Các nước Đông Nam Á rục rịch mở lại biên giới
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang rục rịch mở cửa lại biên giới để đón khách du lịch, dù dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Indonesia đầu tháng này đã mở cửa lại đảo du lịch Bali để đón du khách quốc tế (Ảnh: EPA).
Thái Lan là một trong những nước Đông Nam Á đầu tiên tính phương án mở cửa biên giới để đón khách du lịch. Hồi tháng 7, nước này đã thiết lập chương trình “hộp cát”, cho phép miễn cách ly đối với những du khách nước ngoài đã được tiêm chủng đầy đủ khi họ đến Phuket – hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Thái Lan.
Sự thành công của chương trình trên đã thúc đẩy các nhà chức trách Thái Lan thực hiện các bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa đất nước. Từ ngày 1/11, du khách từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ nếu đã tiêm chủng đầy đủ và đi bằng đường hàng không sẽ được nhập cảnh vào Thái Lan mà không cần cách ly.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nói rằng nếu Thái Lan hành động chậm chạp, du khách nước ngoài sẽ đến các nơi khác.
Vài tuần qua, một số nước trong khu vực Đông Nam Á cũng bắt đầu nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch.
Đầu tháng này, sau nhiều lần trì hoãn, Indonesia đã mở cửa trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Bali cho du khách quốc tế. Campuchia và Malaysia cũng đang lên kế hoạch cho những động thái tương tự.
Du lịch vẫn được xem là động lực kinh tế mũi nhọn của Đông Nam Á. Steven Schipani, chuyên gia tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết hơn 130 triệu du khách quốc tế đã đến khu vực này trước đại dịch và 42 triệu công việc phụ thuộc vào lĩnh vực này. Đông Nam Á cũng đã ghi nhận gần một tỷ chuyến đi nội địa hàng năm.
Các chuyên gia cho biết, châu Âu và Mỹ đã mở cửa từ đầu năm nay, nhưng có một số yếu tố khiến các nước Đông Nam Á khó có thể thực hiện được kế hoạch tương tự.
Video đang HOT
“Nhìn chung, châu Á có cách tiếp cận rất thận trọng trong việc khởi động lại ngành du lịch”, ông Schipani cho biết.
Nhà phân tích du lịch Gary Bowerman tại Kuala Lumpur lưu ý rằng mùa cao điểm cuối năm của Đông Nam Á nhắm đến du khách từ các nước phương Tây, nơi mùa đông đã bắt đầu.
“Nhưng lý do chính là chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi biến chủng Delta trong phần lớn năm 2021 và việc tiêm chủng phải mất một thời gian để có kết quả”, ông Bowerman nhận định.
Ông Bowerman cho biết, sự chậm trễ ban đầu và tình trạng thiếu nguồn cung vaccine cũng khiến một số quốc gia bị tụt hậu trong kế hoạch mở cửa trở lại.
Thái Lan, quốc gia đầu năm nay đã chuyển vaccine đến Phuket để mở cửa trở lại hòn đảo, nhưng không cung cấp đủ vaccine cho phần còn lại của đất nước. Tình hình đã được cải thiện trong những tháng gần đây, nhưng vẫn chỉ có khoảng 42% dân số Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ.
Campuchia cũng khởi động rất nhanh chương trình tiêm chủng và khoảng 80% dân số nước này hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này đã đặt nền móng cho việc khởi động lại ngành du lịch. Campuchia sẽ bắt đầu cho phép du khách nước ngoài tiêm chủng đầy đủ đến 2 tỉnh ven biển vào cuối tháng tới mà không cần cách ly.
Singapore, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ, đã áp dụng chương trình “Hành lang du lịch cho khách đã tiêm vaccine” (Vaccinated Travel Lane), cho phép du khách từ một số quốc gia nhập cảnh mà không cần cách ly.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước Đông Nam Á đều thành công trong việc tăng cường tiêm chủng. Bất chấp sự gia tăng của các loại vaccine có sẵn, tỷ lệ tiêm chủng ở Philippines đã chậm lại trong những tuần gần đây, một phần do người dân ngại tiêm chủng. Chỉ khoảng 25% dân số Philippines được tiêm chủng đầy đủ và quốc gia này chưa công bố bất kỳ kế hoạch mở cửa du lịch nào.
Các nhà phân tích kỳ vọng tình hình sẽ thay đổi trong lĩnh vực du lịch của Đông Nam Á trong tương lai gần.
“Nếu tất cả các nước ASEAN ngay lập tức tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân một cách an toàn, bánh xe của nền kinh tế có thể chuyển động trở lại”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết trong tuần này.
Nguy cơ Đông Nam Á gặp khó trong việc khôi phục du lịch và hàng không
Mặc dù việc mở lại biên giới hiện không khả thi do tình hình dịch bệnh song giờ cũng là lúc các quốc gia tại Đông Nam Á nên bắt đầu kế hoạch chuẩn bị dần dần và tạo điều kiện cho việc nối lại các chuyến du lịch hàng không quốc tế.
Nhân viên khử trùng làm nhiệm vụ tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta gần Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters
Dẫn lời ông Brendan Sobie - nhà sáng lập công ty tư vấn hàng không Sobie Aviation có trụ sở tại Singapore, kênh tin tức Channel News Asia (CNA) cho biết ngành du lịch và hàng không tại Đông Nam Á đang trải qua một thời kỳ khó khăn khi làn sóng dịch bệnh mới với những con số kỷ lục ập đến, phá tan mọi kế hoạch khôi phục việc đi lại quốc tế của các nước trong khu vực.
Theo chuyên gia phân tích, hiện Đông Nam Á phải đối mặt với tốc độ phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến kinh tế và khó thu hút khách du lịch quốc tế trong vài năm tới.
Vaccine ngừa COVID-19 là chìa khóa để mở cửa biên giới ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đã có trên 25 quốc gia trên toàn cầu miễn quy định kiểm dịch cho những khách du lịch đã tiêm vaccine.
Tuy nhiên, với diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, khu vực Đông Nam Á lại không thể nào ngay lập tức nới lỏng các biện pháp đó. Thậm chí, một số quốc gia còn tăng thời gian cách ly từ 14 lên 21 ngày ngay cả đối với những du khách đã tiêm chủng vaccine. Điều này vô hình chung khiến lưu lượng nhập cảnh từ quốc tế không thể khôi phục nhanh chóng.
Trong vài tháng qua, lượng khách quốc tế đến Đông Nam Á chỉ ở mức khoảng 3% so với hồi trước đại dịch, thấp hơn một chút so với mức trung bình của châu Á-Thái Bình Dương là 4% và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn cầu hiện đạt khoảng 15%.
Khoảng cách giữa châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới sẽ tăng lên trong vài tháng tới khi các khu vực khác dần mở cửa trở lại, đặc biệt là đối với những du khách đã tiêm phòng.
Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 ở Đông Nam Á hiện ở mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục, nhưng điều quan trọng là các chính phủ cần phải bắt đầu lập kế hoạch mở cửa biên giới dần dần.
Mô hình mẫu Thái Lan
Bãi biển vắng khách tại Phuket, Thái Lan ngày 1/10/2020. Ảnh: AFP
Ngày 15/6, Chính phủ Thái Lan tuyên bố mở cửa đối với những khách du lịch đã tiêm vaccine trong vòng 120 ngày. Đây được coi là một hình mẫu quốc gia Đông Nam Á vạch ra kế hoạch mở cửa biên giới rõ ràng.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là khởi điểm khi Thái Lan chỉ là một nước và đã có nhiều thay đổi đột ngột trong chính sách trong một vài tháng qua do tình hình dịch bệnh.
Hiện vẫn còn nghi vấn liệu Thái Lan có thể khởi động một chương trình thí điểm không cách ly tại Phuket vào ngày 1/7 tới hay không.
Hòn đảo dự kiến mở cửa trở lại đối với du khách đã tiêm vaccine đến từ các nước trong nguy cơ thấp hoặc trung bình với điều kiện là du khách không rời khỏi đảo trong 14 ngày và đáp ứng một số yêu cầu.
Kế hoạch "Sandbox" (Hộp cát) của Phuket chủ yếu nhắm đến các du khách quốc tế ở châu Âu vì Bangkok biết rõ không thể thu hút du khách từ các quốc gia khác ở Đông Nam Á hoặc bất kỳ nơi nào ở châu Á - Thái Bình Dương một khi yêu cầu kiểm dịch của các nước đó chưa được nới lỏng hoặc dỡ bỏ.
Du lịch trong nước đóng vai trò quan trọng và trong thời gian đại dịch nó đã giúp các công ty lữ hành tồn tại. Tuy nhiên, từ góc độ doanh thu và kinh tế, ASEAN phụ thuộc nhiều hơn vào du lịch quốc tế. ASEAN cũng có thị trường nội địa nhỏ hơn và thị trường này phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác. Hiện lượng khách nội địa ở ASEAN chỉ đạt khoảng 50% mức trước đại dịch trong quý 4/2020 và tiếp tục giảm trong hai quý đầu của năm 2021 do làn sóng các ca bệnh mới.
Theo vị chuyên gia Brendan, 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên làm việc cùng nhau trên cơ sở đa phương thay vì song phương để tạo nền tảng cho việc nối lại các chuyến du lịch trong khu vực.
Trong trường hợp ASEAN không đưa ra các nền tảng cần thiết để hỗ trợ nối lại du lịch quốc tế - chẳng hạn như sự công nhận vaccine của nhau - thì có thể sẽ gây ra những tác động kinh tế lâu dài lên khu vực trong bối cảnh các phần còn lại của thế giới đã bắt đầu mở cửa trở lại dần dần.
Các công ty trong lĩnh vực hàng không và du lịch ASEAN sẽ phải chật vật tồn tại khi thị trường quốc tế đóng cửa kéo dài và cũng sẽ gặp bất lợi cạnh tranh so với các đối thủ ở các khu vực khác khi khách hàng bên ngoài ASEAN tìm đến các điểm đến thay thế.
Tòa án cấp cao EU phạt Ba Lan 1 triệu euro mỗi ngày Một tòa án cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Ba Lan chi trả mức phạt 1 triệu euro (1,2 triệu USD) mỗi ngày do không ngưng hoạt động của một Phòng Kỷ luật gây tranh cãi. Tòa án Tối cao Ba Lan. Ảnh: Getty Images Kênh CNN (Mỹ) cho biết Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ) vào...