Các hội thi đâu có lỗi!
PN – Gần đây, có một số bài viết trên các báo mạng phản ánh thực trạng “các hội thi” ở trường học. Nhiều bài thể hiện sự bức xúc của giáo viên vì tính hình thức, vì sự tôn vinh chưa thực sự xứng đáng, vì áp lực nặng nề cho cả thầy và trò của các hội thi.
Từ đó, có nhiều đề xuất bỏ các hội thi, để thầy và trò chỉ tập trung dạy và học. Nói tóm lại, họ đang “kể tội” hội thi vì quá mệt mỏi, vì thi quá nhiều.
Thực ra, nếu hàng năm không có cuộc thi nào được tổ chức, nghĩa là giáo viên không phải lo ôn, lo luyện cho mình và lo kèm cho trò nữa, lúc ấy, các thầy cô sẽ được “chỉ chuyên tâm vào dạy và học sinh chỉ chuyên tâm vào học”. Nhưng liệu điều đó sẽ kéo dài được bao lâu?
Nguồn ảnh minh họa: internet.
Đứng ở góc độ giáo viên, có một thực tế không thể chối cãi là trong mỗi nhà trường vẫn còn những thầy cô chưa nỗ lực với trò, với nghề. Họ dạy được chăng hay chớ, chỉ lên lớp cho đủ giờ, không cần biết học sinh học được gì, thậm chí còn yêu cầu các em làm thay một số việc thuộc trách nhiệm của mình. Và trò của thầy cô như thế chắc chắn sẽ dốt chứ đừng mong giỏi để mà tham gia cuộc thi này, thi nọ.
Như vậy, nếu không có thi cử, nghĩa là người thầy tâm huyết với nghề và những người thầy kiểu như trên sẽ như nhau, chẳng có gì để phân biệt họ cả. Và nếu một người làm việc tận tuỵ lại chẳng được ghi nhận, tôn vinh gì hơn một người lười biếng, thế thì công bằng ở đâu, có ai còn muốn chuyên tâm vào dạy để rồi vàng thau cũng lẫn lộn như nhau không?
Video đang HOT
Đứng ở góc độ học sinh, nếu không có các hội thi thì đâu là đích đến? Chúng ta không thể giới hạn nấc thang của tất cả các em như nhau vì nếu vậy, hẳn đã không thể có một thần đồng Đỗ Nhật Nam, một Lê Bá Khánh Trình, một Ngô Bảo Châu làm rạng danh đất nước như ngày nay. Và trên thế giới, cũng chả có phát minh nào, con người chưa biết điện là gì, máy tính là gì, vắc – xin ở đâu…
Có nhiều cuộc thi thì sẽ có nhiều sân chơi, sẽ có nhiều cơ hội cho mỗi cá nhân tỏa sáng. Nếu trong nhà trường chỉ tổ chức thi toán, thi văn thì lấy đâu một Lê Quang Liêm, một Đặng Thái Sơn? Nếu không có hội thi đồ dùng thì công sức của thầy Nguyễn Ngọc Kí làm sao được nhiều người mang ra ứng dụng? Nói như vậy để biết rằng bản chất các hội thi là không có lỗi mà ngược lại nó còn tạo ra sự thúc đẩy, sự tiến bộ và văn minh nhân loại.
Và cũng phải nói thêm, phía sau mỗi cuộc thi là bao nhiêu người đang miệt mài nghiên cứu, đang trăn trở ngày đêm, đang đổ mồ hôi để khắc phục những hạn chế, cải tiến những điểm mới mà mục đích là vì những người dự thi.
Vậy thì tại sao giáo viên lại “ngán ngẩm” với hội thi, tại sao những chủ trương tốt đẹp và những người tâm huyết lại không tìm được tiếng nói chung, không tìm được điểm gặp gỡ ? Theo tôi, ta cần nhìn nhận vấn đề ở từng khâu, sai đâu thì sửa đó. Nghĩa là các hội thi sẽ được quán triệt theo tinh thần:
- Nhà quản lí không vì thành tích mà ép tất cả giáo viên và tất cả học sinh phải tham gia.
- Giáo viên nhìn nhận hội thi là một sân chơi bổ ích và dành thời gian nghiên cứu, định hướng cho những em học sinh thực sự có khả năng được tiếp cận và phát triển.
- Học sinh và giáo viên không nhất thiết phải tham gia tất cả mọi hội thi mà chỉ tham gia khi thực sự thấy phù hợp.
Thực tế cho thấy, không ai tự nhiên mà giỏi. Chỉ khi người ta được tiếp cận, được trải nghiệm thì vốn kiến thức mới được tích lũy, và cũng chỉ qua trải nghiệm người ta mới hun đúc những ước mơ.
Ví dụ như hội thi gải toán trên mạng internet, nhiều thầy cô giáo chia sẻ, Violympic đã giúp họ giải được những bài toán mà ngày còn đi học họ toàn phải né. Nhiều học trò đã không còn thích chơi điện tử kể từ lúc em được tham gia thi toán trên internet. Rồi thì giáo viên có cái để chia sẻ cho nhau cách làm bài này, cách giải bài kia trên các diễn đàn… Đấy chính là thành công, là mục đích mà hội thi hướng tới.
Đành rằng, không phải tất cả mọi giáo viên, mọi học sinh đều thành công với một cuộc thi nào đó, nhưng mỗi cuộc thi chỉ cần “đãi cát tìm vàng” để rồi trở thành bệ phóng cho một vài nhân tố, thế cũng là thành công rồi.
Về hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, nhiều tác giả kêu ca vì phải tập dạy nhiều lần trước khi dự thi. Tại sao lại phải tập, ai ép mình? Theo tôi, giáo viên tập kĩ tiết thực hành trước khi ra dự thi là vì hai lí do:
- Thứ nhất là muốn được đánh giá cao (còn ai muốn, giáo viên hay ban giám hiệu thì tôi không bàn tới).
- Thứ hai, vì bình thường mình không dạy như khi đi thi hay nói chính xác là “cắt xén quá nhiều” nên khi cần làm chuẩn lại bỡ ngỡ, dẫn đến phải tập nhiều lần.
Tôi đã từng dự những tiết toán lớp Một mà cô giáo chỉ dùng 4 cái bảng phụ, một số bông hoa bằng bìa các-tông, còn học sinh cũng chỉ tương tác với sách, bảng con và vở nhưng tiết dạy cực kì thành công. Bí quyết đơn giản là: bình thường không đi thi, cô ấy cũng dạy như thế.
Ở một tiết khác, cô giáo dạy tập đọc cũng không hề dùng công nghệ, chỉ có sách và bảng phụ. Thế mà cô dẫn dắt trò qua từng hoạt động một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.
Nói như vậy để thấy rằng, anh chị em giáo viên ra hội thi vất vả tập luyện không phải lỗi tại hội thi. Có chăng, lỗi của hội thi là chưa đánh giá đúng người được công nhận như mục đích ban đầu đề ra. Thế mới có tình trạng sáng kiến lên mạng copy về và nộp cho xong nhưng kết quả vẫn đậu, để rồi người lên mạng copy và người tự nghiên cứu, tự viết sáng kiến sau đó đưa lên mạng cũng chả khác gì nhau…. Buồn là ở chỗ ấy.
Như vậy, nếu nói như tác giả Đỗ Quyên là “các cuộc thi của giáo viên, học sinh là nguyên nhân gây nên sự mệt mỏi, áp lực và góp phần kéo tụt chất lượng giáo dục của nhà trường” thì chưa chính xác.
Chẳng thầy cô có lương tâm nào lại bớt xén thời gian dạy trò để chuẩn bị bài thi của mình. Vấn đề là giáo viên dự thi cần sắp xếp hợp lí, đừng để học trò thiệt thòi vì mình sau đó cảm thấy áy náy, lại đổ lỗi cho … hội thi.
Nếu như các ngành khác người ta làm việc 8 giờ/ngày thì theo quy định, giáo viên chỉ dạy một số tiết, thời gian còn lại là nghiên cứu, chuẩn bị.
Nhưng thực tế, giáo viên bây giờ có làm thế không ? Và nếu đã nghiên cứu, chuẩn bị kĩ càng trước khi lên lớp thì chất lượng chắc chắn sẽ lên chứ làm sao lại tụt?
Nói thì nói vậy chứ tôi công nhận giáo viên có nhiều nỗi khổ. Nhưng dù khổ bao nhiêu thì thực tế vẫn cho thấy những kết quả (dù ít) rực rỡ của học sinh được bồi đắp từ công sức của các thầy cô giáo. Điều đó chứng tỏ, không có khó khăn nào mà không có cách khắc phục nếu mình thực sự muốn cố gắng. Còn khi mình đã cố gắng hết sức mà không thành công ở một hội thi nào đó thì ít ra học trò cũng đã tiến bộ hơn trước và các em sẽ ghi nhớ những gì thầy cô đã làm cho mình.
Mong rằng các thầy cô sẽ có niềm tin hơn để làm việc, cống hiến và truyền cho học sinh hứng thú khám phá, chinh phục những chân trời mơ ước của các em. Và như thế, chắc chắn các hội thi sẽ không bao giờ làm mất đi những giá trị chân chính của mỗi người giáo viên.
Theo PN