Các doanh nghiệp Việt cần thúc đẩy nội địa hóa an ninh mạng
An toàn thông tin ( ATTT) tại nước ta đã có những bước chuyển mình tích cực về mặt pháp lý. Song song, các doanh nghiệp trong nước có những bước chuyển mình để đáp ứng với sự chuyển dịch lớn này.
Mới đây, Giám đốc Chiến lược của VCS – ông Nguyễn Xuân Nam đã có những chia sẻ với Ken Research về các vấn đề xung quanh việc phát triển Hệ sinh thái an ninh mạng trong nước, vai trò của Chính phủ và vị trí của Công ty An ninh mạng Viettel tại thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Nam – Giám đốc Chiến lược Công ty An ninh mạng Viettel
Chuyên gia: Ông nhận định như thế nào về các tác động của luật đối với lĩnh vực ATTT tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Xuân Nam: Chính phủ đang chú trọng vào lĩnh vực an ninh quốc gia. Theo khuyến nghị, các tổ chức nên dành tối thiểu 10% ngân sách đầu tư CNTT mỗi năm cho dịch vụ bảo mật. Các giải pháp, dịch vụ bảo mật nên được cung cấp từ các công ty trong nước như Viettel, CMC, Bkav, …. Chính phủ đang tập trung vào sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước và trong thời gian tới, các doanh nghiệp quốc tế có thể sẽ phải cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.
Chuyên gia: Theo ông những công nghệ như IoT, Blockchain, 5G, điện toán đám mây sẽ tác động như thế nào đến môi trường an ninh mạng tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Xuân Nam: Dễ thấy nhất là sự phát triển về công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ CNTT do các dự án mới như E-gov, Thành phố thông minh, kéo theo đó là nhu cầu về các dịch vụ an ninh mạng. Các công nghệ trên cần tích hợp với các giải pháp công nghệ tiên tiến trong việc bảo mật thông tin mạng, giảm thiểu các rủi ro mất an toàn, an ninh thông tin.
Chuyên gia: Theo ông, các công ty an ninh mạng phục vụ chủ yếu cho những ngành công nghiệp nào? Những điểm khó khăn mà người sử dụng phải đối mặt là gì?
Ông Nguyễn Xuân Nam: Hiện nay, Tài chính ngân hàng là ngành có mối quan tâm lớn nhất đối với bảo mật, ATTT. Công ty An ninh mạng Viettel đã cung cấp các giải pháp bảo mật đầu cuối cho doanh nghiệp trong ngành, như SOAR, SIEM, EDR và Threat Intelligence và các dịch vụ Threat Hunting, Pentest.
Ngoài ra, theo tôi là việc người dùng không được trang bị đầy đủ kiến thức về bảo mật để ứng phó với sự cố, đa phần vẫn sử dụng các sản phẩm truyền thống để chống virus như tường lửa, bảo mật thư điện tử.
Video đang HOT
Lễ ra mắt sản phẩm Viettel Threat Intelligence
Chuyên gia: Năm 2020 là một năm khó quên bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo ông vấn đề này có ảnh hưởng tới thị trường ngành an ninh mạng trong nước không?
Ông Nguyễn Xuân Nam: Chúng ta có thể nhận thấy tác động lớn nhất là ngân sách của khách hàng giảm xuống và sự cạnh tranh với các công ty nước ngoài cũng tăng lên.
Để một công ty nước ngoài tham gia vào thị trường nước ta thì phải tìm được ít nhất một nhà phân phối nội địa để kết nối với khách hàng và đưa ra những sản phẩm/giải pháp phù hợp. Đối với các công ty trong nước, thách thức đó là phải có được giấy phép từ Chính phủ để bán sản phẩm và dịch vụ của họ.
Chuyên gia: Ông có thể cho biết đôi nét về Viettel Cyber Security? Điều gì khiến cho công ty phát triển trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong nước?
Ông Nguyễn Xuân Nam: Viettel Cyber Security trở thành một công ty độc lập từ năm 2019. Trước đó, công ty hoạt động như một trung tâm an ninh nội bộ trực thuộc Tập đoàn Viettel. Chúng tôi hiện cung cấp 3 dịch vụ chính: dịch vụ quản lý bảo mật, các sản phẩm độc lập và các dịch vụ chuyên nghiệp với ba nhà phân phối là Nam Trường Sơn (NTS), IDC Group và Innet. Các khách hàng lớn của Công ty là Vietcombank, MBBank, VPBank, Vietnam Airlines, EVN và một số cơ quan, ban, ngành khác.
Trong tổng thị phần ATTT khoảng 66-67 triệu USD, VCS chiếm thị phần khoảng 15%, cao nhất so với các công ty ATTT trong nước.
Chuyên gia: Được biết VCS đã thay đổi chiến lược trong mô hình kinh doanh, lý do đằng sau sự chuyển đổi mô hình kinh doanh là gì?
Ông Nguyễn Xuân Nam: Trước đây, VCS triển khai mô hình kinh doanh bán hàng trực tiếp, nhưng hiện tại chúng tôi đã chuyển sang mô hình nhà cung cấp. Theo đó, sản phẩm được bán cho Nhà phân phối để chuyển xuống các Đại lý sau đó mới đến tay khách hàng. Sự thay đổi này giúp mở rộng thị trường và sản phẩm/dịch vụ của VCS đến với khách hàng dễ dàng hơn.
Chuyên gia: Theo ông xu hướng công nghệ nào sẽ làm chủ trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Xuân Nam: Xu hướng thay đổi trong thời gian tới có thể kể đến việc chuyển dịch sang mô hình điện toán đám mây. Ngoài ra, quyền riêng tư dữ liệu và IoT dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tất cả điều này tạo ra một phạm vi mới đối với các dịch vụ ATTT.
Ken Research là công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới đến từ Ấn Độ. Hàng năm, Ken Research xuất bản các báo cáo uy tín về các ngành nghề tại các thị trường khác nhau, bao gồm Nhận định về Tiềm năng thị trường An toàn thông tin tại Việt Nam.
Từ khóa "chuyển đổi số" đang len lỏi vào cuộc sống mỗi người dân
Tính từ tháng 3/2020 đến nay, từ khóa "chuyển đổi số" được tìm kiếm trên không gian mạng đã tăng gấp 10 lần.
Chiều nay (14/12), Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 chính thức khai mạc với chủ đề Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối". Đây là sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.
Diễn đàn là hoạt động thiết thực, đồng hành cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 chiều 14/12.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nếu như hồi tháng 3/2020 trên toàn bộ không gian mạng, số lượt đề cập có chứa từ khóa "chuyển đổi số" chỉ khoảng 3.000 lượt thì đến tháng 11/2020 đã có 30.000 lượt. Điều này cho thấy khái niệm, sự thôi thúc "chuyển đổi số" đã và đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta, và diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020 cũng nằm trong xu hướng này.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định "chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia". Điều này có nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số "phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người".
Đại diện Bộ TT&TT cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang là lực lượng chủ lực nhằm phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh chuyển đổi số là sự dịch chuyển chưa có tiền lệ, và chỉ thành công nếu toàn dân tham gia.
Thứ trưởng chỉ đạo rằng các doanh nghiệp công nghệ lớn cần "tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian". Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ "hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo". Dựa trên sự kết hợp này, Thứ trưởng cho rằng sẽ tạo ra được hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Theo Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, chuyển đổi số được xem như vấn đề sống còn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. "Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế, chuyển đổi số nhanh chóng, nắm bắt thời cơ nghìn năm có một sẽ giúp chúng ta tiến một bước dài trên trường quốc tế", ông Trương Gia Bình cho biết. "Hơn lúc nào hết, Chính phủ, các bộ ban ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp... cần kết nối lại, chia sẻ để cùng nhau hành động."
Người đứng đầu VINASA cũng kỳ vọng, Ngày Chuyển đổi số Việt Nam sẽ tạo ra các không gian tri thức, kinh nghiệm thực tiễn sống động, và các giải pháp hiệu quả về chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước, đồng thời tích cực kết nối hợp tác cung cầu về chuyển đổi số.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020.
Theo thống kê được ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) công bố tại Hội thảo, chỉ số đánh giá chung về phát triển xã hội số tại Việt Nam tăng 12 điểm, tương đương 2 bậc trong giai đoạn từ 2018 - 2019. Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng 21 điểm về định danh số, 15 điểm về Công dân số, gấp 2-3 lần mức tăng trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây đều là những con số cho thấy Việt Nam đang đi đúng lộ trình để bắt nhịp xu thế chuyển đổi số toàn cầu.
Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Chuyển đổi số Tập đoàn FPT cũng nhìn nhận rằng mặc dù Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới doanh thu và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong năm 2020, nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam đã nỗ lực hết mình vươn lên, sử dụng công nghệ số "như một chìa khóa" để vượt qua khủng hoảng, chuẩn bị sẵn đà, sẵn tâm lý để có thể tăng trưởng ngay sau khi dịch bệnh trôi qua.
Chia sẻ số liệu thực tế về tác động của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty CNTT VNPT cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19, VNPT đã tận dụng để đạt nhiều thành tích đáng tự hào, như ứng dụng dạy học trực tuyến vnEdu Mobile App lọt top 1 trong hạng mục giáo dục tại Việt Nam, được sử dụng bởi hơn 20.000 trường học, 9 triệu tài khoản học sinh; VNPT eMeeting phục vụ hơn 1.000 cuộc họp của các Cơ quan Nhà nước; VNPT eKYC triển khai cho hơn 10 ngân hàng và công ty tài chính;...
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cũng chia sẻ số liệu cho biết trong năm 2020 vừa qua, công ty đã mang giải pháp chuyển đổi số của mình tới 84% đơn vị HCSN, 80% xã phường, và hơn 19.000 trường học trên cả nước.
Theo chia sẻ tạo Hội nghị, hiện có 6 ngành, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm cho chuyển đổi số tại Việt Nam gồm: Y tế, Tài chính ngân hàng, Logistics, Nông nghiệp, Sản xuất công nghiệp và chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Đây là những ngành kinh tế và đối tượng quan trọng, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế, góp phần quan trọng trong việc tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt lo lắng gì khi quyết định "lên mây"? Đây là vấn đề đã được đặt ra tại phiên Tọa đàm Nền tảng Điện toán đám mây Việt Nam an toàn phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin sáng 2/12. Trong phiên thảo luận, ông Hoàng Văn Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC) chỉ ra các rào cản...