Các địa phương tích cực cho kỳ thi THPT quốc gia chất lượng
GD&TĐ – Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đã và đang được các địa phương triển khai tích cực.
Nam Định: Sẵn sàng phối hợp với trường ĐH tổ chức thi
Thầy Cao Xuân Hùng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định – cho biết: Với sự chủ động từ trước, hiện nay, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tiến hành một cách nghiêm túc việc rà soát, ôn tập cho học sinh trên phương châm chắc chắn, từ cơ bản đến nâng cao.
Với cách thức ôn tập dựa trên phân hóa đối tượng, những học sinh chỉ có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp sẽ được tập ôn kiến thức cơ bản; với các em có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ được ôn thi để đảm bảo yêu cầu này.
Với những đổi mới của kỳ thi năm nay, có thể thấy, các trường đã thực sự chủ động nên tâm lý học sinh và phụ huynh diễn biến bình thường, không có chuyện bất ổn hay lo lắng.
Thầy Cao Xuân Hùng cũng cho biết mới nhận được thông tin Nam Định thuộc cụm thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sở GD&ĐT sẵn sàng phối hợp với trường trong việc thu hồ sơ, nhập dữ liệu, kể cả chuẩn bị cơ sở vật chất nếu nhà trường yêu cầu.
Với cụm thi trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đang tiến hành điều tra nguyện vọng của học ính. Trên cơ sở kết quả này sẽ có những tính toán để lập ra các cụm thi theo huyện hay tỉnh.
“Thời gian tới, Sở GD&ĐT có kế hoạch tổ chức buổi tập trung tất cả Hiệu trưởng các trường THPT để xem trách nhiệm của từng trường như thế nào.
Ví dụ, với ba đối tượng: Học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp, học sinh thi với mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, thí sinh tự do, việc thu nhận hồ sơ sẽ ra sao
Cá nhân tôi cho rằng, cả 3 đối tượng này đều nên nộp hồ sơ tại trường THPT mình học tập” – Thầy Cao Xuân Hùng cho biết thêm.
Gia Lai: Triển khai trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho thí sinh và hướng tới chất lượng
Thầy Lê Duy Định – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai – cho biết: Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường THPT, các trung tâm GDTX, các phòng GD&ĐT phổ biến quy chế thi THPT quốc gia cho cán bộ, giáo viên và học sinh lớp 12 dự thi.
Video đang HOT
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh những điểm mới và quán triệt tới các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia chấp hành nghiêm túc quy chế.
Các trường trên địa bàn tỉnh dựa vào quy chế thi THPT quốc gia, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy và các hướng dẫn có liên quan của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT để tư vấn cho học sinh, phụ huynh học sinh những vấn đề liên quan đến kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ khi được yêu cầu.
Theo thầy Lê Duy Định, một trong những vấn đề được Sở đặc biệt nhấn mạnh là phổ biến cho học sinh kỹ năng khi làm bài, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Đồng thời, thông báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, kém… có thể không đủ điều kiện dự thi; phối hợp với phụ huynh để tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập của học sinh, (nhất là trong thời gian nghỉ hè trước khi kì thi diễn ra.
Việc bổ sung đầy đủ hồ sơ cá nhân của học sinh đang học lớp 12 gồm học bạ, giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp THCS, giấy chứng nhận ưu tiên, khuyến khích,… theo quy định của quy chế, trong đó có các loại hồ sơ của những học sinh chuyến trường, học sinh học trước tuổi… cũng được lưu ý.
Cùng với đó là kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa hồ sơ, đảm bảo chính xác các thông tin về họ tên, ngày sinh, nơi sinh, giới tính, dân tộc; thống nhất ở tất cả các loại hồ sơ cá nhân trên và các loại hồ sơ có liên quan như sổ điểm, danh sách.
Kiểm tra các giấy tờ hưởng chế độ ưu tiên (con thương binh, bệnh binh, những người được hưởng chính sách như thương binh, chất độc mầu da cam, học sinh người dân tộc thiểu số, người có hộ khẩu vùng cao, vùng sâu, khu kinh tế mới, xã đặc biệt có khăn, người khuyết tật…), các loại giấy tờ để hưởng điểm khuyến khích.
Những trường có thí sinh không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực, có nguyện vọng dự thi, nhà trường tổ chức cho học sinh dự kỳ thi kiểm tra cuối năm một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 để tính lại điểm trung bình cả năm theo quy định; cấp giấy xác nhận điểm bảo lưu cho thí sinh đã dự thi năm trước theo quy định.
Những công việc khác cũng sẽ được tiến hành để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trước kì thi THPT quốc gia như:
Hướng dẫn học sinh xin cấp Giấy chứng minh nhân dân (để làm thủ tục dự thi); tạo điều kiện cho học sinh chỉnh sửa nội dung trên văn bằng tốt nghiệp THCS của học sinh (khi có sai sót), cấp bản sao bằng THCS… khi có yêu cầu của học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, tiến hành khảo sát sơ bộ nguyện vọng của học sinh tham dự kỳ thi này.
Theo Giaoducthoidai.vn
Quy chế thi giải tỏa khó khăn của học sinh vùng khó
GD&TĐ - Khảo sát của một số Sở GD&ĐT cho thấy cả phụ huynh và học sinh đều rất phấn khởi với phương án thi THPT quốc gia, đặc biệt là những thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp.
Ông Chu Bá Vinh - Trường phòng giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Bắc Giang): 35 - 40% học sinh huyện vùng khó Bắc Giang không xét tuyển vào ĐH
Ông Chu Bá Vinh
Tôi đồng tình cao với quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Đặc biệt, hoan nghênh quy định cụ thể về cụm thi, trong đó, cụm thi địa phương dành cho các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Thực tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hầu như những học sinh thuộc đối tượng này có học lực trung bình, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Quy định trong quy chế chính thức sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các em, như không phải đi xa, bớt kinh phí.
Theo kết quả thăm dò ý kiến chúng tôi thực hiện, học sinh và phụ huynh rất phấn khởi, cho thấy Bộ GD&ĐT đã nhìn thấy được khó khăn của đối tượng học sinh này.
Bắc Giang là một tỉnh miền núi, có nhiều vùng khó khăn, đặc biệt là 4 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Những huyện này nằm xa trung tâm, số học sinh có khả năng không xét tuyển vào ĐH lên tới khoảng 35 đến 40%.
Từ thực tế này, cá nhân tôi đề xuất sẽ hình thành một cụm thi đặt tại huyện miền núi Lục Ngạn (vì tại huyện này, khu vực thị trấn phát triển tốt) và một cụm thi đặt tại thành phố, giúp học sinh thuận tiện trong việc đi lại.
Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, trước khi có quy chế chính thức, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến những điểm mới cơ bản để các cán bộ, giáo viên và học sinh nắm rõ; đồng thời, tổ chức cho học sinh ôn tập, bồi dưỡng ngay từ đầu năm và tập trung mạnh hơn sau Tết Nguyên đán.
Đến nay, cơ bản các học sinh đã đăng ký môn thi, kể cả môn thứ 4 và môn thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Công việc này sẽ được tiếp tục thực hiện để có thể hoàn tất trước 30/4.
Một trong những điều thuận lợi là năm nay, thời gian thi lùi lại đến tháng 7. Chúng tôi cũng đã tính đến việc, sau khi kết thúc chương trình năm học vào tháng 5, thời gian từ đó đến khi thi sẽ tổ chức quản lý học sinh như thế nào, cùng phụ huynh và gia đình đôn đốc các em ôn tập ra sao khi học chính khóa sẽ không còn.
Để học sinh làm quen với cách thi mới, không bỡ ngỡ, Bắc Giang dự kiến sẽ tổ chức 2 đợt thi thử vào tháng 5 và tháng 6. Sở chú trọng việc biên soạn đề thi theo hướng mở, có tính phân loại cao để nhắm tới 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Chúng tôi có hai phương án: Hoặc thi tập trung, hoặc sẽ đưa nội dung về cơ sở, tổ chức tại các trường để học sinh không phải đi lại nhiều.
Ông Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: Những điều chỉnh trong quy chế thi hợp lý, hợp tình
Ông Nguyễn Hóa
Sau khi nghiên cứu quy chế (có so sánh, đối chiếu với bản dự thảo và những ý kiến góp ý trao đổi, đề xuất trước đây), Sở GD&ĐT Kon Tum hoàn toàn thống nhất với những nội dung được xây dựng trong Quy chế thi THPT quốc gia.
Đơn cử, thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi điều chỉnh hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30/4 hàng năm. (Dự thảo hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 1/4 hàng năm).
Điều chỉnh này rất hợp lý, giúp các trường chủ động trong việc tổ chức dạy học để hoàn thành chương trình theo quy định.
Đồng thời, giúp học sinh có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn môn thi phù hợp cho việc tốt nghiệp và vào các trường ĐH, CĐ theo nguyên vọng và khả năng của mình. Mặt khác, hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh được hoàn thiện đầy đủ hơn.
Về cụm thi:, theo quy chế, cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Đây là quy định phù hợp. Bởi vì: Việc sở GD&ĐT chủ trì tạo ra sự chủ động cho công tác tổ chức thi của các sở tại tỉnh; việc phối hợp với trường ĐH tạo ra sự khách quan cần thiết cho kỳ thi; đồng thời tạo được sự ổn định về mặt tâm lý cho học sinh thi tại địa phương, nhất là các em học sinh DTTS, học sinh vùng sâu, vùng khó khăn.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, công bằng và an toàn trong việc tổ chức thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT tại tỉnh, chúng ta cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Về việc sử dụng thang điểm 10, theo chúng tôi có những ưu điểm sau:
Phù hợp với cách dạy học và kiểm tra, đánh giá hiện nay tại các trường phổ thông, tạo sự ổn định về mặt tâm lý cho giáo viên khi làm nhiệm vụ chấm thi.
Không cần thiết phải thay đổi thang điểm khi chấm bài và sử dụng kết quả bài thi của học sinh. Bởi vì nếu muốn phân hóa học sinh, chúng ta có thể thực hiện ở thang điểm 10 bằng cách chia nhỏ điểm trong đề thi và đáp án chấm thi. Sử dụng thang điểm 10 cũng thuận lợi trong việc xác định điểm xét và công nhận tốt nghiệp.
Theo Giaoducthoidai.vn
Nhiều cơ hội nhận học bổng toàn phần từ chính phủ Úc cho ứng viên Việt Nam Trong năm học 2016, Học bổng Chính phủ Australia sẽ trao 140 suất học bổng cho các ứng viên Việt Nam xuất sắc có nguyện vọng học sau đại học tại Australia. Vòng tuyển chọn từ ngày 1/2 đến 31/3/2015. Chương trình Học bổng Chính phủ Australia có mục tiêu phát triển chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo cho các ứng viên...