Các mốc quan trọng thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ cần lưu ý
QĐND Online – Theo kế hoạch, công đoạn chấm thi THPT quốc gia năm 2015 dự kiến hoàn thành trước ngày 20-7. Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đã đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ cũng được gửi trước ngày 30-7.
Công tác chấm hoàn thành trước 20-7
Sau khi có kết quả thi, các Sở GD-ĐT sẽ hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT trước ngày 25-7 và đồng thời công bố kết quả tốt nghiệp THPT. Thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ được hiệu trưởng các trường THPT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh trước ngày 27-7.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, cho biết cụm thi do Trường ĐH Thủy lợi chủ trì có gần 16.000 thí sinh dự thi, nên công tác chuẩn bị chấm thi như làm phách được thực hiện song song khi kỳ thi đang diễn ra. Việc chấm thi chính thức được bắt đầu từ ngày 5-7 với hai môn Ngữ văn và Toán; ngày 7-7 sẽ chấm tất cả các môn còn lại. Việc chấm thi tất cả các môn dự kiến thực hiện xong chậm nhất vào ngày 12-7.
Còn tại cụm thi do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì, ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp cho biết, công tác chấm thi về cơ bản không khác so với những năm trước, vẫn có 2 loại đề trắc nghiệm và tự luận. Với lợi thế trường sư phạm có giáo viên tất cả các môn THPT nên toàn bộ bài thi sẽ do giáo viên của trường chấm. Để kịp kế hoạch, thi xong môn nào, trường làm phách luôn môn đó; còn chấm thi sẽ tiến hành đồng loạt ngay khi kết thúc kỳ thi. Năm nay, Bộ sẽ công bố điểm, trường không công bố như mọi năm.
Nhiều ý kiến lo ngại về việc chấm lỏng, chấm chặt giữa các cụm thi và liệu công tác chấm thi có hoàn thành đúng kế hoạch, về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Việc chấm thi đã được tính toán kỹ lưỡng. Trước khi có quyết định đặt cụm thi, Bộ đã cùng các trường, sở GD-ĐT tính đến chuyện này. Con số giảng viên có thể tham gia coi thi, chấm thi cũng là một tham số để quyết định đặt cụm thi ở đâu. Về phía các trường, công tác chấm thi đã được tiến hành chủ động. Barem chấm thi Bộ ra chính xác, các điểm thi nghiêm túc thực hiện sẽ không phải lo lắng về vấn đề này.
Nhận hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 từ ngày 1-8
Trước ngày 1-8, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) sẽ xử lý dữ liệu, công bố tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào, kết quả thi của thí sinh trên mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ ngày 1-8, các trường ĐH, CĐ sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 (thời gian xét tuyển đợt này từ ngày 1 đến 20-8).
Các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 trước ngày 25-8, xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 từ 25-8 đến 15-9, xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 từ 20-9 đến 5-10, đợt 3 từ 10-10 đến 25-10. Các trường CĐ sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 4 từ 31-10 đến 15-11. Các trường CĐ sẽ công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 4.
Theo quy trình, hồ sơ đăng ký xét tuyển, sau khi có kết quả thi, thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký vào một trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác. Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau.
Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Thí sinh lưu ý, sau khi đăng ký xét tuyển nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Xét tuyển nguyện vọng bổ sung
Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 có thể tham gia đăng ký xét tuyển các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Khi tham gia đăng ký xét tuyển các nguyện vọng bổ sung thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ.
Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo. Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ít nhất mỗi ngày một lần, các trường cập nhật thông tin đăng ký xét tuyển (bao gồm danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển và danh sách các thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển) vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và nhận dữ liệu của thí sinh từ hệ thống để xét tuyển.
Trong thời gian nhận hồ sơ của một đợt xét tuyển, 3 ngày một lần các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp. Vì vậy, trong quá trình xét tuyển thí sinh cần theo dõi thông tin xét tuyển trên website của các trường.
Theo cand.com.vn