo kỹ thuật, dự bị và cao đẳng kỹ thuật tổng hợp.
Cơ cấu giáo dục tại Singapore. Nguồn: NCEE.
Hàn Quốc bắt đầu phân luồng sau THCS, tương đương độ tuổi trung bình 18 của học sinh. Có 2 luồng chính là THPT và THPT nghề tương ứng với 2 loại hình đào tạo sau đó là đại học và cao đẳng.
Những học sinh theo luồng nghề rồi học tiếp cao đẳng, muốn chuyển qua học đại học có thể học từ đầu hoặc đi làm rồi học thêm 1 năm để nhận bằng cử nhân.
Video đang HOT
Cơ cấu giáo dục tại Hàn Quốc. Nguồn: NCEE .
Việt Nam nên theo mô hình phân luồng nào?
Phân luồng từ sau tiểu học hay sau THCS là chủ đề tạo ra dư luận trái chiều trong những ngày qua. Phương án của Bộ GD&ĐT là phân luồng sau THCS, phù hợp khá nhiều nước trên thế giới và với 8/11 nước, khu vực được khảo sát trong bài này. Đây là cách làm khá an toàn, bởi nó sẽ không làm xáo trộn quá lớn hệ thống giáo dục hiện nay.
Tất nhiên, một số chuyên gia cũng có lý khi cho rằng, Việt Nam nên phân luồng ngay sau bậc tiểu học. Tuy vậy, để thực hiện được điều này cần có sự chuẩn bị rất kỹ, bởi nguồn lực hiện có như đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất rõ ràng chưa sẵn sàng cho sự phân luồng sớm này.
Bên cạnh đó, chúng ta cần nhớ, về nguyên tắc, một trong những mục tiêu của giáo dục phổ thông là đào tạo kiến thức phổ thông, tổng quát về tất cả các ngành, lĩnh vực cho người học, làm nền tảng cho suốt cuộc đời về sau. Vì vậy, khi đặt vấn đề phân luồng sớm hơn (sau tiểu học), cũng cần đảm bảo được những người học theo phân luồng nghề/năng khiếu vẫn có thể tiếp thu được các kiến thức phổ quát tương đương kiến thức phổ thông tối thiểu của người học tại phân luồng định hướng THCS thông thường, thông qua các hình thức giáo dục phi chính thống.
Singapore và Hà Lan tổ chức phân luồng ngay sau tiểu học, có lẽ một phần vì giáo dục phi chính thống của 2 nước này đủ phát triển để đảm bảo được điều này.
Ngược lại, Việt Nam, Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới, chưa phần luồng được ngay từ sau tiểu học đơn giản vì giáo dục phi chính thống phát triển chưa đủ mạnh. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, ở nước ta, phân luồng sau THCS có lẽ là giải pháp hợp lý.
Bộ GD&ĐT vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo tờ trình này, hệ thống giáo dục nên được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi (cần hoặc không cần điều kiện bổ sung) giữa chương trình, trình độ đào tạo; người dân có cơ hội tích luỹ kiến thức và học tập suốt đời. Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD&ĐT đề xuất.
Giáo dục cơ bản là 9 năm thống nhất cho mọi địa bàn, mọi nhóm đối tượng; THPT là 3 năm, học sinh có thể lựa chọn 3 luồng chính là định hướng chung (có tính hàn lâm/ khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao).
Hệ thống đào tạo cần tập trung thành 3 luồng chính là luồng hàn lâm (các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu), luồng ứng dụng và luồng thực hành (nối các chương trình đào tạo kĩ năng mang tính thực hành ở bậc thấp với các chương trình đào tạo mang tính nghiệp vụ ở trình độ cao).
Theo Zing
Tăng học phí liệu có giảm 'lạm thu'?
Mức thu học phí thấp là chủ trương nhân văn của Nhà nước nhưng lại xa thực tế để nâng cao chất lượng. Vì thế, tình trạng "lạm thu" có đất sống.
Từ ngày 1/1/2016, Hà Nội chính thức áp dụng mức thu học phí mới đối với các bậc mầm non, tiểu học, THPT hệ công lập. Theo đó, đối với khu vực thành thị, mức học phí mỗi tháng của học sinh là 60.000 đồng/tháng (hiện tại là 40.000 đồng). Khu vực nông thôn là 30.000 đồng (hiện nay 20.000 đồng). Khu vực miền núi 8.000 đồng (hiện nay không thu).
UBND TP Hà Nội cho rằng, mức thu học phí mới với các cấp học trên bằng mức thấp nhất trong khung học phí được Chính phủ ban hành để không đột biến so với mức thu hiện nay nhưng vẫn đảm bảo an sinh xã hội.
Học phí thấp, nhưng đòi hỏi chất lượng giáo dục cao là xa thực tế. Ảnh: VOV.
Có thể nói, mức thu học phí như trên không hề tăng nhiều so với hiện tại và còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Với mức học phí trên, cũng có thể nói, giáo dục từ cấp tiểu học đến THPT gần như được Nhà nước "bao cấp".
Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn là nếu học phí tăng thì chất lượng đào tạo ở hệ thống trường công lập có tăng theo. Mặt khác, việc tăng học phí có chấm dứt được tình trạng thu thêm nhiều khoản phí ở trường học nữa không?
Đưa ra vấn đề trên là hoàn toàn có cơ sở vì hiện nay, chất lượng đào tạo ở hệ thống trường học từ mầm non đến THPT công lập ở Hà Nội còn nhiều bất cập. Nhiều trường tiểu học mang danh hiệu "trường đạt chuẩn quốc gia" nhưng vẫn thiếu lớp, phòng học, phải cho học sinh học luân phiên cả thứ bảy, chủ nhật và bù ngày nghỉ vào một ngày thường trong tuần.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nếu trường đạt chuẩn quốc gia thì mỗi lớp học không được phép quá 35 học sinh. Thế nhưng trên thực tế, ở các trường tiểu học công lập mang danh ấy vẫn còn nhiều lớp học có sĩ số đến 60 học sinh.
Học sinh đông như vậy, chưa chắc giáo viên có thể bao quát hết lớp học. Đặc biệt là từ năm 2014, Bộ GD&ĐT ra Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên đối với học sinh thì giáo viên phải làm việc nhiều, có trách nhiệm hơn so với trước đó.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, với mức lương vẫn thế mà áp lực công việc nặng nề hơn, nhiều giáo viên chưa thực sự chuyên tâm vào giảng dạy nên dẫn đến chất lượng đào tạo ở hệ thống trường học công lập chưa được như mong muốn.
Học phí thấp, chất lượng cao: Xa thực tế!
Với mức học phí hiện tại chỉ có 40.000 đồng/học sinh/tháng không đủ để các trường công lập đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học. Vì vậy, họ đã nghĩ ra nhiều cách như phối hợp các trung tâm đào tạo, công ty may mặc, du lịch, một số cơ sở chụp ảnh... để kêu gọi phụ huynh đóng góp cho con học thêm, mua sắm đồng phục, đi tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Sở dĩ nhà trường phải bất đắc dĩ "bắt tay" với các công ty, đơn vị thực hiện những việc làm trên cũng là để có thêm khoản "hoa hồng", đóng góp vào công quỹ của trường, lớp.
Chưa hết, các khoản đầu tư, nâng cấp xây dựng trường, lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học và hoạt động của trường còn dưới hình thức kêu gọi đóng góp "tự nguyện". Điều này phần nào giải thích vì sao có tình trạng "lạm thu" ở trường học và nó vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay cho dù ngành giáo dục đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục và ngăn chặn nhưng không hiệu quả.
Rõ ràng, mức thu học phí thấp là chủ trương rất nhân văn của Nhà nước nhưng lại xa thực tế. Bởi vì mức thu học phí của các trường hiện nay không đủ để phát triển chất lượng đào tạo mà Nhà nước cũng không có đủ kinh phí, ngân sách đầu tư cho địa phương để phân bổ xuống trường học thì không khác gì thả nổi chất lượng giáo dục.
Thực tế trên đang khiến ngành giáo dục đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan", giữa một bên là những chủ trương tốt đẹp cho người dân và một bên là sự đòi hỏi của phát triển giáo dục nhưng không có đủ ngân sách để đầu tư cho trường công lập.
Chính vì những lý do trên, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ tới phải sửa đổi Luật Giáo dục nhằm huy động sự đóng góp của người dân cho phát triển giáo dục đào tạo.
Việc nghiên cứu tăng dần học phí cũng như khoản thu ở các cấp học sẽ do địa phương quy định theo điều kiện kinh tế của từng nơi, thông qua khảo sát mức sống của người dân.
Các khoản thu học phí có thể áp dụng chia theo khu vực trường chất lượng cao và trường bình thường. Số gia đình có thu nhập cao có thể cho con theo học ở những trường có cơ sở vật chất tốt hơn với mức thu học phí cao. Còn phần đông gia đình có mức sống trung bình thì nên chấp nhận cho con học ở những trường bình thường với các khoản thu do Nhà nước quy định.
Ngân sách Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng thêm trường học ở các địa phương có đông dân cư, cũng như xây thêm mới, nâng cấp cơ sở vật chất ở những vùng, miền khó khăn. Học sinh ở những nơi này và con em các gia đình thuộc diện chính sách được miễn hoặc giảm học phí theo quy định chung.
Khi thực hiện được những biện pháp trên thì chất lượng giáo dục mới được nâng cao và mới khắc phục được tình trạng "lạm thu" đang ngang nhiên tồn tại ở các trường học núp dưới hình thức "tự nguyện" khác nhau nhưng nhiều người vì còn e ngại hoặc chưa mạnh dạn đứng lên phản đối.
Theo Bích Lan/VOV
Hà Nội thống nhất tăng học phí từ 1/1/2016 Mức học phí khu vực thành thị tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/tháng, nông thôn tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/tháng. Chiều 2/12, 100% đại biểu dự kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục...