Các nước cần sớm thống nhất đối sách đương đầu với thách thức của Trung Quốc
Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản phỏng vấn Giáo sư danh dự Trường Đại học Tokyo, ông Akira Ishii, liên quan về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại thềm lục địa Việt Nam. Giáo sư Akira Ishii là người am hiểu và có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc cận-hiện đại.
Giáo sư danh dự Đại học Tokyo, Akira Ishii trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.
PV: Hồi tuần trước, Trung Quốc tuyên bố hạ đặt giàn khoan “Hải Dương 981″ trái phép tại thềm lục địa Việt Nam và còn thực hiện những động thái mang tính khiêu khích nguy hiểm nhằm vào các tàu của cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam như phun vòi rồng và cố tình đâm va gây hư hại tàu, gây thương tích cho một số cán bộ chấp pháp Việt Nam. Theo Giáo sư, lý do thực sự của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này là gì?
Giáo sư Akira Ishii: Trung Quốc đã có ý đồ khai thác nguồn lợi dầu mỏ ở biển Đông từ cách đây hàng thập kỷ. Tôi cho rằng diễn biến phức tạp trên thực địa vừa rồi cũng như căng thẳng được đẩy lên cao ở biển Đông giữa hai nước chưa hẳn đã nằm trong dự liệu của nhà cầm quyền Trung Quốc khi họ quyết định đặt giàn khoan “Hải Dương 981″. Họ chưa lường hết được những hệ quả của động thái này. Động thái đó đã buộc Việt Nam phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, hoạt động của hải quân Trung Quốc tại khu vực Hoàng Sa vẫn tỏ ra dè dặt và chưa thấy có dấu hiệu gia tăng. Cần lưu ý là sự kiện lần này xảy ra ngay sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến công du châu Á lần này, Mỹ và Philippines đã ký kết Hiệp định hợp tác quân sự, thắt chặt quan hệ đồng minh. Và đây có thể là lý do chính khiến cho căng thẳng trên biển Đông được đẩy lên cao.
PV: Có quan điểm cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại thềm lục địa Việt Nam không chỉ nhằm mục đích khai thác cho nhu cầu dầu lửa mà nó mang động cơ về chính trị. Ý kiến của ông về việc này ra sao?
Giáo sư Akira Ishii: Việc Trung Quốc xác lập quyền kiểm soát đối với các vùng biển đã nằm trong mục tiêu hàng thập kỷ qua của nước này. Ý nghĩa của việc xác lập quyền chi phối hải dương của Trung Quốc là nhằm đối đầu với Mỹ. Bắc Kinh đang thực hiện kế hoạch cân bằng ảnh hưởng với Mỹ thông qua việc phân chia phạm vi ảnh hưởng và chi phối thực tế tại Tây Thái Bình Dương. Biển Đông và biển Hoa Đông đương nhiên là không nằm ngoài toan tính của Bắc Kinh. Và thực tế là chúng ta đã nhận thấy quan điểm mở rộng ảnh hưởng về hải dương của Trung Quốc thông qua các sự kiện vừa rồi. Rõ ràng, đối tượng chính mà Bắc Kinh muốn nhắm đến chính là Washington.
PV: Để đối phó với tham vọng hải dương và những động thái nguy hiểm của Trung Quốc trên các vùng biển, Nhật Bản và các quốc gia cần phải làm gì để ngăn chặn hoặc hạn chế nguy cơ nổ ra xung đột?
Giáo sư Akira Ishii: Theo tôi, các nước trong đó có Nhật Bản cần sớm thống nhất đối sách hiệu quả nhằm đương đầu với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với khu vực. Đây là một sứ mệnh tối quan trọng. Và căn cứ để chúng ta triển khai được việc đó không gì khác là phải dựa vào luật pháp quốc tế. Trở ngại lớn nhất mà các nước hiện đang gặp phải chính là những tranh cãi về vấn đề sở hữu các hòn đảo. Tuy nhiên, một điều hiển nhiên đúng là tất cả các nước đều có quyền tự do đi lại trên biển. Tôi cho rằng “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra trên biển Đông quả thật là một điều “nực cười”. Dù có nói thế nào thì căn cứ vào luật pháp quốc tế, “đường chín đoạn” cũng hết sức phi lý. Theo hiểu biết của tôi thì “đường chín đoạn” không phải do Chính quyền Trung Quốc hiện nay tự nghĩ ra mà nó có nguồn gốc từ thời Trung Hoa Dân Quốc. Về sau, Chính quyền Trung Quốc hiệu chỉnh lại và dựa vào vào đó để đưa ra các yêu sách chủ quyền. Và đương nhiên là các nước đã phản ứng trước sự phi lý của “đường chín đoạn” căn cứ theo luật pháp quốc tế. Chính phủ Trung Quốc luôn tuyên bố rằng biển Đông nằm trong “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh song tôi được biết không ít người Trung Quốc có quan điểm khác với chính quyền và họ ủng hộ quyền tự do đi lại trên biển của các quốc gia.
PV: Theo ông, Trung Quốc được gì và mất gì qua động thái đặt giàn khoan tại thềm lục địa của Việt Nam?
Video đang HOT
Giáo sư Akira Ishii: Rất khó để xác định được cái được và cái mất của Trung Quốc thông qua sự việc lần này. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách chiếm đóng đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như mở rộng khả năng kiểm soát đối với vùng biển xung quanh quần đảo này. Tôi e rằng Trung Quốc sẽ thực hiện mục đích khai thác và tìm kiếm các nguồn lợi dầu mỏ đến cùng đối với khu vực này. Cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực đang gây sức ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ động thái trên. Từ ngày 10/5, Hội nghị của ASEAN tại Myanmar bắt đầu khai mạc. Đương nhiên là Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao những động tĩnh từ Hội nghị lần này bởi Việt Nam sẽ đưa vấn đề biển Đông ra bàn thảo. Tôi cho rằng chắc chắn Việt Nam cần đưa ra đề nghị đối với ASEAN là phải nhất trí một quan điểm và đối sách rõ ràng đối với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Trung Quốc sẽ chờ đợi xem ASEAN sẽ có phản ứng ra sao đối với các sự kiện vừa qua tại biển Đông và các nước Đông Nam Á sẽ đi đến nhất trí trong vấn đề gì và với mức độ thế nào để từ đó Bắc Kinh xác định những động thái tiếp theo của họ trong thời gian tới.
PV: Như Giáo sư cũng biết là Philippines đã đưa vấn đề “đường chín đoạn” của Trung Quốc ra toà án quốc tế phân xử và có ý kiến cho rằng Việt Nam cũng nên đưa vấn đề chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ra toà án quốc tế. Ý kiến của ông ra sao về vấn đề này?
Giáo sư Akira Ishii: Tôi nghĩ là mỗi nước đều có lập luận và tuyên bố riêng về vấn đề lãnh thổ. Trong trường hợp của Nhật Bản, Tokyo cho rằng không có tranh chấp đối với quần đảo Senkaku và lẽ dĩ nhiên là không thể đưa ra toà án quốc tế. Còn trong trường hợp của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam khẳng định lập trường tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc. Với lập trường như vậy, cũng có ý kiến đề xuất phương án theo đó Việt Nam cần kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế và yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của toà. Tuy nhiên, Trung Quốc có chấp thuận tham gia phân xử hay không lại là một vấn đề khác. Thực sự, tôi chưa rõ lập trường cụ thể của phía Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu các bạn áp dụng nhiều phương thức khác nhau để giải quyết những vướng mắc với Trung Quốc.
PV: Vậy ông có thể đưa ra một số dự báo về tình hình hiện nay hay không? Liệu Trung Quốc có tiếp tục những hành động leo thang hay sẽ tìm cách hạ nhiệt?
Giáo sư Akira Ishii: Một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không thay đổi tham vọng mở rộng ảnh hưởng tới các vùng biển của họ. Tuy nhiên, Nhật Bản và các nước ASEAN sẽ vẫn tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế và các lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc. Quan điểm hợp tác của các bên vẫn chưa có xáo trộn. Trong quan hệ với Việt Nam cũng vậy, mặc dù giữa hai bên căng thẳng trong vấn đề biển đảo nhưng các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước sẽ vẫn diễn ra đều đặn và vì vậy mà quan hệ thương mại song phương không bị ảnh hưởng. Và tôi dự đoán là chính quyền Bắc Kinh sẽ đi theo phương châm là vừa thực hiện tham vọng biển nhưng vẫn duy trì các hoạt động thương mại một cách bình thường với Việt Nam. Quan hệ Nhật-Trung hiện cũng diễn biến như vậy. Mặc dù giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện căng thẳng trong vấn đề lịch sử và chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nhưng Trung Quốc chắc chắn vẫn muốn duy trì quan hệ giao thương kinh tế với Nhật Bản. Nếu như Trung Quốc và Nhật Bản dàn xếp được khúc mắc trong vấn đề lịch sử và chủ quyền biển đảo thì quan hệ hai nước sẽ trở lại quỹ đạo bình thường. Trong vấn đề Hoàng Sa, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi tham vọng mở rộng quyền chi phối thực tế đối với vùng biển quanh quần đảo này. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, Trung Quốc chưa tính đến việc đánh chiếm hay xác lập khả năng chi phối toàn bộ khu vực biển Đông. Tuy hiện nay các cuộc thương thảo giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vẫn chưa có mấy tiến triển song việc thúc đẩy đàm phán và đặt ra với Bắc Kinh nghĩa vụ tuân thủ các quy tắc này có ý nghĩa quan trọng. Tôi nghĩ là không có biện pháp nào khác ngoài việc các bên cùng thương lượng sớm đi đến thống nhất COC và đây là cách thức duy nhất để hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông.
PV: Sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tình hình chính trị thế giới có nhiều thay đổi trong đó Nga và Trung Quốc đang có xu hướng xích lại gần nhau. Hồi đầu tháng, hai nước này tuyên bố tổ chức tập trận trên biển Hoa Đông. Theo ông, việc Nga-Trung xích lại gần nhau có tạo ra cục diện mới ở châu Á-Thái Bình Dương hay không?
Giáo sư Akira Ishii: Quan hệ Nga và Trung Quốc từ lâu đã có những ràng buộc nhất định và hai bên vẫn hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, họ không bao giờ là đồng minh của nhau. Vì vậy, mà cuộc tập trận trên biển lần này giữa hải quân hai nước thu hút chú ý của dư luận song tôi nghĩ rằng cuộc tập trận này không nhằm vào Nhật Bản hay ASEAN. Mối quan hệ Nga-Trung thực chất chỉ là cần đến nhau vì một mục đích nào đó trong ngắn hạn mà thôi. Hai bên không hề có ý định trở lại với quan hệ đồng minh kiểu Xô-Trung từng có trước đây. Và tôi cho rằng nên loại trừ khả năng Nga và Trung Quốc bắt tay với nhau để đối trọng với ASEAN và Nhật Bản.
PV: Có giả thuyết cho rằng sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc, dù chỉ là trong ngắn hạn thì vô hình trung có thể khiến cục diện địa chính trị tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương phân cực mạnh mẽ và làm phát sinh khả năng xuất hiện một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai. Đánh giá của ông về việc này ra sao?
Giáo sư Akira Ishii: Tôi không nghĩ là sự chuyển dịch Nga-Trung vừa qua sẽ làm bùng phát Chiến tranh Lạnh ở châu Á-Thái Bình Dương. Bất chấp tình hình ở Ukraine, biển Hoa Đông hay biển Đông, quan điểm giữa Nga và Trung Quốc khác biệt nhau hoàn toàn. Xét về toàn cục, Trung Quốc gần như không đồng tình với Nga trên mọi phương diện. Đơn cử như việc Trung Quốc không chấp nhận tách độc lập cho các dân tộc thiểu số như Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ trong khi Nga cho rằng Bắc Kinh cần phải tiến hành việc này. Cho nên tôi nghĩ cuộc khủng hoảng Ukraine không phải là cơ hội châm ngòi cho Chiến tranh Lạnh giữa khối Nga-Trung và khối Nhật-Mỹ-ASEAN.
PV: Ông cho rằng, khả năng xảy ra Chiến tranh Lạnh hầu như không có. Vậy thì nguy cơ nổ ra các cuộc xung đột vũ trang cục bộ như trên biển Hoa Đông và biển Đông liệu có xảy ra hay không?
Giáo sư Akira Ishii: Tôi nghĩ các cuộc đụng độ nhỏ lẻ là việc không thể tránh khỏi nhưng những vụ đụng độ nhỏ gần như khó có thể bùng phát thành những cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn hay thậm chí là chiến tranh giữa các nước. Với tình hình ở biển Đông và quan hệ Việt-Trung hiện nay, tôi cho rằng tình hình sẽ không diễn biến xấu. Bằng chứng là quân đội Trung Quốc và Việt Nam không can dự vào vụ việc. Và để căng thẳng dịu bớt, vẫn cần phải có thời gian. Giờ đã là tháng 5/2014 rồi. Tháng 9/2014, một hội nghị của APEC 2014 sẽ diễn ra tại Trung Quốc và tôi cho rằng đây sẽ là cơ hội cho các bên cải thiện quan hệ. Nhật Bản hiện cũng đang ráo riết chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe và cuộc gặp cấp cao Nhật-Trung. Từ nay đến đó, tôi nghĩ rằng tình hình sẽ lắng dịu. Lãnh đạo của Việt Nam cũng sẽ đến Trung Quốc dự hội nghị và đây sẽ là cơ hội tốt để tình hình bớt căng thẳng.
Theo Hữu Thắng
(P/v TTXVN tại Nhật Bản)
Baotintuc.vn
Hơn 550 nhà khoa học cùng họp bàn vì một đại dương lành mạnh
Sáng 22/4, hơn 550 nhà khoa học từ 24 nước và vùng lãnh thổ đã về Nha Trang dự Hội nghị khoa học quốc tế IOC/WESTPAC lần thứ IX với chủ đề: "Một Đại dương lành mạnh vì thịnh vượng ở Tây Thái Bình Dương - Những thách thức về khoa học và giải pháp".
Quang cảnh Hội nghị, sáng 22/4.
IOC là viết tắt của Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ trực thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) được thành lập năm 1960, gồm 142 nước thành viên nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp trong các chương trình nghiên cứu, bảo vệ môi trường biển, tăng cường sự hiểu biết các vấn đề có liên quan đến tự nhiên và các tài nguyên đại dương thông qua hoạt động của các thành viên.
Để nâng cao hoạt động, IOC đã thành lập Phân ban Hải dương học Liên chính phủ Khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC) vào năm 1989. IOC/WESTPAC bao gồm 20 nước thành viên: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, CHND Triều Tiên, Úc, Newzealand , Fiji, Samoa, Đảo Solomon, Tonga, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.
Hội nghị tổ chức tại thành phố Nha Trang là Hội nghị lần thứ IX (từ 22-25/4) với mục tiêu là tạo cầu nối cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ, đánh giá những thành tựu về khoa học biển đã đạt được trong 25 năm qua, trao đổi tri thức khoa học biển và thúc đẩy hợp tác toàn diện hướng tới nâng nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện quá trình xây dựng chính sách nhằm chia sẻ sự giàu có của đại dương mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Trao đổi thêm với PV Dân trí, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, Trưởng BTC Quốc gia Hội nghị khoa học quốc tế IOC/WESTPAC lần thứ IX cho biết: Hiện nay ở Tây Thái Bình Dương tài nguyên đã bị khai thác quá mức, áp lực đối với đại dương không ngừng tăng lên.
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học trao đổi với phóng viên.
Do vậy, muốn thịnh vượng và khai thác tốt thì cần phải làm cho đại dương lành mạnh, xanh tươi và không bị hủy hoại. Trên cơ sở đó, con người có thể sử dụng được tài nguyên từ đại dương, không chỉ tài nguyên sống, tài nguyên sinh vật mà cả những tài nguyên vi sinh vật.
Theo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, đối với những tài nguyên vi sinh vật như: dầu mỏ, khoáng sản... thì việc khai thác của con người trong thời gian qua đã gây ra những hậu quả nặng nề về mặt môi trường.
Việc ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi, mà còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, môi trường sống của sinh vật. Bên cạnh đó, những hoạt động trên đất liền đóng góp tới 85% ô nhiễm biển, làm cho các hệ sinh thái suy thoái, tài nguyên suy giảm, tương lai con người sẽ không còn nguồn lợi để sử dụng...
Từ những phân tích trên, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn cho rằng, nếu không có những giải pháp khoa học để ngăn chặn thì trong lương lai gần con người sẽ phải gánh chịu nhưng hậu quả do mình gây ra.
Với hội nghị này, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn cho biết ngoài việc trao đổi khoa học của các nhà khoa học thì tương lai sẽ phát triển được một đội ngũ kế cận về hải dương học. Đặc biệt, tại hội nghị này, lần đầu tiên Diễn đàn các viện trưởng được tổc chức nhằm tạo ra một khuôn khổ để lãnh đạo các viện, trường và các cơ quan thực thi trong khu vực xây dựng và cải thiện mạng lưới hợp tác, trao đổi phương hướng phát triển và các thách thức về khoa học công nghệ.
Tại Việt Nam, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn cũng cho rằng các kế hoạch phát triển kinh tế biển cần phải dựa trên nền tảng hiểu biết về biển. Trong khi ở nước ta rất nhiều kế hoạch được phát triển theo ý thích của nhà đầu tư nên ít nhiều không đảm bảo sự phát triển một cách bền vững.
Cho đến nay, IOC/WESTPAC đã tổ chức được 8 Hội nghị khoa học quốc tế của khu vực tại các nước thành viên như Úc, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hội nghị lần thứ 9 tại Nha Trang, có 501 bài tóm tắt được chấp nhận trình bày tại Hội nghị, trong đó 250 sẽ báo cáo tại các tiểu ban và 251 ở dạng áp phích trưng bày. Hội nghị sẽ tiến hành với phiên khai mạc, 1 phiên toàn thể và 14 tiểu ban tương ứng với 3 chủ đề lớn: Hiểu biết về các quá trình đại dương ở Tây Thái Bình Dương; Đa dạng sinh học và an ninh lương thực, an toàn thực phẩm; sự lành mạnh của đại dương và một số vần đề liên ngành, mới nổi. Đây là một trong những Hội nghị lớn nhất trong lịch sử IOC/WESTPAC và đóng góp quan trọng cho kỷ niệm 25 năm ngày thành lập IOC/WESTPAC, đồng thời ghi nhận vai trò và trách nhiệm của Việt Nam đối với lĩnh vực Hải dương học thế giới.
Viết Hảo
Theo Dantri
Lan Hương bức xúc vì bị tung ảnh quảng cáo cho thẩm mỹ viện phi tang xác chết Sau khi thông tin vụ giết người tại thẩm mỹ viện Cát Tường, Siêu mẫu Lan Hương đã rất bức xúc khi xuất hiện trên trang quảng cáo của thẩm mỹ viện này. Siêu mẫu Lan Hương Liên quan đến vụ việc bác sỹ của Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) làm chết chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, ở 34...