Các địa phương chưa tính cho học sinh đi học trở lại
Ngày mai là hết thời gian cách ly xã hội, nhưng nhiều tỉnh, thành chưa tính đến chuyện cho học sinh đến trường do Covid-19 còn phức tạp.
Ngày 14/4, ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, cho biết từ ngày 27/3 khi chưa có chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội, Sở đã có công văn cho toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ đến khi có thông báo mới. Hiện Sở chưa đặt vấn đề cho học sinh quay trở lại trường học vì khả năng lây lan Covid-19 ngoài cộng đồng rất lớn.
“Để đưa ra quyết định cho học sinh đi học hay nghỉ, chúng tôi phải thảo luận với ngành y tế tỉnh, sau đó báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh. Trường hợp kiểm soát dịch tốt, không có khả năng lây lan, phụ huynh an tâm mới có thể tính chuyện cho học sinh đi học”, ông Truyền nói và cho biết trước mắt Sở vẫn triển khai dạy học qua Internet, truyền hình để vừa đảm bảo kiến thức, vừa an toàn cho học sinh.
Dù Phú Thọ chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19, khả năng lây lan cộng đồng vẫn cao, vì giáp với Hà Nội, địa phương có 127 ca mắc Covid-19, nhiều nhất cả nước. Đặc biệt, một số bệnh nhân dương tính nCoV ở Hà Nội có lịch sử dịch tễ phức tạp như “ bệnh nhân 243″ ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.
Trường Tiểu học Phan Đình Giót, Hà Nội, vắng học sinh từ đầu tháng 2 tới nay. Ảnh: Ngọc Thành.
Tương tự, Bình Thuận cũng chưa có kế hoạch cho học sinh trở lại trường. Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, cho biết sẽ đợi quyết định của Thủ tướng về việc có gia hạn cách ly xã hội hay không, sau đó chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch thi THPT quốc gia.
“Dù ngày mai hết hạn cách ly xã hội, chúng tôi chưa có ý định tham mưu cho UBND tỉnh cho học sinh trở lại trường vào tuần này hoặc tuần sau”, ông Thái nói và giải thích hiện tình hình dịch bệnh ở Việt Nam chưa ổn. Qua tìm hiểu tâm lý của nhiều phụ huynh, ông nhận thấy bố mẹ chưa yên tâm cho con đi học. Nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang chờ đợi như Bình Thuận.
“Kể cả học sinh trong tỉnh đi học trở lại cũng không có nhiều ý nghĩa nếu đa số tỉnh khác tiếp tục cho nghỉ. Học sớm, kết thúc chương trình sớm cũng vẫn phải chờ cả nước rồi mới thi THPT quốc gia được. Thời điểm này rất khó để đưa ra phương án cho các em đi học”, ông Thái bày tỏ.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận nhận định nếu tỉnh tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới, số người nhiễm bệnh tại Việt Nam trong tầm kiểm soát, học sinh trong tỉnh có thể đi học vào đầu tháng 5. Lúc đó vẫn đảm bảo thời gian học và ôn tập để thi THPT quốc gia, nếu muộn kỳ thi khó đảm bảo chất lượng.
Video đang HOT
Bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam cũng đang chờ quyết định của Thủ tướng về việc cách ly xã hội và hướng dẫn của UBND tỉnh.
Do Hà Nam giáp Hà Nội, bà Lụa cho rằng tỉnh cần cân nhắc kỹ trước khi lên phương án đón học sinh trở lại trường. “Chúng tôi chưa xây dựng kế hoạch cho học sinh đi học vào tuần này và tuần sau, cần nghe ngóng và trao đổi thêm với các tỉnh khác”, bà Lụa nói.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng chưa tính đến chuyện cho học sinh đi học do tình hình Covid-19 phức tạp, xuất hiện ổ dịch mới. Hơn nữa, việc giảng dạy qua Internet, truyền hình của thành phố đang dần đi vào ổn định, đáp ứng được việc tiếp thu, ôn luyện kiến thức của học sinh.
“Việc học sinh nghỉ thêm ở thời điểm này cũng phù hợp với dự tính và khung thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, nói và cho hay trong hôm nay hoặc ngày mai, Sở sẽ xin ý kiến UBND thành phố về việc này.
Nhiều tỉnh thành khác cũng chưa bàn việc ra thông báo mới cho học sinh trở lại trường như Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Hôm 10-11/4, một số tỉnh, thành đã có công văn hỏa tốc cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới, như: Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.
Năm học 2019-2020, 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 (trong tổng số 35-37 tuần) thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Hiện hầu hết tỉnh thành cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học.
Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cắt giảm chương trình học, công nhận kết quả học trực tuyến, công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia.
Đến ngày 14/4, Covid-19 xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,9 triệu người nhiễm, gần 120.000 người chết. Tại Việt Nam, 265 người mắc Covid-19, chưa ai tử vong.
Dương Tâm – Thanh Hằng
Covid-19: "Biến nguy thành cơ" để ngành giáo dục thực hiện chuyển đổi số
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông với ngành GD&ĐT trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngày 26/3.
Chuyển đổi số ngành Giáo dục sẽ tạo tiền đề cho nhiều lĩnh vực khác
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong những năm gần đây, ngành Giáo dục rất quan tâm và tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào trong các hoạt động của mình. Chuyển đổi số trong ngành giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn tác động rất lớn đối với đất nước, trước mắt và cả trong lâu dài.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Theo Bộ trưởng, nếu được đào tạo về kỹ năng chuyển đổi số và thực hành tốt về công nghệ, nguồn lực con người sẽ đóng góp vào sự phát triển của chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh quốc gia. "Bộ GDĐT rất ý thức về cơ hội này".
Để thực hiện được nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Giáo dục, Bộ trưởng đề cập đến 4 nhóm việc cần tập trung chỉ đạo. Trước hết là phải thống nhất nhận thức của đội ngũ giáo viên, học sinh và những người có liên quan.
Thứ 2 là có được nền tảng CNTT đồng bộ, từ máy chủ, đường truyền, băng thông, cũng như các ứng dụng để vận hành hệ thống, bài giảng, công nghệ quản lý, kế hoạch, chương trình, nội dung...
Thứ 3 là cơ chế chính sách. Bên cạnh cơ chế chính sách chung của quốc gia, ngành Giáo dục đã có nhiều văn bản, chính sách liên quan đến nội dung này.
Đầu tiên là chính sách đối với giáo viên. Trong chuẩn giáo viên vừa được ban hành, có một tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó là các quy định, thông tư đối với bậc đại học về dạy và học từ xa.
Riêng đối với phổ thông, đặc biệt cấp học thấp, phương thức truyền thống là tương tác để phát triển phẩm chất, năng lực là rất quan trọng. Dạy học qua internet, trên truyền hình là một trong những phương thức hiệu quả, bổ trợ, để cùng phương pháp trực tiếp tạo nên môi trường sinh thái cho việc dạy học; tạo ra một nền tảng để học tập suốt đời cho những công dân trong tương lai.
Ngoài ra, cũng phải có chính sách để huy động lực lượng xã hội. Đối với dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình, một mặt nhà nước đầu tư, mặt khác phải huy động từ nguồn lực xã hội. Nếu thiếu chính sách tạo động lực này, chủ trương chuyển đổi số trong ngành Giáo dục không thể thành công.
Nhóm giải pháp thứ 4 là những người trong ngành phải am hiểu về kỹ năng sử dụng công nghệ mới trong dạy và học, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ GDĐT sẽ đưa ra những hướng dẫn cho giáo viên một cách bài bản để việc áp dụng công nghệ được hiệu quả.
"4 nhóm yếu tố này mà tốt thì chủ trương số hóa và ứng dụng CNTT trong ngành Giáo dục sẽ tốt. Từ đó tạo nên thành công trong việc chuyển đổi số ngành giáo dục. Đây là tiền đề quan trọng để chuyển đổi số thành công trong nhiều lĩnh vực khác" - Bộ trưởng khẳng định.
Đưa môn CNTT vào chương trình học bắt buộc từ lớp 3
Trước những thách thức do dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, giống như nhiều ngành khác, Giáo dục cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khắc phục khó khăn này, giai đoạn đầu, ngành Giáo dục đã có giải pháp lùi thời gian kết thúc năm học.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Giáo dục không chỉ lùi thời gian mà còn đang tập trung rà soát để tinh giản nội dung chương trình của học kỳ 2 của các cấp học, nhất là lớp 9 và lớp 12 với phương châm tinh giản nội dung nhưng không "buông lỏng" chất lượng. Từ đó tổ chức xây dựng các bài giảng điện tử hoặc các bài giảng để ứng dụng trên các hạ tầng công nghệ.
"Các bài giảng này phải được thẩm định thống nhất. Bên cạnh đó, trên cơ sở nội dung đã tinh giản, Bộ GDĐT sẽ ban hành bài thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020" - Bộ trưởng nói.
Chia sẻ về những nỗ lực của ngành Giáo dục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là việc thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời cho rằng, nếu chỉ riêng ngành Giáo dục thì dù cố gắng đến mấy cũng sẽ khó thực hiện bởi hạn chế về điều kiện tài chính, hạ tầng... Do vậy, sự đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông là vô cùng quan trọng, thiết thực, đặc biệt ở thời điểm này.
"Bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương, các cơ sở giáo dục còn phải kể tới vai trò của các tập đoàn, công ty công nghệ trong việc bước đầu tạo ra một nền tảng cơ bản cho chuyển đổi số ngành Giáo dục. Bộ GDĐT sẽ kiên trì với chủ trương tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, không chỉ trong mùa dịch này mà còn phát triển trong thời gian tiếp đó. Từ đó biến nguy thành cơ và có được những kết quả tốt" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để chuẩn bị dài hơi hơn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GDĐT sẽ đưa môn CNTT vào chương trình học bắt buộc từ lớp 3, cùng với môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để từ đó tạo nên một thế hệ "công dân toàn cầu" có kiến thức kỹ năng về CNTT, chuyển đổi số và trình độ tiếng Anh để hội nhập tốt với thế giới.
Bộ GDĐT cũng sẽ tiếp tục cùng với Bộ TTTT nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nói chung, đặc biệt liên quan đến ứng dụng công nghệ trong dạy học qua internet, trên truyền hình; để chủ trương, các hoạt động hỗ trợ hợp tác giữa hai Bộ thực sự thiết thực, hiệu quả, tạo đột phá trong chất lượng giáo dục.
Hồng Hạnh
Đồng Nai: Học sinh lớp 12 học kiến thức mới trên truyền hình từ ngày 23/3 Ngày 21/3, Sở GD-ĐT Đồng Nai đã có văn bản gửi các cơ sở GD trên địa bàn về tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ học do dịch COVID-19. Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn của Sở GD-ĐT vào ngày 12/3...