Các doanh nghiệp công nghệ lớn cần tập trung phát triển hạ tầng, nền tảng
Theo đại diện Bộ TT&TT, để phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam mạnh, các doanh nghiệp công nghệ lớn cần phát huy vai trò của mình, tập trung vào hạ tầng và nền tảng.
Chuyển đổi số nhanh, mạnh và quyết liệt hơn trong năm 2021
Chia sẻ tại tọa đàm “Làm gì để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?”, một hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam năm 2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là hành trình dài, là một cuộc chạy tiếp sức. “Thế hệ chúng tôi cam kết nỗ lực kế thừa những gì các thế hệ đi trước, những doanh nghiệp uy tín và cộng đồng đã tạo dựng”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ tại tọa đàm “Làm gì để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?”.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam sẽ chuyển đổi số nhanh hơn dựa trên các nền tảng, tức là chúng ta đứng trên vai những người khổng lồ để làm nhanh hơn. Và vì thế, ông mong rằng với việc đã có sau lưng cả một cộng đồng, nền tảng, trong năm 2021, chúng ta sẽ mạnh mẽ tiến lên phía trước với tinh thần “nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn”.
Trước câu hỏi “Cần làm gì để chuyển đổi số nhanh, nhất là trong lĩnh vực giáo dục” của người điều phối phiên tọa đàm – Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, có nhiều việc phải làm trong năm 2021. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ mong muốn phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mạnh, trong đó các doanh nghiệp lớn sẽ chơi đúng vai của mình và có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai những hệ sinh thái ứng dụng.
Khát vọng của Bộ TT&TT là cứ 1.000 người dân sẽ có 1 doanh nghiệp công nghệ số để mang công nghệ vào từng ngõ ngách của cuộc sống. “Để làm được điều đó, tôi nghĩ các doanh nghiệp lớn như FPT, VNPT, Viettel… phải phát huy vai trò của mình, tập trung vào hạ tầng và nền tảng, thay vì cạnh tranh với các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Dũng nêu quan điểm.
Ở vai Chủ tịch VINASA, ông Trương Gia Bình cũng cho rằng có lẽ đã đến lúc các doanh nghiệp lớn phải bàn với nhau để tạo một sân chơi tốt cho toàn bộ ngành, để ai cũng có quyền được đóng góp. “Đây là một bài toán VINASA cần suy nghĩ, nghiên cứu và chắc rằng năm 2021 phải bắt đầu hành động”, ông Bình đề xuất.
Về vấn đề hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ, các startup, Tổng giám đốc VNPT IT Ngô Diên Hy cho biết, VNPT cũng nhận thấy trách nhiệm của tập đoàn mình trong việc thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Theo ông Hy, hiện VNPT đang làm việc với một số tổ chức như như Hội tin học TP.HCM, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để tìm ra được những cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ quy mô nhỏ đang có những sản phẩm cần phát triển mạnh.
Video đang HOT
“Chúng tôi cam kết đồng hành không chỉ với các doanh nghiệp có mong muốn chuyển đổi số mà cả với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để xây dựng cùng nên nền tảng chuyển đổi số vững mạnh, góp phần vào thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, ông Hy khẳng định.
Với FSI, Tổng giám đốc Nguyễn Hùng Sơn cam kết hàng năm doanh nghiệp này sẽ dành từ 15 – 20% lợi nhuận cho nghiên cứu và phát triển các sản phẩm Make in Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu Việt Nam có thể độc lập về công nghệ và các doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận các công nghệ với chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.
Người học công nghệ số cần có tinh thần chinh phục
Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng là một nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các diễn giả tham gia phiên tọa đàm vào chiều ngày 14/12.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, hiện nay công nghệ số thay đổi rất nhanh nên việc liên tục bổ sung các kỹ năng mới là quan trọng. Ông cũng nhắn nhủ những người học công nghệ số cần có tinh thần chinh phục: “Các sinh viên công nghệ cần xác định học để chinh phục những gì mà chưa ai chinh phục, có thể rút ngắn thời gian học chính quy. Ví dụ như, chương trình đào tạo của Google, họ chỉ cần 6 tháng để hoàn thành chương trình cử nhân 4 năm”.
Theo Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân Trần Thọ Đạt, giáo dục đại học cần chuyển từ truyền đạt kiến thức sang giao dục kỹ năng
Có cùng quan điểm với đại diện Bộ TT&TT, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, một trong những thay đổi quan trọng nhất của chuyển đổi số, kinh tế số với giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục đại học là vấn đề cân đối thế nào giữa đào tạo kỹ năng và đào tạo kiến thức.
Theo ông, trong bối cảnh kiến thức tăng theo cấp số mũ còn thời gian tăng đều đặn theo cấp số cộng, cần phải chuyển đổi giáo dục đại học từ đào tạo, truyền đạt kiến thức sang giáo dục kỹ năng. Mục tiêu là để người học nhờ chuyển đổi số, công nghệ số có thể học tập suốt đời mọi nơi mọi lúc, không bị lạc hậu.
Vị Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng bày tỏ sự đồng thuận với nhận định được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất tại diễn đàn: “Covid-19 đã vô tình mang lại cho ngành giáo dục đào tạo cơ hội để tự thay đổi chính mình”.
Minh chứng cho điều này, ông Đạt dẫn chứng thực tế ngay tại trường mình: “Chúng tôi trong một vài năm vừa qua ứng dụng đào tạo trực tuyến vô cùng khó, bởi gặp phải “hòn đá tảng” rất lớn là tâm lý ngại thay đổi của cả cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Thế nhưng, dịch Covid-19 đã bắt buộc chúng tôi phải thay đổi và đào tạo Blended Learning (kết hợp e-learning và học tập truyền thống – PV) đã trở thành một trong những phương thức đào tạo rất bình thường ở nhiều trường đại học, trong đó có trường chúng tôi”.
Từ khóa "chuyển đổi số" đang len lỏi vào cuộc sống mỗi người dân
Tính từ tháng 3/2020 đến nay, từ khóa "chuyển đổi số" được tìm kiếm trên không gian mạng đã tăng gấp 10 lần.
Chiều nay (14/12), Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 chính thức khai mạc với chủ đề Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối". Đây là sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.
Diễn đàn là hoạt động thiết thực, đồng hành cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 chiều 14/12.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nếu như hồi tháng 3/2020 trên toàn bộ không gian mạng, số lượt đề cập có chứa từ khóa "chuyển đổi số" chỉ khoảng 3.000 lượt thì đến tháng 11/2020 đã có 30.000 lượt. Điều này cho thấy khái niệm, sự thôi thúc "chuyển đổi số" đã và đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta, và diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020 cũng nằm trong xu hướng này.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định "chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia". Điều này có nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số "phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người".
Đại diện Bộ TT&TT cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang là lực lượng chủ lực nhằm phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh chuyển đổi số là sự dịch chuyển chưa có tiền lệ, và chỉ thành công nếu toàn dân tham gia.
Thứ trưởng chỉ đạo rằng các doanh nghiệp công nghệ lớn cần "tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian". Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ "hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo". Dựa trên sự kết hợp này, Thứ trưởng cho rằng sẽ tạo ra được hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Theo Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, chuyển đổi số được xem như vấn đề sống còn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. "Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế, chuyển đổi số nhanh chóng, nắm bắt thời cơ nghìn năm có một sẽ giúp chúng ta tiến một bước dài trên trường quốc tế", ông Trương Gia Bình cho biết. "Hơn lúc nào hết, Chính phủ, các bộ ban ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp... cần kết nối lại, chia sẻ để cùng nhau hành động."
Người đứng đầu VINASA cũng kỳ vọng, Ngày Chuyển đổi số Việt Nam sẽ tạo ra các không gian tri thức, kinh nghiệm thực tiễn sống động, và các giải pháp hiệu quả về chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước, đồng thời tích cực kết nối hợp tác cung cầu về chuyển đổi số.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020.
Theo thống kê được ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) công bố tại Hội thảo, chỉ số đánh giá chung về phát triển xã hội số tại Việt Nam tăng 12 điểm, tương đương 2 bậc trong giai đoạn từ 2018 - 2019. Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng 21 điểm về định danh số, 15 điểm về Công dân số, gấp 2-3 lần mức tăng trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây đều là những con số cho thấy Việt Nam đang đi đúng lộ trình để bắt nhịp xu thế chuyển đổi số toàn cầu.
Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Chuyển đổi số Tập đoàn FPT cũng nhìn nhận rằng mặc dù Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới doanh thu và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong năm 2020, nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam đã nỗ lực hết mình vươn lên, sử dụng công nghệ số "như một chìa khóa" để vượt qua khủng hoảng, chuẩn bị sẵn đà, sẵn tâm lý để có thể tăng trưởng ngay sau khi dịch bệnh trôi qua.
Chia sẻ số liệu thực tế về tác động của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty CNTT VNPT cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19, VNPT đã tận dụng để đạt nhiều thành tích đáng tự hào, như ứng dụng dạy học trực tuyến vnEdu Mobile App lọt top 1 trong hạng mục giáo dục tại Việt Nam, được sử dụng bởi hơn 20.000 trường học, 9 triệu tài khoản học sinh; VNPT eMeeting phục vụ hơn 1.000 cuộc họp của các Cơ quan Nhà nước; VNPT eKYC triển khai cho hơn 10 ngân hàng và công ty tài chính;...
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cũng chia sẻ số liệu cho biết trong năm 2020 vừa qua, công ty đã mang giải pháp chuyển đổi số của mình tới 84% đơn vị HCSN, 80% xã phường, và hơn 19.000 trường học trên cả nước.
Theo chia sẻ tạo Hội nghị, hiện có 6 ngành, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm cho chuyển đổi số tại Việt Nam gồm: Y tế, Tài chính ngân hàng, Logistics, Nông nghiệp, Sản xuất công nghiệp và chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Đây là những ngành kinh tế và đối tượng quan trọng, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế, góp phần quan trọng trong việc tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
'Phải dùng tinh thần tháo gỡ chứ không phải trói buộc khởi nghiệp' Tại Techfest 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các bộ, ngành cần tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Tại diễn đàn "Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức" trong khuôn khổ TECHFEST 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại với nhiều đại diện của giới khởi...