Các nhà khoa học nước ngoài đánh giá về Chiến dịch Điện Biên Phủ
Qua góc nhìn của các nhà khoa học tham dự Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ, tinh thần quyết chiến, quyết thắng vì độc lập tự của do của dân tộc Việt Nam đã được ghi nhận như một sự kiện thay đổi thế giới.
Qua góc nhìn của các nhà khoa học tham dự Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại diễn ra vào chiều 5/5, tại Hà Nội, do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức đã cho thấy cuộc chiến đấu “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng vì độc lập tự của do của dân tộc Việt Nam. Báo QĐND Online ghi lại cảm nhận của một số nhà khoa học nước ngoài tại hội thảo.
GS.TS Lưu Chí Cường – Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc: Trung Quốc ủng hộ phương án “đánh chắc, thắng chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Tham mưu trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Mai Gia Sinh; Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh và một số cán bộ, cố vấn tham mưu, chính trị, hậu cần tích cực tham gia cùng với các tướng lĩnh Việt Nam trong các khâu khảo sát, lên kế hoạch và chuẩn bị chiến trường. Về phương án tác chiến, sau khi cân nhắc thuận lợi và khó khăn về cách đánh cũng như về khả năng đảm bảo hậu cần, ngày 9-12-1953, các cố vấn Trung Quốc đề nghị chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” trong 2 phương án đặt ra. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kế hoạch tác chiến “đánh chắc, thắng chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời phân tích và quan sát tình hình thực tế, ngày 26-1-1954, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh đã hoàn toàn ủng hộ phương án của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
GS.TS Lưu Chí Cường – Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc
Sau khi nhất trí với chủ trương thay đổi phương châm chiến dịch, các cố vấn Trung Quốc “đều bày tỏ quyết tâm đồng cam cộng khổ, đem hết trí tuệ và năng lực giúp bộ đội Việt Nam giành toàn thắng”. Để đóng góp thêm cho Việt Nam về kinh nghiệm tác chiến trong một chiến dịch quan trọng như vậy, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh “đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc gửi gấp những tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu mới nhất ở Triều Tiên, nhất là kinh nghiệm xây dựng trận địa và chiến đấu đường hầm, kể cả cuốn Thượng Cam Lĩnh để bộ đội Việt Nam tham khảo.
TS. Bountheng Souksavatd (Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào): Chiến thắng Điện Biên Phủ mở đầu cho cao trào giải phóng dân tộc rộng lớn trên thế giới
Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt và anh dũng, ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến công đó đã đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp được Mỹ viện trợ, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của bọn thực dân, đế quốc, góp phần thúc đẩy quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mà Việt Nam làm trụ cột trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung. Từ đây, cục diện chiến tranh Đông Dương chuyển sang thế có lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam-Lào-Campuchia tại Hội nghị Giơnevơ.
TS. Bountheng Souksavatd (Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào)
Thắng lợi vĩ đại Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng tỏ một chân lý của thời đại là: Một dân tộc dù nhỏ, nhưng đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chiến đấu theo một đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, thì có đầy đủ khả năng thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng có quân đội nhà nghề thiện chiến, được trang bị hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ được coi như chiến thắng mở đầu cho cao trào giải phóng dân tộc rộng lớn trên thế giới, cho thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Tạp chí Le Nouvel Observateur (Pháp) ngày 8-4-1984 đã viết “Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã làm thay đổi số phận thế giới”.
PGS.TS Musiychuk Victoria (Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Ucraina): Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam
Video đang HOT
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Sự kiện này không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi áp bức của thực dân Pháp mà còn mở ra con đường để giành độc lập cho cả Đông Dương và các nước thuộc địa ở châu Phi. Tình hình ở Việt Nam thời bấy giờ được báo chí các nước trên thế giới theo dõi, trong đó có báo chí Ucraina. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng trên báo chí Ucraina không chỉ được phản ánh về diễn biến, đánh giá lực lượng mà còn phân tích về mặt đối phó chính trị, đàm phán ngoại giao ở Giơnevơ, vai trò ảnh hưởng của Mỹ.
PGS.TS Musiychuk Victoria (Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Ucraina)
Sau sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ, quan hệ Việt – Xô lúc đó phát triển mạnh mẽ hơn, tin tức về Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn. Năm 1985, tạp chíHoàn vũ đăng bài “30 năm sau Điện Biên Phủ” về những thay đổi trong đời sống người Việt sau chiến thắng vĩ đại này, tác giả tường thuật quá trình xây dựng lại Điện Biên sau chiến tranh. Điện Biên Phủ còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ sáng tác cũng như cho nhiều nhà lịch sử nghiên cứu.
Tiến sĩ Seung-Kyun KO (Đại học Hawaii Pacific, Hoa Kỳ): Trận Điện Biên Phủ đã đem lại cho Việt Nam niềm tin tuyệt đối vào con đường đấu tranh giành độc lập
Trận Điện Biên Phủ là bước ngoặt lớn đối với chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam và đối với cả quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam nhằm giành độc lập và giải phóng đất nước khỏi chế độ áp bức của thực dân.
Tiến sĩ Seung-Kyun KO (Đại học Hawaii Pacific, Hoa Kỳ)
Sự thất bại nặng nề của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đã kết thúc sự cai trị của Pháp ở Việt Nam. Mặt khác, trận Điện Biên Phủ đã đem lại cho Việt Nam không chỉ là thắng lợi lịch sử trước chủ nghĩa thực dân mà còn hình thành niềm tin tuyệt đối vào con đường đấu tranh giành độc lập.
PGS.TS Christian C.Lentz (Đại học North Carolina Chapel Hill, Hoa Kỳ): Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới
Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp. Chiến thắng góp phần khích lệ và củng cố vị thế của Việt Nam trong các cuộc đàm phán ngoại giao, ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt 8 năm chiến tranh, giải tán Liên bang Đông Dương và thừa nhận chế độ Cộng hòa dân chủ ở miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17. Hơn thế, chiến thắng này cũng có tác động lan tỏa, khích lệ các dân tộc bị áp bức khác phải quyết tâm hơn để đấu tranh chống chế độ đế quốc.
PGS.TS Christian C.Lentz (Đại học North Carolina Chapel Hill, Hoa Kỳ)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố “Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi ghi dấu trong biên niên sử cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta và của tất cả các dân tộc bị đàn áp trên toàn thế giới”. Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người cựu giáo viên lịch sử này đã đóng góp thêm một chương sách về “cuộc đấu tranh của chúng tôi” vào biên niên sử thế giới hiện đại.
Theo Quân đội nhân dân
7 tướng Pháp và 1 Điện Biên
Kể từ thời điểm 23/9/1945 đến chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 rồi ký kết hiệp định Genève kết thúc chiến tranh, quân đội Pháp đã cử sang chiến trường Đông Dương 7 vị tướng nhưng tất cả đều thất bại.
Cuộc kháng chiến chống Pháp chứng kiến những vị tướng 4-5 sao thất thủ, được đẩy đến cao trào bằng trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ.
7 tướng Pháp thất trận
Đầu tiên là tướng 4 sao Philippe Leclerc nhậm chức tháng 8/1945, đến tháng 6/1946 thì bị triệu hồi vì thất bại trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh.
Navarre - Tướng tổng chỉ huy quân đội Pháp ở chiến trường Đông Dương 1953-1954. Ảnh tư liệu
Thay tướng Philippe Leclerc là tướng 4 sao Etienne Valluy nhưng chỉ đến tháng 5/1948 thì tướng 4 sao này lại bị triệu hồi vì thất bại trong chiến dịch Thu Đông 1947.
Người thay thế tiếp tục là một tướng 4 sao C.Blaijat nhưng đến tháng 9/1949 (1 năm sau) thì Pháp lại triệu hồi vì không thực hiện được chiến lược "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Vịêt".
Sau đó tướng 4 sao M.Corgente được bổ nhiệm, sang tiếp quản chiến trường Đông Dương. Nhưng tên tướng này bị một đòn đau trong chiến dịch Biên giới và bị thay thế vào tháng 12/1950 bởi tướng 5 sao Delattre De Tassigny.
Sau khi để thua trận và không đạt được mục đích chính phủ Pháp đề ra, tướng Delattre De Tassigny bị thay thế bởi tướng 4 sao Raul Salan.
Dưới sự chỉ huy của tướng Salan, quân đội Pháp thất bại trong 3 chiến dịch liên tiếp (Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào), tháng 5/1953, Chính phủ Pháp triệu hồi tướng Salan. Đây cũng là tướng "trụ" được lâu nhất trên chiến trường Đông Dương (từ tháng 12/1951 đến tháng 5/1953).
Sau đó, tướng 4 sao Henri Navarre được Pháp bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở chiến trường Đông Dương nhằm tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định, làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh tại hội nghị Genève.
Tuy nhiên, Navarre lại là tướng bị thua đậm nhất ở khắp các chiến trường Đông Dương. Trận thua đau nhất là ở chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi bị thua ở đây, tháng 6/1954, tướng 5 sao Ely được cử sang thay tướng Navarre nhưng một tháng sau thì hiệp định Genève đã được ký nên tướng Ely chỉ làm nhiệm vụ "thu quân về nước".
Lời thách thức đối với Tướng Giáp
Sau khi được bổ nhiệm, tướng Navarre xây dựng kế hoạch hành động với 2 bước. Bước thứ nhất: Thu Đông 1953 và Xuân 1954 giữ thế phòng ngự ở miền Bắc, tập trung một lực lượng cơ động lớn ở đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với cuộc tiến công của Việt Minh; tiến công chiến lược ở miền Nam để chiếm đóng 3 tỉnh ở đồng bằng Liên khu 5; đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng Quân đội Quốc gia Việt Nam và xây dựng một đội quân cơ động lớn đủ sức đánh bại các đại đoàn chủ lực Việt Minh.
Bước thứ hai: Từ Thu Đông năm 1954, sau khi đã hoàn thành những mục tiêu trên, sẽ dồn toàn lực ra Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính giành thắng lợi lớn về quân sự, buộc Việt Minh phải chấp nhận điều đình theo những điều kiện của Pháp, nếu khước từ, quân cơ động chiến lược của Pháp sẽ tập trung mọi nỗ lực loại trừ chủ lực Việt Minh.
Từng đoàn xe thồ, từng đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ Nguyễn Việt cho rằng cái mà Pháp không có trong cuộc chiến ở Việt Nam là tinh thần đoàn kết, là sức mạnh của lòng dân. Ảnh tư liệu
Ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù vào chiếm đóng Điện Biên Phủ. Đại tá Nguyễn Sỹ Động - nguyên trưởng Tiểu ban tác chiến Trung đoàn 141 trong trận Him Lam - cho biết sau khi xây dựng tập đoàn cứ điểm và ổn định tình hình, quân Pháp rải truyền đơn thách thức Tướng Giáp với nội dung: "Gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe tin ngài đưa nhiều quân lên nghênh chiến và có ý định vào ăn Tết ở Mường Thanh, rất sẵn sàng đón tiếp ngài".
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, về quân số, tỷ lệ giữa ta và địch là: 3,3/1; súng pháo: 3,1/1. Riêng lực lượng không quân, Pháp có 1 phi đội máy bay 14 chiếc. Ta: 0
Dù chênh nhau là vậy song cụ Nguyễn Việt - nguyên trưởng phòng Trinh sát (Cục Quân báo - Bộ Tổng tham mưu) cho rằng Pháp toàn cử tướng 4-5 sao sang nhưng "thất bại xoành xoạch" vì ta yếu hơn nên xác định trường kỳ kháng chiến, chiến lược đúng đắn bài bản, còn Pháp đi xâm lược nên muốn nhanh, dẫn đến chủ quan vì "bản chất của đế quốc là như vậy".
Chiến thắng Điện Biên Phủ có nhiều yếu tố, xong cụ Việt nhấn mạnh yếu tố mà quân Pháp không có: "Dân ta là dân nô lệ, bị kìm ép, bị đàn áp. Thế mà bây giờ được giải phóng, được độc lập thì hạnh phúc quá nên mọi người quyết tâm đánh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói phải gạt hết vấn đề giai cấp lại đã để tập trung giải phóng dân tộc.
Khi đánh nhau không nghĩ đến giai cấp mà chỉ nghĩ mình là dân mất nước nên bộ đội mang quần áo của nhà đi, thậm chí đi chân đất chiến đấu, đâu phải như bây giờ thì quá sang trọng. Súng ống thời đó cũng có gì đâu, khí thế, tinh thần đoàn kết và ý thức là quan trọng, đó là sức mạnh vô địch, sức mạnh của lòng dân".
Theo VNE
Pháo binh Việt Nam ở Điện Biên Phủ 1954 mạnh cỡ nào? Một trong những yếu tố then chốt làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954lẫy lừng phải kể tới sự góp công lớn từ bộ đội pháo binh. Ta có bao nhiêu pháo ở Điện Biên Phủ 1954? Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, quân đội ta lần đầu lực lượng pháo lớn, hiện đại hơn so với các chiến dịch Tây...