Các món ăn đường phố giá dưới 15.000 đồng ở Sài Gòn
Bánh mì, xôi, bột chiên… đều là những món ăn quen thuộc với mức giá bình dân rất được người Sài Gòn ưa thích.
1. Bánh mì
Bánh mì là thức ăn nhanh, phù hợp với cuộc sống vội vã của người Sài Gòn nên được nhiều người ưa thích. Có thể nói, đi qua bất cứ con đường nào ở Sài Gòn, bạn cũng dễ dàng mua cho mình một ổ bánh mì thơm giòn với mức giá bình dân. Không chỉ có giá bình dân, bánh mì còn được ưa thích nhờ sự phong phú của phần nhân cũng như nước sốt ăn kèm. Tùy theo ý thích mà bạn có thể chọn thịt xá xíu, thịt nguội, thịt heo quay, chả, bì, ốp la, xíu mại, thịt nướng… cùng một ít nước sốt đậm đà cho bữa ăn nhanh gọn của mình. Chính nhờ hương vị thơm ngon, nóng giòn đó mà suốt hàng chục năm qua, bánh mì trở thành một trong những món ăn luôn được yêu thích ở Sài Gòn.
Địa điểm gợi ý: Góc đường Lê Văn Sỹ – Trần Quang Diệu (quận 3), khu vực chợ Đa Kao (quận 1), đối diện cổng bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh)…
2. Xôi
Không nổi tiếng như bánh mì, nhưng xôi cũng là món ăn bình dân và được bán rất nhiều ở Sài Gòn. Bạn có thể kể ra hơn 10 loại xôi ngọt, mặn mà người Sài Gòn hay thưởng thức như: xôi mặn, xôi gà, xôi đậu phộng, xôi bắp, xôi đỗ đen, xôi cadé của người Hoa, xôi gấc, xôi chiên… Tuy chỉ là món ăn bình dân nơi lề đường nhưng món xôi luôn được người bán chăm chút với những hạt nếp mề dẻo, nóng hổi cùng hương thơm thoang thoảng đầy kích thích cho thực khách của mình.
Địa điểm gợi ý: Đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), khu vực vòng xoay công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)…
3. Bánh tráng trộn
Bánh tráng trộn là món ăn có nguồn gốc từ Tây Ninh. Món ăn được ưa thích nhờ phần bánh tráng thái nhỏ trộn kèm với các nguyên liệu bò khô, tôm khô, trứng cút, xoài, rau răm, sa tế, muối tôm và một ít quất… Tuy trộn nhiều nguyên liệu nhưng cái hay của món này là bánh tráng sau khi trộn thì bánh mềm nhưng vẫn dai. Ăn một miếng bánh cảm nhận được vị ngọt ngọt chua chua, mùi thơm và dai của bò khô, vị bùi của lạc rang, lại thêm trứng cút vừa béo vừa thơm. Người ăn còn cảm nhận được cái ngon độc đáo của bánh tráng trộn nhờ vào một chút ớt cay và rau răm thái nhỏ. Bánh tráng trộn không những ngon mà còn rất rẻ, mỗi phần có giá từ khoảng 10.000 đồng nên rất được giới học sinh, sinh viên và dân văn phòng ưa thích.
Địa điểm gợi ý: Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), đoạn trường Ernst Thalmann (quận 1), trước cổng trường Đại học Sư Phạm (quận 5)…
4. Bánh tráng nướng
Xuất phát từ Đà Lạt, món ăn với phần bánh nướng giòn, phần nhân thơm ngon nhanh chóng du nhập vào danh sách các món ăn vặt được ưa thích ở Sài Gòn. Món ăn vừa đơn giản về thành phần, vừa dễ dàng trong cách chế biến. Đầu tiên, chiếc bánh tráng được đặt lên vỉ nướng, trứng gà đánh tơi với hành lá, tép khô rồi dàn đều lên bề mặt bánh. Khi nướng bạn phải xoay tròn đều chiếc bánh trên vỉ nướng để phần bánh chín vàng đều, dậy mùi thơm nức và không bị cháy. Chỉ cần thêm một ít tương ớt, gấp tròn lại là thực khách đã có thể thưởng thức món ăn lạ miệng đầy hấp dẫn.
Địa điểm gợi ý: Khu vực hồ Con Rùa (quận 3), khu vực Đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1), đường Cao Thắng (quận 3)…
5. Phá lấu
Video đang HOT
Đây là món ăn vặt rất được giới học sinh, sinh viên và dân văn phòng ưa thích ở Sài Gòn. Món ăn được làm bằng bao tử (dạ dày) và ruột non, phổi, gan, tim… tẩm ướp gia vị, chiên vàng và luộc lại cho mềm. Nước cốt dừa là nguyên liệu chính của nước phá lấu, làm nên vị ngọt và béo cho nồi nước hầm. Bí quyết của một nồi phá lấu ngon là ở khâu canh lửa và đổ thêm nước cho ruột non có độ mềm vừa ăn. Khi nào thấy nước dùng vừa sắc lại và hơi sệt là có thể dùng được. Khi ăn phá lấu, thực khách có thể ăn kèm thêm bánh mì.
Địa chỉ gợi ý: Khu phá lấu chung cư 1A – 1B Nguyễn Đình Chiểu, quận 1; Cô Oanh, 200/20 Xóm Chiếu, phường 14, quận 4; Quán phá lấu Ngon, 545 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận; Dì Liên, 102 Phan Văn Trị, quận 5; Phá lấu khu trường Gia Định, hẻm 195 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh; Phá lấu vỉa hè bên hông trường Marie Curie, đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3.
6. Bột chiên
Cũng như phá lấu, bột chiên là một trong những món ăn đường phố rất được ưa thích ở Sài Gòn. Món ăn khá đơn giản với bột chiên, trứng, đu đủ bào sợi và nước tương. Từng phần bột sau khi được chiên vàng thì cho trứng gà vào chiên cùng, thêm ít hành lá thái nhỏ để món ăn vừa thơm vừa đẹp mắt. Đĩa bột chiên bắt mắt, thơm phức với màu vàng của trứng, màu trắng đục của bột bên trong, bên trên là màu xanh của hành lá, màu trắng của đu đủ thái sợi… ăn kèm với nước tương làm tăng thêm hương vị đậm đà, thơm ngon.
Địa chỉ gợi ý: góc đường Phùng Khắc Khoan – Điện Biên Phủ, đối diện công viên Lê Văn Tám (quận 1), TP HCM để thưởng thức món ăn này. Xe bột chiên bắt đầu bán từ 16h đến khoảng 23h.
7. Hủ tiếu gõ
Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ tiếng gõ lóc cóc vào mỗi chiều tối của những người bán. Chủ nhân của những chiếc xe hủ tiếu gõ không bao giờ là người miền Nam, mà thường từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Nghệ thuật của món ăn này được thể hiện qua việc thái thịt, từng lát thịt được thái mỏng như tờ giấy. Nhưng, ăn hủ tiếu không phải vì mê ăn thịt, người ta thích vì sự thuận tiện, luôn được phục vụ tận nơi với bát hủ tiếu đầy ắp còn bốc khói nghi ngút. Đơn giản là thế, nhưng với những người dân Sài Gòn, mỗi khi đi xa lại nhớ quay quắt tiếng lóc cóc quen thuộc của món ăn bình dân này.
Địa điểm gợi ý: đường số 2, cư xá Đô Thành (quận 3), góc đường D2 (quận Bình Thạnh)…
8. Hồ lô nướng
Hồ lô nướng được chế biến khá đơn giản với những viên hồ lô được nướng trên bếp than hồng và ăn kèm với tương ớt. Khi còn sống, hồ lô có màu hồng nhạt, nhưng sẽ chuyển sang màu vàng và dậy mùi thơm khi được cho lên vỉ nướng. Những viên hồ lô vàng ươm, căng tròn bốc khói nghi ngút được bỏ trong những chiếc hộp xốp nhỏ cùng một ít tương ớt trông thật hấp dẫn làm cho các bạn teen không thể cưỡng lại được sức quyến rũ của món ăn. Xiên một viên hồ lô, chấm vào một ít tương ớt và thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được cái đậm đà của thịt, cái giòn của vỏ bên ngoài, vị cay của tương ớt cùng vị thơm hấp dẫn của món ăn làm bạn ngất ngây.
Địa điểm gợi ý: Khu vực hồ Con Rùa (quận 3).
9. Bắp xào
Từ lâu, bắp xào là món ăn quen thuộc của rất nhiều người, nhất là giới trẻ. Được chế biến đơn giản với bắp, tép rang và hành lá cùng một ít bơ, nhưng hương vị thơm ngon của nó thì khiến nhiều người không thể cầm lòng được. Xúc một thìa bắp xào cho vào miệng cảm nhận những hạt bắp ngọt, mềm, hòa trong cái béo của bơ, cái giòn của tép rang, tóp mỡ, hương thơm của hành lá tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn, đậm đà, thơm ngon khiến bạn ăn xong còn phải thòm thèm.
Địa điểm gợi ý: Khu vực hồ Con Rùa (quận 3), các xe bán rong trước các công viên…
10. Trứng cút nướng
Món ăn được chế biến đơn giản, không cầu kỳ đúng với tên gọi của nó. Một bếp than hồng, những chiếc khuôn nhỏ như khuôn làm bánh bông lan nướng, trứng cút, tép và hành lá thái nhỏ là đã có một món ăn ngon và không kém phần hấp dẫn. Cái ngon của món ăn chính là sự tổng hòa của tất cả các nguyên liệu trên, đó là cái béo của trứng cút, cái đậm đà của tép rang hòa trong cái vị cay của tương ớt cùng hương thơm của hành lá tạo nên một hương vị rất riêng cho món ăn đáng để bạn thưởng thức.
Địa điểm gợi ý: Khu vực hồ Con Rùa (quận 3).
11. Các món chè
Chè cũng là món ăn rất được ưa thích ở Sài Gòn, trong đó nổi tiếng nhất là phố chè Nguyễn Tri Phương, chè nóng Lý Chính Thắng hay chè mâm Sư Vạn Hạnh… Điểm chung là các quán chè ở đây thường bán rất nhiều loại chè với mức giá bình dân để bạn tha hồ lựa chọn. Nếu đến các quán chè này vào giờ cao điểm, thật khó để bạn tìm cho mình một chổ ngồi thích hợp vì luôn trong tình trạng tấp nập khách ra vào.
Địa chỉ gợi ý: Quán chè nóng Lý Chính Thắng (quận 3), quán chè mâm Sư Vạn Hạnh (quận 10)…
12. Các món bánh ngọt
Bánh ngọt cũng là món ăn vặt bình dân, phong phú trên các vỉa hè ở Sài Gòn. Trong buổi chiều nhẹ gió, lang thang qua các con đường, bạn có thể bắt gặp một đôi quang gánh rong với nhiều loại bánh ngọt bình dị như bánh bông lan, bánh tai yến, bánh tàn ong, bánh chuối nướng, bánh kẹp… Vừa đi dạo, vừa nhâm nhi một chiếc bánh ngọt thơm ngon là thú vui rất được người Sài Gòn ưa thích khi chiều về.
Địa điểm gợi ý: Bạn có thể dễ dàng mua các loại bánh này trước cổng trường Đại học hay các công viên…
Ngoài những món ăn kể trên, còn khá nhiều món ngon khác như bún riêu, canh bún, gỏi đu đủ, gỏi khô bò, bánh flan, các loại rau cau, sinh tố… với mức giá bình dân cho bạn tha hồ chọn lựa.
Huấn Phan
Theo Ngôi Sao
[Chế biến] - Xôi gà lá sen
Món xôi gà lá sen có vị ngọt đậm đà của thịt gà, hương thơm dìu dịu của lá sen tươi, vị béo bùi của hạt nếp dẻo và càng đậm đà hơn với những miếng nấm đông cô. Đây sẽ là lựa chọn thật hoàn hảo và nhiều dinh dưỡng cho những ngày mưa sum họp. Hãy thử tài nội trợ đảm đang của bạn xem nhé!
Nguyên liệu:
400gr gạo nếp
200gr thịt gà
2 trứng vịt muối
100gr nấm đông cô
4 con tôm sú
50gr hạt sen tươi
100gr thịt heo
Nước tương, dầu hào.
Thực hiện:
Tôm bóc vỏ, thịt rửa sạch, hạt sen tách bỏ tim, nấm đông cô ngâm nước ấm, rửa lại bằng nước lạnh, thịt gà lọc bỏ da. Tất cả các nguyên liệu cắt nhỏ hình hạt lựu, kích thước khoảng 0,5cm.
Nấu gạo nếp chín, để nguội.
Bắc chảo, tráng một lớp dầu mỏng dưới đáy chảo, cho thịt gà vào xào nhanh, nêm thêm một ít nước tương và dầu hào để miếng gà bóng và nhiều nước.
Cho nấm đông cô, tôm vào xào chung với thịt gà (chỉ cần đảo sơ), nêm muối, đường cho vừa ăn.
Vo cơm nếp thành viên tròn, sau đó bẻ làm đôi, cho tất cả các nguyên liệu vào bên trong, rồi dùng tay nắn lại, tiếp theo dùng lá sen bọc tròn, cho vào nồi hấp cách thủy 20 phút.
Hấp bằng lửa vừa để mùi thơm của lá sen từ từ thấm vào nguyên liệu.
Theo Mốt & Cuộc Sống
[Chế biến] - Xôi mít lá dứa Đối với những người thích mít thì quả là một sự lựa chọn sáng suốt khi kết hợp xôi lá dứa cùng với mít chín để làm món xôi mít lá dứa tuyệt ngon đấy nhé! Để làm món xôi mít lá dứa bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau đây: 150g gạo nếp 200ml nước cốt lá dứa 350g mít đã...