Các kiểu chọn khối học của teen cấp 3
Khi còn nhỏ teen thường được bố mẹ hướng cho học những môn được coi là “chính” như Tiếng Việt, Toán và Ngoại ngữ. Tuy nhiên khi bắt đầu bước vào cấp 3 thì việc chọn cho mình một khối học quả thực là rất khó.
Khi teen chọn khối học theo sở thích
Một khi chúng ta đã xác định mình thích học môn gì thì việc đầu tư thời gian, công sức cho những môn đó là điều dĩ nhiên và teen cảm thấy rất hào hứng, thú vị. Nhiều bạn – không chỉ con trai mà ngay cả con gái cũng vậy – thích học khối A – vốn được coi là khô khan và “khó nhằn” – nhưng chính điều này lại là một lợi thế cho các bạn khi chọn trường để thi đại học. Bên cạnh đó cũng có không ít bạn nam lại đam mê theo nghề văn chương hoặc viết lách đã xác định ngay từ đầu là mình phải học 3 môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí.
Hòa (17t) nói: “Từ bé mình đã thích vẽ. Vì vậy mà khi mới bước vào cấp 3, mình đã quyết định theo học khối V gồm các môn Toán, Lí, Vẽ mỹ thuật để sang năm sẽ thi vào trường Kiến trúc.”
Tương tự như Hòa, mặc dù là con gái “liễu yếu đào tơ” và tâm hồn hết sức lãng mạn nhưng có lẽ theo gen di truyền của bố mẹ đều là những người trong ngành Y, nên Mai (16t) lại rất thích làm bác sĩ giải phẫu. Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi cô bạn này đam mê môn Sinh học và không có gì là lạ khi khối B là khối mà bạn ấy theo đuổi.
Theo “sự đàm phán” của bố mẹ
Có lẽ việc lựa chọn giữa đam mê của bản thân và nguyện vọng của bố mẹ là điều không phải dễ dàng, nhất là khi chúng ta chưa thực sự đủ chín chắn. Rất nhiều teen thích học cái này nhưng bố mẹ lại muốn con cái học cái kia. Tất cả cũng chỉ vì sợ con đi sai đường, sau này sẽ khổ.
Hạnh (17t) cho hay: “Mình yêu Văn, mình thích viết, thích học những trận đánh lịch sử để cảm thấy tự hào về dân tộc, thích khám phá những miền đất mới lạ. Ngay từ khi học tiểu học mình đã thích Văn và Lịch sử rồi. Nhưng bố mẹ mình thì cứ bắt học khối A. Bố mình còn bảo: “Con gái học khối C khó chọn trường lắm. Sau này xin việc cũng khó nữa, lương thì ít. Tốt nhất là học khối A, rồi thi vào trường Kinh tế nào đó. Sau này bố mẹ đã có chỗ cho con vào đó làm rồi.” Bố mẹ mình rất nghiêm khắc và mình cũng không đủ dũng cảm để “đứng lên đấu tranh” với bố mẹ nên đành từ bỏ giấc mơ làm phóng viên.”
Video đang HOT
Rất rất nhiều teen rơi vào trường hợp tương tự của Hạnh, thích học khối C nhưng “phụ vương” và “mẫu hậu” ra lệnh phải học bằng được khối này hay khối kia. Có những teen như Dương (18t) can đảm “đàm phán”, tỉ tê hết cách với bố mẹ hàng tháng trời mà không thay đổi được kết quả. Lại có những teen cố gắng học những môn mình không thích theo ý bố mẹ mà tạm gác nguyện vọng của bản thân sang một bên, lại có không ít teen ngày đêm “cày cuốc” cả hai khối, một là do mình chọn, một là do bố mẹ chọn.
Thanh (18t) tâm sự: “Năm nay cuối cấp rồi mình thì thích học khối B sau này thi vào ngành Y, còn bố mẹ mình thì cứ bắt học khối A để thi vào Kinh tế. Không muốn từ bỏ ước mơ nhưng cũng không dám không nghe lời bố mẹ, mình đành phải cố học cả hai khối vậy. Mình chỉ lo mấy tháng nữa thi rồi lại trượt cả hai.”
Còn những teen khác thì sao?
Một bộ phận teen chưa biết mình học được những môn gì, nghiêng về môn nào nhiều hơn, mình thích ngành gì để chọn khối học. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nhiều teen rơi vào hoàn cảnh: “thôi thì các bạn học khối gì thì mình học khối đấy”, tâm lí chạy theo số đông, khối nào nhiều người học, nhiều trường thi thì mình học khối đó vậy. Chính vì thế mà nhiều teen lớp 10 đăng kí ban A học Toán, Lí và Hóa. Trong khi đó ban Cơ bản lại vắng bóng học sinh. Vì theo tâm lí số đông học khối A sau này cho dễ chọn trường.
Lại không ít teen chọn cho mình khối C (Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí) để học. Đơn giản chỉ bởi mình không thể học được môn gì, đành chọn 3 môn được gọi là phải học thuộc lòng nhất.
Kì thi đại học đã sắp tới, cũng chỉ còn khoảng một tháng nữa là teen bắt đầu vào công cuộc làm hồ sơ, chọn trường thi cho mình. Thế nên ngay từ bây giờ teen hãy xác định cho mình một khối học thật rõ ràng, cụ thể, hợp với sức và nguyện vọng của bản thân cũng như gia đình, đừng để “đâm lao thì phải theo lao.”
Theo TTVN
Biến trò thành... vẹt
Đã hết học kỳ 1, nhưng nhiều phụ huynh có con học lớp 1 vẫn chưa quen với khối lượng, nội dung kiến thức mà hằng ngày con trẻ phải tiếp nhận. Theo phản ánh, các môn học, trong đó có môn tiếng Việt quá dài và nặng nề.
Chị Loan (ngụ P.Thành Công, Q.Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy nhiều bài trong sách tiếng Việt tập 1 không phù hợp với lứa tuổi các cháu vừa mới chuyển từ mẫu giáo lên".
Biến trò thành... vẹt
Chị Loan cho biết: Chẳng hạn như bài 27 các con phải tập đọc câu dài "Quê bé Nga có nghề xẻ gỗ, phố bé Hà có nghề giã giò". Hay như ở bài 53, là câu "Vầng trăng đang hiện lên sau rặng dừa cuối bãi. Sóng vỗ bờ rì rào, rì rào". Và rất nhiều câu thậm chí dài hơn với nhiều từ tượng hình khó hiểu". Theo chị Loan, đọc và nhớ câu dài như thế là khó đối với các bé vừa rời trường mầm non, trong khi "có rất nhiều từ ngữ gần gũi, dễ hiểu để ghép vần, các cháu cũng sẽ dễ hình dung tưởng tượng mà sao các nhà biên soạn lại không đưa vào".
Cùng suy nghĩ như chị Loan, anh Lê Văn Tuấn (ngụ Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), cho rằng: "Có nhiều nội dung mà ở lứa tuổi lớn hơn có khi còn chưa biết, vậy mà đã để trẻ lớp 1 phải học. Chẳng hạn, bài 56, tiếng Việt lớp 1, tập 1, để học vần "ương", sách đưa ra câu "Nắng đã lên. Lúa trên nương đã chín vàng. Trai gái bản mường cùng vui vào hội". Tôi phải giải thích mãi cho cháu hiểu thế nào là nương, là bản mường... mà tôi biết có giải thích thì cháu cũng khó mà hiểu được. Với kiểu nhồi nhét kiến thức vượt cấp này, các nhà biên soạn đang vô tình biến trẻ thành vẹt", anh Tuấn bức xúc nói.
Cả nhà cùng đánh vật
Bác Mai, nhà ở Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, cho biết từ khi cháu nội vào lớp 1, ngày nào ông bà, bố mẹ cũng phải kèm, nhiều khi còn phải cáu gắt ầm ĩ vì có nhiều từ ngữ trong sách giải thích mà cháu không hiểu. Không chỉ có tiếng Việt, các môn học khác như toán, tiếng Anh cũng có nhiều kiến thức tương đương với lớp 3, lớp 4 trước đây, đòi hỏi các em phải hình dung tưởng tượng cao độ. Thành ra cháu vào lớp 1 coi như cả nhà cũng phải vào... lớp 1.
Với trẻ nhỏ, nên kết hợp chơi mà học.
Tìm hiểu sách tiếng Việt lớp 1, mới thấy những băn khoăn lo lắng của các phụ huynh là có cơ sở. Trong cuốn sách này, bên cạnh những câu dài loằng ngoằng, người biên soạn còn đưa vào rất nhiều từ ngữ, khái niệm trừu tượng, không phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các cháu vừa mới chân ướt chân ráo vào lớp 1, như: xe chỉ, phố xá, mưu trí, chênh chếch, no nê, cháy đượm... Ngoài ra, bài 80 có chỗ sai khi trích dẫn bài thơ "Quê hương": "Chiều chiều con thả trên đồng", đúng ra là "Tuổi thơ con thả trên đồng".
Nên cho trẻ học vừa sức
Không chỉ là sách giáo khoa, những bài tập về nhà do các cô giáo soạn sẵn cũng có nhiều bất cập. Cầm trong tay một tờ bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 của một trường tiểu học ở huyện Thanh Trì, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, vì trong đó cô giáo giao cho các cháu tập đọc, tập viết những từ ngữ rất khó như: đeo lon sĩ quan, sán gần, xán lạn, sán lá, địa bàn, chăn gối, chặn đầu chặn đuôi, dẫn rượu, đắn đo... Ở các thành phố lớn, việc các giáo viên tự soạn bài tập cho học sinh rất phổ biến, nhưng với một bài tập như thế đã thấy cần phải xem lại.
Cô Nguyễn Thị Tân, một giáo viên tiểu học, cho biết theo yêu cầu học sinh không những biết đánh vần, đọc mà còn phải hiểu được nghĩa của từ, của câu. Trong sách có một số từ, câu không phù hợp, gây khó khăn cho cô trò trong quá trình dạy và học. Ví dụ như từ "ao chuôm" khó hình dung, phải giải thích bằng nhiều cách (tranh, ảnh, theo từ điển - PV), nhưng không phải lúc nào các em cũng hiểu được. Đa phần những từ không phù hợp nằm ở phần ứng dụng.
Lớp 1 là cái mốc quan trọng đối với các bé bắt đầu đến trường, việc học quá sức không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn gây tâm lý mệt mỏi, ít hứng thú, thậm chí là mặc cảm, tự ti nếu không theo kịp kiến thức. Tuổi này nên vừa học vừa chơi, hơn là ra sức nhồi kiến thức.
"Với trẻ 6 tuổi, một câu có độ dài 6 - 7 từ là ổn cho việc giữ hơi và phát âm. Ở học kỳ một, các cháu cần được tiếp cận với văn bản gồm những câu đơn ngắn gọn, đủ ý. Với các bài được soạn cho mục đích tập đọc hoặc viết chính tả, nội dung chú trọng đến những khái niệm, sự vật quen thuộc của trẻ sẽ khiến trẻ tiếp thu bài nhanh hơn", TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh.
Theo ĐVO
Teen và những "chiêu" câu giờ trong giờ học 45 phút 1 tiết có vẻ như quá dài với những cái đầu nghịch ngợm nên câu giờ chính là cách làm giảm bớt đi sự căng thẳng, mệt mỏi của nhiều teen. Những chiêu câu giờ Có vô vàn chiêu câu giờ được teen áp dụng. Tuy nhiên, tại mỗi thời điểm, môn học, thầy cô, lại có một cách khác nhau....