Các nước lên kế hoạch nếu Hy Lạp rời eurozone
Theo Reuters, phân nửa chính phủ những nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu ( eurozone) cũng như các ngân hàng và doanh nghiệp lớn đang lên kế hoạch khẩn cấp cho kịch bản Hy Lạp quyết định rời eurozone, dù phương án ưu tiên vẫn là Athens ở lại liên minh tiền tệ này.
Chi nhánh ngân hàng Eurobank ở thủ đô Athens, ngày 19/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Reuters dẫn các nguồn tin ngày 24/5 cho biết các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã nói với các nước thành viên chuẩn bị cho kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Hy Lạp rời eurozone.
Video đang HOT
Giới lãnh đạo EU đã yêu cầu Hy Lạp tiếp tục thực thi các biện pháp khắc khổ và hoàn thành các cải cách được yêu cầu theo chương trình cứu trợ nước này.
Tuy vậy, một quan chức cho biết hiện chưa có kế hoạch khẩn cấp nào ở cấp EU hay cấp độ chính trị, mặc dù việc các chính phủ nhất định chuẩn bị cho các kịch bản có thể xảy ra là điều đương nhiên.
Thứ trưởng Kinh tế Italy Vittorio Grilli nói rằng nước ông đã sẵn sàng cho khả năng trên, nếu cử tri Hy Lạp vào ngày 17/6 bầu cho các đảng không chấp nhận những biện pháp cải cách đã cam kết với EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đối lại các khoản vay khẩn cấp.
Việc Hy Lạp thâm thủng ngân sách cũng có nghĩa nếu không nhận được thêm tiền từ EU/IMF do Athens xé bỏ thỏa thuận cải cách, nước này sẽ không thể trả lương và phải rời khỏi eurozone để bắt đầu in tiền của riêng mình.
Dường như một số các tổ chức đang chuẩn bị để đối phó với kịch bản Hy Lạp ra khỏi eurozone. Một hãng chuyên in tiền đang sửa soạn để có thể ấn hành đồng drachme, đơn vị tiền tệ của Hy Lạp, trong một thời gian rất ngắn.
Ước tính, nếu Hy Lạp rời bỏ Eurozone thì thiệt hại ban đầu có thể lên tới 1.000 tỷ euro. Trước hết, một khi từ bỏ đồng euro để quay trở lại với đồng drachme, đơn vị tiền tệ quốc gia Hy Lạp sẽ bị mất giá 50%. Điều đó có nghĩa là hàng nhập khẩu vào Hy Lạp sẽ trở thành một thứ xa xỉ phẩm.
Lạm phát qua đó gia tăng, ngành ngân hàng lâm vào cảnh lao đao trong một thời gian đầu. Nhưng sau giai đoạn hỗn loạn ban đầu, sản xuất và xuất khẩu của Hy Lạp sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn./.
Theo TTXVN
Đức, Pháp cam kết hỗ trợ giữ Hy Lạp trong Eurozone
Ngày 21/5, Đức và Pháp - hai nền kinh tế chủ chốt trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cam kết sẽ làm mọi việc cần thiết để giữ Hy Lạp ở lại Eurozone.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble và người đồng cấp Pháp Pierre Moscovici tại Berlin. (Ảnh: Getty)
Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc gặp đầu tiên giữa Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble và người đồng cấp Pháp Pierre Moscovici tại Berlin.Bộ trưởng Tài chính Đức khẳng định: "Chúng tôi đã nhất trí sẽ làm tất cả để giữ Hy Lạp ở lại trong câu lạc bộ euro." Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp nhấn mạnh châu Âu phải hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở Hy Lạp vào thời điểm nước này đang trải qua cuộc suy thoái trầm trọng.
Người đứng đầu Bộ Tài chính trong chính phủ mới ở Pháp cũng lưu ý rằng Hy Lạp có vị trí của họ trong Eurozone, và Athens phải tôn trọng những cam kết trước đó và có những cải cách cần thiết để đổi lấy những gói cứu trợ khổng lồ.
Giới quan sát cho rằng tuyên bố trên của các nhà quản lý tài chính cấp cao hai nền kinh tế đầu tàu trong Eurozone không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Hy Lạp, mà cả với khu vực sử dụng đồng euro trong bối cảnh hiện nay. Bởi việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, tạo "hiệu ứng đôminô" trong Eurozone, giữa lúc một số nền kinh tế trong khu vực này cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự Hy Lạp.
Lãnh đạo một số nước và định chế tài chính quốc tế đặc biệt lo ngại khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone sau khi mới đây, nước này phải tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn lần hai trong vòng chưa đầy 2 tuần, một sự kiện được đánh giá có thể mang lại chiến thắng cho Liên minh các lực lượng cực tả Syria, lực lượng vốn phản đối những cải cách mà chính quyền Athens trước đó buộc phải thực hiện để nhận được cứu trợ vỡ nợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./.
Theo TTXVN
Hy Lạp gần hơn với nguy cơ phải ra khỏi Eurozone Một tương lai chính trị chưa rõ ràng ở Hy Lạp gắn với sự không chắc chắn của nước này trong việc thực hiện những cam kết với các nhà tài trợ là Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang đặt Athens gần hơn với nguy cơ phải ra khỏi khu vực đồng euro (Eurozone). Ảnh minh...