Các giáo viên hợp đồng Cà Mau có còn được đứng lớp?
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, số lượng hơn 1.400 giáo viên hợp đồng sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước ngày 1/9 là chưa phù hợp.
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau vừa chính thức thông tin hơn 1.400 giáo viên hợp đồng tại địa phương này sẽ không bị cắt hợp đồng toàn bộ mà sẽ được rà soát, sàng lọc trên cơ sở sắp xếp lại trường lớp học và giáo viên trên địa bàn. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã có nhiều phương án để giải quyết.
Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cho biết, tới ngày 10/8, mới biết có cắt hợp đồng giáo viên hay không và cắt bao nhiêu.
Chọn theo tiêu chí tuyển dụng
Trong buổi họp báo về rà soát, sắp xếp trường lớp học và giáo viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau để chuẩn bị cho năm học mới ngày 1/8 vừa qua, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi sắp xếp lại nếu số lượng giáo viên biên chế không đáp ứng được yêu cầu thực tế thì Sở sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương ký hợp đồng để đảm bảo hoạt động dạy và học của các trường. Từ đó, số lượng hơn 1.400 giáo viên hợp đồng sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước ngày 1/9 là chưa phù hợp. Bởi vì, nếu thiếu thì các giáo viên này sẽ là nguồn để lựa chọn tiếp tục hợp đồng.
Ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh: Đây là dịp sàng lọc lại đội ngũ. Ngay cả những giáo viên đang là viên chức cũng vẫn thanh lọc lại một lần nữa. Có trường hợp nào tới tuổi nghỉ hưu, sức khỏe kém hoặc không đủ chuẩn cũng phải xem xét sắp xếp lại. Còn các giáo viên hợp đồng, họ đa số là những người trẻ, triển vọng, đủ chuẩn hết rồi mà còn cầu tiến thì tiếp tục hợp đồng. Tới đợt thì thi tuyển viên chức giáo dục.
Trong buổi họp báo, ngành chức năng Cà Mau cho biết thêm, trong vấn đề xem xét tiếp tục hợp đồng với giáo viên sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các giáo viên. Khi hợp đồng lại sẽ chọn theo thứ tự ưu tiên: Đạt chuẩn, có thâm niên và xét những điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Hoàn cảnh vợ chồng cô Nguyễn Hồng Lạc mà VOV đã thông tin sẽ được xem xét ký hợp đồng lại với ít nhất 1 người để đảm bảo cuộc sống.
Một phương án nữa được đưa ra trong giải quyết giáo viên hợp đồng nếu có dôi dư là: ở bậc học mầm non, tỉnh Cà Mau đang thiếu hàng trăm giáo viên nên số giáo viên dôi dư ở các bậc học khác sẽ được tuyển chọn đưa đi đào tạo để đủ chuẩn, đủ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của bậc mầm non.
Đến thời điểm hiện tại các huyện, thành phố vẫn đang tiếp tục rà soát, sắp xếp lại theo yêu cầu và đến ngày 10/8 tới đây mới biết cụ thể có bao nhiêu giáo viên sẽ bị cắt hợp đồng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Liên quan vấn đề sắp xếp lại trường lớp, giáo viên, vào ngày 9/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện và thành phố Cà Mau tập trung thực hiện hiệu quả công việc này.
Video đang HOT
Nội dung công văn này nêu rõ, thống nhất lùi thời gian cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên do đơn vị tự hợp đồng (chưa được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép) đến trước ngày 1/9. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên do các đơn vị tự hợp đồng đúng quy trình, quy định của Pháp luật trước ngày 1/9 tới đây.
Trong buổi họp báo ngày 28/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau thông tin, trường hợp các địa phương, các trường tự ý ký hợp đồng với giáo viên mà chưa được chủ trương của Chủ tịch tỉnh là 1405 giáo viên. Đến cuộc họp báo ngày 1/8, ngành chức năng tỉnh này cho biết, không cắt hợp đồng toàn bộ 1405 giáo viên này mà sẽ xem xét trên cơ sở sắp xếp lại trường, lớp và giáo viên trên địa bàn. Sau đó, vẫn có thể có những giáo viên bị cắt hợp đồng do không đủ điều kiện.
Vấn đề đang được dư luận rất quan tâm là: đơn vị, cá nhân nào ký hợp đồng với 1405 giáo viên này mà chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho phép? Trách nhiệm này thuộc về những đơn vị, cá nhân nào? Hướng xử lý ra sao?
Về vấn đề này, trong cuộc họp báo vừa qua, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cho biết, Sở Nội vụ chỉ giao biên chế giáo viên, còn trường hợp hợp đồng ngoài biên chế thì không giao. Lần này rà soát lại sẽ xin Chủ tịch UBND tỉnh hướng xử lý cụ thể. Ai hợp đồng lại, ai cho ra rồi từ đó về sau phân định rõ ràng lại trách nhiệm.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau (đứng) cho biết, sau khi sắp xếp lại sẽ có đánh giá và sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị ký hợp đồng không đúng.
Còn ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh sẽ có đánh giá cụ thể và tùy theo mức độ sai phạm sẽ có hướng xử lý phù hợp: “Sau đợt sắp xếp sẽ có đánh giá cụ thể. Trong đó có mặt được và chưa được. Trường hợp đơn vị nào hay cá nhân nào sai sót thì tùy theo mức độ chủ quan hay khách quan sẽ có hình thức xử lý phù hợp”.
Trong quá trình tìm hiểu sự việc này, nhiều giáo viên đã tỏ ra rất lo lắng cho tương lai của mình. Đến nay, các giáo viên có bị cắt hợp đồng hay không vẫn chưa có gì rõ ràng. Nếu sau khi sắp xếp lại, có những giáo viên bị cắt hợp đồng vì lý do “địa phương, trường tự ký hợp đồng mà chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho phép” thì trách nhiệm này của ai, xử lý như thế nào. Đặc biệt, hiện nay dư luận đang rất quan tâm vấn đề làm sao đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng đối tượng được xem xét tiếp tục hợp đồng theo các tiêu chí ưu tiên mà ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã đưa ra./.
Trao đổi trong “Chương trình Góc nhìn” của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 31-7 về vấn đề nhiều tỉnh, thành trên cả nước xảy ra tình trạng các địa phương, các trường ký hợp đồng sai nguyên tắc với hàng loạt giáo viên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: đó là hậu quả của việc buông lỏng quản lý.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch UBND các tỉnh có xảy ra hiện tượng này phải lên tiếng, phải đứng ra giải quyết và phải chịu trách nhiệm với những hậu quả xảy ra ở địa phương mình. Trước hết phải xem xét cụ thể các trường hợp sai đến đâu, ai sai. Ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Hơn 1400 giáo viên ở Cà Mau dạy tại những trường cụ thể, vậy tại sao nhiều năm không phát hiện ra?
Theo vov.vn
Gần 300 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội có nguy cơ mất việc
Gần 300 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm khi UBND huyện Thanh Oai thực hiện việc chấm dứt hợp đồng theo chỉ đạo của thành phố.
Những ngày qua, thông tin UBND huyện Thanh Oai đột ngột chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên hợp đồng khiến hàng trăm giáo viên như ngồi trên lửa vì đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Nhiều ngày nay, các giáo viên cũng tụ tập nhiều giờ liền phía ngoài khu vực cổng UBND huyện Thanh Oai để phản đối quyết định này.
Chị Giang, giáo viên hợp đồng tại một trường THCS bức xúc: Ngày 19/7 vừa qua, UBND huyện Thanh Oai đột ngột ký quyết định chấm dứt hợp đồng của hàng trăm giáo viên ở cả 3 cấp học trong toàn huyện. Trong số các giáo viên hợp đồng, người nhiều đã đi dạy tới 20 năm, ít nhất cũng 5- 6 năm. Giờ đùng một cái cắt hợp đồng, chúng tôi biết đi đâu về đâu và làm gì đây khi đã cống hiến gần như cả tuổi trẻ cho sự nghiệp giáo dục".
Chị Dung (giáo viên hợp đồng dạy Tiếng Anh tại Trường THCS Mỹ Hưng) chia sẻ: "Tính đến tháng 10 năm nay là tôi đi dạy học được 22 năm. Giờ trên 40 rồi mà cắt hợp đồng thì chúng tôi biết làm gì bây giờ. Công việc chúng tôi làm thì không kém gì các giáo viên biên chế, thậm chí có những người còn phải làm vất vả hơn"
Ngày 19/7, UBND huyện Thanh Oai ra văn bản số 1020/UBND-NV về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội.
Thực hiện quyết định này UBND huyện đã ra văn bản thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với những trường hợp giáo viên khối Mầm non, Tiểu học và THCS trước đây được UBND huyện ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập. Sau đó những giáo viên này sẽ chuyển về các trường do Hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền. Thời gian thực hiện việc này theo thông báo từ ngày 1/9/2018.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tuệ Sơn, Trường phòng Nội vụ (UBND huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho hay việc huyện ra văn bản nói trên cũng được xem như là dự lệnh tới các giáo viên hợp đồng để nắm bắt được chủ trương đề án vị trí việc làm của huyện qua đó chủ động tìm kiếm công việc để đảm bảo thu nhập cho chính bản thân. "Đồng thời cũng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến phản hồi từ người lao động để trên cơ sở đó để lãnh đạo huyện xem xét có đồng ý giải quyết, ưu tiên và có cơ chế hỗ trợ cho đối tượng nào và ra sao", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 440 giáo viên hợp đồng ở 3 cấp THCS, Tiểu học và Mầm non.
"Hiện nay, các giáo viên ở các trường vẫn sẽ đâu vào đó. Trước đây các đối tượng hợp đồng lao động này do các trường đề nghị về để dạy các môn thì hiện nay họ vẫn cứ ở đấy thôi. Chỉ là chuyển chủ thể ký hợp đồng từ huyện về cho các nhà trường ký, chỉ là thay chủ thể sử dụng lao động".
Theo ông Sơn, thực tế thì đến thời điểm hiện tại, các giáo viên chưa bị cắt hợp đồng và điều này được UBND huyện Thanh Oai khẳng định đảm bảo duy trì cho đến hết năm 2018 và sẽ duy trì việc được ký hợp đồng cho đến khi có đợt thi tuyển viên chức mới.
Tuy nhiên, VietNamNet cũng đặt câu hỏi rằng, hiện nay thì chưa, nhưng có thể trong tương lai gần sau năm 2018 khi có đợt thi tuyển mới và khi các trường tuyển đủ giáo viên thì số giáo viên hợp đồng này sẽ "bơ vơ". Theo đăng ký nhu cầu cần tuyển dụng của huyện Thanh Oai trong thời gian tới là khoảng gần 120 giáo viên và qua tổng hợp của huyện này, số lao động hợp đồng vượt định mức hiện là 278 người.
Về điều này, theo ông Sơn, theo quyết định số 8586 của UBND TP Hà Nội về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 và Nghị quyết 17/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2018 đều có chỉ đạo sau cùng: "Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm và không được tự ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, kiên quyết chấm dứt hợp đồng chuyên môn hiện có. Đối với những đơn vị cố tình không thực hiện, đề nghị xét xét kỷ luật theo quy định".
Ông Sơn nói: "Vậy nếu kiểm tra mà huyện Thanh Oai vẫn có thì sẽ bị xử lý. Trách nhiệm của chúng tôi bây giờ là làm làm sao để đảm bảo hợp lý về chỉ đạo của cấp trên đề xuống, thứ hai là hợp tình để làm sao người lao động hợp đồng thấy có thể chấp nhận được. Còn nếu để đạt được cái tình theo yêu cầu của họ thì chúng tôi không đáp ứng được quy định của pháp luật".
Ông Sơn cho rằng, trước kia nếu chưa có Nghị quyết 17 và Quyết định 8586 thì có thể "nấn ná" nhưng giờ huyện phải làm quyết liệt.
"Bản thân chính quyền cũng không ép người lao động phải ký hợp đồng mà cái chính là nhu cầu, nguyện vọng của người lao động. Họ đã được chính quyền ưu ái, tạo điều kiện bằng việc ký hợp đồng để không bị mai một kiến thức, nghề nghiệp của mình sau đào tạo mấy năm trời trong thời gian đợi các kỳ thi tuyển. Người lao động hợp đồng thì phải xác định là luôn luôn phấn đấu đễ đỗ được vào thành viên chức. Viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, còn lao động hợp đồng bằng nguồn tiết kiệm chi của các trường hoặc của huyện để giúp cho người lao động duy trì nghề nghiệp của mình chờ thi tuyển. Và cũng phải nhìn nhận viên chức thì có tính ổn định hơn còn lao động hợp đồng thì chính bản thân họ phải xác định là sẽ không ổn định", ông Sơn nói.
"Khi thành phố tổ chức thi tuyển chung, giáo viên nào có trình độ năng lực thì chắc chắn sẽ trúng tuyển. Nhưng khi không đỗ thì rõ ràng chuyên môn và năng lực còn kém và phải chấp nhận chuyện phải thanh lý chấm dứt" .
Trước câu hỏi rằng vậy tại sao huyện lại ký hợp đồng dư nhiều như vậy với các giáo viên để xảy ra chuyện như hiện nay, ông Sơn nói: "Khi tuyển dụng thì có số người thi không đỗ, có trường hợp dự tuyển đến lần thứ 8, 9 mà không trúng tuyển. Nhu cầu giáo viên thì cần nhưng thi vào không đỗ nên không thể tuyển được. Như vậy thiếu giáo viên đứng lớp mới sinh ra chuyện giáo viên hợp đồng. Có thể vì tinh thần nhân văn và ưu ái mà rồi các lãnh đạo tiền nhiệm ký để tạo điều kiện cho các giáo viên tiếp tục giảng dạy để chờ đợt thi tuyển tiếp theo. Đúng ra phải cắt luôn ở thời điểm đó nhưng nếu nghỉ ở nhà thì sẽ bị mai một kiến thức nên ký để họ được tiếp tục làm cho nhớ việc nên mới tồn tại chuyện như hiện nay".
Theo ông Sơn, với các trường hợp giáo viên không được ký tiếp hợp đồng trong tương lai, có thể huyện sẽ hỗ trợ bằng việc hướng dẫn, giới thiệu các lao động hợp đồng về các trường tư thục, đặc biệt ở các khu đô thị mới mọc lên.
Cùng đó, sẽ đề nghị UBND huyện có cơ chế tài chính để hỗ trợ cho người lao động khi thực hiện việc chấm dứt hợp đồng.
Ngoài ra, UBND huyện cũng sẽ xem xét thời điểm ký hợp đồng, thời gian công tác, đối tượng và hoàn cảnh gia đình như con thương bệnh binh, liệt sỹ,... từ đó xác định các trường hợp được ưu tiên để giao các trường ký trong chỉ tiêu biên chế.
Ra trường năm 2000 và tính đến nay đã dạy được 16 năm, cô giáo Ngọc (giáo viên dạy Toán tại Trường THCS Thanh Thùy) bức bối vì cho rằng cách giải quyết của UBND huyện Thanh Oai là chưa hợp lý. Cùng đó theo chị, việc ký hợp đồng giáo viên quá nhiều mới dẫn tới chuyện giờ đây thừa nhiều.
"Tôi không phủ nhận hiện nay huyện đang làm đúng theo tinh thần chỉ đạo nhưng với đặc thù của huyện Thanh Oai như thế này thì không thể nào mà tiến hành răm rắp như vậy. Chúng tôi muốn phải có hướng giải quyết cho chúng tôi, không thì quá thiệt thòi.
Những người trước đã làm sai thì giờ phải sửa sai. Không thể vì một công văn yêu cầu chấm dứt hợp đồng mà cho chúng tôi về là không được và chúng tôi không đồng ý.
Như tôi là 16 năm nhưng có người trên 20 năm đã cống hiến hết tuổi thanh xuân. Có thầy đã gần 50 tuổi. Nếu bị cắt hợp đồng, với tấm bằng cao đẳng sư phạm thì thử hỏi chúng tôi sẽ đi xin được việc gì. Xách vữa cũng làm gì có sức khỏe mà làm nữa. Trong khi tuổi thanh xuân đã qua cống hiến hết cho giáo dục rồi.
Tại sao các huyện khác cũng làm nhưng không vấn đề gì? Bởi họ ký hợp đồng vừa đủ với số lượng giáo viên thiếu, thì khi chuyển về trường ký hợp đồng thì cơ bản giữ nguyên và đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng tại Thanh Oai là ký thừa quá nhiều, đến năm 2014, chủ tịch huyện khi đó vẫn ký thêm hợp đồng. Vậy giờ các giáo viên hợp đồng vượt mức sẽ đi đâu?"
Thanh Hùng
Theo vietnamnet.vn
Cà Mau: Hơn 1.400 giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng Ngày 28/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức buổi họp thông tin về việc sắp xếp giáo viên và trường lớp học trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, các trường trên địa bàn tỉnh đã tự ý hợp đồng với hàng loạt giáo viên mà chưa có...