Các chuỗi bán lẻ di động ‘căng mình’ đẩy mạnh bán hàng online giữa bão COVID-19
Ở thời điểm hiện tại, nhóm các cửa hàng di động, công nghệ không nằm trong nhóm thiết yếu được hoạt động trong mùa dịch.
Thúc đẩy bán hàng trực tuyến trong mùa dịch
Hôm 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 15 về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Trong chỉ thị này nhắc đến việc tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, bao gồm: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); Trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); Chợ dân sinh (gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); Các cửa hàng tạp hóa kinh doanh hoa, quả, trái cây; Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; Dịch vụ khám chữa bệnh; Dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, gas, khí đốt.
Điều này đồng nghĩa với việc các chuỗi cửa hàng kinh doanh các thiết bị công nghệ sẽ phải tạm dừng hoạt động. Cũng chính vì lý do này, nhiều chuỗi cửa hàng lớn đang đẩy mạnh quảng bá dịch vụ mua hàng trực tuyến.
Một chuỗi phân phối các sản phẩm công nghệ lớn hiện tại đang đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến với nhiều hỗ trợ cho khách hàng, ví dụ như mang nhiều mẫu mã đến để người dùng lựa chọn, không mua không sao hoặc mang cả máy cà thẻ tới nếu người dùng muốn thanh toán không tiền mặt. Đáng chú ý, chuỗi này cũng nhấn mạnh người giao hàng sẽ luôn đeo khẩu trang để đảm bảo vệ sinh.
Bên cạnh đó, các chuỗi phân phối lớn còn áp dụng nhiều hình thức giảm giá cho người dùng khi mua trực tuyến để kích cầu trong giai đoạn khó khăn này.
Video đang HOT
Người dùng Việt Nam chưa quen mua thiết bị công nghệ trực tuyến
Giao hàng miễn phí, tặng quà khủng, giao hàng siêu tốc… các chuỗi bán lẻ di động dường như đang làm mọi cách để thúc đẩy người dùng mua sắm trực tuyến.
Mặc dù thương mại điện tử khá phát triển ở Việt Nam trong vài năm gần đây, hành vi người dùng vẫn chưa quen việc mua trực tuyến các sản phẩm công nghệ giá trị lớn, cụ thể là điện thoại thông minh. “Điều này xuất phát từ tâm lý muốn trải nghiệm thiết bị trước khi ra quyết định mua, nhất là với dòng sản phẩm cao cấp,” anh Thắng, chủ một cửa hàng di động trên phố Thái Hà (Hà Nội), nói.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường GfK, từ tháng 8/2019 đến tháng 1/2020, thị trường Việt Nam chỉ tiêu thụ từ 170.000 máy đến 226.000 máy điện thoại mỗi tháng qua kênh trực tuyến. Trong khi đó, con số này trên kênh truyền thống (cửa hàng, trực tiếp) có thể dao động trong khoảng từ 800.000 máy đến 1,4 triệu máy.
Thực tế này đặt ra thách thức cho các chuỗi bán lẻ di động trong bối cảnh chưa thể mở lại cửa hàng di dịch bệnh.
Theo thống kê của Strategy Analytics, số lượng smartphone bán ra trên toàn cầu trong tháng 2 năm nay đã giảm tới 38% so với cùng kì năm trước, mức giảm lớn nhất trong lịch sử, vì những tác động tiêu cực của COVID-19.
Lê Nam Khánh
Nhiều cửa hàng di động đóng cửa, nhân viên tạm nghỉ vì dịch Covid-19
Kinh doanh khó khăn, cắt giảm nhân sự là tình cảnh chung của thị trường di động Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng.
Kể từ 0h00 ngày 28/3/2020, các cơ sở kinh doanh không cần thiết tại nhiều địa phương sẽ phải tạm thời đóng cửa dừng hoạt động nhằm phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Điều này đã gây ra những khó khăn không nhỏ đối với hoạt động của nhiều cơ sở kinh doanh, trong đó có ngành hàng di động.
Chia sẻ với Pv. VietNamNet, đại diện chuỗi bán lẻ CellphoneS cho biết, tính đến sáng 30/3, đã có tổng cộng 13 cửa hàng của đơn vị này phải tạm ngưng hoạt động. Đây đều là các cửa hàng tại khu vực Hà Nội, trong khi đó, 23 cửa hàng tại TP.HCM vẫn hoạt động bình thường.
Theo đó, các cửa hàng tạm ngưng phần lớn là đóng cửa ngừng hoạt động hẳn. Đơn vị này cũng không tiếp khách tại cửa hàng, chỉ duy trì một số ít cơ sở hoạt động bên trong để đóng hàng và giao hàng.
Một cửa hàng trên phố Bạch Mai (Hà Nội) đang phải ngừng hoạt động do dịch bệnh.
Chia sẻ thêm về tình cảnh của mình, doanh nghiệp này cho biết, do cửa hàng đóng cửa nên các nhân viên được cho nghỉ tạm thời ở nhà. Một số nhân viên lo lắng vì tình hình dịch bệnh kéo dài nên đã chủ động xin nghỉ, một số khác bị buộc phải cắt giảm do cửa hàng thắt chặt chi tiêu.
Với những nhân sự còn lại, họ được chuyển đổi từ công việc offline sang online, phục vụ việc đóng và giao hàng hoá tại nhà. Đây cũng là cách để đơn vị này có thể duy trì một phần doanh thu và giữ chân được khách hàng.
"Hi vọng dịch bệnh tại Việt nam có thể mau chóng được kiểm soát. Sau 2 tuần nữa, chúng tôi sẽ có các bước hành động tiếp theo về nhân sự khi thông tin về tình hình dịch bệnh rõ ràng hơn.", đại diện CellphoneS nói.
Không chỉ riêng chuỗi bán lẻ này, nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng di động, máy tính khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Mới đây, chuỗi siêu thị máy tính Phong Vũ cho biết sẽ tiến hành tạm dừng hoạt động 3 cơ sở tại Hà Nội trên các tuyến phố Trần Đại Nghĩa, Xuân Thuỷ, Thái Hà và một cơ sở tại Thái Nguyên. Việc giao dịch mua bán sẽ vẫn được tiếp tục dưới dạng online thay vì offline như trước.
Với một đơn vị khác là chuỗi bán lẻ FPT Shop, đại diện hệ thống này cho biết, các cửa hàng tại khu vực Hà Nội đã hoàn toàn đóng cửa. Trong khi đó, các cửa hàng của FPT Shop tại TP. HCM vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy vậy, đơn vị này sẽ lập tức triển khai việc tạm dừng hoạt động các cơ sở ở những nơi khác ngoài Hà Nội nếu phía chính quyền địa phương có yêu cầu.
Hiện tất cả các chuỗi bán lẻ di động lớn tại địa bàn Hà Nội đều đã ngừng hoạt động và chuyển sang bán hàng online.
Với các cửa hàng vẫn còn đang mở bán, chuỗi bán lẻ này sẽ thực hiện việc tối ưu nhân sự, chỉ duy trì dưới 20 người tại mỗi cửa hàng. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc cũng như phục vụ khách hàng, các nhân viên tại đây cũng được yêu cầu phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
Chia sẻ thêm, đại diện FPT Shop cho biết, các cửa hàng trong hệ thống sẽ thường xuyên thực hiện việc tiêu độc khử trùng và bảo đảm các nguyên tắc vệ sinh phòng dịch theo đúng hướng dẫn từ phía Bộ Y tế. Các biện pháp này bao gồm việc đeo khẩu trang, rửa tay, thường xuyên đo nhiệt độ,...
Tuy mỗi doanh nghiệp lại có một cách thức khác nhau để duy trì hoạt động của mình trong hoàn cảnh dịch bệnh, thế nhưng có thể dễ dàng nhận thấy những tác động của Covid-19 tới thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp và mỗi người dân đều mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để việc kinh doanh sớm có thể trở lại bình thường.
Trọng Đạt
Forbes: Vsmart muốn vượt mặt các đối thủ Trung Quốc "VinSmart có thể bắt đầu từ việc sản xuất các thiết bị tầm trung và nâng cấp lên sản xuất thiết bị cao cấp từng bước một", Matthew Xie, nhà phân tích di động của Canalys nói. Cũng giống như những nơi khác Đông Nam Á, điện thoại thông minh do Samsung một vài thương hiệu Trung Quốc sản xuất đang thịnh hành...