Các chuyên gia giáo dục đề xuất mô hình phòng chống bạo lực học đường
Bạo lực học đường là vấn đề không riêng biệt của học đường Việt Nam, mà bạo lực học đường ở nhiều quốc gia cũng diễn biến phức tạp và “khó đoán” hơn. Chính vì thế, các chuyên gia đề xuất giải pháp, mô hình cụ thể để phòng chống bạo lực học đường ở Việt Nam thực sự hiệu quả.
Chương trình phòng chống bạo lực: Không thể chỉ dạy vài giờ
PGS.TS.Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục (trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN) cho biết: Theo số liệu của UNESCO (2017) con số trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm lên đến 246 triệu người trên toàn thế giới. Số liệu của Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát trên 5 quốc gia là Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy cứ 10 học sinh thì có 7 em từng trải nghiệm bạo lực học đường. Quốc gia có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực cao nhất là Indonesia (84%); thấp nhất là Pakistan với 43%.
PGS.TS.Trần Thành Nam cũng chỉ ra những mô hình phòng chống bạo lực học đường trên thế giới, từ các mô hình đó, TS Trần Thành Nam nêu quan điểm: Cần đưa ra một quy trình hành động phòng chống bạo lực học đường áp dụng một cách nhất quán và liên tục, kết hợp phòng ngừa và can thiệp, phối hợp các chương trình xã hội, nhà trường, nhóm nhỏ và cá nhân.
Cũng cần nhận ra và xử lý tốt những yếu tố làm suy giảm hiệu quả của chương trình phòng chống bạo lực học đường như chương trình chung không phân biệt đối tượng lứa tuổi, lý do sử dụng bạo lực. Không đánh giá và có kế hoạch hỗ trợ cho tất cả học sinh tham dự hoặc chứng kiến hành động bạo lực. Không có hoạt động sàng lọc phân loại và chương trình can thiệp tập trung cho những trẻ đã và đang sử dụng bạo lực (5% số này gây ra đến 30-40% các vụ việc). Có tài liệu, văn bản hướng dẫn nhưng không áp dụng hay thực hiện. Chỉ dạy vài giờ cho có, cho qua về giáo dục pháp luật, ý thức về phòng chống bạo lực học đường cho giáo viên, học sinh hay ban giám hiệu Nhà trường.
Không tiếp tục giám sát và kiểm tra sau một thời gian thực hiện các hoạt động phòng chống bạo lực học đường dẫn đến suy giảm chất lượng. Không đánh giá được hoặc không khai thác sử dụng được hiệu quả các nguồn lực của Nhà trường và các bên liên quan trong thiết lập môi trường an toàn xung quanh trường học.
Quan tâm đến niềm hạnh phúc của học trò là giải pháp vì thế hệ tương lai. Ảnh:P.T
Thầy cô chủ nhiệm phải là điểm tựa của học sinh
Ở địa phương vừa xảy ra nữ sinh bị đánh hội đồng gây chấn động thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Phê – GĐ Sở GD&ĐT Hưng Yên cho rằng: Sự việc bạo lực học đường xảy ra tại một trường THCS của Hưng Yên, là một trường hợp đáng tiếc, cá biệt. Tỉnh đã có chỉ đạo kịp thời, quyết liệt xử lý nghiêm để làm gương. Ngành giáo dục cũng đã có văn bản chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống bạo lực học đường.
Ông Nguyễn Văn Phê, cũng chia sẻ rằng, mặc dù Sở đã triển khai kế hoạch phòng chống bạo lực học đường hàng năm đến tận các cán bộ quản lý, nhưng một số cán bộ quản lý triển khai tại đơn vị mình còn hời hợt nên giáo viên chưa nắm chắc, từ đó xử lý các việc chưa được hiệu quả như mong muốn.
Video đang HOT
“Các thầy cô chủ nhiệm phải là điểm tựa của học sinh, phải là người tin cậy nhất để các em chia sẻ các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, học tập; là cầu nối giữa học sinh và gia đình, giữa học sinh với đội ngũ thầy cô trong nhà trường với lãnh đạo trường, với các tổ chức trong nhà trường. Và là người gần gũi nhất, phân tích giúp học sinh, cùng học sinh đẩy lùi các tệ nạn xã hội ra xa trường học” – ông Nguyễn Văn Phê trao đổi.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, khi cô giáo, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm dần, sẽ không hết được nhưng từ chuyện to sẽ thành nhỏ, từ nhỏ sẽ thành không có gì. “Tôi cho đây là cách giải quyết hiệu quả trong vấn đề giải quyết bạo lực học đường”.
“Trong 8 năm đưa giá trị sống và kỹ năng sống vào trường, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thay đổi hoàn toàn về cách tiếp cận và xử lý những vấn đề thuộc về an toàn nhà trường và bạo lực học đường. Các thầy cô giáo của chúng tôi đã được học những khóa giá trị sống và đã xử lý vấn đề của mình tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, học sinh hạnh phúc hơn” – ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị ngành giáo dục các cấp tăng cường phổ biến các quy định pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường, đặc biệt là các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Thông tư của Bộ liên quan đến vấn đề này. Trước tình trạng vẫn còn một số nơi chưa xử lý nghiêm giáo viên vi phạm, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc chủ trương của ngành là nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo thì trước hết không cho đứng lớp, chứ không thể đẩy từ lớp nọ sang lớp kia. Sau đó, căn cứ vào mức độ vi phạm đến đâu thì xử lý nghiêm đến đó theo quy định của pháp luật.
Phan Thủy
Theo phapluatxahoi
Phòng, chống bạo lực học đường: Không nghiêm thì sẽ bị nhờn
Văn bản, quy định pháp lý để phòng ngừa và xử lý bạo lực học đường đã khá đầy đủ nhưng diễn biến của tình trạng này ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Điều đó đòi hỏi sự 'vào cuộc' có trách nhiệm hơn từ những người có liên quan thay vì những quy định chỉ mãi nằm trên giấy.
Nữ sinh lớp 9 bị bạn đánh hội đồng và lột quần áo ở Trường THCS Phù Ủng (H.Ân Thi, Hưng Yên) ngày 22.3.2019 - TTXVN
Sáng 17.4, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường với sự tham gia của tới khoảng 20.000 giáo viên, cán bộ quản lý trên toàn quốc.
Lơ mơ về quy định, dung túng trong xử lý
Đại tá Phạm Mạnh Thường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, cho biết từ năm 2010 tới nay có 25% vụ việc liên quan tới an ninh an toàn học đường phải xử lý hình sự, trong đó có những vụ mà ông cho rằng rất "phản cảm", như thầy giáo dâm ô hàng loạt học sinh (HS)...
Ngoài những nguyên nhân khách quan, ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác HS, SV (Bộ GD-ĐT), cho rằng có tình trạng chỉ đạo ở các địa phương chưa được thường xuyên; các quyết định chính sách của cấp trên, của Bộ GD-ĐT chưa được cập nhật, quán triệt hiệu quả ở các địa phương.
"Công tác chỉ đạo cũng chưa theo kịp cuộc sống. Thời gian qua một số vụ việc khi báo chí đưa tin thì các cơ quan mới vào cuộc để tiến hành xử lý. Các hiện tượng cá biệt về vi phạm đạo đức nhà giáo cũng như bạo lực học đường cũng xảy ra trong một số tình huống mà cách xử lý về nghiệp vụ sư phạm, kiểm soát cảm xúc cá nhân còn yếu ở một số giáo viên (GV)...", ông Linh nói.
Ý kiến thảo luận của đại diện nhiều địa phương cũng thừa nhận dù có rất nhiều văn bản, quy định, hướng dẫn... nhằm phòng ngừa bạo lực học đường nhưng chính cán bộ quản lý ở trường và GV lại rất... lơ mơ.
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên (nơi vừa xảy ra vụ nữ sinh Trường THCS Phù Ủng bị một nhóm bạn cùng lớp lột áo, bạo hành tàn nhẫn ngay tại lớp học), phát biểu tại hội nghị đã nhắc đến vụ việc này như một bài học đau lòng trong công tác phòng chống bạo lực học đường. Ông Phê thừa nhận, sau khi vụ việc này xảy ra, Sở GD-ĐT Hưng Yên tổ chức họp trực tuyến đến từng thầy cô để rút kinh nghiệm thì mới thấy, mặc dù Sở đã triển khai đến tận các cán bộ quản lý, nhưng một số nơi triển khai tại đơn vị mình còn hời hợt nên GV chưa nắm chắc, từ đó xử lý các việc chưa được hiệu quả như mong muốn.
Quảng Ninh cũng là địa phương xảy ra 2 vụ bạo lực học đường nghiêm trọng liên tiếp trong những ngày vừa qua. Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay trong ngày 18.4 tỉnh sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến tới tất cả các trường học trên địa bàn nhằm chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường và giữ an toàn, an ninh trường học.
Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nêu thực trạng nhiều GV chưa biết chỉ thị, quy định của chính ngành GD-ĐT về những vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh trường học.
"Qua ý kiến phát biểu thì thấy các thầy cô và cán bộ quản lý giáo dục cũng ít quan tâm tới các văn bản đã có khiến cho khi xảy ra vụ việc thì lúng túng trong khâu xử lý", ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu không kiểm tra, giám sát thì việc triển khai kế hoạch đôi khi chỉ nằm trên giấy.
Ông Nhạ cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương và sở GD-ĐT phải sát sao kiểm tra, nếu lãnh đạo các trường còn dung túng, không thực hiện nghiêm thì các lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở phải chịu trách nhiệm. "Nếu chúng ta không làm nghiêm ở từng bước thì các quy định sẽ bị nhờn", Bộ trưởng nhấn mạnh
Nhà giáo là nhà giáo dục chứ không phải "thợ dạy"
Giải pháp nhằm phòng chống bạo lực học đường được nhiều đại biểu đề xuất tại hội nghị vẫn là những giải pháp cũ, trong đó yêu cầu về việc thành lập bộ phận tâm lý học đường.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị Bộ sớm có định biên cho vị trí tư vấn tâm lý trong trường học thay vì kiêm nhiệm như hiện nay. Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, đề nghị sớm có bộ tài liệu chuẩn về giáo dục kỹ năng sống, dành thời lượng thích hợp cho nội dung này trong giờ dạy chính khóa thay vì lồng ghép và coi đó là hoạt động ngoài giờ lên lớp như hiện nay...
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng không quá thiên về đánh giá đây là nguyên nhân về đạo đức và kỷ luật mà đây là tâm lý lứa tuổi HS, tâm lý giáo dục của nhà trường và giải quyết nó dưới góc độ tâm lý giáo dục.
Từ quan niệm đó, thầy Hòa chia sẻ kinh nghiệm của trường mình và cho rằng điều quan trọng là không yêu cầu GV phấn đấu thi đua để trở thành GV dạy giỏi mà GV phải phấn đấu là một nhà giáo dục, một nhà tâm lý. "Một trường học có 60 nhà giáo thì phải có 60 nhà tâm lý chứ nếu cả trường chỉ trông chờ vào 1 - 2 người làm công tác tâm lý cũng không giải quyết được vấn đề", thầy Hòa nêu quan điểm.
Ông Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh quan điểm ngành GD-ĐT cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để "phòng" bạo lực học đường là chính chứ không phải chỉ nặng về xử lý chạy theo vụ việc. Các trường từ mầm non đến phổ thông phải cụ thể hóa các chương trình phòng chống bạo lực học đường bằng kế hoạch giáo dục của mỗi trường. Trong đó, phân công rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu, ban giám hiệu và các vị trí quan trọng khác trong nhà trường như GV chủ nhiệm, người làm công tác Đoàn - Hội và từng GV...
"Các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, không phải "thợ dạy". Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe", ông Nhạ nêu quan điểm.
Giáo viên vi phạm đạo đức không cho đứng lớp
Ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị 63 sở GD-ĐT phải thực hiện rất nghiêm túc các chủ trương của bộ, ngành. Nếu GV vi phạm đạo đức nhà giáo thì trước hết phải không cho tiếp tục đứng lớp chứ không phải đẩy sang lớp nọ lớp kia. Sau đó, tùy theo mức độ vi phạm đến đâu thì xử lý nghiêm đến đó theo quy định pháp luật.
Ông Nhạ nêu dẫn chứng, thời gian gần đây một số địa phương xử lý GV vi phạm đạo đức nhà giáo bằng cách đình chỉ có 3 hôm hoặc 1 tuần, sau đó lại chuyển sang dạy lớp khác. Như vậy, theo ông Nhạ là "không nghiêm túc, không tạo được tấm gương".
T.Ư Đoàn lên kế hoạch nhiều hoạt động xây dựng môi trường học đường an toàn
Phát biểu tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, cho rằng ở đâu tổ chức Đoàn, Đội phát triển mạnh thì ở đó hiệu quả giáo dục sẽ được nâng lên. Do vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện để cán bộ Đoàn và phong trào Đoàn, Hội được phát triển một cách tốt nhất trong các cơ sở giáo dục.
Anh Bùi Quang Huy cũng nêu kế hoạch phối hợp giữa T.Ư Đoàn với Bộ GD-ĐT trong thời gian tới nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Cụ thể, sẽ xây dựng một bộ tài liệu tuyên truyền, nhận diện để cung cấp cho các cơ sở giáo dục về phòng chống bạo lực học đường; tổ chức chiến dịch truyền thông lớn liên quan đến vấn đề này, trong đó mời một số nhân vật, nghệ sĩ nổi tiếng làm đại diện cho chiến dịch ở từng chủ đề khác nhau; tập huấn cho đội ngũ nòng cốt về kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em để đội ngũ này tập huấn lại cho cán bộ Đoàn, Đội ở các nhà trường... Bên cạnh đó, sẽ thành lập các câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em ở cấp T.Ư, thành lập các diễn đàn xây dựng văn hóa ứng xử, củng cố, nâng cao chất lượng các hộp thư "Điều em muốn nói" ở các nhà trường để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của HS....
Theo Thanh Niên
Ngăn chặn bạo lực học đường: Lấy giáo dục, nêu gương là chính Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục về bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, diễn ra ngày 17-4, đã thống nhất quyết tâm triển khai kế hoạch hành động về phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn, thân thiện năm 2019. Gần 20.000 đại biểu đã thể hiện...