Các nhà khoa học Israel cảnh báo tình trạng trẻ em mắc triệu chứng ‘Long COVID’
Ngày 13/9, Bộ Y tế Israel công bố khảo sát cho thấy 11,2% số trẻ em mắc COVID-19 phải chịu các triệu chứng bệnh kéo dài, hay còn gọi là “Long COVID”, dù đã bình phục.
Trẻ em Israel tại một trường học ở Jerusalem ngày 1/9/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Các nhà nghiên cứu tiến hành cuộc khảo sát qua điện thoại đối với 13.834 cha mẹ có con ở độ tuổi từ 3-18 tuổi bị mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. Theo đó, họ phát hiện rằng cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ bị mắc các di chứng “Long COVID”, tương đương với tỷ lệ 11,2%.
Các nhà khoa học còn lưu ý rằng nguy cơ mắc “Long COVID” gia tăng theo độ tuổi của trẻ. Cụ thể, 1,8% trẻ ở độ tuổi 3-6 tuổi bị “Long COVID” 6 tháng sau khi bình phục, trong khi đó trẻ ở độ tuổi 12-8 tuổi chiếm tới 4,6%. Khảo sát còn nhận thấy 5,6% trong số trẻ vị thành niên từ 12-18 tuổi mắc COVID-19 có triệu chứng sau đó bị “Long COVID”, trong khi tỷ lệ ở những trẻ vị thành niên không triệu chứng là 3,5%.
Video đang HOT
Bộ Y tế Israel cho biết tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở những nhóm tuổi khác. Theo các nhà khoa học, khoảng 33% trong số trẻ tham gia khảo sát phải chịu các triệu chứng về tâm thần, nhận thức hay thần kinh trầm trọng, như rối loạn giấc ngủ hoặc khó tập trung.
*Tại Mỹ, trong bối cảnh các trường học công ở New York bắt đầu năm học mới với việc giảng dạy và học tập trực tiếp, nhiều phụ huynh bày tỏ quan ngại về điều kiện đảm bảo an toàn cho con em mình trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lây lan mạnh. Cuối tuần qua, một cuộc tuần hành với sự tham gia của nhiều phụ huynh, người lao động, thậm chí cả trẻ em đã diễn ra từ tòa thị chính thành phố New York đến công viên Washington Square, nhằm kêu gọi việc học tập trực tuyến và áp dụng các điều kiện học tập an toàn.
Hệ thống trường học công tại New York được coi là hệ thống trường học có quy mô lớn nhất Mỹ với khoảng 1,1 triệu học sinh, sinh viên. Nhằm đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh, chính quyền thành phố đã yêu cầu tất cả học sinh, sinh việc và nhân viên phải đeo khẩu trang trong lớp học và trường học, các căng tin phải lắp đặt hệ thống lọc khí và tiến hành khử khuẩn lớp học sau mỗi buổi học. Thống kê của các nhà chức trách New York cho hay hơn 75% trẻ ở độ tuổi từ 12-17 tại thành phố này đã được tiêm vaccine, trong khi 74% giáo viên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Hệ số lây nhiễm SARS-CoV-2 ở Israel tăng trở lại mức 1
Hệ số lây nhiễm (R)SARS-CoV-2 ở Israel ngày 13/9 một lần nữa tăng trở lại mức 1 sau nhiều ngày có dấu hiệu giảm, mặc dù số ca mắc mới trong ngày trước đó đã giảm mạnh từ 10.183 ca xuống còn 7.686 ca.
Nhân viên y tế Israel lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, trong 10 ngày sau khi khai giảng năm học mới 2021-2022, hệ số R luôn thấp hơn mức 1, dấu hiệu mang lại hy vọng khả năng dịch bệnh đã đạt đỉnh và đang trên đà suy giảm khi Israel đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mũi vaccine thứ 3 cho mọi người dân đủ điều kiện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Phổ biến thông tin về dịch bệnh COVID-19 của Israel, hệ số R có khả năng sẽ gia tăng trở lại trong những ngày tới, khi người Israel bước vào những ngày nghỉ lễ quan trọng trong năm như lễ Sám Hối (Yom Kippur), lễ Lều Tạm (Sukkot)... Việc hệ số R tăng trên mức 1 chủ yếu là do người dân tụ tập trong không gian kín như trường học và tổ chức các hoạt động chào mừng Năm Mới của người Do Thái.
Theo Viện nghiên cứu y học quốc gia Israel, hiện có 81.000 ca dương tính điều trị, trong đó 50% trong số này là học sinh và khoảng 15.000 học sinh, sinh viên đang phải cách ly, học trực tuyến tại nhà.
Một nghiên cứu của trường Đại học Hebrew cho thấy, mặc dù số ca bệnh nguy kịch đang có chiều hướng giảm nhưng số ca diễn biến nặng chủ yếu là những người chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc chưa tiêm bổ sung mũi thứ 3. Trong vài tuần qua, số ca bệnh nặng duy trì ở mức dưới 700 ca, qua đó góp phần giảm tải cho hệ thống chăm sóc tích cực của Israel.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, mặc dù cho tới nay trung bình hơn 70% dân số trưởng thành tại Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm chủng đầy đủ, song, gần một nửa số quốc gia thành viên EU vẫn đang bị tụt hậu trong việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng của họ, đặc biệt là ở Bulgaria và Romania.
Hiện tại, các nước có tỷ lệ tiêm chủng cho dân số trên 18 tuổi đạt trên 85% là Bỉ (85,7%), Đan Mạch (89,4%), Phần Lan (85,1%), Pháp (93,3%), Đức (78,8%), Ireland (92%), Malta (90,9%), Hà Lan (85,5%), Bồ Đào Nha (96,5%), Tây Ban Nha (89,2%) và Thụy Điển (83,1%).
Dưới ngưỡng 70% là Bulgaria (22,9%), Croatia, (51,5%), Cộng hòa Séc (66,2%), Estonia (65%), Hy Lạp (68,1%), Hungary (68,2%), Latvia (50,8%), Ba Lan (60,1%), Romania (33,4%), Slovakia (51,6%) và Slovenia (56,5%).
Tình hình cũng đáng lo ngại ở một số quốc Đông Âu vốn được coi là ứng cử viên gia nhập EU. Tại những nước ứng cử viên này, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 được triển khai đồng thời với các quốc gia thành viên EU nhờ các khoản tài trợ từ Ủy ban tài trợ vaccine COVID-19 do EU hỗ trợ trong khi chờ tiếp cận vaccine theo sáng kiến COVAX.
Các nước triển khai 'thẻ xanh Covid' thế nào? Ngày càng nhiều quốc gia xem xét sử dụng thẻ xanh Covid làm công cụ tái mở cửa, tạo điều kiện nối lại các hoạt động văn hóa xã hội. Thẻ xanh Covid, với tên gọi khác nhau theo từng quốc gia, là tài liệu dưới dạng điện tử hoặc bản cứng giúp chủ sở hữu chứng minh bản thân đã tiêm vaccine...