Các chuyên gia nói dịch virus Corona ngày càng giống đại dịch toàn cầu
Các chuyên gia trên thế giới bày tỏ lo ngại rằng virus Corona ngày càng giống một đại dịch toàn cầu, nhưng không rõ số người chết vì virus có thể tăng đến mức nào.
Các nhân viên y tế Trung Quốc đưa người nhiễm virus đi cách ly.
Theo New York Times, virus Corona ngày càng lây lan mạnh ở Trung Quốc và đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các nhà khoa học vẫn chưa rõ virus Corona nguy hiểm đến mức nào và vì vậy rất khó để ước tính thiệt hại và số người chết do virus. Nhưng có một điều chắc chắn rằng virus rất dễ lây từ người sang người.
Virus Corona lây lan mạnh giống như bệnh cúm, hơn là các chủng virus cùng họ chậm hơn nhiều như SARS và MERS.
“Virus lây lan rất, rất nhanh, gần như chắc chắn đây sẽ là một đại dịch”, bác sĩ Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ở Mỹ, cho biết. “Nhưng nó có phải là thảm họa hay không? Tôi không biết”.
Các mô hình tính toán ước tính số người nhiễm virus Corona đã lên tới 100.000 người. Số liệu Trung Quốc công bố chính thức tính đến ngày 2.2 là hơn 16.500 ca nhiễm ở đại lục, 360 người chết.
Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 ghi nhận 20-50 triệu người chết.
Virus SARS trong quá khứ lây nhiễm trong 9 tháng nhưng chỉ có 8.098 trường hợp nhiễm bệnh. MERS còn chậm hơn nhiều, chỉ có 2.500 trường hợp.
Video đang HOT
Tỉ lệ người chết vì virus Corona hiện chỉ ở mức 2%, nhưng vì dịch bệnh chưa kết thúc nên chưa thể vội đưa ra kết luận. Tỉ lệ người chết với virus SARS là 10% và virus MERS là 30%.
Năm 1918, bệnh cúm Tây Ban Nha cũng chỉ có tỉ lệ tử vong là 2,5%, nhưng vì nó lây nhiễm quá nhiều người, nên số người chết ước tính từ 20-50 triệu người.
“Càng ngày càng thấy không thể kiểm soát được virus”, bác sĩ Thomas R. Frieden, cựu giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ở Mỹ, cho biết. “Nó lây lan nhanh như bệnh cúm, nhưng không biết đến mức nào nó mới ngừng lại”.
Các chuyên gia hiện vẫn cần nghiên cứu thêm để có đánh giá toàn diện về virus. Việc phong tỏa biên giới, ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc không phải là biện pháp ngăn chặn hoàn toàn virus, nhưng nó sẽ giúp các chuyên gia có thêm thời gian để phát triển thuốc đặc trị và vaccine, theo New York Times.
“Virus lây lan như H1N1 hơn là SARS. Tôi cảm thấy rất quan ngại”, bác sĩ Peter Piot, Giám đốc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh ở London, Anh, nói. “Tỉ lệ tử vong 1% cũng có nghĩa là 10.000 người chết trong 1 triệu người lây nhiễm”.
Bác sĩ Ấn Độ theo dõi người trở về từ Trung Quốc.
Mô hình dịch tễ học do Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu công bố hôm 31.1 ước tính 75% người nhiễm bệnh đến châu Âu từ Trung Quốc vẫn đang trong thời kỳ ủ bệnh và do đó không thể phát hiện được ở các sân bay.
Có khả năng virus Corona sẽ biến mất khi thời tiết ấm lên, giống như các loại virus cúm thông thường. Virus SARS hay MERS cũng chỉ hoạt động mạnh vào mùa đông.
Nhưng dù virus có biến mất vào tháng 6, tháng đỉnh điểm của nắng nóng, một đợt lây nhiễm mới hoàn toàn có thể quay lại vào các mùa đông sau đó, giống như các đại dịch cúm trong quá khứ. Đến lúc đó, có lẽ các chuyên gia đã tìm ra phương pháp đặc trị virus Corona, theo New York Times.
Phương pháp chữa trị hiện tại là kết hợp giữa thuốc kháng virus HIV và thuốc kháng virus cúm. Thái Lan hôm 2.2 thông báo kết quả tích cực khi điều trị một bệnh nhân nhiễm virus Corona theo cách trên.
Theo danviet.vn
Việt Nam từng có dịch lớn hơn nCoV cũng chưa công bố tình trạng khẩn cấp
Đêm 31/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đã họp bàn về nhiều giải pháp phòng chống dịch như: Bảo đảm cung cấp đủ khẩu trang y tế, kiểm soát cửa khẩu, có nên ban bố tình trạng khẩn cấp hay chưa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh do nCoV gây ra, chủ trì cuộc họp nhằm triển khai Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch
Về việc Việt Nam có nên công bố tình trạng y tế khẩn cấp sau khi Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tuyên bố dịch nCoV ở Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, GS.TS Nguyễn Thanh Long - tân Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư.cho biết, việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc (trên 10.000 người mắc mới ban bố tình trạng khẩn cấp), số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh...
Việt Nam từng đối phó với nhiều dịch bệnh nguy hiểm nhưng chưa bao giờ công bố tình trạng y tế khẩn cấp (Ảnh minh họa)
Việt Nam đã đối mặt với nhiều dịch bệnh lớn nhưng cũng chưa từng công bố tình trạng y tế khẩn cấp. Cụ thể như năm 2009, số lượng người mắc virus A/H1N1 lên tới gần 10.000 người, 22 ca tử vong nhưng chúng ta cũng không công bố tình trạng khẩn cấp.
Cho đến nay, Việt Nam mới có 5 ca nhiễm nCoV, 97 người nghi nhiễm được cách ly y tế (65 người đã cho kết quả âm tính, 32 người đang chờ kết quả xét nghiệm), việc thu dung, điều trị và theo dõi những người tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh cũng như việc khử trùng những nơi bệnh nhân tiếp xúc đã được thực hiện cẩn thận.
Các địa phương cũng đã làm tốt công tác kiểm soát, cách ly các đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho hay, hiện nay Trung Quốc đang có gần 10.000 ca bệnh nCoV, 213 người tử vong và đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch nCoV, nhưng cũng chưa công bố tình trạng y tế khẩn cấp.
Về nguyên nhân WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch nCoV ở Trung Quốc, bà Satoko - đại diện WHO tại Việt Nam đã cho biết, quyết định này được dựa trên một số yếu tố bao gồm: Nguy cơ lây lan dịch bệnh ra quốc tế và khả năng cần thiết phải có sự phối hợp quốc tế để ngăn chặn bệnh dịch. Ý nghĩa của việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhằm mục đích khẳng định chúng ta cần phối hợp toàn cầu, cần sự hỗ trợ nhau để đáp ứng phòng chống dịch bệnh.
"Chúng tôi hiểu sự băn khoăn, thắc mắc, thậm chí sợ hãi của công chúng sau khi WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, tôi khẳng định sự công bố này không nâng mức đe dọa của dịch bệnh trên toàn cầu mà chỉ muốn toàn cầu cùng chung tay, phối hợp, hỗ trợ nhau để phòng chống dịch. Chúng ta nhìn thực tế phần lớn ca bệnh chỉ được báo cáo tại Trung Quốc chứ chưa lây lan rộng, các ca tử vong cũng ở Trung Quốc.
So sánh giữa dịch SARs và dịch nCoV do 2 chủng của virus corona gây ra
Dù đã có ca xâm nhập ra 22 nước và vùng lãnh thổ khác, nhưng chỉ chiếm số ca rất ít. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại hơn tới việc dịch này lây lan sang các nước mà y tế chưa đủ mạnh để đáp ứng việc ngăn chặn dịch bệnh. Do đó, việc toàn cầu cùng sát cánh bên nhau phòng chống dịch bệnh là cần thiết" - bà Satoko nói.
Hiện nay đang xảy ra tình trạng "cháy" mặt hàng khẩu trang y tế phòng dịch, tăng giá bất thường khẩu trang y tế. Về điều này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế (khẩu trang N95, khẩu trang 3 lớp), có khả năng sản xuất đủ khẩu trang y tế tại mùa dịch này. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt là tập trung kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng găm hàng, đầu cơ, tăng giá khẩu trang y tế; chỉ xuất khẩu khẩu trang y tế khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép,...
Tính đến 23h30 ngày 31/1, toàn thế giới đã có 9.960 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) và 213 trường hợp tử vong. Riêng ở Trung Quốc là 9.812 ca mắc và 213 ca tử vong. 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng đã ghi nhận có ca mắc nCoV với tổng số là 148 ca.
Các đại biểu cũng có ý kiến đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương giảm quy mô hoạt động của các lễ hội; rút ngắn thời gian tổ chức lễ hội xuống mức tối thiểu; khuyến khích 100% người dân đeo khẩu trang khi tham gia lễ hội... Còn Sở GDĐT cũng cần phối hợp với Sở Y tế để theo dõi diễn biến dịch bệnh và đề xuất các giải pháp cần thiết để phòng dịch trong trường học.
Các biện pháp tuyên truyền cũng cần tăng cường để người dân hiểu về tình hình bệnh dịch, bình tĩnh và tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 31/1/2020 thành lập Tổ công tác về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra tại Văn phòng Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Các thành viên Tổ công tác gồm: Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tổ công tác có nhiệm vụ cập nhật thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (dịch bệnh nCoV), hằng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp, phương án phòng, chống dịch bệnh nCoV.
Theo danviet.vn
Hà Nội huy động toàn bộ hệ thống chính trị phòng, chống dịch Corona Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) gây ra là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và yêu cầu trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, các hội nghị, hội thảo dành ưu tiên cao nhất cho...